Nhân dịp Kỷ niệm 62 năm Phát Thanh (7/9/1956 - 7/9/2018), 27 năm Truyền Hình Hà Tĩnh (1/9/1991 - 1/9/2018), xin trân trọng giới thiệu tập thơ mới" Tình đời" của nhà báo Từ Công Hải, hiện là Giám đốc Đài truyền thanh, truyền hình thành phố Hà Tĩnh.
ĐẾN VỚI THƠ TỪ CÔNG HẢI
Đối với Từ Công Hải, chỉ mới đây, sau tập thơ Nụ hôn đầu (6/2017) và lần này là Tình đời ra mắt với bạn đọc, tổng cộng cũng hơn 200 bài thơ trong vòng mới hơn một năm. Sức sáng tạo, quá trình lao động nghệ thuật của anh thực sự đã làm chúng ta nể phục. Không có niềm say đắm văn chương đến tận cùng khó có thể theo đuổi một tình yêu với thơ ca như thế. Dĩ nhiên, trong nghệ thuật số lượng không làm nên giá trị của sản phẩm. Nhưng, chỉ muốn nói một điều, đối với Từ Công Hải, thơ ca không vì thế mà dễ dãi, vội vàng, qua loa cho xong. Trước văn chương, chữ nghĩa đối với anh, cần thiết là một sự nghiêm túc, nghiêm cẩn. Anh luôn mong muốn mang đến cho bạn đọc những sản phẩm không chênh lệch, đồng đều với chất lượng tốt nhất có thể.
Thơ là nhịp cầu giúp con người bước qua cuộc đời thực, bước qua số phận nghiệt ngã và bước vào thế giới bên trong của tâm hồn, tưởng như quen mà lại rất lạ với trái tim mình. Nhờ đó khám phá ra thế giới chung quanh và khám phá ra tình yêu, theo cái nghĩa rộng nhất có thể có. Sự khám phá kỳ lạ ấy góp phần làm thăng hoa thêm cho tâm hồn của nhà thơ, của chủ thể sáng tạo. Rõ ràng, thơ ca đối với Từ Công Hải là một cuộc tìm kiếm, mãi hoài tìm kiếm không ngừng nghỉ. Đề tài tập trung trong Nụ hôn đầu là tình yêu đôi lứa, mối tình đầu thơ mộng, là tình nghĩa vợ chồng qua bao bến bờ gian nan, những xúc cảm nồng nàn vừa cay đắng vừa hạnh phúc trộn lẫn nhiều cung bậc. Đến Tình đời, nhà thơ đẩy góc nhìn của mình đi xa hơn, phá vỡ biên độ trước đây, mở rộng không gian thơ hơn.
Đến cái tuổi đã đi qua cuộc đời với những tuế toái, những trải nghiệm đắng cay chua xót, những phản trắc, giả trá của con người, đôi khi lại là bạn bè, những người quen:
Ta đi giữa dòng đời sấp ngửa
Bên lở bên bồi hai phía như nhau
Cuộc sống giữa cái thiện cái ác, giữa cái xấu cái tốt, giữa chước quỷ mưu ma và sự tử tế, tình nghĩa là “hai phía như nhau”. Anh từng “sống với với những người lật lọng”, từng “thất vọng với bạn thân”, từng “sống giữa sài lang” từng bị “lối tắt chen ngang”, từng… Nhưng không sao cả, không vì “cặp phạm trù “thật - giả” ấy mà nhà thơ sinh ra yếu thế. Trái lại bằng một tâm thế và trái tim chân thực của thi sĩ, anh đã bình tĩnh vượt qua, tĩnh tại giữa mọi trần ai dâu bể cuộc đời:
… Dù ai đó có nhìn ta mai mỉa
Phía trước cuộc đời đâu biết ai hơn
Sống thanh cao trong những mất còn
Đời thanh bạch vàng son không luyến tiếc.
(Ngẫm đời)
Chính lòng nhân ái, tình nghĩa yêu thương con người, lòng bao dung tha thứ ấy đã giúp anh viết bài thơ Ngắm mưa có một tứ thơ đẹp, đầy xúc động. Bài thơ viết thay cho một người bạn vừa chia tay vợ, dù “thay lời muốn nói” nhưng cũng phần nào biểu hiện tâm tư tình cảm với một góc nhìn của người trong cuộc. Thơ ca nói cho cùng, nói gì thì nói vẫn phản ánh nỗi lòng của người viết:
Ngoài trời mưa, trong lòng anh nức nở
Con thơ buồn nhớ mẹ cứ đòi ôm
Em bỏ theo người nhà vắng vẻ sớm hôm
Sao em nỡ bỏ con mà đi được
(Ngắm mưa)
Nhà thơ đã dành tình cảm sâu nặng cho bạn bè thân thiết. Anh viết Bạn tôi- một đời nắng gió- một bài thơ dài, Gặp bạn, Cảm ơn bạn và em, Bạn tôi, Hào quang, Thư đồng đội… Đó là những bài thơ viết cho đồng đội từ thời chiến tranh, bạn bè từ thời thơ ấu, bạn tâm giao cùng cơ quan… đã cùng anh chia sẻ những đoạn đời đau thương vất vả để vượt qua những khó khăn trắc trở.
