10-03-2016 - 22:00

Tập thơ "Ví giặm quê mình" của tác giả Ngô Đức Hành

Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh giới thiệu đến bạn đọc tập thơ "Ví giặm quê mình" của tác giả Ngô Đức Hành- một người con của quê hương Can Lộc, Hà Tĩnh, hậu duệ của nhà thơ Xuân Diệu hiện đang sinh sống và công tác ở Hà Nội. Tác giả đã có những tác phẩm xuất bản như: Con đường xuyên rốn lũ (ký); Khúc hát nơi đầu sóng (ký)


Bìa tập thơ "Ví giặm quê mình" 
     Không phải ngẫu nhiên Ngô Đức Hành đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là“Ví giặm quê mình” (nxb. Hội nhà văn, 2015). Một cái tên rất tự tin và tự tôn về bản sắc văn hóa quê hương Hà Tĩnh của anh. Là còn bởi phần lớn thơ anh viết về những con người và vùng đất cố hương bản xứ này: cha, mẹ, anh em, con cháu, người thân, bè bạn… Dưới nhiều bài thơ có lời đề tặng một cách trân trọng. Không chỉ thế, ngôn ngữ thơ của anh còn khá “nguyên bản” thổ ngữ Nghệ - Tĩnh, có những từ mà ai không phải là “ngài” (người) Nghệ - Tĩnh thì chắc chắn phải có phiên dịch “nghệ ngữ” mới hiểu được.
     Ký ức quê làng là mạch cảm chủ đạo, xuyên suốt trong Ví giặm quê mình. Đây là bóng hình người cha thân thương của anh: “Sáng cha đi cày/ tròn bóng trưa. Hớt hải/ bắp chân trần lấm lem khét cháy/ bát khoai vơi, mặn - chát - nhút - cà.../ quê đã nghèo thêm mùa úng chiêm khê…/ còn đó quê hương. Bóng mẹ cha đâu nữa” (nhớ cha). những lời tự sự về cha không chỉ là nỗi nhớ thương về người cha, người mẹ đã khuất của anh mà còn phơi trên đường cày sinh kế tất cả những nghiệt ngã của gió mưa, lũ lụt ở một vùng đồng quê nghèo khó miền Trung. Trong bài “mùa vu lan, nhớ mẹ cha”, lại thêm một lần Ngô Đức Hành nhắc đến những nghèo đói, cơ cực của những năm tháng cơ hàn, mà có lẽ không chỉ có ở quê hương anh: “Thuận ngằn ngặt đói quắt queo ngày ấy/ Chẳng có sữa đâu, em vẫn bú bà…/ Lúa chưa chín, khoai củ non, nhiều chạc/ Những tháng năm xưa, mặn đắng nhút cà. nhút và cà muối là biểu tượng thiếu đói của những năm tháng cũ. Khi đó, cả nước đói cơm thèm thịt, chứ đâu chỉ miền Trung trong chiến tranh bom đạn. 
     Thời thế đã đổi thay, thứ mà ngày xưa được cho là thực phẩm của nghèo khó, thì giờ khoai xéo (khoai lang khô đồ với đậu đen, đánh nhuyễn), cà muối, nhút (sơ mít muối) lại trở thành đặc sản của người phố: “Nồi cá Trích mẹ kho lừng hương mít/ Bây giờ nhút đi vào bữa tiệc/ Khách sạn năm sao cũng hỏi: nhút mồ? (nhút Thanh chương). Xứ nghệ còn có câu thành ngữ khá phổ biến “nhút Thanh chương tương nam Đàn” là vậy. Và, cái “bản sắc” ấy luôn là niềm khoái cảm, tự tôn dù trong ngữ cảnh nào, dù anh sống ở Thủ đô, làm báo, làm xuất bản nhiều chục năm: “Rời thành phố ta về quê bạn nhỉ Cứ giòn
tan như khi cắn quả cà/ Cứ nói cười thoải mái giữa đất ta/ Tre phủ bóng, trưa đò đưa ví giặm” (rời thành phố ta về quê bạn nhỉ). Với bạn trai, về quê thì nói cười sảng khoái, nhậu tơi bời, với bạn gái, với gấy nghệ (gái nghệ) thì sao?: “Người Hà Tĩnh sống trọn tình/ Nên chăng câu ví chùng chình bâng khuâng/ Em về chưa đến đầu truông/ Ghềnh Tàng, hói Bượm nhớ thương Đức HòaCon gái Hà Tĩnh nhà choa/Rờ mô cũng sướng thật - thà - thảo - thơm”. Tất nhiên, “rờ mô” ở đây không phải chỉ rờ “bằng tay”, cái “rờ” của ngô Đức Hành rộng hơn thế. Với quê hương, lời thơ trở nên “bỗ bã”, vừa thành thật, vừa chơi chữ theo kiểu nghệ.
