15-01-2021 - 00:49

Tập sách Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TS. Đặng Thị Thúy Hằng

Tác giả Đặng Thúy Hằng (26 - 12 - 1975), hội viên Hội LHVHNT Hà Tĩnh, chuyên ngành Văn nghệ dân gian; Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nguyễn Du, Hà Tĩnh. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu Tập sách Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tác giả do NXB Khoa học xã hội phát hành, năm 2020 qua lời giới thiệu của Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Nguyễn Duy Thiệu

Tôi có tham gia công tác đào tạo tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, nên biết cô giáo Đặng Thị Thuý Hằng, nay là hiệu phó Trường Cao đẳng Nguyễn Du, Hà Tĩnh. Thi thoảng trong một số lần gặp mặt, chúng tôi cũng hàn huyên tí tỉnh về chuyện học thuật. Đùng một cái, Hằng gửi cho tôi bản thảo Đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đề nghị tôi viết lời giới thiệu. Tôi vốn là người Hà Tĩnh, khởi đầu nghiệp Dân tộc học cũng đã tìm hiểu về người Bồ Lô ở Cửa Sót, mà nội dung cuốn sách của Hằng thì thảo luận về những vấn đề thiết thực trong đời sống xã hội đương đại. Nhưng, từ chối Hằng đâu có dễ. Hơn nữa, liếc nhanh qua bản thảo tôi cũng cảm nhận được giữa Hằng và tôi ít nhiều có quan niệm đồng điệu, nên tôi mạnh dạn nhận viết lời bạt này.

