20-12-2020 - 05:33

Tập thơ “Tìm nửa của mình” của tác giả Đặng Quốc Vinh

Tác giả Đặng Quốc Vinh, sinh ngày 16/07/1962, quê Hồng Lộc, Lộc Hà, Hà Tĩnh. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh; Hội viên chuyên ngành Thơ Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tập thơ “Tìm nửa của mình” của tác giả do Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành, năm 2020 qua lời giới thiệu của TS. Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc.

Tác giả Đặng Quốc Vinh

 

Người đi tìm nửa của mình

     Tác giả lấy tên bài thơ đã găm vào trí nhớ nhiều thế hệ sinh viên làm tiêu đề cho tập đầu tay “Tìm nửa của mình”. Tôi lần đọc từng bài, điểm thời gian từ 1985 đến 2017 để cảm nhận dòng chảy tâm hồn Đặng Quốc Vinh dồn nén suốt 32 năm trong tập thơ này. Hoá ra Đặng Quốc Vinh sau khi mãn nguyện “tìm nửa của mình” trong cuộc đời dâu bể lại tiếp tục đi “tìm nửa của mình” trong thi ca. Cái nửa thi ca đó nó cứ như người tình đỏng đảnh, lúc ẩn lúc hiện, bỡn cợt trêu đùa. Khi suy tư chiêm nghiệm, khi rạo rực reo vui, khi ào ạt tuôn trào, khi âm thầm lẩn trốn.
     Tôi chợt nhớ có lần Trần Đăng Khoa chọc đùa anh Phùng Ngọc Hùng: “Ông Phùng Ngọc Hùng giống như một cái võng, một đầu móc vào bờ tường quan chức, một đầu móc vào thơ ca. Bên thơ ca thì bảo ông ấy là quan chức, bên quan chức thì bảo ông ấy là thơ ca. Còn ông thì cứ nằm giữa đu đưa với cả hai nửa nhà thơ và quan chức”. Đặng Quốc Vinh thì kín kẽ. Đầu quan chức móc rất chặt, còn đầu thơ ca giấu rất êm, đến khi tóc ngả màu sương mới đóng cái đinh vào bờ tường thơ ca để móc nửa kia của mình lên, trình làng nàng thơ đầy duyên nợ đã lặng lẽ vụng tình suốt mấy chục năm qua.
     Một trong những mạch cảm hứng thi ca ở Đặng Quốc Vinh là dòng chảy tự sự và những chiêm nghiệm, trăn trở khi viết về quê hương, nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn anh từ ngày thơ bé. Đó là quê hương của vua Mai Hắc Đế, của những huyền thoại về Chân Tiên, Kim Dung, ông Đùng. Ở đó “có con cò trắng đậu vào câu ca”, Nơi “mãi là hồn thiêng”, để cho anh ao ước: “Mai rồi hết cuộc ruổi rong/Cho tôi xin được về trong đất làng” (Đất làng, Quê tôi). Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết của làng quê về Đảo sc, Hồng Lĩnh thấm vào trang thơ như hơi thở. Và cả những đổi thay của quê hương cũng khơi dậy biết bao tâm sự. Ngày trước cả làng cát luôn nơm nớp “trong buồn lo giáp hạt”, “giờ cát chẳng còn là cát nữa”, thay vào đó là “nhà cao ngõ rộng”. Những đổi thay khiến tác giả không khỏi ray rứt khi quay về tuổi thơ, để càng thấy mẹ “mãi lung linh”, để “thương mẹ một đời khát bỏng” và thương cả “bao nhiêu đời rát bỏng bàn chân” (Cát trắng). Anh dành những vần thơ tràn ngập tình yêu thương khi viết về mẹ, người đã “mấy chục năm chiến tranh đi qua/hết tiễn chồng rồi tiễn con ra trận” (Xin mẹ yên lòng). Anh “nguyện cầu cho bình yên/để dài thêm năm tháng” luôn có mẹ bên mình: “Con nhìn vào mắt Mẹ/ Thấy cả trời yêu thương/ Bao nhiêu điều hơn thiệt/ Bỗng nhỏ bé vô cùng” (Nguyện cầu).
     Trong dòng chảy tự sự đó, thơ Đặng Quốc Vinh nhiều khi lắng lại với những suy ngẫm, chiêm nghiệm. Thảng thốt trước quy luật nghiệt ngã của thời gian: “Giật mình, Đông xế, Xuân sang/ Bời bời công việc, thời gian chớp vèo!” (Thời gian); “ Mai rồi như chiếc lá bay/ Tìm nhau chỉ thấy đất dày, trời cao” (Đường đời). Bàng hoàng khi tai nạn cướp mất đi sinh mạng một cuộc đời: “Mỗi lần nghe tin tai nạn/ Tóc xanh chuyển bạc trên đầu” (Hoa trắng). Cảm thương những thân phận : “Giữa trưa nắng rát thân gầy/ Người đi che nắng biết ngày nào râm” (Người đi bán lá đùng đình).
     Mạch trữ tình vẫn là dòng cảm xúc chủ đạo của thơ Đặng Quốc Vinh. Chất trữ tình xuyên suốt trong dòng chảy tự sự, vỡ òa trong tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người và những vùng đất đi qua. Bài thơ “Tìm nửa của mình” có tứ độc đáo, câu chữ dung dị, chân thật, “bóc mẽ” gan ruột tuổi hoa niên đang đi tìm nửa của mình, “nhưng tìm mãi đến bây giờ chưa thấy”. Đến khi từng trải, đã có “nửa của mình”, Đặng Quốc Vinh mới thấy cái nửa tìm được nó vô giá thế nào. Vợ mới vắng nhà vài tháng mà “Tất cả đều đảo lộn/Ăn, ngủ cứ thất thường/ Cửa nhà luôn bề bộn/ Nụ cười như chạy trốn/ Nhung nhớ cứ dài thêm” (Em xa). Chả trách cái ngày còn mộng mơ thèm khát “tình yêu đích thực”, anh đã thề thốt “Nếu chẳng còn em, tôi đành sống vậy/ Không nhặt nửa của ai làm nửa của mình”. Yêu vợ đến thế, bản lĩnh đàn ông đến thế, nên cái đầu võng quan chức mới dính chặt được với sự nghiệp của Đặng Quốc Vinh, o bế cả nàng thơ đỏng đảnh chỉ chực muốn phá tan lồng ngực mà đu đưa với thi ca để “mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây” như Xuân Diệu. Dù rằng anh cũng lắm khi lãng đãng vu vơ với những bóng hồng: “Nhìn mái tóc ai buông dài bên suối/ Lại nhớ em tím cả trời chiều” (Với Hương Khê); “Đêm lạnh lắm, sấu ơi đừng rơi nữa/ Để nỗi buồn xa vắng cứ dài thêm” (Thu Hà Nội). Chỉ một chút thôi, rồi chàng trai cá gỗ lại tỉnh bơ mãn nguyện: “Trai xứ Nghệ hiền lành như rứa/ Mà làm say nghiêng ngả gái Kinh Thành” (Trai xứ Nghệ).