Cảm ơn đời mỗi sáng mai thức dậy
Được thấy nụ cười tràn ngập yêu thương
Lòng nhẹ nhõm quên hết những vấn vương
Thật hạnh phúc trên quãng đường còn lại
Hai câu thơ đầu của khổ thơ trên lấy từ ý thơ Kahlil Gibran (Wake at dawn with winged heart and give thanks for another day of loving) trong mối đồng cảm, tình yêu thương với cuộc đời. Từ Công Hải, bao giờ cũng thế, những vấp ngã của đời đôi khi làm anh đau đớn, chán chường và thất vọng. Vấp ngã nhưng bản thân vẫn cố gắng vươn lên, và đứng dậy chỉ bằng trái tim yêu thương nồng cháy.
Tác giả Từ Công Hải và bạn bè, đồng nghiệp
Anh tỏ niềm thương tiếc với cô Phạm Thị Oanh, chị Đậu Thị Huyển Trâm..., những người chưa hề quen biết nhưng với nỗi niềm trắc ẩn thương tâm đã làm cho lòng thi sĩ chao đảo tâm tư thương xót:
… Nén nỗi đau từng hơi thở mỗi đêm
Mừng thời khắc con trở mình trong dạ
Trách số phận, trách ông trời nghiệt ngã
Sao chẳng thương người mẹ trẻ kiên cường
(Tiễn biệt một nhân cách - Đậu Thị Huyển Trâm)
Nhìn lại lịch sử thơ ca của nhân loại, mọi thứ, mọi đề tài, nội dung liên quan đến con người, trước đây người đã nói hết rồi. Vì thơ ca cũng như văn học đều tập trung phản ánh vào chuyện của con người. Điều còn lại để làm khác đi, mới đi trong quá trình tìm lại cái đẹp trong văn chương trên cơ bản những đề tài quen thuộc mà hầu như ai cũng phải bước qua chính là cách thể hiện, nhìn ngắm, nghệ thuật ngôn ngữ, sử dụng hình ảnh… Viết về quê hương, trong thơ Từ Công Hải cũng là “đụn rơm thơm, gốc đa, giếng nước, triền đê mục đồng”, là “Nghe câu ví dặm êm đềm quê anh”, “áo tơ xao xác một thời”… mà sao ta vẫn thấy một Thạch hạ, một Thạch Bàn, Hà Tĩnh hiện lên như một nỗi niềm xa ngái xôn xao một nỗi nhớ, niềm thương, anh viết những câu rất Hà Tĩnh sâu lắng, đậm đà kỷ niệm:
… Em bảo chờ anh răng em nỏ nói
Để bây giờ neo nỗi nhớ cho nhau
… Nhớ áo tơi xao xác một thời
…. Câu giặm chiều nay, nghe sao xao xuyến
…. Thương dáng mẹ lưng còng bên hiên đợi
Vời vợi chờ ta, năm tháng mỏi mòn
…. Nhớ dáng ai nghiêng nón đợi ta về
Nhiều lắm những câu thơ như thế mà ta nhặt được trong thơ anh khi viết về Thạch Hà - Hà Tĩnh. Những câu thơ không mới nhưng đủ làm mềm lòng những người xa quê, đủ làm khắc khoải cả hồn người lữ thứ. Tôi thích nhất là câu thơ này:
Khói bếp nhà ai như sương sớm
Gánh nước trăng theo đến tận nhà
Hình ảnh khói bếp - khói lam chiều và sương sớm - bình minh nơi làng quê, sự so sánh trong đối lập về thời gian đủ vẽ nên một không gian mơ hồ sương khói thật bình yên. Cái hình ảnh của ánh trăng sóng sánh trong thùng nước quang gánh về nhà của mấy cô thôn nữ thì phải nói lãng mạn, nên thơ. Thơ vẫn là gợi chứ không cần tả, ý tại ngôn ngoại, ý ở ngoài lời. Viết thế, cho ta biết rằng bên cái giếng làng những đêm trăng biết bao mối tình say đắm chưa dám ngỏ lời để đến khi xa rồi mới thấy hoài nhớ, khắc khoải một vầng trăng.
Tình đời của Từ Công Hải được thể hiện qua nhiều góc cạnh, nhiều cung bậc tình cảm khác nhau làm cho ta không khỏi bùi ngùi dâng trào cảm xúc khi đọc thơ anh.
Hồ Sĩ Bình
(Nhà xuất bản Hội Nhà văn)