Mỗi làng quê Việt Nam đều mang những tập tục mang đậm bản sắc địa phương, để rồi đi đâu, về đâu con người ta vẫn không bao giờ quên cái nơi “chôn rau, cắt rốn” của mình. Trong quá trình đấu tranh vật lộn với thiên tai, địch họa để sinh tồn và duy trì nòi giống đã giúp con người khám phá ra những điều kỳ diệu quanh mình........
Cũng từ “cái khó, bó cái khôn”, người xưa đúc kết những kinh nghiệm trong duy trì nòi giống, bảo vệ sức khỏe, lao động, sản xuất…để rồi qua thời gian đã những kinh nghiệm quý báu ấy được phát huy, kế thừa có chọn lọc, trở thành những tri thức dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác. Công trình “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ” mà tôi đang khảo cứu chỉ giới hạn trong phạm vi một chuyên khảo nói về kinh nghiệm dân gian xung quanh chuyện sinh đẻ của cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh. Mặt khác, công trình này chỉ tập trung phản ánh những nét chung nhất về tri thức dân gian về chuyện sinh đẻ của cư dân sống ở vùng đồng bằng, miền núi và ven biển của Xứ Nghệ thuộc dân tộc Kinh mà thôi. Riêng ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh còn có một số dân tộc thiểu số ít người, do không có điều kiện để đi điều tra, điền dã, nên tôi xin phép liên hệ một vài nét liên quan, nếu có điều kiện sẽ sau này sẽ làm chuyên khảo sâu hơn.
Mặc dù đã rất cố gắng mò mẫm khắp mọi chốn làng quê để sưu tầm, tìm hiểu, nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa dám chắc là mình đã biết hết, biết nhiều về nhóm chủ đề mà mình đưa ra là “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ”. Theo tôi đây là một loại hình tri thức dân gian ứng dụng và khái niệm về không gian mang tính “mở" vì tất cả mọi phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tri thức dân gian…dù là ở Nghệ Tĩnh hay ở đâu thì ngoài những “cái riêng” cũng có những “cái chung” và ngược lại. Sự giao thoa văn hóa giữa vùng này, vùng khác trong làng, trong xã, trong huyện, trong tỉnh, thậm chí rộng hơn nữa là do người này ra đi khỏi làng, người nọ về nhập cư tại làng, họ đều mang theo những phong tục tập quán của xứ sở mình đến để truyền đạt kinh nghiệm cho chính nơi mình ở và sinh sống.
Sự “gạn đục, khơi trong” và biến thiên theo năm tháng “Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ” đã trở thành những cẩm nang sống của người dân ở vùng quê khổ học và hiếu học này.
Về thời gian cũng mang tính tương đối, khó xác định được tính chính xác tuyệt đối. Có những tri thức, kinh nghiệm dân gian được đúc kết từ rất xa xưa và có nhiều mang tính dị bản, nhưng đến nay nhiều tri thức vẫn còn nguyên giá trị, được đông đảo nhân dân áp dụng. Bên cạnh đó cũng có nhiều tri thức, kinh nghiệm dân gian đã được “khoa học hóa”, “hiện đại hóa” đi một phần nào đó. Với đề tài này có nhiều cụm từ nói là ngày xưa nhưng thực tế tôi mới cập nhật được các số liệu, thông tin khoảng từ giai đoạn đầu thế kỷ XX đến nay, đó là thời kỳ mà con người ta đã được trang bị khá nhiều kiến thức cơ bản về việc sinh nở, nhưng họ vẫn đề cao kinh nghiệm dân gian của cha ông chúng ta.
Chỉ riêng “chuyện sinh đẻ” thôi cũng đã lắm chuyện phải bàn, chưa nói trong đó có những quan niệm hoàn toàn trái ngược nhau.
Người xưa thì quan niệm “trời sinh voi, trời sinh cỏ”; “có đầu, có đuôi, nuôi lâu cũng lớn”…Nhưng ngày nay chứng kiến cảnh con dâu, con gái sinh nở rồi nuôi con, cụ nào cũng thè lưỡi ra mà bảo: “Mình sinh năm, sáu, bảy, tám đứa thấy khỏe re, còn chúng nó nhiều nhất mỗi cặp hai mụn con, sao mà vất vả rứa không biết”?
