17-12-2015 - 21:39

Tập thơ "Những người đàn bà bán tóc" của tác giả Nguyễn Minh Đức

Tập thơ "Những người đàn bà bán tóc" của tác giả Nguyễn Minh Đức được xuất bản bởi Nhà xuất bản Hội Nhà Văn. Tác giả sinh năm 1977 tại Thạch Hà - Hà Tĩnh. Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh

Bìa sách "Những người đàn bà bán tóc"

 
ĐÊM SÁNG LÊN
NHỮNG Ý NGHĨ KHÔNG ĐÈN
 
NGUYỄN TRỌNG TẠO
 
Đến Hà Tĩnh, nhà thơ Nguyễn Ngọc Vượng bảo tôi: Ở đây có Nguyễn Minh Đức làm thơ được lắm anh ạ. Đức đang làm việc tận Vũng Áng, không gặp được, tôi nhờ Vượng nói Đức gửi thơ qua Email cho tôi xem sao.
 
Tôi về Hà Nội nhận được bản thảo tập thơ “Người đàn bà bán tóc” qua Email Đức gửi. Lần đầu tiên tôi được đọc thơ Đức, và ngạc nhiên là anh có một giọng thơ thật chững chạc, đầy tính “chuyên nghiệp”, vừa trẻ trung mộng mị vừa chiêm nghiệm sắt se, và không thích khoa trương ồn ào như nhiều cây bút trẻ tuổi anh. Anh lẳng lặng viết về ruộng đồng thôn mạc, về biển, về mẹ, về chị, về em, về con, về bạn, về buồn vui đời người nhiều khắc khoải tin yêu và thao thiết trở trăn.
 
“Nhận được tin sông Hồng ốm/Tôi vội vã trở về”. Câu thơ mang tới một thông tin mạnh bởi nó độc đáo, táo bạo. Chưa thấy ai nói “sông Hồng ốm” bao giờ. Từ ốm khiến người ta nghĩ sông Hồng là một cơ thể sống, một người bạn thân thiết hay một người yêu muôn thuở, hoặc người mẹ, người cha qua “nặng nhọc nỗi lòng mấy kiếp cù lao”, để rồi “Tôi cùng sông khóc cạn niềm xưa cũ/Mong ngày mai trong đục chẳng ngừng trôi”...
 
Với giọng thơ run rẩy buồn, run rẩy yêu thương và suy ngẫm, Nguyễn Minh Đức như nép mình vào góc khuất để chiêm nghiệm cuộc đời và sẻ chia cảm xúc. Chính cái góc khuất mà anh lựa chọn để “viết những câu thơ ngậm đầy bóng tối” lại là nơi ẩn chứa bao khát vọng ánh sáng rực rỡ sắc màu. Rất nhiều thi ảnh về thiên nhiên, con người... đẹp lung linh trong thơ Đức. Đẹp và buồn. Đẹp như nỗi buồn: Những con nhện giăng tơ ở hai đầu lá lúa”, “Những con cào cào đã trở thành thiếu phụ”, “Lũ cá rô đồng gầy, lộ cả những chiếc xương”, “Từ những chập chờn đom đóm /Rắc vào phía chân trời”...
 
Tôi thích bóng đêm trong thơ Đức. Và có lẽ Đức cũng thích bóng đêm nên mới dùng nhiều từ “đêm" đến thế. Đêm không chỉ màu đen mà còn là màu của liên tưởng, suy tư, trở trăn, hy vọng. Đêm mất mùa, đêm cuối hạ, đêm giá buốt mùa đông, đêm đói nghèo, đêm đọc sử, đêm sáng lên những ý nghĩ không đèn”… Để rồi bóng tối và ánh sáng trở thành một cặp phạm trù hóa thân vào cuộc đời thi sĩ: Sáng tối nhập nhằng sáng tối hoá đời tôi”.   
 
Người ta nói, thơ đi giữa đôi bờ hư-thực. Người ta cũng nói, thơ mờ ảo mới hay. Thực ra thơ là bí mật của tâm hồn được chưng cất thành tinh thần của Sự Thật, như người ta chưng cất bóng tối để thành ánh sáng. Đọc thơ Đức ta thấy anh luôn thèm khát sự cảm thấy và nhìn thấy. Thơ như từ đêm bước sang ngày mà vẫn mang theo những vệt mờ của bóng tối. Thơ như từ tâm thức bước ra thành ý thức mà vẫn mang theo độ nhòe của vô thức. Cho nên ta nhận được  cùng lúc cả cái nóng cái lạnh trong thơ anh.
 
