01-11-2017 - 20:42

Tập phóng sự truyền hình "Qua miền Tây Bắc" của nhà báoTrần Thị Phương Hoa

Nhà báo Phương Hoa và êkip làm ký sự đã đạt được mong muốn của mình và đưa tới cho người xem những khám phá mới mẻ về nhiều vùng đất, những hiểu biết chân thực về con người và cuộc sống của người Hà Tĩnh xa quê hương và bao trùm, xuyên suốt là tình yêu thương, nỗi đồng cảm sâu sắc của người ra đi và người ở lại vì hạnh phúc hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

TÂY BẮC XA – GẦN

(Lời tựa tập sách của nhà văn Đức Ban về tập phóng  truyền hình Qua miền Tây Bắc của nhà báoTrần Thị Phương Hoa- Phó Giám đốc Đài PTTH Hà Tĩnh)

 

Suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Hà Tĩnh là đất “phên giậu” của đất nước. Từ một nghìn năm Bắc thuộc đến các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, đất Hà Tĩnh cứ ngun ngút khói lửa chiến tranh. Đã thế thiên tai khắc nghiệt như dồn cả vào nơi đây: lũ lụt, bão tố, hạn hán, rét giá và nghèo đói… Người sinh ra trên đất này có thể ví như máu tụ đầu ngón tay, cung tên đặt trên lẫy nỏ.

Đã bao thời, nết đất ấy, thiên nhiên ấy không không níu giữ nổi con người. Trong các cuộc thiên di mở cõi về phía Nam, trong các cuộc ra trận phía Bắc, trong những chuyến đi tìm tri thức chốn kinh thành, những cuộc di dân tới “miền đất mới”, và cả những phiêu bạt bởi những lẽ riêng tư… người Hà Tĩnh đã bỏ nơi chôn rau cắt rốn đi ra bốn phương tám hướng, lấy đất khách làm quê hương thứ hai của mình. Từ rất lâu rồi người ta đã nói, có một Hà Tĩnh ở ngoài Hà Tĩnh.

Nhà báo Trần Thị Phương Hoa đã tìm đến Hà Tĩnh ở ngoài Hà Tĩnh ấy. Chị bảo, qua một số người thân của chị lập nghiệp, trưởng thành ở Đắc Lắk, Điện Biên, Hà Nội… chị biết được nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn của con người nó da diết, nó cồn cào thế nào; quê hương từ quả cà, bát nước chè xanh, bến nước, đường làng, đến những ngôi mộ tổ tiên… thao thức trong lòng họ ra sao. Và ý tưởng xây dựng một chuỗi ký sự truyền hình về những con người Hà Tĩnh ở xa quê cứ nung nấu trong lòng chị. Mãi đến năm 2013, nhờ sự giúp đỡ của Ban giám đốc Đài phát thanh và truyền hình Hà Tĩnh và bạn bè đồng nghiệp, ý tưởng của chị mới bắt đầu được thực hiện. Trần Thị Phương Hoa cùng một êkíp gồm đạo diễn, quay phim, dựng phim, tổ chức sản xuất lên đường bắt tay vào công việc. Một công việc biết trước sẽ vô cùng vất vả khó khăn. Là khắc họa con người, cảnh quan, ghi chép sự việc, sự kiện bằng hình ảnh kèm lời bình, nhưng phải là những con người có căn cước riêng của họ trong môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội họ đã và đang sống; phải đưa đến cho người xem biết về tính cách, phẩm tính, cốt cách, lý tưởng sống, cách thức làm ăn, thấy được cái sâu thẳm đằng sau những giọt nước mắt, những nụ cười của người Hà Tĩnh xa quê… Tất nhiên là phải đi để gặp gỡ trò chuyện, thâm nhập đời sống lao động, sản xuất, sáng tạo của người Hà Tĩnh ở nhiều nơi.