Đáp lại, lớp trẻ thì mỗi khi nói đến chuyện sinh đẻ đều tấm tắc những câu đại loại: “các bà ngày trước sao mà giỏi đẻ thế?”, “các cụ con đàn cháu đống mà sao họ vẫn sống thọ?”, “các cụ xưa kia ăn rau má, củ chuối sao mà vẫn để được con giáo sư, tiến sỹ?”…
Khen thì hết lời, song làm theo thì ít ai chú ý tới, họ dường như không làm được và cũng ít ai muốn làm, ngược lại xu hướng chung hiện nay hầu hết lớp trẻ đang rơi vào tình trạng lạm dụng vào khoa học y học một cách thái quá. Từ khi đứa bé còn nằm trong bụng mẹ, họ đã muốn con mình phải thật cao, đẹp, thông minh... Quả thực lớp trẻ họ hoàn toàn không phủ nhận những tri thức dân gian mà cha ông đã chắt lọc, gìn giữ từ đời này sang đời khác, song họ quá đề cao sự văn minh, hiện đại bằng cách tra cứu trên mạng những “thức ngon vật lạ” và phải tìm mua cho bằng được những thứ “siêu tốt”, “siêu đắt” để nhồi nhét cho mẹ và bé để đạt được những chỉ số “cực nhanh”, “cực mạnh” và phải “cực hót” nữa, ai cũng muốn cho vợ con mình nhanh chóng vượt trội con người từ trí tuệ đến ngoại hình và kể cả trang phục nữa.
Nhiều người phụ nữ trong quá trình mang bầu vì quá được yêu chiều mà suốt ngày phải ngồi yên một chỗ trong nhà và bắt buộc phải ăn, uống bổ dưỡng hàng giờ, khiến cho chị ta mang bệnh táo bón, phù nề. Bên cạnh đó cũng có mẹ bầu vì gia đình nóng lòng sinh con trai để nối dõi tông đường, nên chị ta mới có bầu chưa đầy hai tháng mà suốt ngày phải đến bệnh viện để chụp, chiếu, siêu âm…và sau khi có kết quả thai nhi là bé trai, chị liên tiếp được chồng chụp ảnh “quảng cáo” hàng ngày, rốt cục đứa bé sinh ra bị ảnh hưởng thị giác và thính giác nặng. Một số bà mẹ khác lại vì lo cho sự an toàn của thai nhi mà quá giữ gìn, kiêng cữ đến mức không dám đi lại, hạn chế cử động, ngày đêm căng thẳng, bất an, vô tình tự gây áp lực cho mình và những người chung quanh...
Sự thái quá trong chăm sóc mẹ và bé như một số dẫn chứng đã nêu trên, khiến nhiều phụ sản và trẻ sơ sinh vừa mới lọt lòng mẹ đã phải dăm, bảy lần tới bệnh viện và được nhồi nhét bao nhiêu là các phương tiện hiện đại, cùng với hàng loạt thuốc tân dược. Chuyện sau đây là thực tế sinh động có thật ở quê tôi:
Nhà có điều kiện nên sau khi sinh mổ xong, chị Tình được cả nhà động viên nên suốt ngày chị chỉ có một việc nằm một chỗ nhìn ngó xung quanh, chỉ tay năm ngón. Việc nhà, việc chăm con đã có ông bà, hai cô giúp việc chăm lo. Trước khi sinh, đọc được thông tin ở đâu đó, anh Chung – chồng chị về loan tin cho cả nhà rằng:
- Nhà con phải đẻ mổ nên phải cho để cho vợ con nằm dưỡng sức trên giường ít nhất một tháng thì mới khỏe được, không là bị hậu sản ngay!
Bố mẹ chồng chiều con cũng gật gù cho rằng thời đại giờ bây giờ khác mình, nên việc đề xuất của con trai là cũng hợp lý, liền bảo:
- Nhất trí! Con cứ làm sao để vợ và con con khỏe mạnh là được.
Thế là từ ngày ở viện về, chị kiêng vận động hoàn toàn, chỉ khi nào cần tắm rửa chị mới ngồi dậy...Cuối cùng chị bị dính ruột, phải mổ thêm một lần nữa.
