Người đa tình thường “vơ vào mình” những ánh mắt , những nụ cười… của người đẹp, nhất là khi làm thơ. Nhưng tình yêu đôi lứa chỉ là một phần nhỏ trong cái TÌNH rộng lớn mà “Sóng Lòng” của Giáo sư Phùng Hồ dào dạt ( Nhà thơ Vương Trọng). Tác giả Phùng Hồ, sinh 1938, quê Bùi Xá Đức Thọ, Hà Tĩnh. Xin trân trọng giới thiệu tập thơ " Sóng lòng"- NXB Hội nhà văn, 2013.
Cứ mỗi lần được đọc bản thảo thơ của anh Phùng Hồ, tôi càng cũng cố thêm nhận định của mình: “Nếu anh Phùng Hồ không phải là Giáo sư vật lý, chuyên gia có cỡ của ngành Bán dẫn, thì có lẽ anh đã là một nhà thơ… có cỡ”! Bởi theo tôi, anh đầy đủ tư chất của một nhà thơ bởi trái tim thương yêu: yêu người thân, yêu quê hương, yêu đồng nghiệp; ở sự hóm hỉnh, sắc sảo khi nhìn cuộc đời; và ở tính đa tình trời ban nữa!
Nặng lòng với làng xóm quê hương, có nhà cửa đàng hoàng ở Thủ đô, anh vẫn mỗi năm một vài tháng về sống ở vùng quê Bùi Xá, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Là người nâng niu kỷ niệm, không biết bao lần trái tim anh đau nhói khi làng cũ không còn nữa, kỷ niệm bị chôn vùi, anh đã mua nhà dựng lại trên mảnh đất xưa. Để gọi kỷ niệm trở về, anh trồng lại một số cây “hoang” có tự ngày xưa như cây lộc sắn, đã làm nhiều người ngạc nhiên, còn anh nghĩ rằng:
Trồng quá khứ vào góc vườn hiện tại
Để cháu con nhớ mãi đến mai sau
Và công sức người trồng cây được đến đáp:
Sáng hôm nay chí chóe tiếng chào mào
Ngỡ ngàng quá cây mùa đầu chín quả
Chi chít cành tím bầm sau kẽ lá
Tuổi thơ về theo phép lạ trên cây…
(Cây lộc sắn)
Cây lộc sắn đã cho anh vớt vát lại một kỷ niệm thơ ấu của làng quê, nhưng còn bao nhiêu thứ khác của quê hương mất đi không bao giờ về lại. Anh Phùng Hồ viết nhiều về những con người ruột thịt, như người mẹ, người chị ruột, người anh cả, chị dâu… bài nào cũng chan chứa yêu thương. Không bao lần anh làm thơ về mẹ, người mẹ xấu số đã chết vì bom Mỹ khi trong nhà chạy ra chỉ còn cách cửa hầm trú ẩn dăm bước chân. Dù người mẹ đã mất trên bốn mươi năm, nhưng mỗi lần về quê, anh lại ra đứng thẫn thờ nơi mẹ gặp nạn:
Bốn mươi năm về quê làm giỗ
Con lại ra đứng chỗ năm xưa…
Một mình con, vườn nhà ta hoang vắng
Không tiếng người, không cả tiếng chim muông…
Không còn mẹ, mẹ ơi đau đớn quá!
Trong ý nghĩ, anh sẵn sàng đổi bốn mươi năm trong bảy mươi lăm tuổi đời của mình, để mẹ có được vài giây kịp chạy xuống hầm trú ẩn cho đất đai che chở. Có khi lời thơ như tiếng nấc của lòng anh:
Chẳng mấy nữa
Đời con rồi cũng hết
Biết khi nào nguôi thương tiếc
Mẹ ơi!
