30-05-2020 - 08:55

Tập sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay của nhà nghiên cứu Phan Thư Hiền

Nhà nghiên cứu - Kịch tác gia Phan Thư Hiền sinh năm 1959, tại Đức Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh, hiện đang sống tại phường Bắc Hà, Thành phố Hà Tĩnh. Bà nguyên là Phó Giám đốc Sở VHTT&DL nay là Chi Hội trưởng Chi hội Di sản Văn hóa - Văn nghệ dân gian tại Hà Tĩnh; đã xuất bản 25 đầu sách ( chung, riêng) về Sân khấu, Văn nghệ dân gian và đạt nhiều giải thưởng của Hội VNDG Việt Nam, Cục văn hóa cơ sở, giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du lần I, II, III, IV, Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc cũng nhiều phần thưởng cao quý khác. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu tập sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay qua lời giới thiệu của tác giả.

       Ca trù là một loại hình nghệ thuật có từ lâu đời, độc đáo và có ý nghĩa đặc biệt trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Theo các nhà nghiên cứu khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, vào thế kỷ XV, Ca trù đã có mặt trong văn hóa Việt Nam. Đây là loại hình nghệ thuật vừa mang tính bác học (âm luật chặt chẽ; có sự phối hợp tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca và âm nhạc; loại hình nghệ thuật này chủ yếu dành cho giới thượng lưu, các văn nhân, tài tử và những người sành điệu về âm nhạc), vừa mang tính dân gian (có cội nguồn từ dân gian; được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc cùng với một số trò diễn và múa dân gian; đào kép là những người thuộc tầng lớp bình dân; được người dân địa phương gìn giữ và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo lối truyền khẩu, truyền ngón; tồn tại trên một phạm vi khá rộng của của cả nước, phổ biến từ Đèo Ngang trở ra các tỉnh phía Bắc ).    

Tập sách Ca Trù Cổ Đạm xưa và nay

     Về âm nhạc, Ca trù có rất nhiều thể thức hoặc giai điệu khác nhau, mỗi loại này được gọi là thể cách. Kỹ thuật hát cũng rất tinh tế, công phu. Trong Ca trù, ba loại nhạc cụ là đàn đáy, phách và trống, trải qua quá trình sử dụng lâu dài đã trở nên những nhạc khí đặc trưng của Ca trù, góp phần đưa Ca trù trở thành một thể loại thanh nhạc kinh điển của Việt Nam. 

NNC. Phan Thư Hiền (ngồi giữa) cùng các  nghệ nhân Ca trù Cổ Đạm

      Từ Ca trù, một thể thơ độc đáo đã ra đời và có vị trí sáng giá trong dòng văn học chữ Nôm của dân tộc, đó là thể Hát nói với hàng nghìn bài thơ chữ Nôm chứa đựng rất nhiều tâm trạng và biến thái tinh tế của tâm hồn Việt Nam qua nhiều thế kỷ. Không gian diễn xướng và đối tượng phục vụ của Ca trù cũng hết sức đa dạng: Hát ca ngợi thần linh ở các đình làng, đền thờ thành hoàng làng; hát phục vụ các tầng lớp vua, quan, nhà giàu có ở chốn cung đình, ca quán, dinh thự, nhà riêng; hát cho những người bình dân trong các hội làng…Ca trù không những đóng góp vào sinh hoạt của cộng đồng làng xã, của giới trí thức mà còn góp phần vào các hoạt động lễ tiết của nhà nước trong khuôn khổ của việc đón tiếp ngoại giao. Có thể nói, trên thế giới, ít có một bộ môn nghệ thuật nào mà chỉ có ba người cùng với nhạc cụ đàn đáy, cỗ phách, trống chầu phối hợp lại mà thành cả thơ, nhạc, tiết tấu, thể điệu…làm mê hoặc lòng người như Ca trù. Nghệ thuật Ca trù chẳng những có được bề dày của lịch sử, chiều sâu của nghệ thuật, mà Ca trù còn mang đậm bản sắc dân tộc. Bộ môn nghệ thuật đặc sắc, này là sự phối hợp đa dạng, tinh tế, nhuần nhuyễn giữa thi ca, âm nhạc và múa dân gian. Tùy theo từng giai đoạn lịch sử và không gian diễn xướng, Ca trù mang các tên gọi khác nhau như: Hát ả đào, Hát cửa đình, Hát cửa quyền, Hát cô đầu, Hát nhà tơ, Hát nhà trò hay Hát ca công…Trải qua quá trình phát triển lâu dài, Ca trù đã ngày càng xâm nhập vào hầu hết các mặt của đời sống quá khứ và khẳng định tư cách độc lập và độc đáo của nó trong bức tranh chung của văn hóa dân tộc.                
        Với những giá trị tiêu biểu và độc đáo của Ca trù, ngày 01 tháng 10 năm 2009, Ca trù được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp..  
        Cho đến nay, tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Ca trù nói riêng đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu và đề cập, tiêu biểu như: “Việt sử tiêu án” của Ngô Thời Sỹ; “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương; “Lịch sử và Nghệ thuật Ca trù” của TS. Nguyễn Xuân Diện); “Ca trù tạp lục”(Viện Hán Nôm); “Việt Nam Ca trù biên khảo” của Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề…Tuy nhiên, phạm vi giới thiệu ở những tài liệu về nghệ thuật Ca trù còn nhiều mảng để trống, hơn nữa qua quá trình sưu tầm tài liệu và khảo sát chúng tôi thấy vấn đề tìm hiểu sâu về di sản Ca trù tại các vùng quê vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng được quan tâm hơn nữa. 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc (phải); ca nương Phạm Thu Huệ và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ.