Gửi con nhỏ cho ông bà nội, ngoại, phó mặc việc trong nhà, ngoài ngõ cho chồng, “thân gái dặm trường”, Phương Hoa cùng êkip làm phóng sự “Người Hà Tĩnh muôn nơi”, đã đặt chân tới hầu hết các vùng miền của Tổ quốc. Từ miền Tây Nam Bộ mênh mang sông nước, mướt mát màu xanh cây trái, trập trùng rừng núi Tây Nguyên, cát trắng biển xanh miền Trung, dốc ngược đèo cao Tây Bắc, đến ồn ào hối hả Thủ đô… Ở những nơi ấy, chị đã gặp gỡ những cụ già, em bé, người chăn nuôi gia cầm, những người trồng lúa, người bán hàng rong, người đạp xích lô đến giáo sư, tiến sĩ khoa học, bác sĩ, diễn viên, nhà văn hóa, nhà thơ… Trần Thị Phương Hoa viết: “Chúng tôi đã chứng kiến những nụ cười mãn nguyện của họ khi những thành quả lao động được khẳng định sau bao nỗ lực nơi đất khách. Cũng đã nhìn thấy những giọt nước mắt nhớ nhung, thậm chí tủi cực của người con xa xứ… Có người thành đạt nổi danh nơi xứ người,nhưng cũng có người đang tần tảo cực nhọc hôm sớm vì bát cơm manh áo…” (Qua miền Tây Bắc; Tập I).

Tập đầu của ký sự truyền hình “Qua miền Tây Bắc” lên sóng lập tức nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả. Không chỉ mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt thương nhớ quê hương của người Hà Tĩnh xa quê mà phim đã lấy được cả nụ cười và giọt nước mắt của người Hà Tĩnh xem truyền hình. Phương Hoa bảo, có bạn xem truyền hình nói với chị rằng, ký sự “Người Hà Tĩnh xa quê” là một cuộc gặp gỡ cảm động của những con người ở cách xa nhau hàng trăm cây số dù không ruột rà máu mủ thì cũng chung quê hương bản quán. Còn điều nữa, phim đưa đến cho người xem những hiểu biết về một miền quê xa xôi, từ phong cảnh thiên nhiên, những thành quả kinh tế văn hóa – xã hội, đến phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, cách thức làm ăn… Và nữa, người xem sẽ được gặp những con người Hà Tĩnh thuộc nhiều thế hệ, thông minh, sáng tạo, khả ái, cần cù, đầy nghị lực, họ vượt qua hoàn cảnh khó khăn như thế nào, vươn lên xây dựng cuộc sống cho mình, cho cộng đồng ra sao.

“Qua miền Tây Bắc”, phần I của chuỗi ký sự truyền hình “Người Hà Tĩnh muôn nơi” mà các bạn có trên tay là một tác phẩm văn học? là những trang địa chí? Là kịch bản phân cảnh của một ký sự truyền hình?... Đọc kỹ ta có thể nhận ra có nhiều yếu tố của các thể loại ấy đậm, nhạt chổ này, chổ kia. Điều ấy thiết nghĩ không quan trọng khi mà “Qua miền Tây Bắc” đã đưa được người xem tới được những miền quê Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La đậm đà bản sắc. Mười tập ký sự, tập nào xúc cảm cũng khởi nguồn từ một bài thơ, một  ca khúc, một tùy bút – những tác phẩm văn học nghệ thuật từng sống trong tâm thức người Việt bao thế hệ: Những Tây Tiến của Quang Dũng, Sông Đà của Nguyễn Tuân, Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Lên miền Tây của Bùi Minh Quốc, Gửi em ở cuối sông Hồng nhạc Thuận Yến, lời thơ Dương Soái… Cần nói thêm về lời bình với ngôn ngữ giản dị, đằm thắm chất thơ lay thức được lòng người, về các cảnh quay viễn, trung, cận… đẹp, được tính toán kỹ, có tính chuyên nghiệp cao đã góp phần quan trọng cho sự thành công của Qua miền Tây Bắc. Đây đó, còn sự thừa lời, thiếu hình, sự khô khan, gượng gạo của phỏng vấn và sự lẫn lộn giữa lời dẫn và phân cảnh… Dẫu thế, Phương Hoa và êkip làm ký sự đã đạt được mong muốn của mình và đưa tới cho người xem những khám phá mới mẻ về nhiều vùng đất, những hiểu biết chân thực về con người và cuộc sống của người Hà Tĩnh xa quê hương và bao trùm, xuyên suốt là tình yêu thương, nỗi đồng cảm sâu sắc của người ra đi và người ở lại vì hạnh phúc hôm nay và muôn đời con cháu mai sau.

 Hà Tĩnh, tháng 4 – 2017

Nhà văn Đức Ban

 

 

. . . . .
Loading the player...