     Và, tiếng nghệ, được coi là bản sắc văn hóa quan trọng nhất của quê hương. Với đất nước, người ta bảo mất tiếng Việt là mất nước, với quê hương miền Trung của mình, Ngô Đức Hành cũng khẳng định ý niệm quan trọng ấy, tình yêu ấy bằng “tình cảm”: “Tiếng Nghệ của tôi ơi/ Đủ hòa âm thanh khí/ Nghe dân ca xứ Nghệ Ai không lòng vấn vương? Tiếng Nghệ của ta ơi/ Răng mà nghe da diết/ Dẫu đi xa biền biệt/ Luôn nặng lòng cố hương? (Tiếng  Nghệ). Vì thế, như tôi nói, thơ ngô Đức Hành dường như còn “nguyên bản” thổ ngữ, ngữ điệu quê mà chắc chắn, nhiều người phải cần “thông ngôn” để hiểu: Trửa lòng (giữa lòng), Sèm (thèm), nậy, Khun, Khu (đít), mấn (váy)…
     Bài thơ “quê hương” là thi phẩm đại diện, vừa một lần nữa khẳng định tình cảm với quê hương, vừa là “bảo tồn” hệ thống “nghệ ngữ” của Ngô Đức Hành: “Không biết mần răng tui hay nhớ quê nhà/ Nhớ buổi trưa đánh khăng, đánh đáo/ Rong ruổi lang thang suốt cuộc đời này/ Luôn nhớ về quê, sèm bựa cơm có nhút/ Khoai Biền Lạc ăn với cà mặn buốt/ Cũng nậy, cũng khun. Đất nước gọi lên đàng…/ Không biết mần răng tui muốn về luôn. Đừng nói tại tui tra rồi lẩm cẩm/ Mấy chục năm xa nụ cười đưa đón/ Như ruột, gan vẫn ở trửa quê nhà?!”. Đồng bào ngoài xứ nghệ có cần phiên dịch những từ: sèm, bựa, nậy, khun, tra rồi, trửa quê… trong đoạn thơ trên không nhỉ? (bài thơ đề: Tặng chú ngô Trọng Kim).
     Dưới con mắt của người làm thơ có nghề báo ngô Đức Hành, anh đi nhiều, và soi nhiều góc cạnh về những biến đổi của quê làng. Ở đó, ngoài những vỏ “hình thức” đang thay da đổi thịt thì có bao điều băn khoăn nghĩ ngợi được ghi chép lại. Từ việc quê bây giờ “người ta bắt con gọi cha là ba, là bố”, gọi mệ là mẹ, trẻ mê “game online” thay vì đánh khăng, đánh đáo; nhà thì kín cổng cao tường xi măng, sắt thép; nghĩa địa ngổn ngang kim tiêm chích hút; không còn tiếng ru cháu của bà; gặp nhau chào hỏi “vơi dần chân thật” và “chỉ hỏi chuyện mánh mung”, chuyện chân dài, gái gú quán cà phê…: “Đất Nghệ mình/ Như thế hỏi tiếc không?.../ Thương nhớ về quê tôi/ Cứ mơ ước khi ban mai vừa rạng/ Ấm chè xanh râm ran góc xóm/ Đọi nác chát mà say, nồng đậm ân tình...” (Thương nhớ gửi về quê). có lẽ cũng
vì chất báo, chất “tường thuật” mới có đất diễn về những gì nhìn thấy, nghe thấy, ngổn ngang, phản ứng tức thì… nên thơ anh thường dài, diễn giải, thiếu cô đọng và khái quát. anh cốt “ghi hình”, như một người quay phim, nhanh chóng phóng chiếu những hình ảnh và sự kiện.
     Ngô Đức Hành còn nhiều bài về quê hương, về lũ lụt “đặc hữu” của xứ sở, về những người thân, người còn người mất cảm động, về các góc đời sống của Hà nội… Ở phần thơ cuối tập có một số bài thơ mang tính phê phán với cái “soi nhìn” bằng con mắt của người làm báo, nhậy cảm với thời cuộc và thân phận con người. Trong số này, có một số bài thơ ngô Đức Hành cũng bắt đầu cho thấy một cách nhìn khác, một sự chuyển động trong cấu tứ, giọng điệu theo hướng hiện đại nhưng còn ít ỏi như: Ước, Số O, Với bà cụ bán dưa cà, Ngày vàng lên giá, Tự nghĩ… 
     Cái được của "Ví giặm quê mình" là được cái tình, cái đau đáu, da diết với quê hương, với bản sắc văn hóa xứ sở. Dường như anh muốn nó được bảo tồn trong tâm hồn anh một cách chân thành, trong sáng giữa thời buổi đổi thay nhiều nhốn nháo, hổ lốn, đảo lộn những giá trị đạo đức, văn hóa. Hy vọng Ngô Đức Hành sẽ chín hơn, nhuần nhị hơn trong bước chuyển mới mẻ của thơ mình.
Hà Nội, 23/11/2015
Trần Quang Quý

Dưới đây là một số tác phẩm được rút từ tập thơ trên:
 
Tiếng Nghệ
                  Tặng Bùi Quang Thanh
 
Tôi đến thăm nhà anh *
Người lới và con trẻ
Cả nhà nói tiếng Nghệ
- Quá bất ngờ phải không?
 
