Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 – 24/4/2021). Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu ghi chép "Tháng 4 thăm quê cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập" của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Những ngày đầu tháng 4/2021, chúng tôi về xã Cẩm Hưng, trước gọi là làng Kim Nặc thuộc Tổng Thổ Ngõa - quê hương Tổng Bí thư Hà Huy Tập nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh của ông. Điều làm tôi ngạc nhiên là xe đang chạy trên con đường lát bê tông giữa bạt ngàn những vườn đào. Cái màu xanh tươi thắm của sắc lá, màu trắng mỏng manh tinh khiết của sắc hoa còn giữ lại hơi xuân, sức xuân không chỉ tươi thắm mà còn tô thêm vẻ đẹp làng quê ở nơi này.
Tôi lại nhớ đến lần gặp cụ Đỏ cách đây hơn chục năm năm, lúc đó cụ còn sống. Tên thật của cụ là Hà Huy Linh, cháu gọi Tổng Bí thư Hà Huy Tập bằng chú, trông coi ngôi nhà từ năm 1991. Cụ cho biết: “Ngôi nhà tranh ba gian hai hồi này trước đây ở sát đường quốc lộ cũng thuộc làng Kim Nặc. Đến năm 1977 thực hiện chủ trương di dời dân để cải tạo đồng ruộng, nhân dân đã chuyển ngôi nhà về đây. Chính tại nơi này, ngày 24/4/1906, Tổng Bí thư Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời và ngày 30/3/1940 lần cuối cùng ông bị thực dân Pháp bắt lại và từ giã bà con làng xóm”. Trong ký ức của cụ Đỏ: “Hôm đó ông Tập đang nằm trên chiếc trường kỷ bằng tre đọc sách tiếng Pháp. Mang tiếng là Tây học, nói giỏi bốn ngoại ngữ: Anh, Pháp, Nga, Trung nhưng bản thân ông Tập lại sống rất hòa mình với thiên nhiên và bà con làng xóm. Có lần đến thăm một gia đình nghèo vừa có người qua đời, ông Tập khuyên trong thời gian để tang không nên liên tục để cơm trên bàn thờ mà trước mỗi bữa cơm nên xới thêm một bát. Cuối bữa đem chia bát cơm đó cho mọi người thì ai cũng nhớ và không bị lãng phí”. Tôi hỏi cụ Đỏ: “Cụ ơi! Hôm giặc Pháp về bắt Tổng Bí thư Hà Huy Tập cụ còn nhớ không?”. Cụ ngậm ngùi nói: “Có chứ. Hồi đó tôi đã gần 20 tuổi. Trước đó, vào dịp nghỉ hè các năm 1925 - 1927, ông Tập hay về làng mở dạy các lớp Quốc ngữ trong ngôi nhà tranh này và bí mật truyền bá lý tưởng cách mạng cho lớp trẻ. Ngày 30/3/1939, dân làng Kim Nặc bất ngờ thấy chiếc xe chở quan huyện Cẩm Xuyên Đặng Hiếu An cùng ba lính Pháp đậu trước cổng nhà dì ruột tôi là bà Nguyễn Thị Lộc (mẹ ông Hà Huy Tập). Gia đình bà Lộc cũng nghèo nhưng hễ có ai đến vay tạm bơ (lon) gạo, đồng bạc là bà cho hẳn chứ không hẹn trả lại. Khi xe dừng lại, lính Pháp ập vào nhà. Một tên hỏi ông Tập: “Ông bị bắt lại”. Ông Tập thong thả cất cuốn sách đang đọc giở và đứng lên, tư thế thật ung dung: “Tôi biết - tôi biết chứ”. Lúc đó có một người thợ mộc trong làng sang sửa nhà cho bà Lộc. Thấy có bộ hậu sự nằm ở góc nhà đậy kín nắp cài then chốt, lính Pháp sai người thợ mộc cạy lên để khám xét xem có tài liệu giấu trong đó không. Khi thấy bàn tay người thợ mộc hàng xóm bị chảy máu, ông Tập lấy chiếc khăn mùi xoa băng lại vết thương và nói giọng ngắt quãng: “Tại... tôi - Lỗi tại tôi”. Khi chúng áp giải ông Tập ra xe, tôi nhớ như in không sao quên được cái nhìn lưu luyến tạm biệt của ông với bàn tay vẫy và nói với dân làng: “Chào bà con ở lại, tôi đi lần này không về nữa đâu”, hôm đó ông Tập mặc chiếc áo sơ mi trắng và chiếc quần soóc...
Trong ngôi nhà tranh còn lưu giữ nhiều hiện vật ngày ấy như chiếc sập gỗ đựng đồ, chiếc trường kỷ bằng tre, cối xay lúa và chiếc giường đơn sơ. Phía hồi đầu nhà còn có cả chiếc cối giã gạo. Cụ Đỏ còn cho biết thêm: Cũng tại ngôi nhà tranh này, bé gái Hà Thị Thúy Hồng - Kết quả của mối tình giữa Hà Huy Tập và cô học sinh trường Đồng Khánh, Huế - Nguyễn Thị Giáo đã chào đời. Cô Giáo cũng là người ở thành phố Hà Tĩnh. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện nhà báo Võ Minh Châu kể lại khi một lần vào TP. Hồ Chí Minh, anh đã gặp bà Hà Thị Thúy Hồng. