27-02-2015 - 14:10

Tập thơ "Sóng sông quê" của Đặng Thế Nhân

Tập thơ " Sóng sông quê " của Đặng Thế Nhân - NXB Văn học ấn hành 2014


Lời giới thiệu

       Thơ không dành riêng cho ai. Con người có thơ trong lòng cũng như con người có Phật tính vậy. Có người nhờ nhân duyên mà sớm phát tiết anh hoa, cũng có người vì nhân duyên mà âm thầm lặng lẽ. Với những người lặng lẽ, họ giữ thơ như cư sĩ thấm nhuần Phật pháp. Tựa như nước ngầm trong đất nuôi cây, thơ nuôi cho cuộc đời họ nhuần nhị, lịch lãm và vị tha. Đặng Thế Nhân là một người như vậy. Tâm thơ của anh lặng lẽ vỗ sóng cùng dòng sông quê nhà, miên man, bền bỉ. Hơn 60 tuổi, anh mới in tập thơ đầu tay: Sóng sông quê.
        Đặng Thế Nhân mồ côi cha từ khi còn rất nhỏ. Chấn thương ấu thời này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời anh. Chiến tranh, loạn lạc làm anh lỗi hẹn với học hành, khoa cử. Bởi vậy, không hề ngẫu nhiên khi ta thường bắt gặp những lỡ làng, trắc trở trong thơ anh: lỡ làng lứa đôi, lỡ làng cùng xứ sở ... Thơ anh, vì thế, ảnh xạ một mặc cảm lỗi nhịp của nhà thơ trước cuộc đời. Nhưng vì đã xem thơ như một món nợ tinh thần, dù phải lặn ngụp trong muôn nẻo dòng đời, anh đã tận dụng tối đa mọi khoảng trống quý giá để hướng về ánh sáng và lặng lẽ, nhẫn nại chăm chút, vun trồng một không gian tinh thần của riêng mình. Và rồi, tất cả những dồn nén, thao thức, tìm tòi, tích lũy trong cuộc đời chìm nổi, đa đoan ấy đã lắng kết thành Sóng sông quê.
         Âm hưởng chủ đạo của Sóng sông quê là những tự tình quê hương. Làng anh nằm ven sông Ngàn Sâu - là một nhánh chính của sông La, cách trở với các vùng trung tâm bên ngoài và do vậy, trở thành ngoại vi của mọi chuyển động phát triển. Khung cảnh ấy khiến anh nhận ra sự tương đồng giữa số phận quê hương với số phận đời mình. Vì thế, anh mượn thơ để nói hộ những uẩn khúc, những “chuyện muôn đời không nói” của xứ sở. Bài thơ Thổn thức Ngàn Sâu đã khởi đi từ một cái nhìn như thế:
Cả những khi sông đục
Thơ và nhạc vẫn chảy đầy sông La
Ai nghĩ cội nguồn răng mà có
Ngàn Sâu chờ hoài, chờ mãi một bài ca
Như anh chờ em lời hẹn câu thề nước non dâu bể
      Khác với sự hình dung thiếu chính xác của mọi người và hoàn toàn không tương xứng với thái độ dửng dưng của người đời, Ngàn Sâu trên thực tế là một dòng sông đẹp đẽ, nên thơ, một cá tính dữ dội, phóng khoáng ẩn dấu trong dáng vẻ trầm mặc, mạch nguồn có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ đời sống của các cộng đồng vùng Thượng:
Núi trầm mặc muôn đời nghe sông kể
“Chúng thủy giai đông tẩu
Thâm Giang độc bắc lưu”
...
Con sông của miền quê lắm mưa nhiều nắng
Quăng quật ruột tằm Chín khúc héo hon
Lên thác xuống ghềnh vần vũ núi non
Đem ngàn đời phù sa tô nên xóm làng cận sơn, cận thủy
Những nóc thánh đường chọc trời ngời lên suy nghĩ
Dạy con người bền bỉ đức tin
                                             (Thổn thức Ngàn Sâu)
Hoàn toàn dễ hiểu khi hình ảnh con sông trở thành một nỗi ám ảnh thường trực, một nguồn cảm hứng bất tận cho những tìm tòi, phát hiện của tác giả. Trong Thổn thức Ngàn Sâu, nếu sông là hiện thân cái đẹp bị lãng quên, một cái đẹp khuất nẻo thì trong Bến quêSóng sông quê, sông là nơi chứng kiến những cuộc tình lỡ làng và sự phôi pha xuân thì của những người con gái chung thủy:    
Sông quê dâu bể lở bồi
Buồn vui bao kiếp, ngậm ngùi chuyện xưa ...
Tuổi hồng tôi mộng vẩn vơ
