13-07-2012 - 13:33

Tập thơ " Bên dòng sông đa tình của Trần Chấn Uy

Gấp lại tập thơ “Bên dòng sông đa tình”, tôi không khỏi nhớ về một con người vạm vỡ, điển trai với nụ cười hút hồn phái đẹp, lại có lúc lặng lẽ thu mình nhỏ lệ trên những trang thơ cô đơn về tình tan vỡ. Đó là Uy của được-mất trong đời và cười-khóc trong thơ…

Tập thơ " Bên dòng sông đa tình của Trần Chấn Uy

SÔNG CŨNG ĐA TÌNH
(Thay lời Tựa)
 
“Trần Chấn Uy khá tai tiếng về chuyện tình cảm và cũng không ít giai thoại xung quanh chuyện tình yêu, hôn nhân của anh… Nhưng tôi quý anh, trân trọng anh bởi anh thực sự là một người đàn ông, và hơn thế nữa đã làm được những điều phi thường mà không mấy người đàn ông làm được”. Nhận xét ấy không phải của tôi, mà của một người sống gần Uy, viết về Uy.
 Uy đã làm được những gì “phi thường” để người đời bỏ qua tất cả tai tiếng và đàm tiếu, để mà yêu quý anh đến vậy? Ba lần hôn nhân ư? Chuyện nhỏ! Chức tước ư? Quan quèn thôi! Làm thơ ư? Điều này rất có thể, bởi thơ, thường được cho là sự bất bình thường mà thiên hạ vẫn nghĩ là ông Trời chỉ dành cho “loài thi sĩ”.
Tôi đã đọc mấy tập thơ của Uy, và thấy sự được-mất trong thơ anh cũng như chính cuộc đời anh vậy. Được và mất như một cặp phạm trù đằng đẵng theo anh dài năm tháng. Cứng rắn và yếu mềm. Từ bỏ và đeo đuổi. Xây và phá – Phá và xây… Khóc cười đủ cả. Nhưng điều gì khiến con người có vẻ như ngang tàng bất cần đời ấy neo lại được với người đọc? Đó là sự mặc cảm tội lỗi một cách chân thành đến rơi lệ:
Con có cha như chỉ có mặt trời
Nên giấc ngủ mãi khuyết vầng trăng mẹ
Đã trót làm tuổi thơ con sứt mẻ
Mảnh vỡ đời nhức buốt trái tim cha.
Không phải nhà thơ nào cũng nói ra được nỗi lòng sâu thẳm của mình bằng ngôn ngữ chân thành như vậy. Thi tứ và thi ảnh cứ đan vào nhau ám ảnh lòng người.
Có nhiều ý nghĩ người ta không đủ can đảm để nói ra, và nói ra thành lời như thế nào cho đúng với ý nghĩ cũng không phải chuyện dễ. Nhưng với Uy thì hình như không phải thế, anh có thể diễn đạt cả bản năng của mình thành thơ như không:
Giữa những bậc thang lên chùa
Ta chông chênh say ánh mắt
Trời trong veo và em trong vắt
Ta đục ngầu ý nghĩ đàn ông
Những câu thơ ấy khiến tôi nhớ một câu thơ đã lâu của anh:
Nụ hôn xưa còn ngọt mãi cơm chùa
Và với “Em sư” hôm nay, anh vẫn còn bâng khuâng trân trọng mãi:
Biết còn vương một chút tình xưa cũ
Xin hái trăng về tặng em sư.
Vẫn biết người thơ thường lãng mạn đa tình, nhưng với Uy đôi khi thường đi xa hơn một cái nhìn rung động. Điều đó thật mạo hiểm. Dường như Uy hơn cả mạo hiểm, đấy là cái nhìn chân thật, trần trụi, phơi bày cả tâm can đến mức nguy hiểm. Nhờ thế mà thơ anh lay động được lòng người khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp gợi cảm của phái đẹp:
Heo may đùa giỡn tà áo biếc
Rờn rợn màu trăng ánh trắng ngà
Da thịt ngọc gieo eo lưng thắt
Mắt nhìn như có gió sương pha.
Và hơn thế nữa, anh còn thấy cả “vẻ đẹp chết người” trong những “tòa thiên nhiên” ấy:
Áo lụa nõn nà, trời ơi chết
Một kiếp thương đau một kiếp tình
Em đẹp như dao, anh đứt ruột.
Nhưng không dừng lại ở đấy, tình yêu với anh như cơn bão, như núi lửa cứ tuôn trào:
Ta lao vào lấp đầy khoảng trống rốn đêm
Bằng hừng hực lửa và tiếng tru của sói
Người đàn bà hoá dòng sông nóng hổi
Tuôn trôi cả địa ngục lẫn thiên đường.
Trần Chấn Uy là vậy, mạnh mẽ, bạo liệt và nóng rẫy. Anh thường dùng từ thật mạnh để diễn đạt tình cảm của người thơ tưởng như đi quá cả lằn ranh ngôn ngữ:
 