TS. Đặng Thị Thúy Hằng

Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ, hẹp. Đại Nam Nhất thống chí viết: “ chiều Bắc - Nam dài mà chiều Đông - Tây ngắn. Từ biển lên núi chỉ nửa ngày đường...”. Tôi còn nhớ, lúc sinh thời, cố GS.TS Phạm Đức Dương, quê Hà Tĩnh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á thường say mê nói về chuyện “đánh cờ miệng”. Chuyện là, trong truyền thống, có một nhóm dân buôn cá gọi là hàng sỷ. Cứ chiều tối khi thuyền về bến họ lấy cá biển, gánh lên vai, đi bộ lên vùng núi để bán. Mỗi nhóm thường có vài ba người. Trên dặm đường dài, để vơi đi bớt nỗi mệt nhọc, họ thường đánh cờ miệng với nhau. Cũng xuất xe, dí tốt, hồi mã, lên tượng... và cả chiếu tướng hẳn hoi. Khi kết thúc vài ba ván cờ như vậy thì trời đã hừng sáng, cũng là lúc họ lên đến vùng núi. Họ vội vã bán cá, rồi mua các sản phẩm vùng núi như chè, củ nâu (để nhuộm lưới) và lại vội vã xuôi về vùng biển để kịp cho chuyến đi tiếp... Sử dụng câu chuyện trên, cố GS. Dương có dụng ý hẳn hoi, ông muốn “khoe” năng lực tư duy trừu tượng của người Hà Tĩnh, nơi không chỉ sản sinh ra các thi nhân mà còn sản sinh ra các nhà khoa học danh giá... Với tôi (NDT), câu chuyện của GS Dương còn lý thú vì nó đã thông tin: địa hình tỉnh Hà Tĩnh, rừng và biển chẳng hề cách xa nhau.
Trở lại bối cảnh tự nhiên của văn hoá, Hà Tĩnh dù hẹp chiều ngang vẫn có đầy đủ các loại cảnh quan: Biển và ven biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Các loại cảnh quan nhỏ hẹp ấy lại được kết nối chặt chẽ với nhau bởi 4 hệ thống sông ngòi: sông La, do 2 con sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố hợp thành... xuống đồng bằng hợp lưu với các dòng sông khác ở Nghệ An thành sông Lam và đổ ra biển Cửa Hội; sông Nghèn hợp lưu với sông Rào Cái đổ ra Cửa Sót; sông Gia Hội hợp lưu với sông Quyền đổ ra cửa Khẩu. Hệ thống các dòng sông như vừa mới đề cập đã kết nối biển với rừng. Nên, như sẽ đề cập, ranh giới giữa văn hoá biển với văn hoá đồng bằng và văn hoá núi ở Hà Tĩnh đôi lúc rất mỏng manh...
Ngược lại với chiều Đông - Tây ngắn, chiều Bắc - Nam của Hà Tĩnh lại dài. Tính theo đường bờ biển từ Bắc vào Nam, đi qua 5 huyện: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh có độ dài 137km. Để có diện mạo hành chính như hiện nay, Hà Tĩnh đã trải qua nhiều biến đổi trong lịch sử. Vào thời Hùng Vương, vùng đất Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đến thời Bắc thuộc, và cả thời kỳ của các triều đại phong kiến tự chủ Việt Nam sau đó thì phía Nam Hà Tĩnh vẫn tiếp giáp với Chiêm Thành. Nghĩa là cách nay không lâu lắm, Hà Tĩnh là vùng đất biên viễn. Trong Đại Nam nhất thống chí, Đạo Hà Tĩnh chép : “Núi Nam Giới ở địa phận xã Dương Luật, về phía Đông Bắc đạo thành, gọi là núi Nam Giới, là vì xưa kia phía Nam Cửa Sót giáp với Chiêm Thành”. Lùi sâu vào phía Nam, ở địa bàn tiếp giáp giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình, xưa kia gọi là châu Bố Chính của Chiêm Thành, đến đời Lý mới thống thuộc vào Đại Việt. Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Quảng Bình, mục Dựng đặt và diên cách chép: “ ...nước ta, đời Lý, năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 3, Thái Tôn thân đi đánh Chiêm Thành bắt được chúa Chế Củ đem về, Chế Củ xin đem 3 châu Địa Ly, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội, Thái Tôn y cho...”
Về dân cư, ít nhất là từ thời kỳ đồ đá mới, các dân cư đã có mặt tại vùng ven biển Hà Tĩnh. Dấu tích mà họ để lại là các di chỉ khảo cổ học như bãi Phôi Phối (huyện Nghi Xuân) thuộc văn hoá Quỳnh Văn và cồn Sò điệp Thạch Lạc (huyện Thạch Hà) thuộc văn hoá Bàu Tró. Tiếp sau đó, thời kỳ Bắc thuộc và nhất là ở thời kỳ Việt Nam đã giành độc lập tự chủ, dưới các triều Lý, Trần, Lê... cư dân vùng Bắc Bộ đã di chuyển tới “miền biên ải” này ngày một đông hơn. Với các cửa biển có nước sâu như Cửa Sót, Cửa Nhượng, đặc biệt là bến cảng cổ Hộ Độ..., các cư dân người Hoa, người Nhật... cũng từng đến làm ăn buôn bán tại đây. Về mặt dân chủng tại vùng biển Hà Tĩnh đã từng tồn tại một cộng đồng người rất lý thú - người Bồ Lô. Tôi còn nhớ vào đầu những năm 1980, cụ Từ Chi, cũng người Hà Tĩnh và là một nhà dân tộc học lừng danh khuyên tôi về Cửa Sót tìm hiểu nhóm người này. Cụ bảo: tớ chỉ mới đọc loáng thoáng trong một ít tài liệu người Pháp viết, nếu đúng vậy thì hay lắm, cậu về đấy tìm hiểu xem họ có phải hậu duệ của cư dân Malayo không, mà tìm được quan hệ nguồn gốc của họ với người Chăm càng hay. Ngoài vấn đề nguồn gốc tộc người, cậu nên tiếp cận theo lý thuyết Không gian xã hội vùng Đông Nam Á của G.Condominas, để mô tả về một không gian xã hội hẹp ở vùng một cửa sông sẽ rất lý thú đấy. Đại loại là thế này: trong nội đồng, các làng nông nghiệp, dẫu từng làng có dấu ấn riêng, thì giữa từng làng có dấu ấn riêng, thì giữa các làng vẫn đồng dạng, còn ở không gian xã hội hẹp tại một vùng cửa sông đổ ra biển thì có một tổ hợp làng khác nhau mà nếu phân loại theo sinh kế có: làng thuần nông, làng nửa nông nửa ngư, làng ngư đánh bắt gần bờ, làng ngư đánh bắt xa bờ, làng muối....Các làng ấy phải tương thuộc vào nhau để sinh tồn chứ không tự cấp tự túc như trong các làng nông nghiệp được. Nghe theo lời cụ Từ, tôi đã về vùng biển của Hà Tĩnh tìm hiểu và viết công trình nghiên cứu đầu đời của mình về “Cửa Sót - Thiên nhiên và con người”, mà đến nay đọc lại tôi vẫn cảm thấy rất hào hứng.