(Mẹ ơi)
Nhà thơ Võ Văn Trực có bài thơ về “Chị” thật cảm động, bản thân tôi, Vương Trọng, có bài thơ “Chị dâu” được nhiều người nhớ, anh Phùng Hồ viết cả về chị gái và chị dâu, bài nào cũng chan chứa tình thương. Đây là hình ảnh người chị gái tuổi đã tám mươi lăm, mang tình cảm của một người mẹ:
Làm nhiều, ăn ít chị gầy
Vẫn dai sức khỏe, vẫn đầy tình thương
Mỗi lần em sắp lên đường
Quà quê chị sắm bắt mang lên tàu…
(Đời chị)
Còn người chị dâu của anh, đóng vai người chị cả trong nhà khi anh cả đi xa, chị phải lo toan bao công việc đồng áng, gia đình và chăm sóc đàn em, kể cả việc tắm táp, giặt giũ. Ngôi nhà trúng bom, tự tay chị phải làm lại tất cả từ đầu. Nay anh cả đã mất được 5 năm, chị gái anh cũng vừa mất , chỉ còn lại một mình chị dâu là chị cả, nên anh không khỏi lo lắng:
Quả đất em còn quay được mấy vòng
Quanh mặt trời ấm tình thương của chị…
Kết thúc bài thơ mừng thọ chị dâu tròn tuổi chín mươi, tác giả đúc kết lại:
Cuộc đời ta rồi có khi kết thúc
Nhưng tình thương, tình ruột thịt thì không
Chị dâu ơi, chị cả, chị Chắt Hồng
Xin chị nhận tấm lòng em yêu quý!
(Chị dâu – chị cả)
Đó là một vài ví dụ về thơ viết về người thân ở quê, còn ở Hà Nội, trước đây anh Phùng Hồ đã viết nhiều về vợ, lần này bài thơ cảm động nhất lại dành tặng cậu con trai thuở thiếu thời đã gánh chịu nhiều thiếu thốn thời bao cấp, bây giờ khá thành đạt trên con đường khoa học, đó là Giáo sư Phùng Hồ Hải, Phó Viện trưởng viện Toán. Bài thơ “Thức ăn chín” như một câu chuyện kể, có những chi tiết bi hài, đọc lên, nhớ lại một thời mà rơi nước mắt.
Anh Phùng Hồ viết nhiều thơ về đồng nghiệp, và ở lứa tuổi qua ngưỡng “cổ lai hy” đã lâu thì đầu đề Kính viếng… Vĩnh biệt… Tưởng nhớ… xuất hiện khá “trù mật” cũng là điều dễ hiểu. Nội dung chính những bài thơ này là nhắc kỷ niệm, nỗi lòng thương tiếc… còn tính hài hước, hóm hỉnh, anh dành lại để tặng bạn bè, đồng nghiệp đang còn chia sẻ vui buồn trên cõi đời này. Những bài thơ mừng thọ, anh thường chọn thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, niêm luật rất chỉn chu, lời thơ tự nhiên mà hóm hỉnh, như bài “Mừng thọ Anh Lê”, người ở đầu nguồn Ngàn Trươi, Vũ Quang:
“Viêm phổi đã toan đi gặp vợ
Nhờ trời còn được ở cùng con…”
Nhưng hóm nhất, có lẽ là bài thơ tặng người bạn đồng vần Thái Doãn Hộ:
Tao dạy cả đời, lấy phải cô
Mày vài năm bọ, vớ luôn trò
Trò mềm mủm mỉm, không lo cáu
Cô cứng quèo queo, chẳng dám ho
(Bạn đồng vần)
Chắc là bà “Phó giáo sư Tiến sĩ Khoa học ngành khí tượng”
“Canh chừng bão lụt như bà tướng
Coi sóc gió mây giống lão tiên”
(Mừng vợ lục tuần trong (Những bông hoa dại”)
Sẽ thông cảm cho tính hài hước của nhà thơ vì ông đã “tặng mình nguyên xi”:
Một đời sao tẩm gió mưa
Vẫn nguyên như thuở ngu ngơ gặp mình
Một đời trân trọng chữ tình
Không thêm không bớt tặng mình nguyên xi.
(Tặng mình nguyên xi)
Trong tập này, tính hài hước của tác giả thể hiện khá thành công ở bài thơ “Oan Thị Mầu”:
Thị Mầu lụ khụ về già
Áo nâu, gậy trúc lại ra sân chùa…
Cụ Mầu lụng thụng áo nâu
Vui nhìn cháu chắt Thị Mầu quần gin…
Và:
Cám ơn gien trội đa tình
Thị Mầu lớp lớp tái sinh Thị Mầu!