Việc vận động sau khi sinh đặc biệt là sinh mổ có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa nhiều nguy cơ. Việc hạn chế vận động sẽ khiến khí huyết trong cơ thể sẽ khó lưu thông gây mệt mỏi. Bình thường, sau khi mổ, sản phụ càng cố gắng ngồi dậy trên giường, đứng dưới đất rồi di chuyển nhẹ nhàng càng sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu để ruột nhanh chóng có nhu động. Tuy nhiên, việc kiêng khem quá mức hoặc vận dụng thiếu chọn lọc kinh nghiệm dân gian nhiều lúc cũng dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Chẳng hạn chuyện thật như đùa này xảy ra trong một gia đình cạnh nhà tôi như sau:
Chị Hải là người may mắn, hạnh phúc vì được mẹ chồng mình tâm lý, chiều chuộng. Thế nhưng sự chăm sóc thái quá và có phần cổ hủ của bà khiến chị muốn khóc dở mếu dở. Ngay từ khi mang thai, bà đã rót vào tai chị những lời khuyên nhủ từ “ngàn đời nay của các cụ dạy”.
Nghe lời mẹ, chị cũng thực hiện theo nhưng sau một tuần không tắm gội, đánh răng. Mặt thì lúc nào cũng đắp dày lên bởi một lớp nghệ, vì thế không chỉ người xung quanh mà ngay cả bản thân, chị cũng không thể nào chịu nổi mùi cơ thể của mình. Lúc nào ngứa ngáy lắm, khó chịu lắm thì chị gãi, rồi lau toàn thân và mặt bằng khăn ấm, răng thì chị súc miệng qua loa. Nhưng cứ lần nào chị định tắm gội, y như chị bị mẹ chồng khuyên can, thậm chí còn hù dọa: “Con mà tắm gội là sau này mất trí nhớ và rụng sạch tóc, tai ù, gân xanh nổi lên, ngồi đâu gãi đó,răng rụng sớm...thì đừng có trách mẹ không bảo nhé”.
Hải sợ khiếp vía và chị lại vâng dạ rồi tiếp tục kiêng khem khổ luyện như cũ. Lúc nào ngứa ngáy lắm, khó chịu lắm thì chị gãi, rồi lau bằng khăn ấm, răng thì chị súc miệng.
Hôi như cú thì đã đành, nhưng sự bẩn của mẹ lại vô tình ảnh hưởng tới con. Một ngày, chị giật mình khi thấy con bỗng dưng nổi chi chít nốt đỏ tròn tròn màu hồng ở toàn thân. Đưa con đi khám, chị vừa lo lắng vừa xấu hổ khi biết con mình bị lây ghẻ từ mẹ.
Khổ tâm nhất là chồng chị, dù thông cảm với vợ lắm, yêu thương vợ lắm, nhưng anh vẫn quyết định cho “hai mẹ con chị một thế giới riêng biệt”, anh dọn ra phòng khác để ở. Bạn bè đến thăm cũng ái ngại, nhưng họ không dám khuyên nhủ gì.
Chúng ta ai cũng biết sau khi sinh nở, người phụ nữ mất nhiều máu, mồ hôi tiết ra nhiều, khiến tế bào chết bong ra, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng. Nếu kiêng tắm lâu, sản phụ dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn gây bệnh, chính vì vậy sau khi sinh một vài ngày, sản phụ hoàn toàn có thể tắm bằng nước ấm trong một khoảng thời gian nhất định. Việc tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ cơ thể cũng khiến sản phụ được sảng khoái, tỉnh táo, khỏe mạnh.
Trường hợp chị Mai (cũng người hàng xóm nhà tôi), chị không kiêng tắm gội nhưng lại kiêng theo kiểu khác. Trước khi sinh con, từ viện về nhà, để tránh tà ma, bệnh tật từ bệnh viện, ngoài việc bước chân qua đống lửa to trước khi vào nhà, hai mẹ con chị quyết tâm nằm cạnh bếp than càng lâu càng tốt. Chị cho rằng nằm gần bếp than, hơ sưởi bằng than được nhiều, sẽ giúp da dẻ mẹ và bé hồng hào, khỏe mạnh.
Thế rồi chị sai bảo người giúp việc mỗi lần phải quạt cho chị ít nhất ba chậu than, chậu thì để trên đầu, chậu thì kê dưới chân và chậu thì đặt ngay dưới bụng. Ngoài ra, còn có thêm một chậu than được bỏ liên tục nền đất, bồ kết, vỏ bưởi...để người lạ hay người đi ra ngoài về xông, hơ tay trước khi vào nhà nhằm chống hơi hám và xua đuổi những tà khí bám theo người mới vào nhà. Cứ như thế không được lúc nào được ngớt than, chậu nào cũng phải đỏ rừng rực rồi mới cho phủ một lớp tro lên trên để giữ nhiệt.
