14-03-2016 - 22:03

Tập thơ thiếu nhi " Quả từ đâu ra" của Nguyễn Văn Thanh

" Những vần thơ dường như trước hết là viết riêng cho đàn cháu của mình; nhưng cũng là chung cho cả một lứa tuổi thơ trong một cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng không thiếu niềm vui tin vào tương lai của quê hương, của đất nước"( PGS-TS Vân Thanh). Xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ viết về mùa xuân được rút ra từ trong tập " Quả từ đâu ra" - của tác giả Nguyễn Văn Thanh, NXB Hội nhà văn, 2016.



TẬP THƠ THẮM ĐƯỢM TÌNH QUÊ HƯƠNG VÀ GIA ĐÌNH
                                                             PGS- TS  VânThanh
  
    Ngay từ tập thơ đầu: Tìm sợi rơm vàng - Nguyễn Văn Thanh đã nhận được Giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, năm 2012; và Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Nguyễn Du của Ủy ban nhân dân tĩnh Hà Tĩnh lần thứ 6 ( 2010 - 2015). Quả từ đâu ra là tập thơ thứ hai của anh, với 45 bài thơ ngắn và dài, viết theo thể 4 chữ, 5 chữ và 6 chữ.
     Đây là một tập thơ chuyên viết cho thiếu nhi, bắt nguồn từ những cảnh quan và sinh hoạt quen thuộc của một vùng quê Hà Tĩnh. Đọc thơ anh ta như được gội trong một không khí riêng không lẫn được của một vùng quê gió Lào cát trắng.Thơ anh gợi rõ và làm cho ta yêu mến biết bao quê hương bình dị, cần cù vất vả với những con người chịu thương, chịu khó...
Nói về thơ anh, trước hết là thơ về thiên nhiên, dù rằng thiên nhiên là một đặc điểm chung của các nhà văn, nhà thơ viết cho thiếu nhi. Qua bức tranh về thiên nhiên, người viết gợi cho các em lòng yêu cuộc sống, yêu gia đình, bạn bè, yêu quê hương đất nước.
      Bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông, qua thơ anh, mỗi mùa một nét riêng. Mùa xuân qua chùm 4 bài mở đầu tập thơ, với sự nẩy mầm của cây chồi và nắng mới, cùng với lời từ biệt:
 
Mùa đông ơi, chào nhé
Xuân này em lớn rồi...
Mùa hè với:
Chùm phượng đầu tiên nở
Một đốm lửa góc trời.
Nhà ai cơm gạo mới
Gió thoảng về hương thơm.
 
Mùa thu có Tết Trung thu, với niềm vui lớn của các em miền Trung là không có bão lụt: Đừng để cho mưa lại rơi/ Cho chúng em chơi thỏa thích
Mùa đông là sự cần cù của bầy ong:
Mùa đông mưa gió rét
Muôn loài thiếu cái ăn
Riêng ong chẳng sợ đói
Mật ngọt đựng đầy ngăn.
Cùng với bốn mùa là cảnh quan quê hương, thân thương các loại hoa trái. Trong Quả từ đâu ra, bài thơ được chọn, làm tên chung trong tập thơ, tác giả đã viết về tâm trạng hào hứng, thích thú của đứa cháu được về quê trong một dịp nghỉ hè với ông bà.
 
Vườn nhà với bao nhiêu loại quả - đó là vui thích đầu tiên mà cháu được hưởng:
Chuối ôm từng nải quả/ Mít lặc lè bồng con!/ Ơ kìa mấy quả na/ Ngủ quên trên cành bé/ Lại thêm đàn chìm sẻ/ Đến vườn cùng hát ca/ Quả ổi tròn căng mọng/
 
Bên quả, là các loại rau:
 
