13-07-2012 - 13:40

Tập thơ " Tìm sợi rơm vàng" của Nguyễn Văn Thanh

Có muôn ngàn con đường đến với thơ. Nguyễn Văn Thanh lựa chọn con đường sống với quê hương sâu sắc, tình nghĩa, vun vén chăm lo nuôi nấng và gìn giữ những kỷ niệm, những ký ức của riêng mình rồi thả hồn cho những câu thơ bình dị. Tôi đọc tập thơ trong nỗi nhớ da diết của một người luống tuổi, mang ký ức sâu nặng về quê hương và vì thế thấy lan tỏa trong trái tim những đồng cảm chân thành.

Tập thơ " Tìm sợi rơm vàng" của Nguyễn Văn Thanh

MỘT MIỀN QUÊ, NHỮNG KÝ ỨC VÀ THƠ
        
          Bình Lộc thuộc huyện Can Lộc (nay là Lộc Hà) tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của Nguyễn Văn Thanh, tác giả tập thơ mà bạn đang cầm trên tay, là một vùng quê nghèo, gió Lào cát trắng, nhưng với tôi là vùng đất mang nhiều kỷ niệm. Đó là nơi cha tôi, một ông giáo nghèo dám bám trụ trên mười năm nghề giáo học. Học sinh của cha tôi hầu hết trưởng thành. Ngày cha tôi dạy học ở Bình Lộc, mỗi lần xuống thăm cha, gặp ngày phiên chợ Huyện, cha tôi lại dẫn ra chợ mua cho rất nhiều kẹo. Có hai ấn tượng ngày thơ dại cứ theo tôi đến tận bây giờ, một là Bình Lộc thật đông người (tôi không biết vì đó là phiên chợ, người tứ xứ đổ về như hội), và hai là Bình Lộc gắn liền với vị thơm ngọt của kẹo: kẹo lạc, kẹo dồi, kẹo bột... thường ngày bán ê hề trên các sạp hàng. Quê tôi ở làng Kim Chùy, gần chân núi Hồng Lĩnh, nơi những người dân Bình Lộc vẫn ngày ngày đi đốt than ngang qua, từ lúc gà chưa gáy sáng đến tận mịt tối mới về. Bất kể sáng sớm hay tối muộn, những người đốt than Bình Lộc đi ngang qua làng Kim Chùy, bao giờ cũng cất lên những câu hò thật dài, thật tình tứ, cứ như muốn kéo tất cả những cô gái đẹp của làng tôi đi theo họ. Những cô gái quê tôi nghe tiếng hò ấy thì không thể ngủ được, đành bật dậy đối đáp. Không ngờ, cho đến tận bây giờ những câu hò ấy cứ theo tôi đi khắp mọi miền đất nước, thường vang lên trong thẳm sâu ký ức những đêm khó ngủ cái tình tứ lứa đôi rất mộc mạc nhưng cũng rất trữ tình kia...
Cầm tập thơ Tìm sợi rơm vàng của Nguyễn Văn Thanh trên tay, tôi nhớ lại những ký ức năm nào. Thì ra những gì cay đắng, ngọt bùi, những mùi vị, sắc màu quê hương, mẹ cha ta, anh chị em ta, cả những cụm hoa nghèo, phiên chợ và những ngày giông bão, những cây đa bóng mát và mái chùa cong của quê hương đều có chỗ trú ngụ vững bền trong mỗi trái tim, không một ai quên cho dù đi đến đâu, cho dù không còn trẻ nữa, cho dù phải nếm trải không ít những buồn đau trong suốt mỗi cuộc đời.
Đây là tiếng chim tu hú tháng ba, gọi mùa hoa gạo, gọi người trồng đỗ. Với Nguyễn Văn Thanh, tiếng chim ấy gợi niềm xót xa người mẹ già quá cố mà anh rất thương cảm: Tháng ba tu hú lại kêu/ Con tìm đâu ra bóng mẹ. Tác giả về thăm mẹ khi mẹ đã thành người thiên cổ:Con thắp nén hương cầu xin mẹ nhận/ Cho lòng con vơi bớt nhớ thương... Con muốn làm hoa nở quanh năm/ Hương thơm ngát tỏa đầy trên mộ mẹ. Những ai đã từng chịu mất mát như Nguyễn Văn Thanh hẳn sẽ đồng cảm với anh về tình thương yêu mẹ. Trong tập thơ này Nguyễn Văn Thanh dành nhiều bài viết về mẹ khá xúc động và bao giờ nhớ mẹ tác giả cũng nhớ tới những kỷ niệm gắn liền với cuộc đời của mẹ. Khi nhìn cây mít mẹ trồng, chiếc áo mưa mẹ vẫn thường mặc, nồi cơm gạo nếp mẹ thường đun mỗi sớm, ngón chân mẹ lấm bùn ngày mùa, câu ca mẹ hát ru thuở thơ dại, ngày áp tết vắng vẻ không còn bóng mẹ sau mái bếp khói đang lên. Những ký ức, những kỷ niệm không phai đó là viên gạch đầu tiên của những rung ngân thơ, để câu thơ ra đời và đến lượt chúng làm lan tỏa trong mỗi trái tim những cảm nhận đồng điệu. Thơ là tiếng hát gọi những tâm hồn đồng điệu là như vậy.