Tập sách Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TS. Đặng Thị Thúy Hằng

Tóm lược lại vài nét chính yếu qua tư liệu mà Hằng đã đề cập, tôi nghĩ người đọc đã ít nhiều mường tượng được cảnh quan văn hoá vùng ven biển Hà Tĩnh. Hơn thế, mường tượng được sự bác tạp của các lớp cư dân đã phủ lên nhau và sinh tồn tại vùng đất mà một thời lâu dài đã là miền biên ải này.
Trở lại với văn hoá và đời sống văn hoá của cư dân ven biển Hà Tĩnh, những nội dung chính yếu mà Hằng đã nêu và thảo luận trong cuốn sách, có thể nói ngay rằng, đây là một phạm trù rộng lớn. Khái niệm văn hoá, bao gồm toàn bộ các thành tựu mà từng cộng đồng người đạt được trong cả một quá trình lâu dài mà họ thích nghi với từng điều kiện môi trường cụ thể để sinh tồn (các hoạt động mà Karl Marx gọi là lao động), chúng được trao truyền, kế thừa từ đời này qua đời khác. Khái niệm này cổ điển và mang tính học thuật. Khái niệm đời sống văn hoá có vẻ mới mẻ hơn, gắn liền với đời sống xã hội đương đại. Chưa có một định nghĩa nào thật chuẩn chỉnh, nhưng nhìn chung các ý kiến đều cho rằng: đời sống văn hoá là tổng thể những hoạt động tinh thần của con người (cá nhân và cộng đồng), bao gồm: sáng tạo, biểu diễn, truyền bá, thưởng thức, tiêu dùng... các sản phẩm văn hoá nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của con người.
Trong đời sống xã hội nói chung, nhóm đời sống văn hoá có rất nhiều hoạt động. Đấy là các hoạt động sáng tạo (nghiên cứu học thuật, làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc, vẽ tranh, chụp ảnh nghệ thuật...); hoạt động truyền bá các sản phẩm văn hoá (biểu diễn văn nghệ, ngâm thơ, sinh hoạt câu lạc bộ nghệ thuật hoặc thể thao, chơi trò chơi, chơi thể thao, diễn giảng, tọa đàm, thư viện, bảo tang, lưu trữ, triển lãm, các hoạt động sự kiện…); về hoạt động thưởng thức sản phẩm văn hóa (nghe nhạc, xem ti vi, xem kịch, xem phim, đọc sách báo, dã ngoại, hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, xây dựng phong tục nếp sống gia đình văn hóa…). Khi bàn về nội dung và các hoạt động thuộc đời sống văn hóa, đương nhiên nó sẽ lan sang các lĩnh vực chuyên môn khác, ví dụ như thiết chế văn hóa, dịch vụ văn hóa, sản phẩm văn hóa, biến đổi văn hóa… Không chỉ là những thuật từ về công cụ lý thuyết, mà đấy là cả những nội dung cần triển khai trong hoạt động thực tiễn.
Mặc dù khái niệm văn hóa mang tính cổ điển về học thuật, còn khái niệm đời sống văn hóa lại nặng hoạt động trong đời sống xã hội đương đại, nhưng suy cho cùng, chúng đều có những mối liên quan nào đó. Trong Dân tộc học/Nhân học, khi mô tả về văn hóa/lối sống của một cộng đồng người, cũng có thể mô tả theo các nhóm nội dung: đời sống kinh tế, đời sống vật chất, đời sống xã hội, đời sống tinh thần, đời sống tôn giáo. Theo đó, trong truyền thống, suốt cả quá trình sinh tồn, các chủ thể văn hóa đã tự tạo tác ra các sản phẩm văn hóa, tự trình diễn văn hóa để tự thỏa mãn nhu cầu của cá nhân và cộng đồng mình. Cụ thể, trong chuyên khảo này, đó là các quan niệm và nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng, lễ hội và phong tục của ngư dân vùng ven biển Hà Tĩnh mà Hằng đã trình bày trong suốt chương trình chương 2 cuốn sách.
Cũng là đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh nhưng ở thời kỳ hiện đại, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân (cá nhân và cộng đồng) mới hơn và đa dạng hơn rất nhiều. Bây giờ sản phẩm văn hóa để cung cấp cho nhu cầu của người dân không thuần túy chỉ là xoay quanh tín ngưỡng, lễ hộiphong tục, mà còn bao gồm thêm nhiều lĩnh vực khác như: các biểu diễn văn nghệ chuyên nghiệp, phim ảnh, bảo tang, thư viện, thể dục thể thao…và các phương thức hoạt động không còn là “tự biên, tự diễn” như trong truyền thống nữa, mà các sản phẩm văn hóa còn có thể do những đội ngũ chuyên nghiệp sáng tác từ bên ngoài mang tới. Hơn nữa, để một số sản phẩm đến được với người tiêu dùng phải thông qua các công cụ hoặc phương tiện kỹ thuật trung gian. Bằng hệ thống số liệu định lượng được điều tra nghiêm túc, Hằng đã trình bày về Tiêu dùng văn hóa ở vùng ben biển Hà Tĩnh rất hấp dẫn trong chương 3.

