Để nhìn thấu tận đáy những khổ đau được mất, nhà thơ như vắt mình đến cạn kiệt tình yêu thương và niềm khao khát. Thơ anh luôn truyền đến người đọc những cảm xúc mạnh, những sẻ chia đắng đót về nhân tình thế thái mà chính anh đã từng nếm trải.
Lê Văn Vỵ đã in 7 tập thơ và đã được nhiều giải thưởng, vậy mà đến giờ tôi mới được đọc thơ anh, tập thứ 8: “Đi qua nỗi buồn”. Tập thơ mang đến cho tôi nhiều bất ngờ về một nhà thơ lao tâm khổ tứ, luôn trăn trở chuyện đời với những phận người mong manh lắm buồn vui cười khóc… bằng ngòi bút của một nhà báo thi sĩ. Để nhìn thấu tận đáy những khổ đau được mất, nhà thơ như vắt mình đến cạn kiệt tình yêu thương và niềm khao khát. Thơ anh luôn truyền đến người đọc những cảm xúc mạnh, những sẻ chia đắng đót về nhân tình thế thái mà chính anh đã từng nếm trải:
Giá mà ta được khóc
Ta đã nuốt đá, ngậm sỏi, trừng mắt xuyên đêm tối
Cõng con băng qua bãi tha ma
Cả núi đá đè lên lưng, lên ngực.
Ta tru lên như sói rừng hoang
Hát khúc ca lá ngón
Liếm vết thương bằng nước bọt chính mình
Đam mê bước qua nỗi buồn
Sóng thời gian khỏa lấp
Những câu thơ như thác, như sóng nối tiếp nhau nhập vào biển cả ý tưởng mạnh mẽ đến quyết liệt. Nó luôn hối thúc về sự nổ tung, phá vỡ những kìm kẹp bảo thủ bao đời để làm nên cuộc “đảo chính cô đơn” của phận người:
Trời đất mây mưa nổi loạn rồi
Trăng rơi xuống đáy, cỏ lên ngôi
Có người thiếu phụ tim nổi lửa
Đảo chính cô đơn, rạng mặt Người
Với góc nhìn thế sự là mặt mạnh của một nhà báo, Lê Văn Vỵ xuyên chiếu qua chất thơ trong sự hàm súc của ngôn ngữ và cảm xúc. Và anh đã tao dựng được nhiều tứ thơ ấn tượng. Anh “ngồi chống đỡ từng kỷ niệm” mà xót thương cho những bông hồng dập nát trong cơn BÃO. Anh trở lại cánh đồng tuổi thơ gặp “người đàn bà bắt cua đồng” để nhận ra một không gian thanh sạch khi mà hiện tại ngày ngày đang bị nhiễm độc: “Còn tôi loi nhoi đi về phía người đàn bà khấp khởi hiện hình cánh đồng tuổi thơ chưa ngộ độc. Nghe tôm cá lóc bóc trong lòng và lúc nhúc cua béo ngậy ẩn dưới gốc rạ; lăn lóc lưỡi nhủi xé nước. Nghe khai khai mùi bùn, mùi da thịt đất đai đang hồi sinh tôm cua không chỉ cho người đàn bà, cho tôi mà cho cháu con ngàn đời kế tiếp…”. Anh nhìn “hoa bưởi rụng trắng vườn” mà nhận ra điều hiển hiện: “không phải ra hoa là kết quả”. Để rồi trước nhiều nghịch lý của đời sống hỗn độn, anh phải thốt lên chua chát: “Ta chán mớ đời luôn luôn đúng/ Giữa cõi dối gian của kiếp người”. “Chán” ở đây vừa là một thái độ, nhưng cũng là một cách nói của Lê Văn Vỵ nhằm phê phán những gian dối ở đời.
Lê Văn Vỵ gắn bó sâu sắc với thôn quê mà đặc biệt là thôn quê miền trung, một vùng đất nghèo khó. Nhờ thế mà thơ anh thường mang đến những sắc thái lạ trong dòng thơ chung về thôn quê hiện nay với những phát hiện ấm áp tình người:
Hai nhà chung một bờ cây
Bên kia: Mẹ mất; Bên này: Cưới dâu
Bên kia nén lại nỗi đau
Nước mắt lặn xuống đáy sâu tim mình
Bên này tắt nhạc xập xình
Nụ cười lắng lại, ân tình sẻ chia...
