18-11-2014 - 14:06

Tập truyện ngắn " Giọt nước mắt màu đất" của nhà văn Đức Ban

Ngày 22/11/2014 sắp tới, Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức tọa đàm, giới thiệu tập truyện ngắn " Giọt nước mắt màu đất" của nhà văn Đức Ban, NXB Hội nhà văn xuất bản năm 2014. Xin trân trọng giới thiệu 02 nội dung tham luận của nhà thơ, TS Lê Thành Nghị và nhà văn Phan Trung Hiếu.

  GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT,
        TẬP TRUYỆN NGẮN CỦA ĐỨC BAN

 

                                                                                             Lê Thành Nghị

 
            Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa cho in Giọt nước mắt màu đất của nhà văn Đức Ban, tập truyện xinh gọn, gồm 9 truyện ngắn. Đức Ban là một tác giả đã quen thuộc với bạn đọc cả nước với hàng chục đầu sách, thuộc nhiều thể loại như ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện thiếu nhi…Vậy nên, in thêm một cuốn sách, có thể cũng chẳng có gì lạ, chẳng ấn tượng gì với bạn viết, bạn đọc!. Tôi cũng đã nghĩ như vậy, khi cầm cuốn sách anh gửi tặng.
            Nhưng rồi lần đọc những truyện ngắn trong tập Giọt nước mắt màu đất, tôi đã có những tâm trạng khác, tâm trạng phấn chấn của một bạn viết, cũng là một bạn đọc từ lâu đã đọc Đức Ban. Là bạn viết, tôi quen Đức Ban từ thuở còn cắp sách đi học. Cùng học một lớp phổ thông trung học, cùng yêu văn chương, cùng mấy lần lặn lội cuốc bộ gần trăm cây số trong bom đạn chiến tranh đi thi học sinh giỏi cấp quốc gia…nên càng có tuổi chúng tôi càng hiểu văn chương là hải học vô bờ, là cuộc đua không có giới hạn, là cuộc chơi đi tìm ẩn số của một phương trình đa nghiệm…Vì vậy, một cuốn sách in ra, một sự dĩ tận vi độ đã được thực hiện, nếu không để lại tăm tích gì, thì cầm bằng trước đó, ném nó vào lò lửa còn hơn!.
            Tôi đã không phải nghĩ đến cái lò lửa khi đọc những truyện ngắn trong tập này! Ngược lại, những vấn đề tác giả của nó đặt ra, những ý tưởng được nhà văn chuyển tải đã đốt lên trong tôi ngọn lửa sáng tạo, làm tôi có thêm những cảm hứng, về cái chân, cái thiện, cái mỹ vốn có trong cuộc sống của chúng ta, những điều rất dễ bị che khuất đi, bị quên lãng đi trong cuộc sống vốn xô bồ và thực dụng, nếu không có một sự để tâm nào đó của văn chương nghệ thuật.
Quả tình, 9 truyện ngắn cho thấy tâm trạng của người viết, tâm trạng của một nhà văn, những điều nhà văn muốn giải bày, những điều làm hiện lên những khoảnh khắc tâm hồn của người viết, những ý niệm về cái đẹp, cái thiện nhà văn muốn gửi tới bạn đọc. Có khi đó chỉ là một sự không hiểu nổi của một người đàn ông bình thường mà anh bất ngờ gặp trong quán cà phê. Thoạt tiên nhân vật này có vẻ lập dị: chỉ chọn đúng một chỗ mình thích, chỉ với một vẻ mặt cau có, chỉ với một lối hỏi và trả lời nhát gừng. Nhưng rồi câu chuyện hé mở đến hoàn cảnh