Bếp lửa nhỏ trẻ mục đồng nghịch đốt
Không làm muà đông vơi đi chút lạnh nào
 
Cánh đồng gầy xanh xao
Trong chiều đông tím tái
Tự làm ấm mình bằng tiếng chim còn sót lại
 
Quả là trong cảm thấy có nhìn thấy, và trong nhìn thấy có cảm thấy. Rất nhiều những liên kết giăng mắc trong thơ Đức. Nhưng điều cốt lõi là tâm hồn anh luôn gắn kết với nhà nông, với thôn quê như không dứt ra được. Anh đau nỗi đau của họ và vui niềm vui của họ. Anh nhìn thấy cánh đồng mất mùa :
 
Cánh đồng bật khóc
Bằng tiếng nứt vỡ của những bờ kênh cạn nước
Cánh đồng tức tưởi
Bẽ bàng phì nhiêu không đổi được mùa vàng
 
Và cảm thấy đớn đau:
 
Những cơn gió cũng hết mùa hào phóng
Chết trong tiếng rơi của chiếc lá khô giòn
Tiếng than thở của người hàng xóm
Choàng lên đêm chiếc áo không vừa
 
Để rồi:
 
Ta quì xuống trước mùa màng xứ sở
Dâng lên cánh đồng lời cầu nguyện tốt tươi.
 
Mềm yếu thế, nhưng thơ anh đâu đó vẫn bật lên những cung bậc trẻ trung và mạnh mẽ, bởi “với những thiêng liêng con không thể yếu mềm”. Đó là khi Tổ quốc “trong  tiếng binh đao của nghìn trang sử”, khi Tổ quốc “Đâu chỉ là đất mẹ hình chữ S/ Mà còn có Hoàng Sa, Trường Sa như những giọt máu hồng”.
 
*
Đọc thơ Nguyễn Minh Đức là đọc “một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Chính vì thế mà anh mang đến cho người đọc những câu thơ, những tứ thơ vừa như muối xát lòng lại vừa như chắp cánh cho tâm hồn thêm cao rộng. Bài thơ “Những người đàn bà bán tóc” là một tứ thơ độc đáo, đại diện cho mạch thơ của Đức với trăn trở không nguôi về những phận đời đa đoan, vất vả, bất hạnh và thua thiệt nhưng vẫn tin có ngày thay đổi:
 
Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Như bán những linh hồn
Giữ lại tiếng thở dài từng đêm nhớ tóc
Những mái tóc giờ phiêu dạt nơi đâu…
 
Câu hỏi cũng là câu trả lời. Rồi những mái tóc sẽ tìm đường trở lại như “lúa thì con gái” “xanh mướt những bờ vai”…
 
Giờ đây, người “viết những câu thơ ngậm đầy bóng tối” ấy đã làm sáng lên những ý nghĩ không đèn”.
 
Vâng. Tôi đã đọc Đức. Bạn sẽ đọc Đức. Và mỗi người sẽ giữ cho mình một gương mặt thơ mà trước đó ta chưa từng quen biết.
 
Hà Nội, vào Thu 2015.
 
Trân trọng giới thiệu một chùm thơ rút ra từ tập:
 
 
Những người đàn bà bán tóc
 
Cơn mưa bóng mây giữa hạ
Dồn oi nồng vào hết làng tôi.
Con đường vắng chông chênh khô và ướt
Tiếng rao mua tóc xé lòng
 
Những người đàn bà quê tôi
Mở cửa thận trọng nhìn và nghe ngóng
Rón rén như làm điều khuất tất
Giữ lại tiếng rao sau cánh cổng nhà mình.
 
Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Trong nỗi nhọc nhằn của cuộc mưu sinh
Những ánh mắt thẩn thờ nhìn tóc
Xa xăm về phía cuối chân trời
 
Những mớ tóc được xếp cạnh nhau
Ngắn, dài, khô, đen, cháy nắng và chẻ ngọn...
Mỗi mớ tóc mang trong mình số phận
Của những người đàn bà nghèo khổ quê tôi
 
Những người đàn bà quê tôi bán tóc
Như bán những linh hồn
Giữ lại tiếng thở dài từng đêm nhớ tóc
Những mái tóc giờ phiêu dạt nơi đâu
 
Trong giấc mơ tôi thấy phía chân trời
Những mái tóc tìm đường trở lại
Như cánh đồng quê tôi - lúa đang thì con gái.
Xanh mướt những bờ vai…
 

            Ảnh sưu tầm từ internet
 
Mất mùa
 
Hạt giống ngủ mê không thức giấc
Nắng uống cạn mồ hôi trên những luống cày
No ấm mang dáng hình đỏng đảnh
Vội vàng đi bỏ mặc những người nghèo.
Cha tôi lại trầm tư
(Hình ảnh tôi đã gặp nhiều lần từ ngày tôi biết nghĩ)
Dấu tiếng thở dài trong khói thuốc mông lung
 
Cánh đồng bật khóc
Bằng tiếng nứt vỡ của những  bờ kênh cạn nước
Cánh đồng tức tưởi
Bẽ bàng phì nhiêu không đổi được mùa vàng
 
 
Những cơn gió cũng hết mùa hào phóng
Chết trong tiếng rơi của chiếc lá khô giòn
Tiếng than thở của người hàng xóm
Choàng lên đêm chiếc áo không vừa
 
Đêm nhưng nhức tiếng đồng quê vọng lại
Cỏ cong queo thoi thóp dưới sao trời
Con dế nhỏ trở mình ho khúc khắc
Xát vào đêm loé sáng ánh ma trơi.
 
Một thi sỹ tìm lại miền quê cũ
Trốn những đêm hoa sữa mất mùa.
 
 
Ngày trở lại
 
Gió thổi dọc đôi bờ sông vắng
Ký ức xa như một cánh chim trời
Ta trở lại thả hồn vào với cỏ
Mơ giấc mơ bình dị trên đời
 
Ta khuếch tán những buồn vui, tức tưởi
Vào ngút ngát cánh đồng
Vịn vào mùa lúa mới
Thả những nghĩ suy ngọt lịm đòng đòng
 
Xưa cũ trở về tróc vỡ rêu phong
Ta nghe tiếng hát vọng ra từ vết nứt của ngôi đình cũ
Tiếng thở dài, hồ hởi, tiếc nuối...
Của biết bao lớp người…
 
Lần theo những dấu chân, ta trở lại con đường
Nơi ngày ta đi nối dài thêm nỗi đau của mẹ
Nơi những người đàn bà vẫn đi về sau buổi chợ
Những câu chuyện vẫn tròn chưa gãy hết lo toan
 
Hun hút triền đê hoa cỏ may chạy dọc
Ám ảnh một ánh nhìn dan díu đến đa đoan.
Tiếng đập cánh của đàn chim di trú.
Dâng lên trong ta ý nghĩ lạc bầy.
 
Ta trở lại sau bước đời chìm nổi
Mang theo khát khao trốn chạy phía phù sinh
Ta quì xuống trước mùa màng xứ sở
Dâng lên cánh đồng lời cầu nguyện tốt tươi.
 
 
Tháng chạp
 
Những cánh én trở về khi mùa xuân chưa thức giấc
Tháng Chạp vẫn còn ướt sũng những cơn mưa
Ta đứng đợi  khói sương chiều lay lắt
Những con thuyền ngược sóng về đâu?!
 
Ta ngược bóng thời gian những vỉa tầng bong tróc
Ký ức đi hoang - ký ức say mềm
Ta quờ quạng lần tìm trong hoảng hốt
Tháng Chạp dửng dưng tháng Chạp chẳng mềm lòng
 
Em có theo dòng tháng Chạp
Mang phôi thai tháng Giêng len giá rét trở về
Để cùng ta nép vào đêm trừ  tịch
Thả vào mùa Xuân những dự định quất đào
 
Em không về theo dòng tháng Chạp?
Ta ngược bóng thời gian tìm lại những cỗi cằn
Ký ức trong ta dâng lên chát đắng
Hun hút một con đường không mọc cỏ Thanh Minh.
 