Tôi cũng như bao chàng trai khác
Bị thiêu cháy bởi khuôn mặt đẹp…
 
… Ta xả thịt một đời trai sứt mẻ
Cúng cho em một mâm đầy.
 
… Người thi sĩ gặt đầy kho bất hạnh
Đủ làm đau cả nhân loại quanh mình
Và nhiều khi “hạ giọng” một cách thật thà đến yếu đuối như một bản tự khai:
Chỉ thuộc về nhau đêm này thôi
Ngày mai tôi lại về bến khác
Thêm một lần em gặp người bội bạc
Con thuyền kia cô độc đến bao giờ?
Những lúc lắng lòng xót xa, Uy như một gã thất tình xa xứ buốt nhức ngày về:
Người ta đi với người ta
Đã sang xứ khác đã nhoà nhạt quên
Ta đi vẹt gót trăm miền
Tìm về sương khói cuối triền sông xưa
Phong phanh áo mỏng bây giờ
Nghe heo may rét trắng bờ cỏ lau.
Thì ra cái “triền sông xưa” ấy chính là dòng sông cố hương nơi Uy đã sinh ra. Dòng sông ấy đẹp, trôi mãi hoài thơ mộng trong nhiều bài thơ của anh. Dòng sông ấy đa tình, hay chính là những đứa con của dòng sông? Nhiều bài thơ của anh nhắc về sông và người Hà Tĩnh, nơi có Nguyễn Du “Thả con thuyền lục bát”, nơi có Nguyễn Công Trứ “Suốt đời lãng tử/ Mây gió thênh thang”, nơi có “chàng Huy Cận ngày xưa hay buồn lắm” cùng với “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu mê đắm một thời… Và giờ đây, Uy cũng có mê đắm của riêng Uy trong nỗi buồn bạc tóc:
Sợi tóc bạc ánh một màu im lặng
Đọc tuyên ngôn về sự lụi tàn…
Thường thì người ta hay nói về sự tuyên ngôn cho những gì mới mẻ, hệ trọng, còn Trần Chấn Uy thì tuyên ngôn cho cả sự lụi tàn. Đó là cách nhìn khác biệt của thi sĩ. Đó cũng là cách thể hiện của “sự biết”. Biết mình, biết người quả là không dễ.
Tôi nghĩ, đôi khi Uy cũng không biết rõ thơ mình hay, dở. Cứ làm thơ như một hối thúc bản năng cùng với sự học và ý chí vươn lên. Rồi người đọc và thời gian sẽ tự tuyển chọn. Những bài thơ kể lể, đong đưa, nhạt nhẽo rồi sẽ bị lãng quên. Chỉ còn lại những bài thơ trào tuôn khát vọng tình yêu với những vui buồn tận đỉnh. Đây là bài thơ hay, kia là câu thơ đích thực cứ tồn tại trong cõi nhân gian lưu chuyển không ngừng. Đấy là thơ mà khi đọc lên, ta thấy tác giả như đang đứng bên ta cười khóc vui buồn. 
Thì ra người đa tình sông cũng đa tình!
Gấp lại tập thơ “Bên dòng sông đa tình”, tôi không khỏi nhớ về một con người vạm vỡ, điển trai với nụ cười hút hồn phái đẹp, lại có lúc lặng lẽ thu mình nhỏ lệ trên những trang thơ cô đơn về tình tan vỡ. Đó là Uy của được-mất trong đời và cười-khóc trong thơ…
Hà Nội, 12.2011
NGUYỄN TRỌNG TẠO
  BBT  giới thiệu một số bài thơ viết về quê trong tập" Bên dòng sông đa tình":
 
ĐỒNG CHIỀU
 
Gió cài khuy, chiều khép những giọt nắng cuối ngày
Cánh đồng ải độc màu đất xám
Nhói bàn chân một vỏ ốc vừa chạm
Tảng đất cày khen khét mùi rơm
 
Con lạch nằm thoi thóp dọc cánh đồng
Mùa khô hạn lấm lem tôm cá
Đã thấp thoáng một vài đốm lửa
Lửa đốt đồng nhấp nhoáng ma trơi
 
Cánh đồng xám duỗi lưng vào chân trời
Đất cày ải ánh lên màu vảy cá
Tôi lưu lạc nhiều năm lòng vẫn nhớ
Cánh đồng chiều, cuống rạ, mùi rơm.
 