đó là một người mất việc, mất vợ của cái cuộc sống đua chen kiếm sống trên cõi nhân gian bé tí này, thì ta bỗng nhận ra sự run rẩy, cảm thông của ngòi bút ( Trong mưa ). Hoặc giả, một anh chàng, vốn là cán bộ Tuyên giáo ở Lâm trường Ngàn Mông, đang yên đang lành, lại nghe theo tiếng gọi của đồng tiền và tình ái, tự chuốc lấy bi kịch của những kẻ háo tiền, tự đưa mình vào cạm bẫy của ái tình, rút cuộc, vừa bị bạn bè khinh bỉ, vừa bị chính sự lựa chọn lối sống vì tiền ấy đưa hắn đến cái chết thảm thương ngay trước những mối quan hệ ái tình và tiền bạc. ( Thăm thẳm rừng xanh ). Quả là thích cái gì sẽ được chết theo cái đó, cả thể xác lẫn tinh thần. Đây là một triết lý nhân sinh luôn luôn có ý nghĩa thời sự, có ý nghĩa răn đe mà nhà văn muốn một lần nữa mỗi người cần nghiêm túc suy ngẫm, tự rút ra bài học cho mình. Hoặc giả, một người cha thương con, thương yêu mảnh đất làng Yên Linh của cha ông, mảnh đất với bao truyền thống văn hóa lâu đời…đã không thể giữ nổi bước chân người con gái khao khát đổi đời trước sự chuyển đổi của đời sống công nghiệp hóa trên quê hương ông. Những người mang cái gọi là ý chí thay đổi đời sống đã không tính đến truyền thống lịch sử, văn hóa, đã làm ngơ trước kinh nghiệm giữ đất đai vùng biển của làng Yên Linh, đã gây nên biết bao hậu họa cho quê hương ông. Trên mặt đất nhốn nháo này vẫn có chỗ cho con gái ông đổi đời ư?...Ông lầm rầm, cắm chân vào cát nhìn ra mênh mông biển, ngực bỗng đau thắt từng cơn ( Giọt nước mắt màu đất, tr.46 ). Rút cuộc, bi kịch từ thiên nhiên như một sự tất yếu giáng xuống từng số phận, của cả cộng đồng vì việc vô trách nhiệm của những kẻ chặt cây bảo vệ bờ biển, xây dựng dự án khu công nghiệp trên đất làng Yên Linh. Ngay tối hôm ấy một cơn bão mạnh chưa từng thấy  tràn vào làng…Khu công nghiệp rộng lớn và dãy tường vây bao quanh nó, chỗ nào cũng ngổn ngang, chơ vơ những khung bê tông ngã nghiêng, đổ gục…( tr. 54 ). Thông điệp từ câu chuyện này là lời cảnh báo sâu sắc với những ai quen thói làm ăn ẩu tả, cố làm lấy được, bất chấp mọi giá trị, mọi quy luật…Vấn đề câu chuyện đặt ra mang tính điển hình của một đất nước đang phát triển như Việt Nam với biết bao dự án lợi bất cập hại, hủy hoại môi trường, ô nhiễm sông ngòi, tham nhũng thất thoát…hết sức nhức nhối trong dư luận của nhân dân…Ở một tầng nấc cay đắng hơn, ngòi bút của tác giả tỏ ra tê buốt trước cảnh khai khoáng với những giàn khoan thăm dò vô tội vạ đã biến vùng đất Kẻ Xá trù phú trước đây thành một vùng đất chết không một bóng người, không một tiếng chim hót ( tr. 26 ), đến mức dân bỏ làng đi hết, để lại cỏ dại um tùm và mồ mả tổ tiên bơ vơ cùng những vong hồn phiêu bạt trên chính quê hương họ ( Chốn xưa ). Hoặc giả, ngòi bút của Đức Ban đã khá tinh tế khi đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn của một phụ nữ vì nuôi chồng ốm nhiều năm nên