29-02-2016 - 21:58

Tập thơ "Nhật ký tâm hồn" của tác giả Lê Công Thuận

Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh giới thiệu đến bạn đọc tập thơ "Nhật ký tâm hồn" * của tác giả Lê Công Thuận. Tác giả đã có nhiều bài thơ in trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh.

Bìa tập thơ "Nhật ký tâm hồn"
     Tôi biết Thuận vào tháng 3/2014, trong dịp Hội VHNT Hà Tĩnh tổ chức cho anh em hội viên đi thực tế ở Điện Biên và một vài tỉnh phía Bắc. Trong đoàn bên cạnh các vị cao niên, có những bạn mới kết nạp vào hội như Võ Chinh, Lê Công Thuận, Từ Bắc.
     Thuận dễ hòa nhập, khiêm tốn, lắng nghe học hỏi.
     Cuối đợt thực tế, Thuận đọc cho tôi nghe chùm thơ vừa viết. Bài thơ: “Núi Điện Biên” trong chùm thơ đó được in trong Tạp chí Hồng Lĩnh số tháng 5 năm 2015.
     Thỉnh thoảng, chúng tôi gặp nhau. Ngoài chuyện trường, chuyện lớp, chuyện đổi mới giáo dục, thi thoảng Thuận lại đọc cho tôi nghe tác phẩm mới. Nhưng chủ yếu, qua face, chúng tôi quan tâm đến nhau, đọc nhau mỗi ngày.
     Thuận ôm đồm lắm việc. Là Hiệu trưởng của một trường THCS, Hội viên Hội VHNT tỉnh, lại vừa  Phó Chi hội VHNT Can Lộc mới thành lập nên phải lo nhiều. Vừa thấy đăng ảnh trên Hội nghị Cơ quan, lại chợt thấy thúc giục GV làm trường chuẩn quốc gia sau 10 năm. Đang họp ở Thiên Cầm, thoáng đã về Thạch Hà chúc mừng Chi hội VHNT Huyện bạn. Đang lo lắng đội tuyển HS giỏi toán, thoáng đã thấy đến trao quà từ thiện cho mấy em học sinh nghèo của Huyện Can Lộc. Vừa có mặt nhận Bằng khen ở Hội nghị vinh danh điển hình tiên tiến, ngày mai đã thấy ảnh đăng cùng học sinh ra đồng bắt chuột.            Làm GD bây giờ không phải chỉ lo chuyện dạy mà trăm thứ bà dằn. Trăm cuộc thi mỗi năm mà cuộc nào cũng phải tham gia. Mà tiền thì rỗng túi. Khổ. Thế là xoay như chong chóng. Thương Thuận, lại cũng dễ mủi lòng trước lời nói ngọt, nên nghe cậu ta nài nỉ, tôi đã đánh đường bất chấp mưa gió đến THCS Đặng Dung, Tùng Lộc, trao đổi về đổi mới phương pháp dạy Văn với đồng nghiệp.
     Giữa bộn bề công việc, mà Thuận vẫn viết thơ. Với Thuận làm thơ đơn giản là để an ủi mình, động viên anh chị em, học sinh. “Có khi em viết đọc trước hội nghị cho vui. Em làm thơ chẳng phải thi thố tài năng gì”. Thuận nói. Ngẫm Thuận nói cũng có lý. Mà ngay cả Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Đại thi hào còn thế thì tiểu thi, thi xu hạng chúng mình
mà làm thơ cho vui, không hại chi ai cũng thấy an lạc rồi.
     Tám năm làm thơ, Thuận gom được 60 bài thành một tập: “Nhật ký tâm hồn”. “Nhật ký” là ghi chép hàng ngày, nhưng đây lại là nhật ký tâm hồn với đủ cung bậc ái, ố, nộ, hỷ.
     Lần theo thời gian ghi dưới mỗi bài thơ, thấy bài: “Chiều Trại Lê” được viết vào tháng 3/2007 và bài gần đây nhất là: “Chiều Tiên Điền” viết vào ngày 15/11/2015. Những khoảnh khắc thời gian ấy có ý nghĩa KHỞI SỰ cho cảm xúc, tác động vào tâm hồn, thúc đẩy Thuận ghi chép thành thơ ngay tức khắc. Nếu không có cái sự ấy, thì không thể nào sinh ra thơ. Dễ nhìn ra điều này dưới những ghi chép của tác giả. Ví như bài thơ: “Anh ghé thăm em một chiều mưa”, thì đúng là bài thơ ấy ra đời vào một chiều mưa cụ thể được ghi vào cuối bài: “Chiều mưa 23/10/2014”, hoặc bài: “Bến đò xưa” viết lúc 5h sáng thứ 7 ngày 15/3/2014. Cũng như vậy, bài thơ: “Bão tan rồi” được tác giả nói rõ cặn kẽ ngọn nguồn cảm hứng: “Viết sau cơn bão số 2 và Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi Việt Nam ngày 21/7/2014”.
     Thuận viết thơ không phải làm nghệ thuật mà để giải bày tâm trạng. “Thơ chưa hay, thì thơ nói thật lòng / Ai nói dối thì biết mình có lỗi” (Nguyễn Trọng Tạo- Tản mạn thời tôi sống). Thơ Thuận chân chất, mộc mạc, thật lòng như con người anh sống với người thân, đồng nghiệp bạn bè, học sinh.
     Tôi quý tấm lòng chân chất của anh dành cho Can Lộc; mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Quê hương trong thơ Thuận cụ thể. Đó là “quê nội” là “quê cũ”, “Quê mình Can Lộc” với những tên đất, tên người đã đi vào huyền thoại như Đồng Lộc, chùa Hương, La Thị Tám, Mười cô giá Ngã Ba Đồng Lộc…
     Quê trong thơ Thuận là những gì mắt thấy, tai nghe, hiện lên mồn một, có hình khối, hương sắc cụ thể sinh động, không phóng đại, không khoa trương. Kể cả những hồi ức của tác giả về quê cũng sinh động như vốn có, đã có.
     Tôi yêu bát canh hến mà ngẫm ngợi về tần tảo chiều hôm công mẹ:
Về ôn lại thuở mò cua, bắt ốc
Cánh đồng xanh vắt vẻo lưng trâu
Bát hến chiều chan chứa nông sâu
Mẹ sàng đãi lọc từng hạt sạn
                                                                      (Chiều quê)
 
