10-01-2021 - 12:11

Tập thơ Chơi ô ăn quan của tác giả Trần Quốc Thường

Tác giả Trần Quốc Thường (sinh ngày 15/02/1958); quê quán xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh; là quản lý giáo dục đã về hưu. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập thơ Chơi ô ăn quan của tác giả do NXB Hội Nhà văn phát hành, năm 2020 qua lời giới thiệu của nhà thơ Lê Văn Vỵ.

NGƯỜI “ ĂN MÀY” THẾ GIAN GIÚP NGƯỜI VÀ ĂN MÀY THƠ CỨU RỖI TÂM HỒN MÌNH

 

Ở đất Hà Tĩnh nói đến Quốc Thường thì nhiều người biết. Thầy nổi danh là người sáng lập, điều hành Quỹ Nhân ái Hồng La. Hàng trăm cụ già không nơi nương tựa, hàng ngàn mảnh đời kém may mắn, cơ nhỡ, hàng ngàn sinh viên,học sinh mồ côi nghèo khổ nhờ thầy Quốc Thường bắc nhịp cầu nhân ái đến với các nhà hảo tâm trong và ngoài nước mà được cưu mang, chia sẻ…

Tác giả Trần Quốc Thường


Còn nhớ, có một lần đang trên đường ra ngả tư Trổ, gặp Quốc Thường, tôi dừng lại. Cả hai rút dép ngồi bên vệ cỏ. Nắng hiu hắt. Cả hai nhìn ra bãi tha ma. Trao đổi bao nhiêu chuyện nhân sinh, thế sự, bỗng Quốc Thường chùng giọng xuống đủ nghe: “Xứ mình thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh tàn khốc để lại bao hậu quả mà đến nay còn dai dẳng.     
Bao thân phận thương tâm. Tôi hết giờ dạy học ở trường lại đi ăn mày thế gian. Tôi chẳng mưu cầu chi cho mình mà mưu cầu cho những thân phận bất hạnh, kém may mắn ở đời!”.

Vâng, ăn mày thế gian cho người và ăn mày thơ cứu rỗi tâm hồn mình”. Tôi ủng hộ. Nói đến thơ, Quốc Thường hoạt bát hẳn lên và “ khoe” với tôi đang tích cực gom nhặt bản thảo để có thể cho ra một tập.    

Rồi tháng sau, cậu ấy gửi bản thảo cho tôi, đề nghị viết cho Lời giới thiệu.
Tôi biết, bao nhiêu thời gian, Quốc Thường “vắt kiệt” cho công tác quản lí và từ thiện, còn đâu cho Nàng Thơ?
Sinh ra theo nghiệp làm thầy
Trời phật ban kiếp ăn mày thế gian.
Những vần thơ Quốc Thường viết là những cảm xúc đến bất chợt sau khi đi trao quà, hoặc thăm hỏi một hoàn cảnh trở về. Những vần thơ như những bức kí họa, vẽ nhanh, cốt giữ lại những cảm xúc tươi nóng, chứ không có thời gian để đẽo gọt sửa chữa. Vì vậy, thơ Quốc Thường chủ yếu ngắn, không dụng công câu chữ, một dạng Nhật kí tâm hồn. Nói vậy nhưng thông điệp mà Quốc Thường gửi đến bạn đọc vẫn rất rõ. Và quả thật, anh bạn thân yêu của tôi không chăm chắm làm nghệ thuật mà đến với thơ như thú chơi thanh cao của kẻ tao nhân mặc khách. Chơi cờ, uống rượu, chơi đàn, thưởng hoa, làm thơ, viết báo,...những thứ ấy, ông bạn "Nhân ái Hồng La" đều biết cả!
Thơ Quốc Thường viết “chơi” nhưng cũng thấm đẫm nhân sinh thế sự đậm chất thiền: 
Đông rét cỏ cây dấu nụ
Riêng đào sưởi ấm lòng tôi
Xuân sang trăm hoa đua sắc
 Đào vườn tôi, kết trái rồi.
               (Hoa đào nở sớm)

Bao nhiêu nghịch cảnh ở cuộc đời vô thường này  được tác giả ghi lại qua hình ảnh chiếc lá :
"Sân vườn rơi chiếc lá xanh,
 Cho ta hiểu cái mong manh kiếp người"

Nhưng có lẽ nặng lòng hơn cả vẫn là những vần thơ viết về quê hương và viết về nghề giáo mà Quốc Thường đã gắn bó suốt đời.
Hình ảnh đẹp của núi Hồng, sông La như vận vào nghề giáo và người thầy của Quốc Thường:
 "La Giang sóng vỗ bồi xanh bãi,
 Hồng Lĩnh mây bay phủ trắng đầu"
                                (Tình thầy, nghĩa bạn)
Yên Hồ, quê hương của Quốc Thường là “đất khoa bảng lừng danh” với những ông Nghè, ông Cống thời xưa, những nhà nho thương dân yêu nước và hàng chục giáo sư, tiến sĩ khắp mọi miền tổ quốc đang cống hiến tài năng trí tuệ, xây dựng tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.
 Yên Hồ cũng nỗi tiếng là miền có nhiều con gái đẹp như câu ca dao nơi đây: " Trai Đông Thái, gái Yên Hồ".
 Chăm làm cho dáng lưng ong
 Nết na thùy mị, mát lòng người ơi!
Hôm qua cha mới sang chơi
Về nhà giục mẹ tìm cơi đựng trầu
 Cho dù núi dựng sông sâu
Cũng đưa cho được miếng trầu sang sông.
                                        (Gái quê)