Và mang tới nhiều ấn tượng mạnh về cuộc sống giàu vất vả hy sinh của người quê. Bài thơ “Cắt móng chân cho mẹ” là một bài thơ đặc sắc. Chỉ nói về những cái móng chân nhỏ bé của mẹ mà ta thấy hiện lên cả một cuộc đời gian khó, chịu đựng, hy sinh của người mẹ miền trung từ bao đời nay, đó là cái “móng chân số phận” nhắc nhở những đứa con:
Móng: Điếc thời còn bé
Móng: Nứt nẻ trên đồng
Móng: Chiều có, tối không
Thời dân công hỏa tuyến
Móng: Bay vèo theo máu
Khi bom Mỹ sát thương
Móng: Rơi ở dọc đường
Lần cháy nhà cứu nạn
Ôi móng chân số phận
Xa xót những mất còn
Ngay cả khi nghĩ về Ngựa, Lê Văn Vỵ cũng thấy cả những con ngựa của ruộng nương chung sức cùng người vượt qua nghèo khó: “Thời loạn thương ngựa cái / Sinh con ngoài chiến trường/ Thời bình thương kỵ mã/ Nhọc nhằn với ruộng nương”. Và anh xót xa về phận người trong cơn lũ: “Chết chìm cả bãi tha ma/ Đám tang ngày lũ xót xa trên thuyền”. Sự đa cảm của tâm hồn anh khiến người đọc cũng đa cảm theo: “Ta ngồi vá víu mười phương/ Để lành chiếc áo yêu thương cõi Người”…
Một người thơ đa cảm, đa nghĩ, đa sự như Lê Văn Vỵ lại đôi khi bỗng hồn nhiên tươi trẻ trước tình yêu, và những câu thơ của anh bỗng bay bổng phóng túng một cách thơ hiện đại: “Mình thít vào nhau/ Da thịt, xương cốt, hồn vía này/ Thương người/ Buộc chỉ cổ tay”. Và anh như tung tăng hoà vào biển cả của tình yêu trẻ trung, bát ngát:
Biển 14, 15, cát trắng đang rằm, ngực sóng nhu nhú trăng non bí ẩn
Anh áo phao đeo kính viễn vọng, nằm lên rốn biển khám phá ngọc trai và muôn vàn báu vật từ đại dương em dâng hiến
Em mới vừa đầu sóng, đã cuối chân mây, thả tóc xanh thẳm, cười tung bọt nước, chợt ẩn chợt hiện, chợt có chợt không.
Với tâm hồn trẻ trung đó, Lê Văn Vỵ đã đẩy thơ anh sát gần với cảm xúc của thời đại mới. Đúng vậy, người ta không thể làm mới thơ bằng cảm xúc cũ kỹ, mà phải bắt đầu bằng sự đổi mới của tâm hồn. Đó là một tâm hồn hoà nhập với đương thời, hoà nhập với tuổi trẻ - những con người đại diện cho thời đại mới. Chính vì thế mà anh đã tạo ra được những câu thơ hiện đại, nhiều ẩn dụ đa nghĩa như “Trời xanh gặt mẹ khi lúa đang thì con gái bán non”, “Những chú cua tí tẹo đồng tiền giương mắt được lôi từ trong hang ngơ ngác trời xanh bỏ giỏ”, “Hôn vào lưỡi sóng, rúc vào ngực sóng, ôm choàng eo sóng, thả mình trên sóng để được trôi về miên viễn cực lạc”,v.v… Và anh đã có những câu thơ hay thật đáng nhớ: “
Tác giả đi thực tế ở Sa Pa. A: Bảo Phan |
Đem trải mùi em lên chiếu chăn/ Cho tan đi mùa đông cô độc”, Ta như than cháy lăn xuống biển/ Trời ơi mát lạnh đến thế này/ Ta thả trần gian vào tiên phật/ Tôm cá tang bồng khúc dô... huây”…
Thú thực, trước khi viết những dòng này, tôi chưa được gặp Lê Văn Vỵ. Nhưng khi đọc thơ anh, tôi như thấy anh rất gần gũi, thân quen, như đã từng tâm sự, giãi bày. Đó là một người thơ tưng tửng mà đau đớn, đa cảm mà nghĩa hiệp, cả nghĩ mà quyết đoán, hào phóng mà hàm ơn… Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi xin mượn lời anh để nói về anh:
Những vết thương lòng
Lên sẹo đất đai
Cảm ơn Thơ đã chở ta về tuổi thơ lãng quên ở quê mà hồn đau xa xứ
Cảm ơn mẹ mỗi chiều phên liếp chở che…
Giới thiệu một số bài thơ trong tập:
ĐI QUA NỖI BUỒN
Năm báo tử anh
Mây trắng tuổi thơ tang tóc
Đêm liệm cha
Nhang khói mồ côi
Ngày vĩnh biệt em
Núi lở ngang trời
Ba hồn, bảy vía nỗi buồn
Về đây nhập lượm
Chôn sâu trong lòng
Hay hỏa táng?