 
     Trong thơ Thuận, xuất hiện nhiều buổi chiều quê với bóng tre, mặt nước, chuông chùa, điệu sáo, em gái trên đồng, nhưng có lẽ sắc tím trong một “Chiều Tiên Điền” ám ảnh tôi nhất:
Hoàng hôn rải thảm Tiên Điền
Áo em tím cả một miền thi ca.
     Sau tình cảm với quê hương, “miền thi ca” mà Thuận hướng đến là những kỷ niệm gắn bó với anh trong quãng đời làm nhà giáo. Thơ nhà giáo của Thuận vẫn là những tình cảm chân thành nồng hậu với những mái trường, đồng nghiệp mà anh đã từng gắn bó như THPT Đồng Lộc, THCS Quang Lộc, Đặng Dung- Tùng Lộc, Thiên Lộc, Xuân Diệu. Viết về mái trường, đồng nghiệp, học sinh, Thuận chỉ viết về những cuộc chia tay đồng nghiệp, học sinh, chuyển đi trường khác nhận nhiệm vụ mới, hay chia tay học sinh lớp 9 cũng để trong lòng anh bao nỗi niềm như “Cây phượng vỹ”. Các em sinh viên về trường thực tập, ngày xa trường vào tháng 3/2012, cũng khơi nguồn cảm hứng cho Thuân viết: “Ngày em xa”. Nhiều bài thơ của anh có điểm xuất phát từ những con người và tình cảm cụ thể. Ví như bài thơ: “Ở nơi ấy” là bài thơ anh dành tặng cho trường THCS Năng khiếu Can Lộc nơi anh đã từng một thời say mê với đội tuyển học sinh giỏi môn toán. Hoặc có bài thơ anh viết về một người. Đó là bài thơ viết ngày chủ nhật 24/8/2014 về thầy giáo Võ Quang Chương - nguyên Hiệu trưởng trường THCS Đặng Dung đã mất. Trong số đó, “Nếu có một điều ước” là bài thơ nặng tình nặng nghĩa với NGƯT Trần Đình Sửu- Nguyên trưởng phòng GD&ĐT Can Lộc.
     Khi đang đương chức, thầy Trần Đình Sửu là một trong những Trưởng phòng Giáo dục hiếm có. Nhiều cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh đã ngợi ca tấm gương liêm khiết, tâm  huyết  với  nghề,  tận  tụy  với  đồng  nghiệp  của  thầy. Thẳng thắn, chân tình, trung thực, chia sẻ khó khăn, động viên cấp dưới nỗ lực phấn đấu trong công tác đã trở thành huyền thoại của làng giáo không chỉ Can Lộc mà cả vùng đất học Hà Tĩnh.
     Cho nên khi thầy Trần Đình Sửu về hưu, Lê Công Thuận đã nói thật lòng về những ước ao không chỉ riêng mình mà của giáo giới rằng thời gian chậm lại để thầy không hưu mà ở lại với GD để nhà trường, và bao thế hệ GV, HS được hưởng niềm yêu thương của thầy.
     Để kết thúc bài viết ngắn này, tôi muốn nói một điều rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ đất nước có nhiều biến động. Biển Đông dậy sóng. Tổ quốc và nhân dân cần văn nghệ sĩ lên tiếng.
     Không viết được những áng văn bất hủ như: “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ văn” thì cũng cần gào lên, thét lên một tiếng. Những lúc ấy, Thuận đã có mặt với: “Gạc Ma ơi!” và với Hoàng Sa, Trường Sa qua “Giao thừa với Tổ quốc”, “Bão tan rồi”, “Cánh chim Hải Âu”.  Sự có mặt đúng lúc và cần thiết.
Hương Sơn cuối năm 2015
                                                                         VĂN LÊ
 