Nhưng khốn thay, mới sau vài nằm than và hít thở khói than, bụi, chị Mai bắt đầu thấy con chị có dấu hiệu khó thở, chị cứ nghĩ do bé bị thay đổi môi trường đột ngột nên cứ ôm chặt con ngủ tiếp. Một lúc sau, bé có dấu hiệu suy hô hấp, người tím tái, run bần bật, bỏ ăn, quấy khóc. Đưa con đi bệnh viện, chị đã biết mình suýt liều với tính mạng của con bởi những sự kiêng khem, lo lắng quá đà của mình và gia đình.
Nguyên nhân khiến bé bị suy hô hấp đó là bé còn nhỏ, đờm nhớt trong họng còn nhiều, khi nằm than, đờm nhớt sẽ bị đông lại, không được đẩy ra ngoài. Và chúng ta gặp rất nhiều chị em phụ nữ sau sinh khác do lần đầu tiên sinh nở, thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc con dẫn đến thần kinh căng thẳng, ăn uống không đủ chất nên thiếu máu và lao động quá nặng nhọc là những nguyên nhân dẫn tới đau đầu hoặc nặng đầu....
Tập sách Tri thức dân gian của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ của tác giả Phan Thư Hiền
Thành thật là khi đang làm mẹ, tôi thấy mình là người bị động hoàn toàn vào hai phía nội – ngoại và tôi cảm thấy rất yên tâm, bằng lòng với những gì đã xảy ra đối với mình. Nhưng khi trở thành bà - “bà ngoại”, rồi đến “bà nội”, khi phải đối diện đến chóng mặt với biết bao thử thách giữa cái cái “tập tục” và cái “trào lưu”; cái “truyền thống” với cái “hiện đại”, tôi mới nhận ra sự quan trọng biết chừng nào của việc sinh đẻ đối với người phụ nữ.
Trải qua những năm tháng “làm mẹ” rồi “làm bà”, tôi cảm thấy thương mẹ mình - người đã mang nặng đẻ đau để sinh ra tôi và nuôi tôi khôn lớn. Mà có lẽ không phải riêng gì tôi, nhiều người trạc tuổi lục tuần như tôi đều than vãn những câu cửa miệng như “đẻ chửa thời nay sao mà khó thế?”, “làm bà quả là khó hơn làm mẹ!”, “thời nay con dâu làm bà gia, bà gia làm con ở”….
Quả là “nghe càng thấm, ngấm càng đau”! Trong thực tế, nhiều khi chỉ vì bất đồng vài ba chuyện trong xử lý các tình huống sinh đẻ mà nhiều gia đình (vợ chồng, thông gia, mẹ con, ông bà) phải từ bỏ nhau. Tôi xin nêu lên vài dẫn chứng sau đây:
Bà bạn tôi, nguyên là một công chức nhà nước nghỉ hưu, cả tháng trời mất ăn mất ngủ để chăm sóc con gái đẻ, một hôm thấy đứa bé lúc có ghèn ở khóe mắt, bà bảo mẹ cháu vắt một giọt sữa nhỏ vào mắt thằng bé để cho sạch mắt, vô tình bà thông gia trông thấy, liền lu loa: “Bà đang làm gì đấy! Đúng là đồ nhà quê, ăn ở bẩn thỉu, có chuyện gì với cháu tôi là bà phải chịu trách nhiệm đấy!”. Thế là bà ngoại quẹt nước mắt ra về, từ đó không bước chân đến nhà thông gia nữa.
Một bà khác, thấy đứa bé vừa sinh ra đã bị khò khè khó thở, với thói quen trước đây đang thời kỳ nuôi con nhỏ, bà hồn nhiên ghé miệng nút mũi cho cháu đễ thở, liền bị con dâu trừng mắt lên quát tháo: “Bà làm cái trò gì thế? đúng là bà già cổ lỗ xỉ!”. Bà mẹ cảm thấy chạnh lòng và ngồi khóc một mình.
Và cũng vừa mới đây thôi, ở cạnh nhà tôi có hai bà thông gia vì chuyện cho người đẻ ăn gì? uống gì? ăn như thế nào? uống như thế nào? mà bỗng dưng hai bà to tiếng, cãi lộn nhau rồi rốt cục ai về nhà nấy, bỏ mặc cho con cháu khóc cạn nước mắt…
Rất nhiều và rất nhiều câu chuyện tương tự, nếu những người trong cuộc không biết dung hòa tính cách, chia sẽ kinh nghiệm và nhường nhịn nhau để giải quyết những vấn đề diễn ra hàng ngày trong quá trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mẹ và bé thì vẫn còn nhiều hậu quả tai ương xảy ra ngoài mong muốn.
