17-05-2022 - 15:27

Tập sách “Bác Hồ trong trái tim con” của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng

Nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập sách “Bác Hồ trong trái tim con” của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng, NXB Nghệ An xuất bản qua lời giới thiệu của nhà báo Nguyễn Khắc Hiển.

“BỒI HỒI NHỚ BÁC NỖI NÀO KHUÂY”

 

     Đó là câu kết trong bài thơ của tác giả Nguyễn Viết Dưỡng đưa vào trong tập sách “Bác Hồ trong trái tim con” được nhiều người đọc, người bình chọn nhất. Bài thơ “Thăm vườn Bác” này đã nói hộ lòng tác giả, một Đại tá ngành Công an, được rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành trong thời đại Hồ Chí Minh. Câu kết lại bài thơ chỉ với 7 từ “Bồi hồi nhớ Bác nỗi nào khuây” đã nói hộ lòng kính yêu vô bờ bến của tác giả với Bác Hồ. Bác luôn luôn trong trái tim anh, và anh thầm hứa rất nhiều lần trong các tác phẩm thơ, văn của mình: “Dù một ngày còn sống trên cõi đời này, tôi vẫn luôn học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác Hồ. Khi tuổi trẻ, tôi đã làm cách mạng theo lời kêu gọi của Bác, nay về già, tôi vẫn giữ cho mình một niềm tin yêu suốt đời với lý tưởng mà người đã chọn!”. (Nguyễn Viết  Dưỡng  với  những kỷ niệm thiêng liêng về Bác Hồ” in trong tập sách này).
     Biết nhau rồi chơi thân với nhau đến nay đã tròn 30 năm, từ những ngày về tỉnh mới, đến sau này theo sự phân công của trên, anh Dưỡng được giữ chức Trưởng phòng Bảo vệ an ninh văn hóa - tư tưởng Công an tỉnh, tôi làm cán bộ quản lý tờ báo của Đảng bộ tỉnh, hai anh em càng gắn bó, hiểu sâu về nhau hơn.
     Tôi với anh có rất nhiều kỷ niệm. Đáng nhớ nhất là tại sự kiện Trung Lương những năm đầu về tỉnh mới. Tôi cùng anh trong đoàn công tác của tỉnh về Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) làm việc, để lập lại trật tự sau vụ các phần tử quá khích chống đối. Khi đoàn vào đến đầu thôn, do bị những phần tử xấu kích động nên dân làng chống đối kịch liệt. Biết tôi là tổ trưởng báo chí, Vũ Thìn là thành viên của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đang chụp ảnh, quay phim điểm mặt những kẻ chống đối, chúng hung hãn ép Thìn giam vào kho Hợp tác xã, cướp máy camera. Còn tôi bị chúng phang một gậy, làm chiếc mũ cối đội trên đầu chẻ làm đôi, ngã vật xuống không biết gì nữa. May có anh Dưỡng là sĩ quan an ninh, gan dạ, xông xáo khéo léo bảo vệ đưa tôi ra quốc lộ 1A, vào thẳng sở chỉ huy chiến dịch. Nếu không có anh, tôi khó an toàn, khi phải vượt qua hàng cây số trước sự khống chế dày đặc của những người chống đối.
Nguyễn Viết Dưỡng thuộc lớp cán bộ trưởng thành sau năm 1966. Do sự nỗ lực ở phấn đấu anh được đi học lớp sĩ quan an ninh chính quy và sớm trở thành một cán bộ chuyên ngành an ninh có đức, có tài, đặc biệt là hết lòng trung thành với cách mạng, vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ trong mọi thời điểm. Vì thế mà không chỉ khi tại ngũ còn “đội mũ đeo sao” Công an, 18 năm sau nghỉ hưu, anh vẫn tiếp tục “chiến đấu” cho công việc chung khi vẫn được chính quyền và tập thể tín nhiệm. Anh tâm sự với tôi: “Thấy mình tuổi cao, sức khỏe giảm sút nhiều, vợ con khuyên nên xin nghỉ ngơi để người khác làm. Mình lại không nghĩ vậy. Ai cũng nghĩ cho riêng mình thì lấy ai lo việc chung cho xã hội. Bác Hồ đã dạy, việc gì có lợi cho dân thì nên làm”.