Rau húng mở mắt / Tròn như đồng xu / Cà pháo hát ru/  Đàn con trốn nắng Hành khoe củ trắng/ Ngửa mặt lên trời/ Diếp cá loi ngoi / Ngóc đầu một đám. Lá lốt trải thảm /Chờ ếch sang thăm/ Một vạt rau răm / Cười nheo con mắt.
Trong lung linh muôn màu của vườn nhà của cảnh quê là những đối thoại ngọt ngào tình ông cháu. Cháu cũng biết khen khéo ông:
Vườn ông thích thậ t/ Đủ giống đủ loài/ Hơn hẳn mọi người
Cùng một câu kết hơi bất ngờ: Vì toàn rau sạch. “Rau sạch” - đó là chuyện của hôm nay, chuyện “an toàn thực phẩm”.
Sau vườn nhà, là những con đường làng, cháu rất quen nhưng sao vẫn ngỡ ngàng trước cảnh:
Đường quê vui như hội Rơm quấn  theo chân người….
Cha mẹ ra đồng sớm / Trâu lặc lè kéo xe Bầy sẻ từ đâu đến / Vít cong cả cành tre.
Và xa xa là cánh đồng:
Trải thảm vàng ngập mặt Bông kề bông trĩu hạt
Xen giữa những cánh đồng lúa chín trĩu bông là những con kênh dẫn nước, chảy khắp đồng quê gợi cho ta một hình ảnh về quê hương trong đổi mới.
Sinh động trong những cảm nhận về thiên nhiên, về làng quê, thơ Nguyễn Văn Thanh cũng rất ấm áp trong tình người. Đó là những người dân cần cù vất vả:
Biết bao nhiêu mồ hôi / Trên bờ xôi ruộng mật /Biết bao nhiêu khó nhọc/ Cho bát cơm em đầy
Quê hương là thế đấy, như từ lâu đời vẫn thế, lam lũ, cực nhọc nhưng trong lòng người vẫn cháy bỏng ước mơ về một ngày mai tươi đẹp:
 Ôi, cánh đồng trước mặt Lúa chín vàng trĩu bông Người người khom lưng gặt/ Gửi ước mơ lên đồng.
 Làng quê,đồng quê với bốn mùa Xuân hạ Thu Đông là một bối cảnh quen thuộc mà có nét riêng trong thơ Nguyễn Văn Thanh. Trong bối cảnh đó nổi lên tình cảm gia đình, với trước hết là tình ông cháu. Mới ở tuổi ngoài 60, tác giả đã có một bầy cháu yêu gồm những Chút, Bin, Tủn, Tôm, Yến, Bọn để mỗi lúc xa chúng, ông lại dồn bao thương nhớ vào thơ:
 Ông và cháu, Một góc vườn ông, Thương ông, Cà chua vườn ông, Trăng tháng Tám...
 Lòng ông lúc nào cũng rộn ràng và tự hào về đàn cháu bé thương yêu.
 Ông thấy lòng rộng mở/ Một niềm vui ngập tràn.
Với tình ông cháu, là những câu thơ trìu mến xiết bao.
Tay ông trong tay cháu /Ông như là cây tre /Cháu như búp măng nở/ Nghiêng mình ông chở che.
Bên cạnh tình ông cháu là tình mẹ con, qua -
Gửi gió, Mẹ con và gió, Cây bàng trước ngõ, Mẹ em, Lạc...
Mẹ, một phụ nữ nông dân, hết việc nhà lại túi bụi trong công viêc đồng áng
Tết đã đến cận kề / Mẹ còn trên nương mạ/ Giữa ngày mưa rét giá/ Buốt như là kim châm.
hoặc
Sang mùa đông giá rét/ Nắng bỗng thành hiếm hoi Mẹ rũ rơm ra phơi / Bàng liền đem ô cất..
Thương mẹ - lời con như rưng rưng nước mắt:
Thương mẹ quá mẹ ơi / Người lấm lem bùn đất/Nước mưa vương đầy mặt..
Thế mà
Nhìn con mẹ vẫn cười...
Rồi
Mẹ ôm con thật chặt / Con của mẹ giỏi ghê /Con là cơn gió má t/ Dịu cả trưa ngày hè.
Gọi gió lại là lời ước mong của một đứa con do còn quá nhỏ, nên đành nhờ gió:
Gió ơi, gió ơi / Gió đến với tô i/ Lau giúp mồ hô i/ Ướt đầm trán mẹ
Gió đi nhanh nhé / Mẹ đang phơi rơm / Dành trâu bò ăn
Những ngày mưa rét / (...) Thương mẹ rất nhiều...
Gió chiều tôi nh é/... Gió nhận lời đi/ Cho tôi vui với / gió ơi gió ơi!
Đọc Quả từ đâu ra, ta có cảm tưởng nhà thơ là người luôn có một nỗ lực phấn đấu giữ cho mình một tâm hồn trẻ, một cách nhìn trẻ. Thế giới xung quanh trong thơ anh là một thế giới đầy màu sắc, âm thanh và luôn luôn chuyển động.
Dưới ánh nắng ấm áp của mùa xuân:
Cu gù ngọn tre/ Bưởi khoe nụ trắng/ Mèo con ôm nắng/ Ngủ vùi ngoài sân
Mùa hè với những cơn mưa bất chợt: Chiều nay cơn mưa đi qua/ Hoa cà rủ nhau nở tím/ Ông cóc ngồi xổm há miệng/ Chậm rãi đớp từng giọt mưa/ Lăng xăng chị gà mái mơ /Đội mưa chạy quanh tổ mối/ Cong đuôi mèo con chạy vội / Xù lông vẩy nước khắp nhà.
tất cả
Mừng rơn đón cơn mưa hè.
Qua thế giới sinh động và tươi tắn của cỏ cây hoa lá và những sinh vật quen thuộc, nhà thơ dạy cho các em cách quan sát và khám phá những bí ẩn độc đáo của thiên nhiên. Nhất là những con vật bé tí tẹo ít ai chú ý như con ong, con giun đất, con dã tràng...; chúng nhỏ nhoi thật nhưng chúng sinh ra để đem lại lợi ích cho con người một cách lặng lẽ, khiêm nhường.
Con ong chuyên cần:
Sáng bay lên cành nhãn/ Hút mật hoa thơm lừng Chiều sà xuống vườn cải/ Hoa vàng tươi tỏa hương Ngày ngày ong chăm chi/ Hút mật lấy phấn hoa Đi về hàng trăm lượt/ Chẳng bao giờ kêu ca.
Con giun đất lầm lụi trong đất cát:
Mưa to quá/ Ngập cả vườn/ Giun đất trườn/ Tìm nơi trú.
Còn Dã tràng và sóng biển là một cuộc chiến giữa sóng biển ồn ào, dữ tợn với đàn dã tràng nhỏ nhoi yếu ớt:
Sóng biến ào ào cuốn/ Dã tràng càng thi gan.
Một cuộc chiến không cân sức:
Dã tràng bé tí ti/ Vẫn quyết bám giữ đất/
Không chịu rời một ly.
Nhưng cuối cùng:
Sóng lui - Dã tràng đào/ Sóng vào ngụp trong nước/ Đánh mãi không thắng được/ Biển kéo sóng lùi xa.
Trong kể, tả, một số bài thơ của Nguyễn Văn Thanh vận dụng linh hoạt lối hỏi và đáp, và trong cách dùng động từ:
- Xuân thả sợi nắng
- Sân nằm xoài đợi nắng
- Con kênh rúc rích cười
- Nằm ngửa mình dưới nắng
- Hè đổ lửa vào nắng...
 Với động từ, thế giới thiên - nhiên và loài vật hiện lên luôn sống động:
 Cua đồng bò chậm rãi/ Vẽ hình lên bùn non Cá rô thìa búng nghịch/ Nước loang từng vòng tròn
hoặc
 Bờ tre vui cúi xuống/ Cõng đàn chim sẻ đồng Giục giã cu gáy gọi/ Một khoảng trời ven sông.
Một số bài có kết thúc bât ngờ, như bài Quả từ đâu ra? Quả - đó là mít, ổi, na... Là trứng gà trứng vịt. Nhưng Còn quả bóng, cháu đá/ Ông ơi, ai đẻ ra?
Hoặc trong Nhầm lẫn, là con bò với bốn cái chân to
Nó không đi đầu gối /Sao lại kêu con bò?
 