 
 
Mẹ và cánh đồng
 
Tôi gọi tiếng đất đai ngày đi tảo mộ
Trên con đường tươi tốt cỏ Thanh Minh
Chưa hiểu hết những trầm tích lắng đọng
Tôi lang thang tìm câu chuyện cánh đồng
 
Mẹ thường kể tôi nghe câu chuyện về cánh đồng
Khi khu vườn đã ngập đầy bóng tối
Với những nỗi niềm xa lắc
Những nguyện cầu đi dọc tuổi thơ tôi
 
 
Mẹ đưa tôi đi qua những mùa thời gian, qua khói hương ngày cúng giỗ
Những hồi ức thơm thơm trong bát cơm lễ tạ mùa màng
Cả những đắng cay, mặc cảm
Nghiêng éo le, vượt ái ngại trên đời
 
Qua những mùa thổn thức hạt giống
Mẹ gieo xuống cánh đồng bao run rủi, lo âu
Gặt những mùa màng vắng viên mãn trên khuôn mặt mẹ
Đổ vào tôi bóng tối cánh đồng
 
Đổ vào tôi những giấc mơ ngược chiều hạt lép
Bay trong nức nở cánh đồng
Như ước vọng dài hơn đôi cánh
Nên suốt đời khát nắng phía chông chênh
 
Con đã đi, đã xa nếp nhà của mẹ
Mà vần thơ chưa hết những nỗi buồn
Ngày trở lại trên cánh đồng của mẹ
Khói hương nhạt nhòa rợn rợn những nổi trôi
 
 
 Ước vọng cánh đồng
 
Trong giấc mơ của tôi là cánh đồng rau cháp
Rợn rợn giêng hai rét mướt, đói nghèo
Mẹ lội qua cánh đồng về quê ngoại
Những cánh cò thảng thốt bay lên
 
Bay lên những mùa đói cơm
Áo mỏng mục đồng mơ hơi ấm từ những lùm dứa dại
Bay lên những mùa gặt hái
Không chuộc nổi mồ hôi đã đổ xuống cánh đồng
 
Ước vọng lần hồi, ước vọng héo khô
Tôi ra đi như hạt giống cuối cùng của mẹ
Những muốn tìm rộng dài sông bể
Tôi trở về cùng con nước mồ côi
 
Năm tháng rụng rơi
Lỡ mùa sinh nở
Áo nâu lóng ngóng chân trời.
 
                Ảnh sưu tầm từ internet

Tổ quốc ơi!
 
Tổ quốc ơi!
Con sinh ra Người đã mấy nghìn năm tuổi
Trải qua biết mấy thăng trầm
Mà vẫn nguyên hình xứ sở
Tổ quốc tôi
Là cánh chuồn bay trên đồng lúa
Sớm chiều chở nắng chở mưa
Là cánh cò trắng
Đổ mô hôi mặn chát trên đồng
Là những ngày thơ bé
Lớn dần theo vết chân trâu
Tổ quốc tôi
Là  lối xóm đón mẹ về sau buổi chợ
Là tháng sáu nắng chang chang cha tát nước trên đồng
Là lần đầu tiên biết cỏ may dan díu
Khi nhìn vào mắt em
 
Tổ quốc ơi!
Trong  tiếng binh đao của nghìn trang sử
Trang sách đầu tiên dạy con vẫn là tiếng hòa bình
Ôm vào xóm làng những lũy tre mộc mạc
Quấn quít với nhau ríu rít những dây trầu
Cắm vào đất đai những rễ cau, rễ lúa
Yêu thương bền chặt nghìn đời
Tổ quốc ơi
Đâu chỉ là đất mẹ hình chữ S
Mà còn có Hoàng Sa, Trường Sa như những giọt máu hồng
Giữ nhịp đập đất liền từ sóng cả
Để biển quê hương không vơi bớt mặn mòi
Tổ quốc ơi!
Không phải những hình dung lớn lao
Mà con yêu tổ quốc bằng ngày thường mộc mạc
Như áo cơm như sách vở đến trường
Như những dáng người làm nên xứ sở
Lớn lao mà bình dị đến không ngờ
 
Tổ quốc ơi
Con đang nghe ngoài kia
Họ nói về những điều vượt ra ngoài thế giới
Bằng chiếc lưỡi mềm dấu hôi hám vào trong
Họ nói về tình hữu nghị
Bóng tối nằm giữa những cái bắt tay
Họ nói về bác ái
Trong tham vọng lớn lao, ích kỷ đớn hèn
Tổ quốc ơi
Con vẫn còn thao thức
Trong tư thế hiên ngang khi tổ quốc gọi tên mình
Chỉ có điều mẹ ơi đừng khóc
Với những thiêng liêng con không thể yếu mềm.

        Ảnh sưu tầm từ internet
. . . . .
Loading the player...