01-03-2023 - 02:35

Tập thơ thiếu nhi Tổ ấm muôn loài của tác giả Lê Thị Xuân

Tác giả Lê Thị Xuân, giáo viên trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Lộc Hà, Hà Tĩnh, Hội viên chuyên ngành Thơ, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập thơ thiếu nhi Tổ ấm muôn loài của tác giả do NXB Hội nhà văn xuất bản qua lời giới thiệu của nhà văn Phan Trung Hiếu.

LỜI GIỚI THIỆU


 
           Cô giáo trẻ Lê Thị Xuân làm nghề dạy học ở vùng ven biển Lộc Hà là một cây bút mới xuất hiện một vài năm gần đây với nhiều thơ, truyện viết cho thiếu nhi được giới thiệu trên các báo và tạp chí như Thiếu niên Tiền Phong,  Báo Hà Tĩnh, các Tạp chí văn nghệ như Hồng Lĩnh, Sông Hương, Sông Lam, Non nước, Đài PTTH Hà  Tĩnh…Chưa đầy năm sau khi được kết nạp làm Hội viên của Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, tôi khá bất ngờ khi nhận được tập bản thảo thơ khá dày dặn viết cho các em với 53 bài, được tạm sắp xếp theo 3 chủ đề lớn: “Bức tranh làng quê”, “Ngọt ngào yêu thương” và “ Nơi chắp cánh ước mơ”.

Cô giáo Lê Thị Xuân


         Ấn tượng chung là tác giả viết khá vững tay, làm chủ các thể thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ và lục bát.  Đề tài, cảm hứng trong các sáng tác của Lê Thị Xuân khá đa dạng. Trong “Bức tranh làng quê”, tác giả hướng sự cảm nhận của mình tới quang cảnh thiên nhiên, những sinh hoạt thường ngày của làng quê Việt. Tác giả có khả năng quan sát, biết nhìn ra ngoại giới bằng cặp mắt non tươi, tìm kiếm phát hiện, lựa chọn đưa vào thơ những hình ảnh chi tiết sống động và thi vị. Từ khung cảnh một buổi sáng bình minh cho đến hoàng hôn trên một làng chài, từ ánh nắng ban mai báo hiệu một ngày đẹp trời cho đến cảnh trời sắp chuyển mưa, từ cái giếng làng” già hơn bà cố” cho đến mầm ngô bé xíu ngỡ ngàng trước bao điều mới lạ, từ luống rau mẹ trồng cho đến cánh đồng lúa vàng “rủ nhau cùng đua hương”, khu vườn mùa thu dịu dàng với bao ngôn ngữ của cỏ cây, hoa lá. Sự lặng lẽ suy tư khi ngắm nhìn hạt muối bé nhỏ “chẳng biết nảy mầm” nhưng “bước vào sự sống với trái tim ấm nồng”, hình ảnh gà mẹ tần tảo luôn che chở cho đàn con bé nhỏ trước bao hiểm nguy đang rình rập. Những hình ảnh rất mới xuất hiện ở các làng quê hiện tại như chiếc máy gặt cũng đã được tác giả nhân cách hóa với cách nhìn giàu tính đồng thoại. “Khi cánh đồng bát ngát/ Chỉ còn gốc rạ phơi/ Anh thở phào nhẹ nhõm/ Trở về nhà nghỉ ngơi”
      Trong ” Ngọt ngào yêu thương”, đề tài được tác giả quan tâm là những mối quan hệ thân thiết thường ngày trong gia đình của bé như ông, bà, cha mẹ, thầy cô, bè bạn… " Em yêu chiếc gậy ông/ Dìu em từng bước nhỏ/ Em yêu ngọn gió bà/ Ru em vào giấc ngủ/ Em yêu bờ vai bố/ Cho em tựa mỗi ngày/ Em yêu bàn tay mẹ/ Chăm chút em từng giây…” Viết về bà, Xuân có những câu thơ sâu lắng cảm động: “Lật từng sợi tóc điểm hoa/ Cháu thầm đếm những phôi pha, nhọc nhằn”. Trong cái tổ ấm gia đình ấy, bé trở thành tâm điểm với cách nhìn, cách cảm trong các mối quan hệ và bản thân bé cũng tự xác định trách nhiệm vun dắp cho mái nhà thân thương của mình bằng những việc làm nho nhỏ đầy ý nghĩa.

Tập thơ thiếu nhi Tổ ấm muôn loài của tác giả Lê Thị Xuân


     Phần cuối “Nơi chắp cánh ước mơ” là những bài viết về cô thầy, bè bạn nơi trường lớp. Hình ảnh người thầy, cô “gieo hạt giống tâm hồn”, với những ký ức ân tình thương mến  "Lời cô như mật ngọt/ ướp hương vào ban mai”. Từ  “Lớp học cô vành khuyên” hay tình cảm thân thiết với  bạn bè cùng trang lứa như “mèo và cún”, cho đến cái nhìn tinh nghịch về “ Tia nắng dịu dàng” hay “chú mèo con cận thị”…là những kỉ niệm khó quên của một thời thơ dại, 
         Gấp lại” Tổ ấm muôn loài”, dẫu còn vài điều chưa thỏa mãn ví như  trong các bài còn thiếu mất những khổ thơ, những câu thơ khác lạ đầy tính phát hiện, một số hình ảnh miêu tả còn na ná giống nhau ở bài này bài khác,…tôi vẫn có cảm giác như mình vừa được thưởng thức một bữa tiệc sạch sẽ, giàu hương vị phù hợp với cách nghĩ, cách cảm của tuổi thơ. Xin chúc mừng đứa con tinh thần đầu tay của cô giáo trẻ Lê Thị Xuân và trân trọng giới thiệu ”Tổ ấm muôn loài” cùng bạn đọc!


                                                                       
                                                                                   Nhà văn Phan Trung Hiếu

. . . . .
Loading the player...