Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao có màu sắc được gọi tên là màu mê mải và tại sao sắc vàng hoa cải lại rười rượi buồn đến thế. Màu vàng như níu kéo, như chờ mong, như thảng thốt bồi khiến lòng ta day dứt. Suy cho cùng mỗi loài được có mặt trên đời đều mang một thông điệp, một ý nghĩa ý nghĩa sâu sắc đối với những người yêu thương nó.
THẾ LÀ HOA CẢI VÀNG BÔNG
Tản văn
Khi vừa hết tết, chúng tôi mới lại về quê. Về quê dịp này là đông vui nhất bởi lúc đó làng tôi rộn ràng chuẩn bị cho ngày tế họ tổ tiên. Quê tôi, tế họ còn to hơn cả tết vì đó là ngày mà đông đủ con cháu khắp nơi trở về dâng hương lên tiên tổ, để nhận họ, nhận quê, để tìm về nguồn cội. Những ngày đó, làng ngập trong sắc vàng hoa cải. Không nhiều thì ít, mỗi khoảnh vườn đều lưu dấu một màu vàng chới lên trong nắng ấm cuối xuân rộn ràng.
Tôi vẫn nhớ ngôi nhà đó, một ngôi nhà nhỏ nằm sát bờ đê và con đường nho nhỏ được tạo ra bởi những lối đi trên cỏ rẽ vào ngõ nhà ông giáo già mùa này là đẹp nhất. Ai cũng bảo nhà ông giáo cũng kì, nhà chỉ mỗi hai ông bà, ăn uống nhiều nhặn gì đâu mà năm nào đến mùa cũng trồng nguyên một vườn cải. Rau ăn không hết trổ ngồng nguyên một vườn rộng.
Tôi vẫn thường tò mò về điều đó nhưng chưa một lần có dịp để hỏi. Mỗi lần về quê, tôi vẫn hay sang nhà ông giáo, khi thì đưa cho ông đôi cuốn tạp chí văn nghệ, khi đôi ba cuốn thơ hội viên tặng cho ông đọc hằng ngày. Ông giáo là người thích văn thơ nên cứ mỗi lần gặp nhau chúng tôi hàn huyên chuyện văn chương cả ngày không dứt.
Một lần chúng tôi cùng ngồi uống nước chè xanh và nhâm nhi hạt mứt, chúng tôi luận bàn về hoa cải. Vườn nhà ông giáo rộng. Bà giáo vẫn thường hái rau xuống chợ mỗi ngày. Khi thì mớ mồng tơi, khi bó rau muống, nạm mơ lông dọc bờ rào nhưng tuyệt nhiên bà giáo không bán rau cải. Vườn cải cứ thế xanh tốt mỡ màng. Chúng tôi có bàn về màu sắc của loài hoa giản dị này. Tôi không hiểu sao trong cảm nhận của mình màu hoa cải vàng thế kia lại cho ta một cảm giác tiếc nuối hoang hoải nào đó, phải chăng tại nó nở rộ vào dịp đã vãn xuân rồi nên mới có cảm giác dùng dằng không dứt. Những lúc đó, ông giáo chỉ lặng lẽ cười. Ông bảo ở quê, người đi xa bao lâu mới trở về cứ nhìn thấy hoa cải vàng là có cảm giác gần gũi thân thuộc. Bởi đó là loài hoa của quê nhà. Loài hoa của nỗi mong mỏi nên dẫu có có là cả cánh đồng nó cũng mang trong mình một nỗi buồn mê mải nào đó.
Có màu sắc của sự mê mải? tôi hỏi. Mới đầu ông giáo cười: trồng cải vừa là để tăng gia lại vừa có hoa để chơi tại. Bà giáo thích hoa cải nên ông chỉ chờ đến mùa để tặng cho bà ấy cả một vườn hoa. Nhưng sau khi đã trở nên thân thiết rồi tôi mới biết đằng sau khu vườn hoa cải đó còn có một câu chuyện buồn thương không nói hết của gia đình ông giáo: khi bà nhận được tin người con duy nhất của mình đã hi sinh ở cuộc chiến tranh biên giới phía bắc trong cuộc Tổng động viên toàn dân lịch sử tháng 2 năm 1979, bà giáo già đã quỵ xuống không dậy được nữa. Đến khi bà tỉnh dậy, nhìn qua ô cửa sổ bà thấy bóng con về trong vườn nở vàng hoa cải vàng rực rỡ. Từ đó, bao nhiêu năm trôi qua, mỗi mùa đông sang ông bà đều trồng cải. con ngõ dẫn vào nhà của ông bà sang xuân đều bao giờ cũng ngập vàng hoa cải. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao sắc vàng hoa cải nó cứ rười rượi buồn. Màu vàng như níu kéo, lại như dùng dằng, lại như chờ đợi mê mải.
Tôi mang theo nỗi niềm của ông bà giáo về phố. Những bức ảnh hoa cải vàng rực lên trong máy tính của tôi làm tôi bồi hồi. Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao có màu sắc được gọi tên là màu mê mải và tại sao sắc vàng hoa cải lại rười rượi buồn đến thế. Màu vàng như níu kéo, như chờ mong, như thảng thốt bồi khiến lòng ta day dứt. Suy cho cùng mỗi loài được có mặt trên đời đều mang một thông điệp, một ý nghĩa ý nghĩa sâu sắc đối với những người yêu thương nó. Như hoa cải, giản dị và dân giã thôi nhưng đó lại là loài hoa mà ông bà giáo già yêu thích nhất.