16-12-2020 - 08:09

Tập truyện ký ĐỐI MẶT SÓI TRẮNG của tác giả Phan Thế Cải

Tác giả Phan Thế Cải- Hội viên Chuyên ngành thơ của Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh lại là tác giả vinh dự đạt giải cao nhất (giải A) tại Cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” toàn quốc giai đoạn 2017- 2020. Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của Nhà thơ Lê Quang Trang (Nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam) viết về cuốn sách Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh

 

                                               

 LỜI GIỚI THIỆU

Tôi quen Phan Thế Cải có dễ cũng đã hơn ba mươi năm. Cũng là thời gian anh em tình nghĩa và chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống và công việc, nhất là sự nghiệp cầm bút. Ngày ấy Cải mới tốt nghiệp lớp báo chí của Trường Tuyên huấn, (nay là Học viện Báo chí- Tuyên truyền) về công tác tại báo Nghệ Tĩnh được vài năm, nhưng đã được xem là một cây viết có triển vọng, vì từng có một số tác phẩm báo chí, nhất là phóng sự, bút ký chất lượng tốt, gây tiếng vang trong dư luận, với các nội dung đề cập và vấn đề đặt ra sát với cuộc sống sôi động, bức xúc đang đòi hỏi cần giải quyết. Khi ấy, tôi đang công tác ở báo Nhân Dân cuối tuần, một số lần vào Nghệ Tĩnh công tác, được Tổng biên tập cử anh đi “hướng đạo”, vì anh là người địa phương, thông thuộc địa bàn, có thể hỗ trợ về nghề nghiệp. Và như vậy chúng tôi có nhiều chuyến rong ruổi cùng nhau trở lại những cung đường gian khổ thời chống Mỹ, từ Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Linh Cảm, lên đến biên giới Việt - Lào, gặp gỡ những điển hình anh dũng một thời, lại cùng nhau tới những địa bàn, những nơi khó khăn của tỉnh, thâm nhập cơ sở và tìm hiểu vấn đề, cả cái hay lẫn cái dở, để viết bài. Từ những chuyến đi như thế, tôi nhận thấy ở anh có nhiều nét quý của người làm báo hiện đại: xông xáo, nhanh nhạy, sức nhớ tốt, không ngại khó ngại khổ, sáng tạo trong phát hiện và quyết liệt đi đến tận cùng của vấn đề.

Nhưng ở Phan Thế Cải không chỉ có năng lực làm báo, mà tôi còn nhận ra ở anh còn niềm đam mê sáng tác văn chương nữa. Từng là học sinh giỏi văn thời phổ thông, lại thêm vốn sống thực tiễn của một thời tham gia quân đội, làm báo, báo chí văn chương là hai lĩnh vực gần gũi, có sự bổ sung cho nhau. Hơn nữa, trong lịch sử văn chương báo chí, từng có không ít cây bút gánh cả hai vai, đều xuất sắc. Tôi biết anh từng cho xuất bản một số tác phẩm, cả văn xuôi và thơ, như Vùng đất chảo lửa, túi mưa ( Nhà xuất bản Thanh niên-  bút ký, 1994), Hươu sao mất ngôi hoàng đế ( Nhà xuất bản Lao động - phóng sự, 1997), Mắt suối ( Nhà xuất bản Thanh niên -thơ, 1998)  Huyền thoại sau mưa ( Nhà xuất bản Lao động - bút ký, 2002) Trời xanh trong gió sớm ( Nhà xuất bản Văn học - bút ký, 2008)  Đại bàng xanh tung cánh ( Nhà xuất bản công an – Truyện ký  2016), trong đó có những cuốn được bạn đọc yêu thích, dư luận quan tâm.