 
GIÁP TẾT
 
Bờ ruộng bùn nứt nẻ, gió hanh heo
Mẹ cấy vội đồng xa, mạ già ruộng ngấu
Hoa dâm bụt thắp bừng bờ dậu
Bà nội ngồi vo gạo gói bánh chưng
 
Tôi nhìn lên bàn thờ tổ rưng rưng
Ánh đèn nến đã lung linh màu Tết
Trên sập gụ ông nội tôi ngồi viết
Giấy hồng điều cắn mực, chữ rồng bay
 
Tôi đi xa quá nửa đời người
Ông bà nội đã nhiều năm khuất núi
Trái tim tôi như hòn than nóng hổi
Mỗi Tết về bỏng rát nỗi thương quê.
 
Nha Trang, 11.2009
 
 
CÂY HOA GẠO Ở BẾN SÔNG QUÊ
  
Sông La duỗi chân vào tháng ba
Thanh minh rưng rưng cỏ mọc
Cây gạo cuối hoa cô độc
Rụng một bông cuối cùng
 
Tôi đi một mình
Trong buổi chiều giã biệt
Tiễn tôi, không một người thân thiết
Cây gạo thành cố nhân
 
Đã không ít lần
Tôi ra đi từ bến đò quê, chiều muộn
Sông La bỗng trào lên cuồn cuộn
Đẩy tôi đi phiêu bạt bốn phương trời
 
Cây gạo tiễn tôi lặng lẽ, không lời
Chỉ rụng vào lòng sông vài giọt đỏ
Giọt nước mắt một vùng quê thương khó
Cháy trong tôi những tháng năm dài.
 
 
 
BÀI THƠ VIẾT BÊN DÒNG SÔNG ĐA TÌNH
 
Ta về thả xuống dòng sông
Tuổi thơ vay mượn cánh đồng lúa xanh
Quả mâm xôi chín ngọt lành
Tiếng chim chiền chiện hót xanh vòm trời
Ta về thả xuống dòng trôi
Con sông mười sáu ta ngồi mộng mơ
Bến xưa thuyền đã sang bờ
Em xa bến nhớ bây giờ khói sương
 
Ta về thả xuống dòng sông
Mênh mang nhớ với nỗi lòng xót xa
Bãi bồi ngồng cải vàng hoa
Áo em tim tím đã là ngày xưa
Giật mình, chiều bỗng sa mưa
Con thuyền ngày ấy như vừa sang sông
                                               
                                             7.2011
 
 
GỬI NGƯỜI HÁT DÂN CA
 
Nước vẫn một nguồn sông cũ
Ngàn sâu, thành phố thành dải lụa
Sông La xanh biếc hồn quê
Chỉ có con đò xưa đã mục
Làm sao anh đón được em về
 
Em hát dân ca
Làm anh say câu ví dặm
Những câu hát ngọt ngào, mê đắm
Ngân lên từ sâu thẳm lòng mình
Em cứ hát bằng trái tim bỏng rát
Từ nỗi thương quê dào dạt nước sông La
Xin đừng hỏi anh có về Hà Tĩnh
Hà Tĩnh mình thương
Đắng lòng từ câu hát
Một đời anh trôi dạt
Như con thuyền khao khát bến sông quê
"…Thương quê mình xứ Nghệ
Miền Trung đất khô cằn
Mùa đông trời buốt giá
Mùa hạ nắng cháy da
Ruộng đồng khô nứt nẻ
Mưa đi không kịp về
Bao đời dân xứ Nghệ
Một lòng yêu thương quê …"
Xin em hãy rót lửa vào anh
Rót đau vào nỗi nhớ
Rót quê nhà vào giấc ngủ
Rót cạn đêm dài thao thức nỗi thương quê
 
Nước vẫn một nguồn sông cũ
Ngàn sâu, ngàn phố thành dải lụa
Sông La xanh biếc hồn quê
Chỉ có con đò xưa đã mục
Làm sao anh đón được em về.
                                   
                 Hà Tĩnh, tháng 3 năm 2011

. . . . .
Loading the player...