Ngày hội đua thuyền trên biển Xuân Thành (Ảnh: Đậu Bình)

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm phát triển kinh tế xã hội vùng ven biển Hà Tĩnh diễn ra nhanh chóng trong vài chục năm gần đây, đã thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng văn hóa của người dân lên cao hơn, các sản phẩm văn hóa có nguồn gốc bên ngoài, trong số đó có cả những sản phẩm mang tính tiêu cực, xâm nhập vào địa phương ngày càng nhiều. Trào lưu đó đã làm cho văn hóa truyền thống biến đổi. Bên cạnh những xu hướng biến đổi tích cực cũng đã xuất hiện những xu hướng biến đổi tiêu cực, làm cho tâm trạng của nhà nghiên cứu thoáng những lo âu. Cả những vấn đề học thuật lẫn tâm trạng của người viết đã được Hằng thể hiện rất thú vị trong chương 4 của cuốn sách.
Có thể nói rằng Đời sống văn hóa của cư dân ven biển Hà Tĩnh thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được Hằng thể hiện khá thành công. Điều lý thú là, các nội dung chính của cuốn sách được mô tả, phân tích khá thấu đáo không chỉ ở thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mà chúng còn được đặt trong nền cảnh của văn hóa Hà Tĩnh và được nhìn xuyên suốt theo bề dày của lịch sử. Về giá trị và tính hấp dẫn của cuốn sách còn tùy thuộc vào cảm nhận của từng người sau khi đã đọc công trình nghiên cứu này. Riêng tôi, tôi thích cách tiếp nhận và đánh giá cao tình cảm cũng như công sức mà Hằng đã bỏ ra để hoàn thành công trình nghiên cứu hữu ích này. 
Tôi cũng chân thành cảm ơn tác giả đã tin cậy và mời tôi viết lời giới thiệu.

 

Nguyễn Duy Thiệu
Nguyên Phó Giám đốc 
Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam

 

. . . . .
Loading the player...