      Xin giới thiệu với bạn đọc: nhà thơ Nguyễn Văn Thanh sinh tại xã Bình Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Mười năm thời trai trẻ, anh tham gia bộ đội chống Mỹ ở miền Nam (1967-1976). Tốt nghiệp Khoa Kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Kinh tế quốc dân, anh về làm thầy ở Trường Trung cấp Nông Lâm Nghệ Tĩnh.
Sớm về hưu, anh sống bằng nhiều nghề,  vất vả trong mưu sinh. Anh tìm được nguồn vui trong đàn cháu ngoại và cả trong thơ, những vần thơ dường như trước hết là viết riêng cho đàn cháu của mình; nhưng cũng là chung cho cả một lứa tuổi thơ trong một cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng không thiếu niềm vui tin vào tương lai của quê hương, của đất nước./.
                                                                  Hà Nội, tháng 12/2015
 
Nguyễn Văn Thanh
 
 
MƯỚP VÀ NẮNG XUÂN
 
Mướp mọc sớm quá
Gặp rét đứng run
Ngọn non yếu ớt
Giàn cao quá chừng
 
Xuân thả sợi nắng
Cầm tay nhẹ nhàng
Chỉ cần gắng tí
Mướp leo lên giàn
 
Mướp xòe lá rộng
Vươn ngọn cực dài
Nắng xuân vẫy gọi
Hoa vàng trời mai
 
 

TRANH XUÂN
           
Xuân mang nắng mới
Nhuộm hồng làng quê
Lúa đồng mượt lá
Xanh rờn bờ đê
 
Cu gù ngọn tre
Bưởi khoe nụ trắng
Mèo con ôm nắng
Ngủ vùi ngoài sân
 
Bầu bí leo giàn
Hoa  xoan  nở tím
Bướm ong bịn  rịn
Tối chưa muốn về
 
Mùa xuân thích ghê
Hết rồi cái lạnh
Sẻ  nằm  xoè cánh
Dát vàng bờ kênh
 
 
CUỐI XUÂN
 
Vừa mới se se lạnh
Nắng đã bốc lên rồi
Na vừa thay áo mới
Đã nở hoa trắng ngời
 
Bí ngô khoe lá mượt
Mít vỗ về đàn con
Bầu vẽ hình cách điệu
Lên đầy mình quả non
 
Mướp thơm lừng trước ngõ
Vươn tay như vẫy ai
Ơ kìa con bướm lạ
Đậu xuống bay lên hoài.
 
             1-4-2015

 
. . . . .
Loading the player...