      Tiếp tục thực hiện Chương trình, hành động của Quốc gia và của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về bảo vệ di sản Ca trù, tôi quyết định biên soạn Tập sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay, như góp một việc làm nho nhỏ để đưa Ca trù từ Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những tư liệu mà bản thân tôi đã dày công thu thập qua nhiều năm điều tra, điền giã tại làng Cổ Đạm và sự kế thừa một phần nhỏ trong tập sách Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt đã xuất bản. Đặc biệt, Tập sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay có tham khảo, khai thác, sử dụng các tư liệu của một số nhà nghiên cứu âm nhạc, văn học sử, văn nghệ dân gian như: Phạm Đình Hổ, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Bằng Đoàn, Đỗ Trọng Huề, Trần Văn Khê, Ngô Ngọc Linh, Tô Ngọc Thanh, Nguyễn Xuân Diện, Vũ Nhật Thăng, Vũ Ngọc Khánh, Bùi Trọng Hiền, Nguyễn Đức Mậu, Đặng Hoành Loan, Lê Thị Bạch Vân, Hoàng Khôi, Trần Thị An, Nguyễn Thị Huế, Trần Tú Khuyên, Trần Quang Hải, Nguyễn Thụy Loan, Lê Văn Toàn, Phạm Minh Hương, Nguyễn Quảng Tuân…cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà văn, nhà báo ở địa phương như  Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Phạm Đức Ban, Nguyễn Ban, Hồ Hữu Phước, Phạm Quang Ái, Phan Viết Đan, Nguyễn Phúc Anh, Bùi Minh Huệ, Phạm Anh Hoài…Nhân đây, cho phép tôi xin được bày tỏ sự biết ơn chân thành đến các nhà nghiên cứu, các tác giả, bạn bè đồng nghiệp cũng như các nghệ nhân Ca trù xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân thời gian qua đã đồng hành trong việc tuyên truyền quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản Ca trù Cổ Đạm  có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống đương đại. 

Ảnh tư liệu

     Và, cũng xin được nói thêm rằng, mặc dù Hát ả đào là tên gọi có sớm nhất ở Cổ Đạm so với các tên gọi khác của Ca trù và tên gọi này đã đi vào tiềm thức của người dân hàng trăm năm qua. Nhưng, Ca trù đang là tên gọi phổ thông nhất hiện nay, được UNESCO dùng khi vinh danh, nên tôi quyết định dùng cụm từ “Ca trù Cổ Đạm” cho tên gọi cuốn sách này của mình. Và năm 2014, bản thân tôi cũng đã biên soạn một cuốn sách có tựa đề “Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt” (Nxb. Nghệ An). Nội dung chính của cuốn sách trên chủ yếu đề cập nhiều đến sự “tương đồng”/ “dị biệt” giữa Ca trù Hà Tĩnh với Ca trù người Việt; vẽ ra một bức tranh sống động về các vùng quê/ Giáo phường Ca trù ở Hà Tĩnh một thời “vàng son” trong lịch sử Ca trù gắn với các Giáo phường Ca trù: Chi Bông (Thạch Châu, Thạch Hà - Nay thuộc huyện Lộc Hà), Hưng Nhân (Kỳ Hưng, Kỳ Anh), Du Đồng (Đức Đồng, Đức Thọ - Nay thuộc huyện Vũ Quang), Như Sơn (Thạch Hải, Thạch Hà), Khang Quý (Thạch Quý, Thạch Hà – Nay thuộc phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh và trong đó có giới thiệu một phần tổng quan về Ca trù Cổ Đạm (Nghi Xuân).
        Sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay gồm 3 phần chính: 
      - Ca trù Cổ Đạm trong dòng chảy lịch sử - văn hóa dân tộc; 
      - Một số giá trị nội dung, nghệ thuật của Ca trù Cổ Đạm;
      - Sức lan tỏa của Ca trù Cổ Đạm trong đời sống đương đại.
         Sách Ca trù Cổ Đạm xưa và nay ra đời, chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết, soạn giả luôn sẵn lòng đón nhận những lời chỉ bảo chân tình, để khi có điều kiện tái bản tập sách sẽ hoàn thiện hơn về cả nội dung và hình thức.
         Trân trọng giới thiệu Tập sách đến quý độc giả gần xa!

 

Phan Thư Hiền


1  Theo thống kê của Cục Di sản – Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch thì tính đến năm 2018, cả nước có trên 63 Câu lạc bộ (CLB) Ca trù với gần 800 người tham gia thuộc 14 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thành phố Hồ Chí Minh.

                                                            

. . . . .
Loading the player...