Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Trọng Tuấn (06/04/1968), hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn nghệ dân gian. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu Tập sách “Đôi bờ Ví, Giặm nên duyên” của tác giả do NXB Nghệ An xuất bản qua lời giới thiệu của Nhà Nghiên cứu Phan Thư Hiền – Chi hội trưởng Chi hội Văn hóa dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh và một tác phẩm hoạt cảnh diễn xướng “Khúc tình sông nước” do NNƯT Nguyễn Trọng Tuấn chỉnh lý và lồng điệu.
LỜI GIỚI THỆU
Năm 2019 NNUT Nguyễn Trọng Tuấn đã cho ra đời tuyển tiết mục dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh “Chung lời hẹn ước” có hơn 50 tác phẩm bao gồm Kịch hát, Tiểu phẩm, Không gian diễn xướng cùng các Tổ khúc lời mới với chủ đề về ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu và tuyên truyền pháp luật ... Sau khi được xuất bản NNUT Nguyễn Trọng Tuấn đã trao tặng cho hơn 50 Câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm ở địa bàn huyện nhà là Nghi Xuân và một số CLB trong tỉnh thông qua các lớp tập huấn dân ca do Trung tâm văn hóa - Điện ảnh Tỉnh Hà Tĩnh tổ chức. Tuyển tiết mục “Chung lời hẹn ước” của anh ra đời là cuốn sổ tay tiết mục dân ca Nghệ Tĩnh cho nhiều đội văn nghệ, nhiều CLB dân ca của phong trào xây dựng Nông thôn mới và nằm trong Chương trình Bảo tồn và Phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Lần này NNUT Nguyễn Trọng Tuấn cho ra đời Tuyển tiết mục “Đôi bờ Ví, Giặm nên duyên” bao gồm những tiết mục chọn lọc, viết công phu hơn với nhiều chủ đề, thể loại và làn điệu phong phú, có rất nhiều tiết mục đạt giải cao trong các kỳ Liên hoan, Hội thi, Hội diễn ở các cấp mà NNUT Nguyễn Trọng Tuấn đã sáng tác và soạn lời mới cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Tuyển tiết mục “Đôi bờ Ví, Giặm nên duyên” là một trong những hoạt động lĩnh vực Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mà NNUT Nguyễn Trọng Tuấn cống hiến hết mình cho sự đam mê, trách nhiệm của công dân, vượt qua những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản phi vật thể, góp phần làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần cho mọi người dân tỉnh nhà.
Thay mặt Chi hội VHDSVN Hà Tĩnh, chúc mừng anh và trân trọng giới thiệu với bạn đọc và phong trào đàn hát dân ca Xứ nghệ.
NNC - kịch tác gia PHAN THƯ HIỀN
(Chi hội trưởng Chi hội Văn hóa dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh)
Tập sách “Đôi bờ Ví, Giặm nên duyên”
KHÚC TÌNH SÔNG NƯỚC
(Hoạt cảnh dân ca – Tác giả: NNƯT Đức Ban
Chỉnh lý và lồng điệu: NNƯT Trọng Tuấn)
Nam: Ví đò đưa sông La:
Người ơi, sông trôi biền biệt, sông duềnh thuyền,
Nỗi đơn côi ai tường ai tỏ.
Nơi bến sông quê ai đó hẹn lời.
Nửa đời mưa dập, gió dồi.
Mười hai bến nước em chờ bến mô?
Nữ: Ví đò đưa:
Bến tình yêu nỏ bến mô sóng lặng
Cập thuyền vô mới biết tình nặng, nghĩa dày
Có duyên trời xe thì đêm rạng đến ngày
Đừng chung chao mãi rứa để đó với đây ngàn trùng.
Nam: Giặm vè:
Thuyền anh cập bến sông,
Bến sông không ai đợi
Anh lên đàng, làng đông
Người nỏ gặp ai chờ
Lẻ loi trong sóng vỗ
Nữ: (tiếp)
Bến sông em đứng đợi
Có chi nỏ ngái xa
Tóc xanh gió rối bời
Xin người đừng than vãn,
Thở dài rồi than vãn.
Nam:
Buông chèo, thuyền vô bến
Vin câu hát cùng em
Lòng chờ đợi bao đêm
Dạ tơ vò như lửa.
Nữ: Chuyển ví đò đưa:
Sông xanh nước chảy một dòng
Bến sông lặng sóng em trông thuyền vào.
Nam:
Bấy lâu gần bến mà xa bờ…
Dừ đây gần bến, sát bờ em ơi!
Nữ: Gần bến mà sát bờ…anh nói chi…em không hiểu…?...
Nam: Ví đò đưa chuyển điệu:
Tóc xanh trải sóng chùng chình
Trên trời dưới nước chỉ mình với ta
Tui nghèo, không cửa không nhà
Có con thuyền nhỏ đừng chê bai?
Nữ:
Chẳng chê thuyền nhỏ, nỏ nhà
Chỉ lo lòng dạ không còn thủy chung
Trải bao tháng đợi, năm chờ
Những thương, những nhớ bây giờ là đây…
Nam:
Non xanh, nước biếc dạt dào
Sớm tình tình sớm, trưa tình tình trưa
Trăm năm gói lại một ngày
Ngãi nhân, nhân ngãi đong đầy thiên thu…
Nữ: Giặm nối:
Rằng người nói rồi mẹ người ơ thương
Rằng lên thác rồi mì xuống ơ ghềnh
Rằng thuyền có rồi mì chòng ơ chành
Hai chúng mình rồi mì là ơ một
Chữ nghĩa tình ơ là một.
Nam:
Sợ người đi rồi mị muôn ơ giặm
Hun hút phía rồi mị thị ơ thành
Ngàn lau khói rồi mị xây ơ thành
Bến sông ngờ rồi mị ngẩn ơ sóng
Còn chi trông rồi mị với ơ ngóng
Chi còn mà ơ trông ngóng.