Lời thương muốn ngỏ mà chưa dám gần
Người ta khuya sớm tảo tần
Còn ta lữ thứ phong trần tha hương
                            (Bến quê)
Bến sông bên lở bên bồi
So le đôi ngạn luân hồi đục trong
Lộc vừng đến hẹn trổ bông
Hoa rơi thắm lối người không thấy về
                            (Sóng sông quê)
Nhưng về cơ bản, sông quê trong thơ Đặng Thế Nhân luôn hiện lên như một chốn yên bình, nơi lưu giữ ký ức cộng đồng, nơi che chở và nuôi dưỡng tâm hồn cho mỗi cá nhân:
Thu về bên dòng Ngàn Sâu
Mượt mà tre trúc gội đầu xanh sông
Cánh diều đo rỗng trời trong
Đồng chưa kịp gặt nằm đong nắng chiều
Thánh đường mộng mị đăm chiêu
Chuông buông rớt khoảng tịch liêu tiễn ngày
                          (Bên dòng Ngàn Sâu)
        Bạn có thể nào dửng dưng trước một buổi chiều thu đẹp đến nao lòng như thế? Chỉ với hai câu ba - bốn, tác giả đã tóm gọn thật tài tình thần thái của mùa thu: Cánh diều đo rỗng trời trong/ Đồng chưa kịp gặt nằm đong nắng chiều. Sắc thu hiện ra qua những chi tiết được chọn lọc kĩ càng: trời cao, nắng vàng, cánh diều, cánh đồng. Nhưng người đọc còn nhận ra bóng dáng mùa thu qua những cảm giác đầy chất thơ: sự thăm thẳm, chơi vơi, êm ái, ngọt ngào tỏa ra từ độ trong của bầu trời, sự mong manh, nhỏ nhoi của cánh diều khi xuất hiện giữa nền trời vời vợi và sự yên ả của cánh đồng đang chờ tay người gặt. Tất nhiên, với một tâm hồn góc cạnh như Đặng Thế Nhân, Bên dòng Ngàn Sâu không dừng lại ở một bài thơ tả cảnh thuần túy. Mượn chuyện mùa thu trên sông, tác giả nhắn gửi một thông điệp kín đáo:
Đức tin lay thức đất này
Gió Lào còn hẹn lũ bày cơ mưu
Dữ hiền bởi phía thượng lưu
Tháng ngày đôi ngạn dập dìu yêu thương
                          (Bên dòng Ngàn Sâu)
       Này nhé, nếu phía thượng nguồn, thượng tầng vô sự thì chẳng có lí do gì để đôi bờ hạ lưu, hạ tầng không bình yên, an lành cả. Cần phải nói thêm rằng, trong Sóng sông quê, ta còn nhiều lần bắt gặp những câu thơ lục bát tài hoa tương tự. Chẳng hạn, vào một buổi chiều trên bến cũ, tác giả bất chợt bồi hồi:
 Tôi về bến cũ chiều nay
Vay câu lục bát giãi bày niềm riêng
                                (Bến quê)
Chữ “vay” đứng ở câu tám biểu đạt thật tinh tế mối tương quan giữa tác giả với thơ – trong tư cách là một nghệ thuật ngôn từ. Trong trường hợp này, người đọc có thể hiểu rằng: lục bát là một chất liệu, một phương tiện sẵn có trong trầm tích văn hóa quê hương mà nhà thơ, vào một buồi chiều đã nhìn thấy rồi ... mượn tạm để giãi bày tâm sự.  Tính cân đối, nhịp nhàng, hài hòa của câu thơ lục bát tỏ ra đắc địa khi biểu đạt những sắc thái khác nhau của khung cảnh nông thôn. Đó là lí do để trong Sóng sông quê, Đặng Thế Nhân ưu tiên lựa chọn thể thơ này. Nhưng lục bát cũng là một “cái bẫy” vô hình bởi sự nhịp nhàng, đều đặn của nó rất dễ trở nên mòn sáo, tả chân - một nhược điểm mà đôi khi anh vẫn sa vào. Hẳn thế mà, trong nhiều trường hợp, Đặng Thế Nhân đã tìm đến thể tự do với mong muốn tìm ra một cách tiếp cận mới cho những chủ đề quen thuộc. Ta hãy nghe anh chia sẻ nỗi hẩm hiu, thiệt thòi của thân phận mồ côi: 
Con thuyền gãy lái giữa đoàn đua
Sao đổi ngôi xuân mẹ thành góa bụa
Tre trời đốn măng không còn điểm tựa
Bão phía nào cũng oặt oẹo chơi vơi
Con thiếu cha như ngày vắng mặt trời
Đời tao tác nương trăng gầy bóng mẹ
Một chút mưa rơi ướt dầm lá hẹ
Cũng thót mình - nhà không nóc trống trênh
Khát vọng nào cũng mẩu số mong manh
