"Tôi đọc “Gió đổi mùa” với dào dạt bao năng lượng và trữ lượng - năng lượng của tình yêu và trữ lượng của tình quê. Nguyễn Thạch Đồng đã thổi ngọn gió của tâm tình của trái tim ca hát để đổi cả mùa gió, sắc thái gió và cả tâm tính gió..." Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài đọc sách "Từ trữ lượng tình quê đến năng lượng tình yêu" của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú về tập thơ đầu tay "Gió đổi mùa" của tác giả Nguyễn Thạch Đồng.
TỪ TRỮ LƯỢNG TÌNH QUÊ ĐÊN NĂNG LƯỢNG TÌNH YÊU ...
Tôi đọc “Gió đổi mùa” với dào dạt bao năng lượng và trữ lượng - năng lượng của tình yêu và trữ lượng của tình quê. Nguyễn Thạch Đồng đã thổi ngọn gió của tâm tình của trái tim ca hát để đổi cả mùa gió, sắc thái gió và cả tâm tính gió. Anh đã mang đến cho ta mát rượi từ gió lào nắng khét thành gió nồm lồng lộng và gió nam khe khắt. Nhưng tất cả sự phóng khoáng ấy, mênh mang ấy và cả những cồn cào cũng chỉ mong muốn đi “Tìm hạt mùa sau” trên “Con đường dài nhớ mẹ”, qua “Đèo Ngang” để đến với “Khát vọng cánh buồm”. Vâng, tôi xem “Khát vọng cánh buồm” như một trường ca ngắn với 5 khúc. Chính cánh buồm khát vọng đã băng qua bao miền gió, bao khát vọng yêu thương, bao cung bậc tình cảm để đến với bến bờ hạnh phúc. Hạnh phúc cuộc đời được chở trên “Đò em” hay trên những chuyến tàu của “Sân ga cầu vồng” qua những “Lặng lẽ dòng sông” dào dạt ưu tư sóng. Để từ đó “Nhặt” từ “Hạt mùa chiêm bao”, trong từng “Tinh khôi” với những “Chiều quê biển động” để “Vẽ hình hài” “Giấc mơ của khói” sàng sảy cả đời mình cho “Hạt mềm tháng sáu” khát khao “Đêm con thấy mặt trời”.
Có rất nhiều bài thơ trong tập “Gió đổi mùa” viết về thời gian. Và hình như từ “mùa” mà có bao đổi thay về thời tiết của thiên nhiên và cả nhiệt kế của tâm hồn. Phải thật tinh tế thi sĩ mới phát hiện ra cái hương vị dịu ngọt: “Lời hoa rót mật vào đêm - Cho anh gỡ rối, cho em lộc vừng” (Lộc vừng đêm đông). Tôi thích: “Cây lim dim lá mơ màng chồi non” trong cái thời điểm xao xác giao mùa - Giao mùa của cây lá và giao mùa của tâm trạng. Chính những thời khắc này, sự chênh chao hụt hẫng của cung bậc này đã cho thơ, bởi thơ chính là những va chấn tâm hồn nhạy cảm. Anh đã: “Tiễn thu đi trong heo may vời vợi” để: “Giữ chút se lòng với những bến bờ xa”. Thơ Nguyễn Thạch Đồng nhiều cảm thông chia sẽ. Anh là người hay nghĩ ngợi về tình đời, tình người và lẽ sống ngày thường. Vì thế mà trước “Long lanh mùa xuân” Ăng- ten thơ của thi sĩ vẫn bắt được cái tần số rung cảm: “Song thưa để lọt sợi tình xuân”. Đây là một câu thơ ám ánh từ hồn thơ Hàn Mặc Tử. Mùa trong “Gió đổi mùa” cũng là “Mùa cổ tích”. Một cổ tích có hậu thấm đẫm tình yêu nghề nghiệp: “Tháng năm bắc dài nỗi nhớ - Thương ai phượng vĩ thắm màu” bởi anh là người tự biết mình cái giới hạn của mình: “Đứng dưới cây cổ thụ - Để thấy mình nhỏ nhoi”.
Ngọn gió phóng túng thơ của Nguyễn Thạch Đồng lại đổi mùa để về với mùa yêu thương, về với bến đỗ bình yên đó là khi anh viết về những người thân yêu của mình. Thật cảm động khi hình ảnh người mẹ hiện lên trong những câu thơ ấn tượng khắc họa đậm nét: “Cái nơm, cái đó mang theo - Lưng đeo oi, nhớ cảnh nghèo ngày qua”. Thơ viết về cái thiếu hụt thường chia sẻ bao đồng cảm. Thơ Nguyễn Thạch Đồng chân thành - Chân thành đến tha thiết, da diết: “Mẹ trở dạ sinh con, ngoài kia biển trở mình - Quên nhọc nhằn biển vỡ òa hạnh phúc - Con khóc chào đời mắt mẹ ánh bình mình” (Đêm con thấy mặt trời). Và chính tình yêu tình mẫu tử mà trong “Đường dài nhớ mẹ” anh đã nhận ra một chiêm nghiệm đúc kết kinh nghiệm sống cho mình: “Đời lắm đua chen đường trăm ngã - Chỉ lối bình yên về bên mẹ mỗi ngày”. Những câu thơ trong bài “Tìm hạt mùa sau” là những hạt mầm ươm hướng thiện hướng về tình yêu nghề, yêu người tất cả vì học sinh thân yêu! Những mầm non ấy được sự bao dung chở che và nhân lên hạt giống trí tuệ, tri thức từ người bạn đời chung thủy: “Giáo án còn đây thơm đường cày mãi miết - Đất lật bao người hoa trái mọng tháng năm”. Ngọn gió cũng đã đổi mùa khi chạm vào yêu thương mà anh đã gọi đó là “Mùa yêu thương”, càng biết nâng niu qúy trọng hạnh phúc cầm tay như trái chín trên cây: “Trái thơm mọng chín trên cây – Quả bao mong đợi những ngày đã quen”
Có hai bài thơ hơi lạ trong âm điệu chung của tập thơ này khi anh về cõi thiền “Lên chùa Hương Tích”. Nơi anh đến: “Núi thiêng xanh ngàn lau” để nhận ra: “Đường về, nhẹ bậc đá” sau khi đã: “Lòng thành dâng nén nhang”. Một nốt trầm tâm linh sâu lắng như sự ngân rung vang vọng của tiếng chuông chùa. Và đây nữa, một nén tâm nhang khi anh đến “Đất nơi bạn tôi nằm” viết về người bạn đã hy sinh trong chiến tranh giữ nước: “Bạn nằm đó với biển xanh, cát trắng – Có gió biển khơi thổi suốt bốn mùa”. Gió từ đất liền, từ quê hương gió lào cát trắng dù có đổi mùa khi ra đây nhưng không đổi màu – Màu tinh khôi bất biệt; không đổi mát – Sự mát rượi ân tình; không đổi vị - Vị mặn mòi quê hương. Vì thế tôi viết lời giới thiệu cho tập thơ này bởi từ sự đồng cảm, đồng tình tri ân đó. Hy vọng với tập thơ đầu tay là điểm xuất phát của ngọn gió tình yêu thi ca để thi sĩ Nguyễn Thạch Đồng đi tiếp, thổi tiếp ngân vọng và vang xa những ngọn gió mới với những tinh thần mới, thông điệp nhân văn cao cả mới.