(Oan Thị Mầu)
Thị Mầu đa tình thì rõ rồi, nhưng ta chưa thấy Thị Mầu làm thơ, còn Giáo sư Phùng Hồ thì khác. Đã vào cái tuổi “cổ lai hy” về quê tắm nước sông La, cùng bến còn bao người tắm nữa, trong đó có người của phái đẹp. Chỉ thế thôi mà Giáo sư cũng cảm xúc, cũng rung động:
Da thịt cồn cào niềm tiếc nuối
Tóc mây vương vấn cõi xa xôi
Tay trần khỏa nước lao xao động
Đến tận hồn tôi lớp sóng dồi.
(Sóng lòng)
Người đa tình thường “vơ vào mình” những ánh mắt , những nụ cười… của người đẹp, nhất là khi làm thơ. Nhưng tình yêu đôi lứa chỉ là một phần nhỏ trong cái TÌNH rộng lớn mà “Sóng Lòng” của Giáo sư Phùng Hồ dào dạt.
Xin giới thiệu chùm thơ trong tập " Sóng lòng" của GS Phùng Hồ
CÂY LỘC SẮN
Lá lộc sắn làm gia vị thịt cầy
Quả chát ngọt mời bầy chim trở lại
Trồng quá khứ vào góc vườn hiện tại
Để cháu con nhỡ mãi đến mai sau.
Sớm hôm nay chí chóe tiếng chào mào
Ngỡ ngàng quá cây mùa đầu chín quả
Chi chít cành tím bầm sau kẽ lá
Tuổi thơ về theo phép lạ trên cây.
Mệt mỏi rồi trong thời cuộc đổi thay
Ngột ngạt quá tháng ngày chen chúc phố
Ta trồng cây neo vào đây nỗi nhớ
Để cháu con có chổ gội tâm hồn.
Khẽ khàng ta cắn quả sắn con con
Nghe chát ngọt
những vui buồn một thuở.
8 – 2011
BỜ LAU
Một thời cắt cỏ chăn trâu
Theo sông hút mắt bờ lau chạy dài
Bây giờ trồi trụt nhôi nhoai
Mép sông nham nhở nhớ hoài bờ lau!
Ngàn lau đuổi gió nơi đâu
Bông nào hãy vẫn trên đầu phơ phơ.
8 – 2010
LINH CẢM
Trần Phú lòng son trời đã phú.
Ngàn Sâu dòng biếc nước còn sâu.
Chí khí quật cường vang bốn bể.
Thiên nhiên hội tụ ngã ba sông.
Linh Cảm đồi cao lòng quả cảm
Sông La nước chảy hận bao la
Một thuở xương tan vùi đất đá!(*)
Trăm năm thông vẫn nát hương hoa?
8 – 2010
(*) Năm 1951 Pháp ném bom đồi Linh Cảm, rất nhiều người đã chết tại đây
THĂM LẠI CHÂU PHONG (*)
(Tặng thầy Tính)
Thầy về thăm lại Châu Phong(*)
Thăm nơi thầy đã phải lòng ngày xưa
Phải lòng nắng, phải lòng mưa
“Chết trôi” suối tóc gái chưa có chồng.
Phải lòng bến đá nước trong,
Gió Nam lụa Hạ phập phồng bưởi non,
Cổ chân nõn chuối gót son,
Quần thâm quá gối lối mòn cỏ may…
Ngọt ngào ngơ ngẩn ngất ngây,
Bên kia Thiên Nhẫn trời Tây bùi ngùi.
Những Châu những Ngọ những Mùi
Ai còn ai mất ai vui ai buồn!?
Đã rồi đông đúc cháu con,
Nhớ thời đạo mạo cụ non đa tình,
Nhớ đồng nghiệp, nhớ học sinh,
Nhớ người ta, nhớ cả mình ngày xưa.
2012
(*) Xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh
(**) Thầy Tính dạy trường cấp III Đức Thọ.
ĐƯỜNG LÀNG
Đường làng đã trải bê tông
Còn hằn những dấu chân không một đời.
Tuổi thơ giờ đã xa xôi
Vẫn đau mười ngón chân tôi tím bầm.
2012
ĐI CÂU
Một mình ngồi với cần câu
Cá không cắn
được một xâu nỗi buồn.
Câu chơi, có cá thả luôn,
Làm sao thả được nỗi buồn mắc câu.
Nỗi buồn phải của ai đâu
Tự mình thả xuống
mắc câu của mình…
2012
Quê nhà một thủa. Ảnh: Phùng Hồ