     Dưới đây là một số tác phẩm được rút ra từ tập thơ:
 
     Bão tan rồi

(Viết sau cơn bão số 2 và TQ rút HD 981 khỏi VN)
 
Bão tan rồi, biển lắng phút can qua
Chiều Hoàng Sa vết bùn len cát trắng
Và trong gió vẫn còn mang hơi mặn
Vị mồ hôi lan tỏa giữa không gian.

Thăm thẳm chiều trong mắt lính hải quân
Nửa hướng xa khơi, không rời tay súng
Nửa nặng niềm yêu chiều vương sắc trắng
Khói làng quê treo trên lũy tre vàng…

Bão đã qua rồi, vành vạnh bóng trăng
Soi sáng tỏ bốn phía nhìn biển cả
Đâu mỏ dầu sâu, đâu ngàn luồng cá
Đâu hướng tàu đi, hứa hẹn ngày về?

Người thương ơi, vì xa cách sơn khê
Yêu em lắm nhưng chưa về thăm được
Bởi trên hết, trong ta là Tổ Quốc
Biển cồn cào, sóng vỗ mãi lòng anh.

Bão tan rồi, bầu trời lại trong xanh
Anh lại làm thơ những giờ biển lặng
Xin gửi về em thảm mềm cát trắng
Hóa tinh khôi mỗi độ sóng yêu tràn.
21- 7- 2014
 
       Chiều ngã ba Nghèn

Chiều nay tôi đứng đây,
Giữa Ngã ba Nghèn lịch sử
Nghe tiếng trống ba mươi một thưở
Vọng về như bản hùng ca.

Năm tháng đã đi qua
Quê nhà giờ đổi mới
Duy chỉ có một điều không thay đổi
Lòng yêu nước nồng nàn dân tộc Việt Nam ta.

Can Lộc giờ nở hoa
Nhà nhà vui như hội
Đảng dẫn đường, chỉ lối
Tiếp truyền thống cha anh.

Trời Can Lộc vẫn xanh
Một màu xanh vời vợi
Tượng Đài như vẫy gọi
Người ơi hãy về đây!

Về với dòng Lam trong xanh
Núi Hồng thông reo muôn thưở
Người Can Lộc đi mô rồi cũng nhớ
Quê mình muối mặn gừng cay,

Vẫn đong đầy tình nghĩa;
Vẫn có trước có sau như thể
Trời Can Lộc mãi xanh
Qua những trang vàng lịch sử.

Chiều nay, tôi đứng đây
Lòng ngập tràn nhung nhớ
Anh hùng, dũng sĩ đi xa
Để trống đồng còn ngân mãi bản hùng ca.
Chiều 25- 06- 2010.

