30-08-2020 - 14:41

Tản văn Giếng nước hồn quê của tác giả Linh Châu

Từ xưa đã có câu: “Có làng là có giếng”. Điều này thể hiện rõ tầm quan trọng của giếng nước trong đời sống của các làng quê Việt. Cùng với cây đa, mái đình, bến nước, giếng làng là nơi tụ thủy, tụ phúc, đã góp phần vẽ nên bức tranh đặc trưng về làng quê Việt Nam.

Ở quê tôi có khá nhiều giếng. Những giếng nhỏ thường được đặt theo tên của hộ dân ở gần đó nên nghe rất bình dị, gần gũi như giếng ông Mùi, giếng bà Mân… Còn chiếc giếng Phát Lát lâu đời, lớn nhất nằm ở ngay gần sân đình; dưới bóng cây đa cố thụ, thân to vài chục người ôm. Giếng Phát Lát ở Thạch Long quê tôi nổi tiếng với vị ngọt đến lạ, nhờ mạch nước tốt nên quanh năm bốn mùa, lúc nào nước cũng trong veo, mỗi khi đi làm đồng về khát là có thể xuống uống ngay được. Mỗi sáng sớm, nón nghiêng soi bóng vui thôn dã còn khi đêm về gái trai lại tụ tập đầu đình để trông trăng. Trăng càng lên cao bầu trời càng trong vắt và đen thẫm như một chiếc áo nhung đang thướt tha, trải dài một màu đen huyền lên mặt giếng, cùng với gió tạo nên những gợn sóng nhỏ lăn tăn, ánh lên một chút sắc vàng huyền diệu. 
Nước ở giếng Phát Lát mà dùng để pha nấu nước chè xanh hay pha trà thì ngon tuyệt cú mèo. Người Việt Nam mình vẫn thường hay có câu nói “ Miếng trầu là đầu câu chuyện”… Ăn một miếng trầu, uống bát nước chè xanh mới om từ nước giếng Phát Lát thật sảng khoái, thủng thẳng cùng bà con hàng xóm kể những câu chuyện không đầu không đuôi đã trở thành một thói quen của nhiều người làng tôi. Miếng trầu cay đậm đà tình làng nghĩa xóm kết hợp cùng bát nước chè sóng sánh hương đồng gió nội tạo nên vị ấm nồng của tình người trong hương đất hương trời; tạo nên một chất keo gắn kết vô hình những con người quê tôi.
Bà ngoại tôi vẫn thường hay kể câu chuyện của các cô gái làng Đan Trung ngày trước mỗi khi thấy các anh bộ đội mồ hôi nhễ nhại giữa trưa hè khi đi qua con đường rợp bóng tre xanh của làng đã mời cả đoàn uống chè xanh nấu từ nước giếng quê ấm áp dân tình. Những cô gái tuổi đôi mươi cười rang rang như nắng, mắt mang một màu nắng soi, dệt nên cổ tích tuổi hai mươi trong mơ màng màu nắng. Chỉ đơn thuần là bát nước trao nhau vội vàng thế thôi mà cũng đủ “se duyên” nhiều cặp đôi với những câu hẹn một mùa xuân giành thắng lợi trở về… Bước chân người lính ra đi mà vẫn trĩu nặng trong lòng xao xuyến hình bóng cô thôn nữ dịu dàng, e thẹn. Không nói đâu xa, câu chuyện tình yêu của cha mẹ tôi cũng có giếng làng làm chứng. Giếng cùng mẹ tiễn cha lên đường nhập ngũ. Giếng là nơi mẹ múc nước cho cha rửa chân sau mỗi lần hành quân mệt nhọc, nơi cha giúp mẹ gội mái tóc dài đen óng bằng nước hoa bưởi mang hương thơm giản dị mà nồng đượm. Đi xa vẫn nhớ giếng làng/ Tôi đi gánh nước có nàng cùng đi (Hoàng Minh Đức )


Giếng làng là một mảnh ghép ký ức không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Cũng như nhiều gia đình khác, nhà tôi cũng hay ra giếng lấy nước về đổ đầy chum vại để dự trữ. Vậy nên, từ khi còn bé xíu, tôi đã lon ton chạy theo mẹ đi gánh nước. Hình ảnh mẹ liêu xiêu gánh nước trên đôi vai gầy sao mà thương đến thế! Lớn hơn một tí, những buổi trưa hè, tôi lại lén trốn mẹ cùng bọn trẻ trong làng chạy khắp xóm, khi thì chơi đánh trận giả, khi thì kéo nhau chơi trò đồ hàng dưới gốc cây đa rồi lại tụ tập bên giếng, thi nhau múc những gàu nước mát rượi dội lên người giữa tiếng hò reo í ới, đôi khi lại bị ngã oạch một cái vì mải đuổi bắt nhau trên nền đất rêu trơn ướt. Khi đã trở thành một cô thiếu nữ, đi qua giếng lúc nào tôi cũng dừng lại dành vài phút nhìn xuống đáy giếng tự ngắm bóng mình hòa cùng đám mây trắng đang bay qua trên vòm trời cao xanh. Đến lúc trái tim đã biết yêu, thì đây là nơi chúng tôi hò hẹn khi tình duyên chớm nở…
      Đối với chúng tôi mà nói, chiếc giếng cổ không chỉ đơn thuần là nơi để mọi người lấy nước sử dụng hàng ngày mà còn là món ăn tinh thần, là ký ức, kỷ niệm của nhiều thế hệ đã sinh sống bao đời nay tại đây.Tồn tại qua nhiều thăng trầm, ngày nay giếng cổ là một phần ký ức không thể thiếu của bao con người quê tôi; là biểu trưng nguồn sống, là cầu nối giữa trời, đất và con người làng Đan Trung. Hàng ngày, người dân lại ra giếng làng mải miết kéo những xô nước mát lạnh từ dưới lòng giếng để sinh hoạt rửa rau, giặt quần áo rồi cùng nhau chân ướt chân ráo gánh nước về dùng. Những buổi trưa nóng nực, nông dân và khách qua đường dừng chân múc nước giếng phả vào hai cánh tay, uống dăm ba ngụm nước, giọt nước đi tới đâu biết tới đấy mát rượi, ngọt lịm đỡ khát, thân thể khỏe hẳn, chân lại bước tiếp. Còn với những người con xa quê lâu năm, sau một hành trình dài trở về, còn gì tuyệt hơn khi dừng chân uống hụm nước mát trong nơi giếng làng để cảm nhận từng hương vị ngọt ngào thanh khiết của giếng thấm trong mọi giác quan, nghe cả hồn quê lắng đọng trên da thịt, mát lành…..


Linh Châu

. . . . .
Loading the player...