Tác giả Tâm An (tên thật Nguyễn Ngọc Anh), quê Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Xin trân trọng giới thiệu tập truyện ngắn Chửa hoang của tác giả do NXB Văn học phát hành, năm 2020 qua lời giới thiệu của nhà văn Đỗ Bích Thúy.
TÂM AN VÀ NHỮNG BẤT AN
Tôi lần lượt đọc từng truyện ngắn một trong tập 15 truyện của Tâm An. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là một chi tiết thú vị, tác giả có tên là Tâm An, nhưng hầu như tất cả truyện ngắn trong tập này của anh đều đề cập tới những bất an trong đời sống xã hội.
Chọn lựa một góc nhìn, một hướng khai thác, một cách đề cập và giải quyết các vấn đề như thế nào là quyền và cũng là sở trường của mỗi tác giả. Nhưng chọn hướng đi thẳng vào những bất an của đời sống chưa bao giờ là điều dễ dàng. Vì thế, tôi cho rằng lựa chọn này của Tâm An là một sự can đảm.
Tôi chưa từng gặp cũng chưa nghe nói về tác giả, thế nên tôi đọc toàn bộ bản thảo ở tư cách của một bạn đọc.
Một vài truyện ngắn còn hơi sơ sài, và kết thúc vội vã khiến cho người đọc cảm thấy hẫng hụt. Kiểu như chờ mong một câu chuyện kín kẽ và đầy đặn hơn. Nhưng tác giả lại kết thúc bụp một cái.
Tôi đồ rằng đấy là một sự cố ý. Câu chuyện của tôi có thế thôi, phần sau đề nghị độc giả cùng tư duy. Độc giả có thể mang đến cho nó những cái kết khác, những diễn biến khác. Đại loại như vậy. Viết như thế tưởng dễ mà khó. Khó nhất ở chỗ việc dừng bất thình lình nó phải đảm bảo sự thuyết phục. Ở một vài truyện như truyện mini, Tâm An đang nỗ lực đạt tới điều này.
Ngược lại, một số truyện lại viết rất dài, rất kĩ, rất lớp lang, rất... khó đoán đoạn kết. Nó diễn biến theo chiều hướng mà chỉ có tác giả, tức là người xây dựng kịch bản cho câu chuyện biết mà thôi.
Đây cũng không phải là một kĩ thuật đơn giản. Nếu như tác giả không làm chủ được tình thế, không làm chủ được sợi dây mà anh định xuyên suốt câu chuyện, thì có thể nó sẽ bị đứt ở đâu đó và có thể người đi nối cái đoạn đứt ấy lại là... bạn đọc.
Tác giả Tâm An tại buổi ra mắt ấn phẩm - tập truyện "CHỬA HOANG"
Như tôi đã nhắc ở trên, Tâm An luôn đi thẳng vào những bất an, trắc trở, lộn xộn bát nháo, tha hoá... trong đời sống. Và những bất an ấy đã, đang tồn tại ở khắp nơi. Từ thành thị đến nông thôn, từ làng quê đồng bằng tới những nơi thâm sơn cùng cốc. Người ta phải vật lộn để sống, để chống chọi với cái ác, với mặt trái của xã hội. Làm người tử tế thật khó khăn.
Nhưng không phải trong truyện ngắn của Tâm An chỉ có vậy, tức là chỉ có tăm tối và tuyệt vọng, mà luôn luôn có thứ ánh sáng le lói, ấm áp của tình người. Tôi rất trân trọng lối tư duy, cảm xúc này của người sáng tác.
Xã hội nào, giai đoạn lịch sử nào, quốc gia dân tộc nào, nền văn hoá nào thì cái tốt cái xấu cũng luôn song song tồn tại. Hai mặt ấy như những tấm gương để chúng tự soi vào nhau. Như trắng với đen, như đêm với ngày. Không có xã hội nào tuyệt đối tốt cũng không có xã hội nào tuyệt đối xấu. Tâm An luôn giữ được tinh thần nhân văn trong việc bày biện ra, đi thẳng vào những góc khuất của đời sống xã hội, góc khuất của tâm tư con người. Cuối cùng thì cái thiện vẫn có một chỗ đứng, và nó là điểm tựa, là nơi để người ta có thể bám víu khi sắp rơi vào tuyệt vọng. Ví như anh chàng nuôi cá tên Dũng sẵn sàng chìa vai để bác sĩ Mai lầm lỡ tựa vào trong truyện ngắn Chửa hoang; Ví như ông bố dượng tên Hùng hết lòng vì đứa con riêng của vợ đến mức thay hắn ngồi tù trong truyện ngắn Bố dượng; Ví như cách ứng xử đầy tình người của anh chàng lái xe tốt bụng đối với nhân vật Loan trong truyện ngắn Em là gái...
Tâm An có những ám ảnh mà tôi đồ rằng nặng về tình cảm, cảm xúc cá nhân, bộc lộ trong hàng loạt truyện ngắn. Ví như về những dòng sông và người lái đò. Những người lái đò nghèo khó, chăm chỉ, tốt bụng, luôn hi vọng vào một tương lai tốt đẹp.
Có cảm giác như tác giả có một nguyên mẫu lái đò nào đó, và anh cứ phải nghĩ đến người ấy khi anh viết về những dòng sông. Và những nhân vật lái đò ấy hiện ra với tình cảm đầy thương mến của tác giả.
Tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Tâm An
Tâm An có giọng văn giản dị, không cố làm dáng, không khoa trương, to tát. Đôi khi có những đoạn tả cảnh tả tình khá mượt mà. Tác giả cũng sẵn sàng "xông pha" vào mọi kiểu nhân vật, mọi motif truyện, cũng sẵn sàng thử sức ở những kĩ thuật viết khác nhau. Vì thế mà tập sách có một diện mạo khá sinh động, dễ đọc.
Văn chương là một con đường rất dài. Có người sẽ đến đích sớm, cũng có người đi trên đó đến suốt đời mới thấy, hoặc thậm chí là không thấy đích. Ở tư cách một người đọc, tôi hi vọng Tâm An sẽ đào sâu hơn vào vỉa mạch mà anh đang nỗ lực, đấy là đi thẳng vào những bất an. Không phải chỉ là phơi bày mà phải giải mã được nó, một cách kĩ lưỡng và thuyết phục.
Đỗ Bích Thúy