Trong thơ Nguyễn Văn Thanh còn hiện diện những người thân yêu khác. Người cha  như ông bụt dịu hiền/ Tay vuốt ve chòm vạn tuế/ Thức chờ quỳnh nở ngoài hiên. Người chị: Chiến tranh đi qua đời chị/ Khăn tang trắng cả cuộc đời. Rồi một lần thăm chị: Em sắp mất chị rồi/ Lòng em tan nát cả. Người bạn:Đến thăm bạn, bạn vắng nhà/ Gặp mỗi bờ tre rắc vàng mái cọ/ Chiếc xe cũ lặng bên bờ cỏ/ Biết bạn mình còn được như xưa. Người con gái chợ Cồ: Tôi ngồi bên nhặt lá trao em/ Lợp thời gian lên từng ngấn áo/ Em gói cơn mưa ngày giông bão/ Vào từng nếp gấp đường kim. Trong thơ Nguyễn Văn Thanh cũng không thiếu vắng phiên chợ quê, chợ Huyện mà trên kia tôi vừa nhắc: Vườn gửi sắc xanh đầy gánh mẹ/ Đồng thơm hương gạo mới vô mùa/ Biển nghiêng tôm cá theo về chợ/ Cho rộn tiếng chào khách bán, mua. Nguyễn Văn Thanh cũng là người làm thơ yêu hoa. Nhưng hoa trong thơ anh là hoa bình dị của hương đồng gió nội. Hoa lạc, hoa khoai lang, hoa ngô, hoa lúa, những loài hoa gắn bó với nhà nông, với ruộng vườn, làm nên cớm áo của dân quê. Phải là người gắn bó với ruộng đồng sâu sắc mới có những quan sát tinh tế, những tình cảm thân mật, gần gũi, bình dị như vậy:
Lâu rồi không thấy hoa khoai lang
Tím cả đồng quê tím thủy chung
Nạn đói lùi xa ngày giáp hạt
Hoa về đâu nỡ để đồng không
Trước kia, những ai đã ở quê hương miền Trung ngày giáp hạt hẳn không bao giờ quên ngọn khoai lang an lành và thân thiết với mọi mái nhà như vậy. Riêng tôi, có thể xem đó là vị cứu tinh của quê hương những ngày đói kém. Mặc cho những ai vẫn thường quen với những cao lương mỹ vị, còn chúng tôi không bao giờ có thể quên tháng ba, khi làng xóm xanh xao nắng, thóc gạo trong bồ đã cạn, những vồng khoai lang đang lá ngọn xanh mượt như tiếp sức cho người quê chúng tôi, bắc một chiếc cầu ân nghĩa từ đói kém xanh xao tháng ba đến tháng năm mùa màng hồng hào sắc lúa chín. Có thể nói không ngoa chúng tôi được cứu sống nhờ những vồng khoai thân mật ấy. Thơ là gì, có phải đôi khi là hành vi trả ơn những gì đã cưu mang mình!?
Có muôn ngàn con đường đến với thơ. Nguyễn Văn Thanh lựa chọn con đường sống với quê hương sâu sắc, tình nghĩa, vun vén chăm lo nuôi nấng và gìn giữ những kỷ niệm, những ký ức của riêng mình rồi thả hồn cho những câu thơ bình dị. Cũng chắng phải để lập ngôn, khắc bia, tạc đá to tát gì, anh chỉ muốn bày tỏ tình cảm chân thành của mình với những gì anh nhớ, anh mang ơn. Từ góc độ ấy, thêm trân trọng những gì anh đã viết và chắc chắn anh sẽ còn viết. Tôi đọc tập thơ trong nỗi nhớ da diết của một người luống tuổi, mang ký ức sâu nặng về quê hương và vì thế thấy lan tỏa trong trái tim những đồng cảm chân thành.

 

LÊ THÀNH NGHỊ
( Đại tá, nhà thơ, nhà LLPB)

 

. . . . .
Loading the player...