Tập thơ Tìm nửa của mình của tác giả Đặng Quốc Vinh


     Đặng Quốc Vinh lãng mạn và phóng khoáng khi viết về những vùng đất a đã đặt chân tới. Những Lũng Cú, Mèo Vạc, rồi Hàng Châu, Mat – xcơva, Béc-lin, Thành Viên… như những cánh cửa mở bung hồn thơ. Những khoảng trời mới lạ cho anh những câu thơ đẹp: “Lên đây gần với trời mây/ Đường như chỉ rối bủa vây núi đồi” (Lên Lũng Cú); “Gửi vào đá xám, trời xanh/ Tình yêu nguyên thủy đinh ninh lời thề” (Chuyện tình Mèo Vạc); “Đêm buông xuống Hàng Châu huyền ảo lắm/ Tháp Lôi Phong vót nhọn một góc trời/ Chùa Linh Đàm ngàn năm trầm mặc/ Tống Thành viên tiếng nhạc chơi vơi” (Viết ở Hàng Châu); “Đêm trắng bây giờ như thể trắng hơn/ Quảng trường Đỏ bao năm rồi vẫn đỏ/ Sông Von-ga giấu bao điều trong đó/ Những biến cố thăng trầm lịch sử mãi còn in” (Mát-xcơ-va); “Viên-thành phố của lâu đài, cung điện/ Của thi ca nhạc họa muôn đời/ Đâu cũng gặp những ánh nhìn thánh thiện/ Trong êm đềm tiếng nhạc, em ơi! (Thành Viên)
     Tác giả “Tìm nửa của mình” trầm tĩnh khi khắc hoạ những chân dung văn hoá, vinh danh những con người. Đó là Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng: “Người đi khắp bốn phương trời/ Nay về Tùng Ảnh trong lời mẹ ru” (Ơn Người vì dân); Là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “tinh hoa của dân tộc anh hùng” (Trở về nơi huyền thoại); Là người nhạc sĩ “Yêu Hà Tĩnh hết mình/ Thấm sâu từng câu hát” (Nhớ nhạc sĩ An Thuyên); Là Bộ trưởng Trần Hoàn :” Cả huyện chìm trong lũ/ Nhưng bài hát không chìm/ Bác khóc, thương dân đói/ Lay động ngàn con tim” (Một tấm lòng); Nhà thơ Minh Huệ : “Suy đến cùng tinh hoa để lại/ Là thước đo của một con Người” (Còn mãi với thời gian); Nhà thơ Xuân Hoài “Cột mình vào văn chương/ Chấp nhận đời nghiệt ngã” (Bên anh)...
     Cảm xúc tự hào cũng là nguồn thi hứng trong “Tìm nửa của mình”. Đặt chân đến Trường Sa, Đặng Quốc Vinh không nén nổi xúc động: “Giang sơn ta gắn liền biển cả/ Đảo là phần Tổ quốc thân yêu; Một dân tộc chưa bao giờ khuất phục/ Biển đảo này từng thấm máu cha ông (Giữa biển xanh rực màu cờ đỏ). Sải bước trên đường phố Hà Tĩnh, chạnh lòng hồi tưởng “Phố trầm tư thưa vắng những bóng người/ Một Thị xã gồng mình cho kháng chiến” để rồi bật reo lên niềm vui sướng, tự hào về thành phố hôm nay: “Và phơi phới những tà áo trắng/ Những dòng xe đi giữa đường hoa/ Thành phố mới đang bừng lên sức trẻ/ Ôi tự hào thành phố quê ta” (Thành phố trẻ).Thị xã Hồng Lĩnh, nơi anh đã nhiều năm gắn bó với cương vị Bí thư Thị uỷ, cũng chính là nơi “Voi trời, chim phượng và tiên nữ/ Đã xuống đây rồi ngẩn ngơ say”. Trước một “Thị xã từng ngày sáng bừng lên”, thơ Đặng Quốc Vinh vút lên hào sảng :” Khí thiêng sông núi từ muôn thuở/ Cho ta Hồng Lĩnh của bây giờ” (Hồng Lĩnh vào xuân).
     Tôi vốn là người dễ say cái đẹp. Nhiều khi người con gái chỉ đẹp mỗi cái nụ cười duyên : Say ! Cả khuôn hình bình thường nhưng giọng nói tao nhã, ngọt ngào : Say! Tôi thích tìm cái đẹp để say. Khám phá những cái hay để nhớ. Gạt tất cả những cái bình thường khác để nhớ, để say, để thăng hoa cùng ánh lân tinh hiếm hoi trên bờ cát...Đó chính là tâm cảm của tôi khi đến với tập thơ “Tìm nửa của mình”.


Hà Nội, ngày 25/6/2020
 TS. Nhà thơ LÊ CẢNH NHẠC

. . . . .
Loading the player...