Nhà anh Đặng Tiến Đông
Sống trửa lòng Hà Nội
Bé mới ba tuổi rưỡi
Bập bẹ: Cháu chào ôông!
 
- Ra đường cứ phổ thông
- Về nhà chơi tiếng Nghệ
Anh tuyên ngôn như thế
Rứa là nhà theo thôi.
 
Tiếng Nghệ của tôi ơi
Đủ hòa âm thanh khí
Nghe dân ca xứ Nghệ
Ai không lòng vấn vương?
 
- Đừng để ai chưởi mình*
- Về quê đừng pha giọng
Gởi về nơi Ngàn Hống
Một tấm lòng nhớ thương
 
Tiếng Nghệ của ta ơi
Răng mà nghe da diết
Dẫu đi xa biền biệt
Luôn nặng lòng cố hương?
-----------------------------------------
* Tác giả đến chơi nhà của nhà thơ Bùi Quang Thanh, rất cảm động khi thấy hai bé: bảy tuổi và ba tuổi rưỡi chào bằng tiếng Nghệ; trong nhà chỉ nói chuyện bằng tiếng Nghệ.
* “Chưởi cha không bằng pha giọng” – Ngạn ngữ xứ Nghệ.

 
Gửi về quê ngày lũ lụt
 
Mẹ tiễn con đi trong nước lũ bốn bề*
Ngày con mất không có nhiều hương khói
Tiếng trẻ thơ trong nỗi đau tức tưởi
Hà Tĩnh ơi
                 Đau đớn xé lòng…..
 
Xơ xác quê
                  Thắt ruột
                                Cầu mong
Lũ vợi nhanh, trẻ thơ đang khát sữa
Lũ mau qua, mẹ tôi già đứt bữa
Em sớm mất chồng, còn ngằn ngặt nỗi đau
 
Tháng Mười này gửi thương nhớ vào đâu
Hương Khê, Vũ Quang….hai lần ngập trắng
Can Lộc quê mình lâm nguy hoạn nạn
Ba mươi bảy vạn dân, nước vây bủa trắng trời…
 
Lũ con xa dẫu mong ước đầy vơi
Đã đùm bọc, vượt bão giông cứng cỏi
Lại bón chăm, lại mùa vàng hoa trái
Hà Tĩnh mình nghe câu hát mà thương!


Lũ bao vây cô lập huyện Vũ Quang năm 2010
 
Mùa Vu Lan nhớ mẹ cha
 
Mẹ ơi! Đang vào mùa Vu Lan
Con chưa lớn, mẹ đã rời dương thế
Vườn trống nhà không, chúng con thơ bé
Cha đau lặng đầu hồi….
 
Chúng con lớn lên, mẹ đã xa rồi
- Không biết thằng ni khi mô mười sáu
Muốn hỏi vợ cho con, mong mỏi đứa cháu
Đau yếu lâu ngày nên mẹ quá thiết tha
 
Mẹ chẳng lo gì cho cha
- Tau mà chết cha mi lấy gấy
Thuận ngằn ngặt đói quắt queo ngày ấy
Chẳng có sữa đâu, em vẫn bú bà…
 
Tháng Năm về tròn nắng bóng Cha
Rong ruổi hanh hao Chà Bày, Biền Lạc…
Lúa chưa chín, khoai củ non, nhiều chạc
Những tháng năm xưa, mặn đắng nhút cà
 
Chúng con lên đường, thiếu mẹ, vắng cha
Mang thua thiệt đến tận cùng đất nước
Mùa Vu Lan bỗng nhiên ao ước
Được gặp mẹ cha, nghe tiếng mẹ hời, ru ….

 
Lênh đênh
 
Chiều hoang
                           lênh đênh cỏ rối
Đêm hoang
                           lênh đênh vội…
Một thời xa
                           tiếc nuối
Cuộc đời
                           buồn tênh!
Ta mơ em
                           lênh đênh câu hát
Sông Lam
                           lênh đênh về đâu?
Ngàn Hống
                           thông reo lục bát
Dấu chân năm ngón hằn sâu…*
Lênh đênh
                           ai buông mắt biếc
Va vào gió núi tìm nhau
------------------------------------
* Sự tích chùa Chân Tiên
----------------------------------------------------------------------------------------------------------
Hình ảnh sử dụng minh họa trong bài được sưu tầm từ Internet
. . . . .
Loading the player...