30-01-2016 - 21:49

Tập thơ "Thu chín" của tác giả Nguyễn Sinh

Tập thơ "Thu chín"- Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, của tác giả Nguyễn Sinh quê ở Nghi Xuân - Hà Tĩnh. Hội viên Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh , đã có nhiều tác phẩm đã xuất bản như: Thủ thỉ câu Kiều (2000), Gió từ tay bà (2007)....

Bìa tập thơ "Thu chín"
 
THẤM ĐẪM NHÂN TÌNH TRONG “THU CHÍN”
 
Tôi may mắn được cụ Nguyễn Sinh, Cựu giáo chức là Hội viên Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh nhờ đọc giúp bản thảo “Thu chín” trước khi xin giấy phép xuất bản.
Xuyên suốt tập thơ khá dày, người đọc thật sự cảm phục công lao sáng tạo nghệ thuật đa dạng và sung sức của một bậc cao niên ở tuổi 82. Bản thảo tập thơ, tác giả chọn hơn 110 bài từ năm 1992 – khi nghỉ hưu cho đến nay. Đó là thành quả đáng trân trọng của một nhà giáo từng trải nghiệm muôn mặt đời thường qua gần 40 năm gắn bó với môn dạy tự nhiên; trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý nhà trường.
Vốn là người yêu thơ, biết làm thơ từ nhỏ nhưng phải đến khi được nghỉ hưu thì hồn thi sĩ đồng quê của cụ Nguyễn Sinh mới có dịp được trang trải lên từng trang viết. Bên cạnh niềm vui sáng tạo nghệ thuật, cụ còn hăng say với những công việc mà ta thường nói “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Từ Củ tịch Cựu giáo chức rồi phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học, chủ nhiệm câu lạc bộ thơ xã Cương Gián nay cụ lại tham gia Ban thơ Cựu giáo chức huyện Nghi Xuân.
Tập “Thu chín” được tác giả trình bày thành ba phần: Biển chiều (thơ tự do); Chùm tứ tuyệtVọng tiếng ngân (thơ đường luật).
Có thể nói, 96 bài thơ được chọn lọc in trong “Thu chín” thấm đẫm nhân tình của một con người đối với đất mẹ Nghi Xuân – vùng quê sơn thủy hữu tình được thu hẹp trong làng biển Cương Gián. Ở đây ta không chỉ nhìn rõ vẻ đẹp muôn thuở của Nghi Xuân bát cảnh mà còn được trân trọng hơn về đất và người qua những câu thơ thăng hoa của cụ Nguyễn Sinh.
Khi đến viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả đã tóm gọn cảm nghĩ cuộc đời dâu bể bằng những câu thơ đầy triết lý:
Hèn sang chìm nổi đã lề/ Đô thành xa lánh tìm về thôn/ Bình minh rồi lại hoàng hôn/ Khi vui thưởng nguyệt, khi buồn xem hoa/ Võng đưa cho lẹm cột nhà/ Cho vơi trăn trở cho ra câu Kiều.
Khi nhắc đến “Tiếng thơm Uy Viễn”, tác giả lại có một cách nói riêng:
Gần con hát, cạnh nhà vua/ Sang hèn mặc thế, hơn thua kệ đời/ Làm cây thông đứng giữa trời/ Chênh vênh dốc núi reo cười gió trăng.
Còn nói về cảnh vật làng quê, tác giả lại thể hiện một cách sống động “Bức tranh quê” với “Bãi tắm”, “Biển chiều” rồi “Hòn ông Mụ”, “Hồ tiên”… bằng cái nhìn đầy lãng mạn:
Chùa tiên chuông đã đổ hồi/ Gái trai sóng bước vui cười bên nhau/ Chim hôm sải cánh về đâu/ Ánh hồng thoắt đã khuất sau non Hồng/ Mây trôi mặt nước bềnh bồng/ Tơ trời lơ lửng tơ lòng vấn vương.
Các bài ở chùm tứ tuyệt, tác giả đã phá cách vượt lên sự ràng buộc về khuôn phép để có những câu thơ độc đáo:
Ra cửa mình/ Chào đời/ Vào cửa qua/ Kết hậu (Vòng đời)
Hoặc: Ngày nghe chuyện/ Cóc kiện trời/ Đêm mơ thấy/ ma về ăn giỗ (Huyền hoặc).
Đặc biệt, phần Đường luật “vọng tiếng ngân”, đây là một thể loại thơ truyền thống nhưng không dễ ai cũng làm đạt. Qua hơn 40 bài thơ in trong tập “Thu chín” tác giả Nguyễn Sinh đều đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về niêm, luật, vần, đối và bố cục.
Có được những bài thơ hay quả không dễ như tác giả đã tâm sự trong “Biển chiều”:
Ta muốn tìm thơ có gặp thơ?/ Dõi nhìn biển biếc tận xa mờ/ Mà nghe con sóng còn trăn trở/ Thao thức năm canh dạt bãi bờ.
Nếu cho rằng, thơ là điệu tâm hồn đi tìm đến những hồn đồng điệu thì qua các bài trong “Thu chín” cụ Nguyễn Sinh đã gõ đúng cung bậc vào bao trái tim người.
Đó là một thành công đáng mừng của một cây bút cao niên nhưng vẫn sung sức sáng tạo cho đời những món ăn tinh thần quý giá.
 
                                                    Nhà thơ: Duy Thảo
. . . . .
Loading the player...