Tập sách “Bác Hồ trong trái tim con”

      Từ suy nghĩ đó, việc lớn hay nhỏ đã được cấp trên tin tưởng giao cho, anh đều làm một cách nhiệt tình, với trách nhiệm và hiệu quả cao. Chẳng thế mà ngoài các Huân, Huy chương, Kỷ niệm chương các loại, anh còn được trao 60 Giấy khen, Bằng khen của Chính phủ, UBND tỉnh, ngành Công an và các hội, ngành như Hội Luật gia, Hội Người cao tuổi, Thanh tra Nhà nước, Trung ương Hội Văn học Nghệ thuật, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Rất nhiều trong số đó là do thành tích của anh lập nên sau những năm tháng nghỉ hưu về khối phố.
     Là người yêu thích văn học khi còn rất trẻ, vốn có năng khiếu làm thơ lại sống trong một lĩnh vực công tác có điều kiện tiếp xúc nhiều với giới báo chí, văn học, nghệ thuật, Nguyễn Viết Dưỡng tự tìm tòi, nghiên cứu để nắm bắt “địa hạt” công việc liên quan phụ trách, rồi “đâm nghiền” sáng tác thơ lúc nào không rõ nữa. Vì vậy, về hưu năm 2004, năm 2006, anh được kết nạp vào Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh. Từ năm 2003 đến 2017, anh đã cho ra đời liên tiếp 6 tập thơ.
     Tập “Bác Hồ trong trái tim con” lần này, anh tập trung vào một chuyên đề, đó là viết về Bác Hồ. Bao gồm hơn 20 bài thơ, tác giả viết về những cảm nghĩ của mình về Bác; những bài bình, bài báo của bạn bè, đồng nghiệp về những bài thơ của anh viết về Bác Hồ và những suy nghĩ, việc làm của anh, một con người luôn sống, hành động và học tập theo tấm gương của Bác Hồ vĩ đại. Bên cạnh đó, còn có thêm một số bài viết của anh cho báo chí cùng chung một chủ đề nói trên.
     Là người nhiều năm sống, làm việc tại Thủ đô Hà Nội, có vinh dự được tham dự các sự kiện chính trị lớn như bảo vệ tang lễ Bác Hồ, tham gia xây dựng Lăng của Người, được tận mắt chứng kiến, tận tai nghe lại nhiều câu chuyện cảm động về tình cảm thiêng liêng của người dân trong nước, bè bạn năm châu đối với Bác, Nguyễn Viết Dưỡng càng thêm tin yêu, cảm phục, thương nhớ Người. Vì vậy, không kể những bài in trong cuốn sách này, anh còn có nhiều bài thơ, bài viết về Bác nhưng chưa thể tập hợp hoặc in hết trong một cuốn sách được. Anh hẹn, sẽ đưa vào các dịp khác, có thể là trong cuốn: “Tuyển tập Văn - Thơ Nguyễn Viết Dưỡng” tới đây. Là nhà văn “tay trái, tay ngang”, không được đào tạo một cách bài bản nên không phải bài thơ nào của anh cũng xuất sắc, cũng hay. Song điều lạ của anh là bên cạnh những bài dạng “bình bình”, “đọc được” lại xuất hiện một số bài làm người đọc rất thích thú. Ví dụ: “Xuân đã về”, “Hè về”, “Miền ký ức”,… là những bài lạ về thủ pháp, lối hành văn, chọn lọc từ đắt, chất hiện đại được kết hợp với trí tưởng tượng phong phú và cảm hứng trữ tình đem đến cho người đọc cảm giác đẹp, khó tả. Hay “Thăm vườn Bác” viết theo thể thơ Đường luật nhưng không chỉ coi trọng về mặt bố cục đề, thực, luận, kết như xưa nay mà quan trọng hơn là tác giả gửi vào đó tất cả tình cảm trân trọng, mến yêu, nhớ thương của mình đối với Bác, nên bài thơ có sức lan tỏa, được nhiều đồng nghiệp, bạn bè bình xét, đàm đạo.
     Tôi rất vui và vinh hạnh là người đầu tiên được anh Nguyễn Viết Dưỡng cho đọc trước tập sách này. Với tấm lòng trân quý anh, một người bạn tâm giao, một “người lính Cụ Hồ” đúng nghĩa, tôi trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.


Nhà báo Nguyễn Khắc Hiển

(Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh - Trưởng Văn phòng

đại diện Bắc miền Trung Báo Nhà báo & Công luận)
 

 

. . . . .
Loading the player...