Mặc dù tôi đã trải qua những thử thách khi làm mẹ và làm bà, hiện nay tôi đã có tất cả 4 đứa cháu cả nội và ngoại nhưng nhiều lúc tôi vẫn cảm thấy bối rối không biết việc cha ông đúng hay lớp trẻ đúng? Nhất là trong quá trình chăm bẵm cháu nhiều lúc tôi mất tự tin vì sợ con dâu, con gái lại chê mình là “bà già cổ lỗ xĩ”, thiếu hiểu biết về khoa học và y học. Chính vì vậy những ngày chăm dâu đẻ và trông cháu nhỏ, ngoài việc tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích về sản phụ và trẻ sơ sinh, tôi cũng đã lượm lặt được rất nhiều câu chuyện, và vô số giai thoại vui xung quanh chuyện sinh đẻ, từ chuyện đẻ cho được con trai để có người “nối dõi tông đường”, chuyện “mẹ chồng – nàng dâu”; đến chuyện mâu thuẫn vợ - chồng; xung đột mẹ con – thông gia; bất đồng trong quan niệm, ứng xử của các thế hệ trong nhà….Toàn là chuyện cười ra nước mắt .
Theo tôi, lớp trẻ ngày nay đang còn tồn 03 quan niệm khác nhau về sinh đẻ:
- Tin tưởng tuyệt đối về kinh nghiệm dân gian của các bậc tiền bối;
- Hoàn toàn áp dụng theo y học và khoa học hiện đại;
- Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
Với phương pháp khảo cứu các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại dưới góc nhìn văn hóa dân gian, tôi đã cố gắng lồng ghép, liên hệ với nhiều giai thoại dân gian và dẫn dắt mẫu chuyện vui trong sinh hoạt đời thường để bạn đọc dễ nhớ, dễ hiểu và lôi cuốn sự chú ý của độc giả. Hy vọng công trình nghiên cứu này giúp cho những người làm ông, làm bà, làm cha, làm mẹ có thêm nhiều kinh nghiệm sống, chăm sóc người mới sinh và trẻ sơ sinh từ những tri thức dân gian; cùng nhau “gạn đục, khơi trong” để vươn tới cuộc sống văn minh, tiến bộ và hạnh phúc.
Với mong muốn được chia sẻ những kinh nghiệm quý, những bài học hay với những người đã và đang làm mẹ, làm bà, tôi nảy ra ý định thực hiện biên soạn tập sách “Tri thức dân gian của người Nghệ về chuyện sinh đẻ ” này.
Sách “Tri thức dân gian của người Nghệ về chuyện sinh đẻ ”, ngoài Lời đầu sách và phần Phụ lục, gồm những nội dung chính sau đây:
- Một số quan niệm chung của người Nghệ Tĩnh về chuyện hôn nhân và sinh đẻ;
- Các tục lệ xưa của người Nghệ Tĩnh về chuyện sinh đẻ;
- Kinh nghiệm dân gian về chuyện sinh đẻ của người Nghệ Tĩnh;
- Những kinh nghiệm của người phụ nữ thời kỳ mang thai và lúc sinh đẻ;
- Một số bệnh thường gặp và các bài thuốc dân gian dành cho mẹ và bé…
Xen kẽ trong các nội nội trên là những mẫu chuyện vui “sau lũy tre làng” về chuyện sinh đẻ, nhằm làm cho nội dung tập sách đỡ khô khan, nhàm chán.
Trong quá trình sưu tầm, khảo cứu, mặc dù bản thân cũng đã rất cố gắng để đi điều tra điền dã, khảo sát, ghi chép một cách tỷ mỷ và chi tiết, song do thời gian và khả năng phân tích, lý giải còn hạn chế, cũng gặp rất nhiều khó khăn do nhiều tập tục xa xưa đã mai một, nhiều nội dung chỉ nêu ra được vấn đề mà không có được sự luận giải của người xưa; có nhiều đoạn diễn đạt hơi mộc mạc, thô thiển (bởi nói đến sinh đẻ)…
Tập sách ra đời chắc chắn không tránh những khiếm khuyết, có gì sơ suất xin được quý vị độc giả rộng lòng lượng thứ.
Phan Thư Hiền