Mù phương hướng giữa dòng đời muôn ngả
      Thay vì chọn thể lục bát quen thuộc, anh đã sử dụng những câu thơ tám chữ đi liền nhau để nhấn mạnh tính chất đột ngột, phũ phàng, bi thương của hoàn cảnh mồ côi. Nhưng khi sắp cán đích, mạch thơ bất ngờ chuyển hướng:
Bóng Thái Sơn cứ vô tình xa lạ
Để côi cút
                lớn dần
                           từ phía
                                      không cha
                              (Mồ côi)
       Kĩ thuật vắt dòng được sử dụng trong câu thơ cuối đã mang đến một hiệu quả tức thì: mở rộng ngữ nghĩa và nâng cao khả năng biểu cảm của câu thơ. Người đọc vừa thấm thía hơn sự thiệt thòi, trống trải của hoàn cảnh mồ côi vừa dành sự trân trọng cho một con người biết chấp nhận và vượt qua nghịch cảnh.
Sóng sông quê phản chiếu một thế giới tinh thần đa dạng. Bên cạnh cảm thức quê hương, ta còn bắt gặp sự trẻ trung, nhuần nhụy trong những bài thơ tình. Tình yêu trong thơ Đặng Thế Nhân không bạo liệt, tân thời mà phong kín, nền nã. Trong chùm thơ tình của anh, thỉnh thoảng, ta bắt gặp những bài thơ rất đẹp:
Nhớ quãng đời trời chợt nắng, chợt mưa
Chợt xa vắng, chợt dịu dàng quyến rũ
Từng cánh trắng hoa rơi tràn lối cũ
Em dối lòng lơ đãng trước tình tôi …
Độ ấy bên vườn bướm nhiều quá đi thôi
Cứ cõng nắng dập dờn bay đầy ngõ
Tôi phấp phỏng sợ tình hoa chưa tỏ
Phút xao lòng rong ruổi bến bờ mê …
Bao năm rồi tôi trở lại vườn quê
Trải hoài niệm trước đa đoan dâu bể
Thao thiết nghĩa xưa, nôn nao tình cũ
Hoa bưởi rụng trắng vườn - nốt lặng trắng duyên nhau …
                                   (Hoa bưởi)
Hoa bưởi không mới về ý tưởng, nhưng nhờ diễn đạt có duyên nên hẳn sẽ được nhiều người yêu mến. Vì chuyện tình của nhà thơ gợi nhắc người đọc nhớ về những kỉ niệm yêu đương một thời. Mà những kỉ niệm như thế thì có người Việt nông thôn nào mà không trải qua. Đó là chưa nói rằng, bài thơ rất giàu tính nhạc và tính họa. Sắc trắng của hoa bưởi, cánh bướm kết hợp với nhịp thơ đều đặn, êm ái góp phần tạo nên một không gian nông thôn xưa cũ trong sáng, thanh bình, vừa rất thực mà cũng vừa rất mộng.
Là một người nếm đủ phong trần cuộc đời, Đặng Thế Nhân dĩ nhiên sẽ đi đến những chiêm nghiệm riêng tư về kiếp người, phận người và rất nhiều vấn đề của cuộc sống thường nhật. Và cũng như rất nhiều tâm hồn nghệ sĩ khác, anh thường xuyên bị ám ảnh về sự phai tàn của cuộc sống, của đời người trước qui luật nghiệt ngã của thời gian:
Chồi non reo mướt màu xanh
Lá già cười rung gió úa
Sáng vờn khát vọng bình minh
Chiều vịn hoàng hôn tiếc nuối
Mưu sinh tảo tần muôn lối
Giật mình!
                ngày tháng
                                  bóng câu ...
                                 (Giật mình)
       Ở mùa thu cuộc đời, Đặng Thế Nhân may mắn gặp được đạo Phật. Hi vọng rằng, mối duyên này sẽ giúp anh có những chiêm nghiệm thanh thản, sâu sắc và mới mẻ hơn nữa về nhân tình thế thái. Bởi trách nhiệm hàng đầu của người nghệ sĩ không phải là diễn đạt những điều ai cũng biết, mà như cách nói của Robert Pack, để “đào sâu những chủ đề quen thuộc” ngõ hầu phát hiện thêm những khía cạnh mới, những ý nghĩa mới của  cuộc sống quanh ta.
Sóng sông quê là chùm quả ngọt đầu mùa của Đặng Thế Nhân trên con đường đến với nghệ thuật. Nhưng nó đã để lại nhiều hứa hẹn cho những mùa sau.

     Hà Nội, cuối thu 2014                
  PGS.TS. Đỗ Lai Thúy
. . . . .
Loading the player...