mất việc ở cơ quan và kiệt quệ kinh tế sau khi chồng chết, nhưng chị đã cự tuyệt không làm ô sin cho nhà người vì chị bị xúc phạm (  Nước chảy ). Ở một truyện khác, truyện Bên đường phố, Đức Ban tỏ ra khá am hiểu tình cảnh của những người lao động, làm những công việc nặng nhọc kiếm sống trong thành phố, nhưng rút cuộc không nuôi nổi bản thân mình, và họ trở nên bất hạnh, cho dù họ là những người trẻ tuổi yêu lao động…
        Như vậy, một tập truyện ngắn nhỏ nhưng Giọt nước mắt màu đất đề cập đến khá nhiều các lĩnh vực đời sống xã hội cũng như số phận con người với một cảm hứng phân tích sâu sắc đã tạo cho cuốn sách một tiếng nói nghệ thuật có sức thuyết phục. Tính thuyết phục ấy toát lên từ cách dựng truyện của tác giả. Trước hết, đó là những đối thoại ngắn, tưng tửng, cốt để gợi ngôn ngữ đối thoại của nhân vật khác, nhưng đã làm hiện lên tính cách của người tham gia đối thoại, tạo nên không khí của thì hiện tại, nơi những nhân vật đang tự biểu hiện mình. Ở những truyện chỉ có vài nhân vật như  Trong mưa, Nước chảy, Chốn xưa…cũng như ở những truyện có khá đông nhân vật như Bên đường phố…ngôn ngữ đối thoại như một sự kết dính nghệ thuật để chuyển tải câu chuyện và biểu hiện tư tưởng chủ đề. Bằng cách đó, Đức Ban dựng lại câu chuyện chứ không hề đóng vai người kể chuyện, tức là nhà văn tự để người trong truyện làm hiện lên câu chuyện theo cách của họ, theo ngôn ngữ của họ. Đây là một thủ pháp đòi hỏi tính kiềm chế của ngòi bút mà phải viết đến một trình độ nào đó, nhà văn mới nhận ra, mới đến được. Nếu nhà văn chỉ kể lại câu chuyện bằng ngôn ngữ của mình, độ tin cậy nghệ thuật theo đó chỉ còn một nửa. Ngược lại, nếu nhà văn dựng lại câu chuyện bằng ngôn ngữ và hành vi của nhân vật, bản thân câu chuyện sẽ được người đọc nhận thức trọn vẹn. Đức Ban đã làm được điều này qua các truyện ngắn Trong mưa, Nước chảy, Bên đường phố, Lối trong rừng, Chốn xưa…với một giọng văn khá tự tin, với một sự kiềm chế ngôn từ thể hiện bản lĩnh của một ngòi bút từng trải, có kinh nghiệm. Ví dụ, truyện Chốn xưa. Trên con đò ngược về vùng đất Kẻ Xá chỉ có ba người. Ông lái đò đóng vai người đưa đò nhưng cũng là người đưa đẩy câu chuyện giữa hai người: một bà lão nhớ quê cha đất tổ cứ vài ba năm lại trở về đây hương khói, trò chuyện với những vong hồn người xưa nơi mảnh đất chôn nhau cắt rốn của bà, và một ông Tiến sỹ nghiên cứu cây trồng, con một cán bộ cấp tỉnh quá cố nhưng đã kịp chiếm cho mình mảnh đất trù phú Kẻ Xá. Ba người ba mục đích, bà cụ già với những trắc ẩn tâm linh, hoài niệm về những ngày tháng đẹp đã trôi qua vĩnh viễn trước sự thô phàm của thời cuộc, ông tiến sỹ với những toan tính cá nhân, thực dụng ( được bắt đầu từ người cha cán bộ cấp tỉnh quá cố ) và ông lái đò như là nhân chứng của cuộc xung đột âm thầm về triết lý sống giữa hai người kia… bị nhốt vào một không gian hẹp ( con đò dọc ). Những gì tác giả muốn chuyển tới bạn đọc tự nhiên hiện lên trong câu chuyện như có vẻ bang quơ giữa ba người nọ. Không một lời thuyết giáo, không một sự cưỡng bức bạn đọc, truyện viết cứ như không…vậy mà cái đẹp, cái thiện hiện lên thấm thía như một bài học đạo đức đầy sức lay động, có thể làm xáo trộn tâm hồn người đọc.