Còn lại nắm tro
Thả sông, thả bể
Vun cho đầy
Cây đắng
Nở hoa?
Người nói với ta:
Đi qua nỗi buồn bằng nước mắt
Những trận mưa nước mắt hồi sinh cánh rừng sau lửa tình yêu thiêu trụi
Những giọt nước mắt lăn xuống nấm mồ người thân nẩy mầm xanh cỏ
Giá mà ta được khóc
Ta đã nuốt đá, ngậm sỏi, trừng mắt xuyên đêm tối
Cõng con băng qua bãi tha ma
Cả núi đá đè lên lưng, lên ngực.
Ta tru lên như sói rừng hoang
Hát khúc ca lá ngón
Liếm vết thương bằng nước bọt chính mình
Đam mê bước qua nỗi buồn
Sóng thời gian khỏa lấp
Xóa những vết chân hằn trên cát
Những vết thương lòng
Lên sẹo đất đai
Cảm ơn Thơ đã chở ta về tuổi thơ lãng quên ở quê mà hồn đau xa xứ
Cảm ơn mẹ mỗi chiều phên liếp chở che
Cảm ơn em
Đã là chiếc mỏ neo cắm thuyền ta giữa dông bão đảo điên...
Đã có lúc
Vịn vai em vượt thác buồn phiền...
CẮT MÓNG CHÂN CHO MẸ!
Đưa mẹ về, từ Huế
Tạm nghỉ ở Đèo Ngang
Trưa trời nắng chang chang
Cắt móng chân cho mẹ!
Móng: Điếc thời còn bé
Móng: Nứt nẻ trên đồng
Móng: Chiều có, tối không
Thời dân công hỏa tuyến
Móng: Bay vèo theo máu
Khi bom Mỹ sát thương
Móng: Rơi ở dọc đường
Lần cháy nhà cứu nạn
Ôi móng chân số phận
Xa xót những mất còn
Còn lại ba móng chân
Cong queo và dị dạng
Nhọn như là vuốt sắc
Nung lửa trời, lửa đời
Tôi băng giá cõi người
Kéo đụng vào cong lưỡi
VỚI EM...
Mong manh lắm Niềm tin thời mở cửa
Thương trường như chiến trường khốc liệt được, thua
Mong manh lắm Tình yêu thời mở cửa
Sáng có chiều không, sự thật như đùa
Nhưng không có Niềm tin không sống được
Một Niềm tin không thể bán mua!
Nhưng không có Tình yêu không sống được
Một Tình yêu không thể dối lừa.!
Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: Trung Hiếu
LINGA, YONI
Em ơi!
Đây không phải lò gạch làng Vũ Đại
Thánh địa Mỹ Sơn
Bao vương triều hưng bại
Bể dâu
Tan nát dưới chân người
Chỉ còn linga và yoni
Bí ẩn
Thách thức thời gian
Thách thức không gian
Bất chấp nắng mưa
Bất tử vĩnh hằng
Xé toang mọi bưng bít
Đạo đức giả
Nhục mạ con người
Linga yoni
Minh triết
Về
Hoà hợp âm dương
Mất còn
Tồn tại và sinh sôi
Khởi nguồn sáng tạo
Khởi nguồn thi ca
Nuôi khát vọng đam mê
Và lúc cần
Huỷ diệt(1)
Linga yoni
Thiêng liêng hơn tất cả các thánh
Ekamukhalinga(2)
Kiêu hãnh
Chỉ có mặt thần Shiva
Mới được tạc lên linga
Và dấu vết nan hoa
Mang mặt người bí ẩn(3)
Thánh địa Mỹ Sơn 9/7/2013
Chú thích:
- (1) Theo các nhà nghiên cứu linga và yoni biểu tượng tam vị nhất nguyên, Thần Shiva: Phần tròn thần sấm chớp biểu trưng cho sự huỷ diệt,; brahma: phần khối vuông bê tông biểu trưng choThần sáng tạo; Vishus: phần bát giác biểu trưng cho bảo tồn);
- (2) Shivalinga chỉ có mặt thần Shiva được tạc trên linga (tượng khai quật ở Mỹ Sơn);
- (3) Theo các nhà nghiên cứu, linga còn có dạng nan hoa có thể là biểu trưng hình người bí ẩn