Cầm trên tay tập thơ "Mưa giao mùa" (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Duy Thảo gửi tặng, tôi không khỏi bồi hồi xúc động về một con người trọn đời chung thủy với thơ.
Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nếu không có tình yêu mãnh liệt, một trái tim đa cảm thì Duy Thảo chắc hẳn đã từ giã chuyện thơ phú lâu rồi.
Với Duy Thảo, làm thơ là mong được bộc lộ cảm xúc. Bởi thế, thơ anh bao giờ cũng đằm thắm, chân tình. Mỗi bài thơ là một tâm trạng riêng: vui, buồn, khổ đau, hạnh phúc. Để người đọc nghiền ngẫm và hiểu cái riêng ấy, anh đã nhập vào cái chung, vào dòng chảy của thời đại. Đó chính là đỉnh cao tư tưởng, làm cho thơ anh gần gũi với công chúng. Một Duy Thảo khí khái ngoài đời - một Duy Thảo đĩnh đạc trong thơ.
Mưa giao mùa chỉ vẻn vẹn 30 bài, nhưng theo tôi lại tạo được sức hấp dẫn hơn những tập thơ trước của anh. Theo quy luật của tự nhiên, khi cây già cỗi sẽ kém ngọt, người cao tuổi làm thơ sẽ kém hay hơn thời trẻ. Nhưng ở Duy Thảo, tập thơ này lại dành cho bạn đọc nhiều “quả ngọt” vì “cây lá” vẫn sum suê tỏa bóng.
Nếu nhìn nhận một cách khách quan, ở một số tập thơ trước, không ít bài thơ Duy Thảo thiên về tình mà không chú ý xây dựng tứ, sa vào kể lể dàn trải. Nhưng Mưa giao mùa lại được cả tình lẫn tứ. Nhiều bài bật lên những tứ lạ. Anh đã xóa hẳn “tư duy mòn cũ” về hình ảnh, ngôn ngữ, nhạc điệu của lối thơ xưa.
Mưa giao mùa đã tạo ra lối đi rất riêng của Duy Thảo, kiệm lời để dành cho hình ảnh bộc lộ. Đấy là một loại thơ hiện đại về cấu tứ, phóng khoáng về vần điệu. Nó không bắt thi sĩ ghìm cảm xúc khi phải “khổ sở” vượt qua cấu trúc về niêm luật hay vần điệu.
Anh là người dành tình thương yêu mẹ mình vô bờ bến. Không chỉ yêu bằng cảm xúc trong thơ mà còn bằng những nghĩa cử cao đẹp nhất. Lúc mẹ còn sống, Duy Thảo săn sóc mẹ hết mực. Anh thường kể với bạn bè về những nỗi khổ của mẹ và gia đình anh thuở trước. Anh viết nhiều bài thơ về mẹ thật xúc động: Mưa bóng mây mẹ gầy xiêu xiêu bước/Gánh rạ về mồ hôi chảy như chan.
Trong thơ Duy Thảo, đó là một người mẹ nông dân nghèo khó, lam lũ. Từ tình thương mẹ, anh càng đau đáu thương quê. Đọc thơ anh, ta thấy hình ảnh bao nhiêu người mẹ khác trong thời buổi ấy:
Đất gan gà trơ lại nỗi lo toan
Làng năm ấy người gầy hơn thóc lép
Buông liềm hái mẹ mò cua nhủi tép
Mẹ xoay nghề hàng xáo vẹt đường quê.
Cả đời anh hy sinh vì vợ con, chăm lo gia đình. Anh đã dành riêng cho vợ những bài thơ đầy tình cảm nồng nàn thời trẻ, đầy hoài niệm với sự cảm thông, sẻ chia trong những năm tháng nuôi dạy con trưởng thành.
Không ai níu kéo được tuổi trẻ, đó là quy luật của tạo hóa. Đọc bài Gọi vợ, khép trang sách lại, dường như tôi vẫn nghe tiếng anh nức nở:
Hai tiếng bà ơi thường quen gọi
Trưa nay im ắng đến không ngờ
Tôi gọi bà ơi nơi gian bếp
Bà nằm bất động chẳng hề thưa
Vợ anh bị đột quỵ vì tai biến mạch máu não, Duy Thảo bỗng thấy cô đơn, hụt hẫng, nhưng niềm vui như vỡ òa khi:
May sao trời đất còn thương đến
Cho bà về lại với trần gian
Cho tôi hồi tỉnh lòng chung thủy
Hai tiếng “bà ơi” được nhẹ nhàng
Duy Thảo là người có trí nhớ đặc biệt, anh thường đau đáu với những hoài niệm xưa. Đọc thơ anh, đâu chỉ thấy tình cảm bó hẹp anh dành cho mẹ, cho vợ, bởi quanh anh ríu rít là đời nên thơ anh còn chan chứa tình cảm bạn bè, tình yêu thương đồng đội và cao hơn hết là tình yêu Tổ quốc, Đảng và Bác Hồ.Sáng tác thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt thường đòi hỏi sự dày dạn và điêu luyện của người thi sĩ. Đối với Duy Thảo, đây là một trong những thể loại khá thành công.
Chim về là một trong những bài thơ như thế:
Hè rợp cành xanh sân rợp bóng
Đôi chim về đậu hót vang trời
Chiều nay đông giá cành trơ lá
Chỉ một chim về đậu lẻ loi
Tôi tin rằng, Mưa giao mùasẽ được bạn đọc đón nhận và yêu mến. Thơ là người, tìm thơ hay như tìm một người bạn tốt. Những giá trị nhân văn trong thơ Duy Thảo sẽ góp phần giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng cho con người, nhất là giới trẻ hiện nay.