Trong một vài truyện ngắn như Lối trong rừng, Giọt nước mắt màu đất, Chốn xưa…Đức Ban sử dụng những yếu tố tâm linh, huyền thoại tham gia vào câu chuyện của mình. Những thủ pháp này không mới, thậm chí ở một vài cây bút khác đôi khi là trang sức, là làm dáng… không ăn nhập gì với nội dung câu chuyện. Ở truyện ngắn của Đức Ban, yếu tố huyền thoại làm nên một dòng chảy sự kiện đảm nhận chức năng gắn kết không gian và thời gian sự kiện, phục vụ chủ đề mà tác phẩm muốn chuyển đến bạn đọc. Vì vậy, người đọc được thoát khỏi cảm giác gượng ép, hơn thế được dẫn dụ vào một không gian khác, lạ lẫm nhưng không hề cắt đứt với hiện tại. Huyền thoại Nàng Len và Đền thờ Đức Thánh Mẫu ở làng Yên Linh bao đời nay in đậm dấu ấn tâm linh trong ý thức nhân dân, từng che chở cho dân làng qua hoạn nạn và hình ảnh hoang tàn của khu công nghiệp sau trận bão biển hiện tại như một sự ngầm hiểu những sự phỉ báng, thiếu tôn trọng các giá trị truyền thống đã phải trả giá đắt như thế nào. Câu chuyện đến đây đạt được chiều sâu đáng kể trong nhận thức của người đọc. Cũng vậy, hình ảnh Cố Đạo, người giữ gìn những cổ vật thiêng liêng hàng trăm năm nay giữa rừng sâu tại làng Gia Ninh, xem đó như một niềm tin thiêng liêng của đời sống, những vong hồn làng Kẻ Xá hiện lên trong lời khấn của bà cụ già… đã để lại dư vị huyền ảo, hư thực của câu chuyện, giữ rất lâu trong ký ức những ai đọc qua tập truyện ngắn này.
            Đã ngót nghét mấy chục năm cầm bút, gia tài để lại là mấy chục cuốn sách, Đức Ban cho ta thấy hình ảnh một cây bút cần mẫn qua năm tháng. Có nhiều con đường vào văn chương. Có người chói chang khi xuất hiện và mau chóng tàn lụi. Có người lặng lẽ tỏa sáng, càng có tuổi càng sâu sắc. Đức Ban thuộc dạng thứ hai, không chói chang nhưng có sức bền, không ồn ào ăn xổi ở thì nhưng có nội lực. Cái khó là làm sao phải vượt được chính mình, những thói quen nghề nghiệp, những chuẩn mực giá trị luôn cần xem xét và làm mới, những khát khao nghĩ tới những giá trị khác ngoài mình…Đó luôn luôn là hành vi thường trực cần thiết của người viết. Đôi lúc không phải không sốt ruột, khi trước đây đọc Đức Ban, thấy văn anh hiền lành, hơi chậm, hơi khó giãi bày ý tưởng của mình, hơi khó tạo ra độ văng cần thiết của ngòi bút, độ mạo hiểm cần có của ý tưởng, độ khác biệt quyến rũ của ngôn ngữ cá thể…Nhưng đến tập truyện này, đã thấy sự đổi khác, trong giọng điệu, trong diễn đạt, trong cấu trúc…Đó là điều tôi thu nhận được từ những truyện ngắn Giọt nước mắt màu đất của anh.