Tác phẩm mới nhất của anh vừa hoàn thành là truyện ký  Đối mặt sói trắng về đề tài chống ma túy trên địa bàn của tỉnh nhà. Là nhà báo từng nhiều năm theo dõi và tích lũy vốn sống về lĩnh vực này, lại có sở trường về phóng sự điều tra, nên nội dung được đề cập trong tác phẩm thật đa dạng, phong phú. Nhiều tình tiết, chi tiết được sưu tầm, tập hợp, chắt lọc kỹ, gợi mở cho ta rất nhiều bất ngờ, hấp dẫn. Coi ma túy là “sói trắng” để khái quát tính chất nguy hiểm của kẻ thù này, với tất cả sự độc ác, tàn nhẫn của nó, là một sáng tạo. Quả thật, đây là một mặt trận rất đặc biệt, rất nguy hại vì đó là cánh cửa dẫn dụ không biết bao nhiêu thanh thiếu niên ở Việt Nam và trên thế giới sa vào con đường lầm lỗi, tự hủy diệt cả về thân thể, tâm hồn, nhân cách. Cái chết trắng của ma túy có thể làm hại không biết bao nhiêu con người, bao nhiêu gia đình, phố phường, ngõ xóm, làng quê, và cả quốc gia. Buôn bán, vận chuyển, tàng trữ loại hàng này cũng là hoạt động đặc biệt nguy hiểm, bất chấp tất cả vì lợi nhuận. Các mưu kế gian ngoan, mánh khóe tinh vi, hành động liều lĩnh nhất được đưa ra thực hiện. Địa bàn hoạt động của chúng lại là nhưng nơi khó khăn, hiểm trở, biến hóa khôn lường, cho nên đánh dẹp chúng là điều không dễ. Nhà nước ta đã có nhiều hình phạt nghiêm khắc, nhiều chính sách quyết liệt, giao cho nhiều lực lượng tinh nhuệ bằng mọi cách để ngăn chặn, xóa bỏ, tiêu diệt kẻ thù, từ kẻ chủ mưu đến đối tượng ngây thơ bị dụ dỗ sa vào cạm bẫy. Mặc dù vậy, không ít kẻ vẫn cố tình nhắm mắt đưa chân làm liều dù biết rằng trước mặt là ngõ cụt, và tương lai là cái chết được báo trước.

Hơn nữa, qua tác phẩm ta cũng thấy, trên tinh thần nhân văn cao cả, việc tiêu diệt đối tượng, bắt họ phải chết, chưa phải là mục tiêu và phương thức tốt nhất. Cách thức hay nhất là cảm hóa họ, đưa họ trở con đường lương thiện, với phẩm chất là con người thật sự. Qua truyện ký Đối mặt sói trắng, tác giả giúp chúng ta biết những mánh khóe hết sức tinh vi, qủy quyệt, già giơ của những “sói trắng” trong các tình huống và ngõ ngách của trận chiến này. Nhưng về một phương diện khác, tác giả cũng cho chúng ta hiểu sâu hơn về những quyết sách khôn ngoan, những chuẩn bị công phu, tinh thần dũng cảm, hợp đồng tác chiến ăn ý để làm nên những chiến công xuất sắc của những chiến sĩ biên phòng ở một địa bàn hẻo lánh. Đó là sự kết hợp của trí thông minh, lòng dũng cảm, cùng tính nhân văn cao cả, hội tụ tiêu biểu ở người chỉ huy đơn vị là Võ Trọng Hải. Đấy là một con người giản dị, thông minh, dũng cảm, giàu lòng nhân ái, nhưng kiên trì, kiên quyết trong công việc cũng như trong các ứng xử cuộc đời. Chính những đức tính tốt đẹp ấy, không chỉ là cơ sở cho những trận đánh án thắng lợi ở nội biên cũng như ngoại biên, mà còn là sức sống lâu bền của tình thương yêu được lưu giữ trong lòng dân cả hai dân tộc Việt – Lào  về hình ảnh cao đẹp, nghĩa tình của người chiến sĩ biên phòng trong việc xua tan.

Chúc mừng thành công mới của nhà văn Phan Thế Cải qua tác phẩm này cũng là lời chúc thành công đối với lực lượng trên mặt trận phòng chống ma túy, một mặt trận âm thầm nhưng vô cùng khốc liệt, chống lại kẻ thù tinh quái và tàn bạo, để gìn giữ hạnh phúc cho mỗi con người, mỗi gia đình và tạo sự bình yên của cuộc sống. Hy vọng rằng tác phẩm Đối mặt sói trắng sẽ là cuốn sách sẽ được bạn đọc đón nhận và đồng cảm với những giá trị nhân văn và tinh thần dũng cảm của người trên mặt trận đầy cam go và quyết liệt này.

                                                Lê Quang Trang

                                             ( Nhà thơ, nhà phê bình

                                            Nguyên Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.

                                             Chủ tịch Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh)

 

 

 

 

 

 

. . . . .
Loading the player...