Tập thơ Chơi Ô ăn quan


Tôi yêu những vần thơ dung dị Quốc Thường viết về nghề giáo, những vần thơ dễ dàng như lấy từ trong túi ra:
Qua rồi cái thuở chờ mong
Mà sao kỉ niệm vẫn không chịu già.
                          (Kỉ niệm)
Với Quốc Thường dạy học hay làm từ thiện, tấm lòng nhân ái, bao dung, đức hy sinh vì học sinh, người nghèo luôn thường trực, mặc đinh:
 Mai sau về với đất trời
Làm ngọn cỏ mát chân người nhà quê.
Ai giày xéo cỏ nhớ nghe
 Mai sau cỏ vẫn chở che mộ mình.
                        (Nghiệp)
Những vần thơ ấy không chỉ là tâm trạng của Quốc Thường mà của nhiều người trong đó có tôi.
 Quốc Thường đang bày cuộc chơi thơ. “ Chơi ô ăn quan” là trò chơi tuổi nhỏ, nhưng đâu chỉ đơn giản như vậy. Đằng sau đó là cuộc cờ người. Thâm ý của thi nhân sâu lắm. Cuộc chơi thơ của Quốc Thường ngẫm ra lắm thú vị.

 Hương Sơn tháng 7 /2020

VĂN LÊ
(Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)

*************************


Giới thiệu 1số bài thơ trong tập: “ Chơi ô ăn quan” của Quốc Thường

CHƠI Ô ĂN QUAN


Một em ngồi trong cổng sắt.
Một em ở ngoài.
Hai đứa ở hai bờ tự do và tù túng.
Người làm bố thí.
Kẻ đi hành khất.
Vẫn thò tay qua cửa sắt,
Chơi ô ăn quan.
Nghe tiếng xe về,
Chúng vội vàng,
Hai đứa chạy về hai miền đau khổ.
Cuộc chơi đành bỏ dở,
Bởi chưa đến hồi hết quan.


Chú thích: 
Trong trò chơi này khi nào hết quan hoàn dân mới xong ván.

                            Chơi Ô ăn quan (Ảnh: Internet)


TÌNH THẦY NGHĨA BẠN 


Trái đất quay tròn lại gặp nhau.
Tình thầy nghĩa bạn, trước như sau.
La Giang sóng vỗ, bồi xanh bãi.
Hồng Lĩnh mây bay, phủ trắng đầu.
Thư bạn gửi trao, mừng mấy chữ.
Lời thầy dạy dổ, nhớ từng câu.
Cho dù bến cũ neo thuyền mới
Ta vẫn là ta nghĩa bạn bầu.

 

LỜI CẦU NGUYỆN ĐẦU NĂM


Người đi dâng lễ đầu năm
Kẻ muốn phát tài, bình an
Người mong thăng quan, tiến chức,...
Ôi! lòng ham của trần gian.


Doanh nhân cầu mong trốn thuế.
Kẻ cướp cầu thoát công an.
Lễ hội tranh nhau cướp lộc,...
Ôi! lòng tham của nhân gian.


Diêm dân mong cho trời nắng
Nhà nông ghét hạn, cầu mưa
Kẻ bán quan tài cũng ước....?
Trời phật chiều ai cho vừa?


Nhà hàng thịt thú la liệt
Thiếu nữ hàng lộ vô tư,
Hương, vàng đốt lên nghi ngút
Ai ngăn, ai cấm bây giờ?


Kẻ ăn xin, giơ tay run rẩy
Người đói rách, chống gậy liêu xiêu,
Trời -Phật của họ người qua lại.
Mong có ăn, họ ước 1 điều.


Một bát cơm thôi, chia kẻ đói
Hơn ngàn câu hát, văn chương.
Chỉ manh áo thôi, giúp kẻ khốn
Hơn lời cầu chốn thánh đường.
Chỉ vài đồng thôi, trao kẻ khó
Hơn bản thành tích phô trương.
Chỉ chiếc cầu tre qua suối nhỏ
Hơn tượng đài bia đá phơi sương.
Phật ngụ tại TÂM ta đó
TỪ BI - HỶ XÁ - VÔ THƯỜNG.


HOA ĐÀO NỞ SỚM


Đông rét, cỏ cây dấu nụ.
Riêng đào sưởi ấm lòng tôi.
Xuân sang, trăm hoa khoe sắc.
Đào vườn tôi …  kết trái rồi.

. . . . .
Loading the player...