                                                            Hà Nội 22 tháng 10 năm 2014
                                                                                                L.T.N

ĐỜI SỐNG XÃ HỘI VÀ NHỮNG PHẬN NGƯỜI
TRONG " GIỌT NƯỚC MẮT MÀU ĐẤT" CỦA ĐỨC BAN
 
                                                                                                Phan Trung Hiếu
 
            Phải mất ba lần đọc, tôi mới gấp lại được trang cuối cùng tập truyện ngắn " Giọt nước mắt màu đất" của nhà văn Đức Ban. Có vài lý do để biện minh nhưng có một nguyên nhân khác đáng để nói ra: Hình như truyện ngắn của Đức Ban đa phần thuộc loại khó nhằn, đọc mệt, đọc để rồi ngẫm nghĩ mà sáng ra cái sự lẽ, hiểu cho hết cái ý đồ muốn gửi gắm của tác giả lại còn mệt hơn.
            Mỗi nhà văn có một phong cách,  một lối đi của riêng mình. Lối đi của Đức Ban là lối đi trong "sương mù chưa tan", trong "thăm thẳm rừng xanh", trong mớ bùng nhùng của một thứ mạng nhện. Người đọc cũng có nhiều gu, nhiều cách để tiếp cận, người thích truyện này mà chẳng thích truyện kia cũng là lẽ thường tình. Với tôi cũng vậy nhưng có một điều chung muốn được bàn thêm, đó là bóng dáng đời sống xã hội và những phận người mà nhà văn đã mang đến cho người đọc.
            Hiện thực cuộc sống trong không gian và thời gian nghệ thuật ở truyện ngắn Đức Ban thật rộng và dài. Cái lát cắt theo lý thuyết trong truyện ngắn của nhà văn không đơn giản một chiều và dễ đối sánh. Đôi khi nó là một vòng tròn mê ảo được viết theo cảm thức, phát triển theo tính cách nhân vật và những điểm nhấn của đời người. Từ cõi âm sang cõi dương, từ quá khứ xa lắc xa lư đến cái thực tại còn nóng hổi như vừa mới được nhà văn sao chụp lại. Bối cảnh trong các truyện ngắn được mô tả từ không gian rộng lớn của đô thị phồn hoa cho đến các làng quê heo hút. Những nhân vật - thân phận, kiếp người mà nhà văn nhắc tới có thể là " Ông" nào đó thuộc hàng quan chức cỡ bự ở tỉnh, người lắm chữ, kẻ nhiều quyền cho đến những con người bần hàn, héo hắt bên lề phố.
            Với một vốn sống phong phú và một khả năng biểu đạt tinh tế, đa thanh, đa hình, lắm tầng nghĩa, tác phẩm của Đức Ban đã tiếp cận hiện thực từ nhiều góc độ.  Nhà văn luôn quan tâm đề cập đến đời sống xã hội với những mảng khuất với một bút pháp có khả năng tạo được hiệu ứng thẩm mỹ. Đời sống xã hội rối rắm, đa chiều được trình bày qua lối kể chuyện nhiều tầng nấc, lắm chuyện mang không khí ma mị, huyễn hoặc, " ong ong u u" . Tính hiện đại ở tác phẩm được thể hiện ở sự kết hợp các yếu tố hữu thức với vô thức. Kết cấu trong truyện ngắn Đức Ban nhìn chung  khá độc đáo. Lối kết cấu đa dạng được cộng hưởng bằng một giọng văn đa sắc đưa đến  cho người đọc nhiều ngẫm ngợi mang chiều sâu triết lý.
 Bối cảnh của những câu chuyện nhà văn thường được gắn ( hay gợi cho người đọc) về một địa danh cụ thể nào đấy trên địa bàn Hà Tĩnh. " Thăm thẳm rừng xanh" gợi tới vùng đồi núi Hương Sơn, " Lối trong rừng" gắn với câu chuyện kỳ bí của vùng núi Hương Khê, " Giọt nước mắt màu đất"  lại là phác họa có tính cảnh báo về những chuyển động mới tại vùng đất Vũng Áng, Kỳ Anh, " Bên đường phố" được soi từ những góc khuất của một thành phố trẻ.
            Xuất hiện trong những bối cảnh ấy là những nhân vật được nhà văn chọn lựa hứng chịu nhiều va đập để phát lộ ra cái chủ ý của người viết. Là số phận chênh chao và cái kết cục chua xót của cha con ông lão miền biển Yên Linh gắn với sự đảo lộn môi trường sống, là hành tung có chút bí ẩn của vị GS và cha con cố đạo ở Gia Ninh trong việc gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa ở " Lối trong rừng", là thân phận trí thức không tìm ra chỗ đứng trong xã hội của chú Huyên cùng đám thợ trẻ với những ước mơ giản dị đời thường, là người đàn bà bạc mệnh bị hắt hủi, bỏ rơi bên cầu Giằng - một góc của thị trấn mới mọc lên với sự "nhốn nháo, lừa lọc, đểu giả, giành giật chảy vào khắp mọi ngõ ngách làng", là Ngọc Diệu - người đàn bà giàu có, như một thách thức bí ẩn trong " Thăm thẳm rừng xanh"…
