Dân ca ví, giặm là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân xứ Nghệ. Đây cũng tựa như những bản tình ca của người lao động, nó gắn bó máu thịt và trở nên quá đỗi thân quen trong sinh hoạt thường ngày của người dân. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập sách “Danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với dân ca Ví, Giặm” của Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Phan Thư Hiền – Phó Chủ tịch Di sản văn hóa Việt Nam do NXB Nghệ An phát hành, năm 2021 qua lời giới thiệu của tác giả.
Xứ Nghệ (nói theo địa danh văn hóa) hay Nghệ Tĩnh (nói theo địa danh hành chính) (1) là một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng và anh hùng. Từ cuộc sống lao động sản xuất và đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được một kho tàng di sản văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng, mang đậm bản sắc địa phương. Trong đó, di sản dân ca Ví, Giặm được xem là “đặc sản”, “thổ sản”, là món ăn tinh thần đã trở thành mạch nguồn nuôi dưỡng và góp phần hình thành nên tính cách, tâm hồn của các thế hệ người dân xứ Nghệ.
Nói đến dân ca Nghệ Tĩnh là nói đến di sản chung của cả Nghệ An và Hà Tĩnh. Trải qua nhiều biến thiên của lịch sử,những tên: Nghệ An – Hà Tĩnh – Nghệ Tĩnh – Nghệ An – Hà Tĩnh đã nhiều lần thay đổi, nhưng nói về văn hóa, trước sau không thay đổi. Và văn hóa truyền thống ở Nghệ An, Hà Tĩnh chưa/ không bao giờ tách khỏi văn hóa vùng Nghệ Tĩnh. Đó là lý do vì sao cho đến nay rất nhiều người quen gọi xứ Nghệ là thế. Và riêng tôi, với tập sách này, cũng dùng cụm từ dân ca Ví, Giặm Xứ Nghệ nhằm tri ân các bậc tiền bối ( danh nhân, nhà nho…) đã dày công vun đắp nên loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo vừa mang tính đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam với những nét tương đồng và dị biệt, vừa tạo ra sự đa dạng, tinh tế về bản sắc của mỗi vùng, miền.
Thật vinh dự và tự hào, vào lúc 23 giờ 10 phút, ngày 27/11/2014 (giờ Hà Nội), tại kỳ họp thứ 9 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris – Thủ đô Cộng hòa Pháp, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nhằm tiếp tục hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về việc bảo tồn, phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, được sự đặt hàng của Nhà xuất bản Nghệ An, tôi đã dày công sưu tầm tư liệu và biên soạn cuốn sách “Danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với dân ca Ví, Giặm”, như là một đóng góp nhỏ trong việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa quê hương, dân tộc.
Tập sách gồm 2 phần chính: Danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với dân ca Ví, Giặm; Giai thoại về các danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với dân ca Ví, Giặm.
Trong quá trình biên soạn, tôi có sử dụng, tham khảo tư liệu, trích dẫn, đăng tải ý kiến, tác phẩm, ảnh của một số tác giả đã được công bố trên các sách, báo, tạp chí, internet nhưng chưa có điều kiện xin phép, nhân đây, xin được bày tỏ sự biết ơn chân thành tới tất cả quý vị!
Tập sách “Danh nhân, nhà nho xứ Nghệ với dân ca Ví, Giặm” của Nhà nghiên cứu Văn nghệ dân gian Phan Thư Hiền
Bằng tình yêu bền bỉ, thủy chung với dân ca Ví, Giặm, soạn giả cũng đã hết sức cố gắng, nhưng chắc chắn không tránh khỏi khiếm khuyết, rất mong nhận được sự góp ý chân tình của các nhà nghiên cứu và quý độc giả, để khi có điều kiện tái bản, tập sách sẽ hoàn thiện hơn.
Qua đây, tôi cũng xin chân thành cảm ơn Nhà xuất bản sách Nghệ An bởi không chỉ tạo điều kiện để cuốn sách nhỏ của tôi được ấn hành mà quan trọng hơn, trong nhiều năm qua Nhà xuất bản đã cho ra mắt bạn đọc rất nhiều đầu sách quý về đề tài dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.
Hy vọng với những đóng góp này, cá nhân tôi tiếp tục nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các tổ chức, cá nhân cùng chung tay nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh ngày càng hiệu quả hơn, để di sản văn hóa độc đáo này luôn trường tồn cùng thời gian, dân tộc và nhân loại.
PHAN THƯ HIỀN
(Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
tại Hà Tĩnh)
1. Bao gồm Nghệ An và Hà Tĩnh, là 2 tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ Việt Nam, xưa có tên chung là quận Cửu Chân (thời nhà Hán), Cửu Đức (thời nhà Tấn), Nhật Nam (thời nhà Tùy), Hoan Châu (thời nhà Đinh và Tiền Lê), Nghệ An châu (thời Lý, Trần), xứ Thừa tuyên Nghệ An (thời Lê Thành Tông), Nghĩa An Trấn (thời Tây Sơn) và Nghệ An trấn (thời Nguyễn). Năm 1831, trấn Nghệ An được vua Minh Mệnh chia thành 2 tỉnh Nghệ An (Bắc Sông Lam) và Hà Tĩnh ( Nam Sông Lam). Khoa học về khảo cổ chục năm gần đây có những minh chứng rất thuyết phục về vùng đất cổ Nghệ Tĩnh qua các hiện vật từ hàng nghìn năm từ thời các Vua Hùng đến trước Đông Sơn với sự hiện diện của các lớp lang lịch sử văn hóa sau này. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh và đến năm 1991 tách ra thành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Với công trình này, tôi dùng cụm từ “Xứ Nghệ” để khẳng định thêm một điều: Dẫu trải qua biết bao thăng trầm, biến cố, với nhiều lần thay đổi về địa danh hành chính, nhưng khái niệm văn hóa vùng Xứ Nghệ không bao giờ tách biệt và thay đổi.