                 Ảnh sưu tầm

Chiều quê

Chiều nghiêng nắng vàng hoe trên thảm rạ
Đàn trâu đầm thong thả khúc sông quê
Bầy chim non chiu chít gọi nhau về
Cô thôn nữ trẩy mùa qua hối hả

Sáo diều gọi hồn quê về muôn ngả
Ai bôn ba, vất vả chốn kinh thành
Chiều chạnh buồn nhớ bát nước chè xanh
Râm ran chuyện làng quê bên bếp lửa.

Đình làng cũ giờ đây giờ đây ai còn nhớ?
Gốc đa già rêu phủ tháng ngày qua
Bến quê nghèo, xa vắng bóng anh hoa
Năm tháng cũ liêu xiêu nhiều kỷ niệm.

Về ôn lại, thuở mò cua bắt ốc
Cánh đồng xanh vắt vẻo lưng trâu
Bát hến chiều chan chứa nông sâu
Mẹ sàng đãi, lọc từng hạt sạn.

Mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn
Trong hồn quê chan chứa nặng ân tình
Chiều nay về bên lũy tre xanh
Nghe tre lật bong mình manh áo cộc

Và cứ thế hướng trời cao măng mọc
Nơi quê nghèo vươn thẳng tới bình minh.
Tháng 5- 2010.

              Ảnh sưu tầm từ Internet
 
Diều và Dây
 
Viết tặng vợ nhân dịp 8-3-2009
 
Em nói rằng: “Đừng ân hận nghe anh
Em hạnh phúc, chẳng cầu mong thêm nữa,
Quà tặng em cần là trái tim rực lửa
Nồng nàn, anh tha thiết yêu em”.

Dẫu cuộc đời như nước xuống, triều lên
Bao vất vả thăng trầm ta gánh chịu
Yêu mến ạ! Xin đừng buồn em nhé
Tin ngày mai đời sẽ đẹp hơn nhiều.

Anh phiêu diêu như một cánh diều
Bay xa lắm, vẫn có dây gìn giữ
Dẫu mỏng mảnh em vẫn là điểm tựa
Cho diều anh khi mỏi cánh bay về

Gió thì thào trên những triền đê
Lúa mênh mang trên cánh đồng rợn sóng
Những cánh diều trên trời cao lồng lộng
Ngân vang vang điệu sáo trẻ vui lòng

Diều bay rồi có bão táp mưa dông,
Thì dây hỡi em đưa anh trở lại
Đông có lạnh có diều anh vững chãi
Ở bên em chờ đợi một ngày mai.
 
Gió xuân

Hình như trên những chồi non
Gió xuân vẫn còn mắc nợ
Em về thẳm sâu nỗi nhớ
Mắt chiều thấm đẫm hồn ai…

Bất chợt nở bừng cánh mai
Khép chiều vàng qua khung cửa
Em đi khung trời để ngõ
Viền vào ký ức ngày qua

Biển chiều mở cánh buồm xa
Mây gom vào mình tím biếc
Gió xuân vẫn còn mãi miết
Trả người chớp cánh phù sa…
 
Mẹ
 
 
          Bóng chiều vắt ngang lưng mẹ,
          Hao gầy một mảnh trăng khuya,
          Bóng cau ôm choàng tiếng dế
          Tuổi thơ lay gọi con về.

         Âù ơ câu Kiều ngọt lịm
         Mẹ ru con ngủ trưa hè,
         Sông Nghèn vỗ về tiếng sóng,
         Lưng còng níu bóng võng tre

         Thời gian hao gầy tóc mẹ
          Miếng trầu ấm cả mùa đông
         Cánh diều của con bay bổng
         Mẹ neo gốc rạ cánh đồng
 
          Cây đa năm nào mỏi gối
          Ôm vòng một khúc sông quê,
          Mái chèo chao nghiêng cánh võng
          Mẹ tôi đang chở trăng về.

* Tác phẩm có bán tại Trung tâm giới thiệu tác phẩm VHNTHà Tĩnh, 34B, Nguyễn Công Trứ, thành phố Hà Tĩnh. Địa chỉ liên hệ: Nguyễn Thị Thường. ĐT:  0936788872
. . . . .
Loading the player...