        Trong cơ chế thị trường, sự tha hoá đạo đức, sự cám dỗ của đời sống vật chất đã len vào phá hoại những quan hệ truyền thống giữa người và người vốn ngàn năm nay luôn tựa vào đạo lý. Từ chi tiết để tạo tình huống, từ tính cách mà nảy sinh số phận.  Ngòi bút của một nhà văn lắm ngón nghề cứ thế mà bóc dần lớp vỏ để lộ cái hiện thực ngổn ngang. Truyện " Giọt nước mắt màu đất" được lấy làm tên chung cho cả tập kể về số phận của những con người bé nhỏ của một làng chài ven biển đối diện với những thay đổi môi trường trong quá trình CNH- HĐH. Kết cục câu chuyện khá bi thảm: số phận của những người dân bị đánh bật gốc ra khỏi môi trường sống quen thuộc, bị hút vào dòng xoáy đầy ma lực của đồng tiền, nơi đạo lý không còn nơi neo giữ. CNH- HĐH là xu thế không thể khác để thoát khỏi đói nghèo, vươn lên giàu mạnh nhưng tiềm ẩn sau đó những nguy cơ khủng khiếp, con người bị mất môi trường sống: mất rừng phi lao chắn sóng, mất đền Thánh Mẫu - chỗ dựa trong đời sống tâm linh, mất luôn những con người vốn chân chất, hiền lành, ngoan ngoãn tin vào những điều huyền bí….Hình ảnh những cây phi lao " bám rễ vào cát lớn lên một cách khó nhọc nhưng mà bền bỉ đến lì lợm"  được tác giả ví " nó như bản chất của việc dân chúng đang làm, biểu hiện lòng mong mỏi bình yên và ý thức làm chủ làng xã". Thật ra, cũng chẳng cần phải diễn đạt thêm ra như vậy. Người đọc hiểu số phận những cây phi lao trồng ven biển cùng chung cảnh ngộ, tựa số phận của những dân quê sống ở đất này, như đứa con gái xinh đẹp mà ông dốc lòng nuôi nấng chăm bẵm và hy vọng. Thế nhưng, trong cuộc sống bình yên và có phần buồn tẻ ấy, vẫn phấp phỏng một tương lai u ám khi đứa con gái của ông không biết làm gì ngoài việc lên đền viết sớ, hầu đồng. Khu CN ra đời đã đảo lộn tất cả. Rừng phi lao bị chặt hạ, "làng Yên Linh trở nên trần truồng trước biển". Cũng như rất nhiều người khác trong làng, con gái của ông bỏ đến làm ở khu CN và " sập bẫy", làm người tình, rồi bỏ ra đi xa làm kẻ hầu người hạ cho tay Phó Tổng người nước ngoài với hy vọng đổi đời. Và ông khi không còn gì để sống, để mà hy vọng đã gục chết trong cơn bão hoang tàn, hậu quả của việc mất rừng chắn sóng hay bởi cơn thịnh nộ của nàng Len? Theo tôi, vấn đề của câu chuyện được tác giả đặt ra trong câu chuyện khá táo bạo và mang tính cảnh  báo cao.  Nếu chỉ nghĩ đến việc phát triển kinh tế không thôi, xã hội và con người phải sẽ phải trả giá đắt mà những " giọt nước mắt màu đất" là một cảnh báo tai ương hiểm họa đang đón chờ ở phía tương lai.
            Trong tập truyện này, tôi có cảm giác so với những truyện ngắn trước đây, yếu tố nhục cảm vẫn còn đấy nhưng bị đẩy xuống hàng thứ yếu, sau những vấn đề, số phận. Đó là những cồn cào khao khát bản năng của người đàn bà bên cầu Giằng thời trẻ khi một lần được cảm nhận khoái lạc của nhục dục cho dẫu chỉ là với một kẻ đàn ông vật vờ, dặt dẹo như một bóng ma: " Chị dội nước bên mình, xòe hai bàn tay lên ngực, xoa xuống háng, xoa dọc hai đùi, xoa mãi cho đến khi cơ thể nóng rực lên, nhiều chỗ run rẩy lên" ( Người đàn bà bên cầu Giằng).   
         Vốn sống, sự từng trải và khả năng làm chủ được giọng văn, ngôn từ đã khẳng định phong cách truyện ngắn Đức Ban, góp phần làm nên sự bền bỉ cũng như sự đa dạng phong phú trong sáng tạo ở thể loại văn xuôi của tỉnh nhà và có lẽ còn với cả văn đàn trong cả nước.
                                                                                    
                                                                                                            P.T.H
. . . . .
Loading the player...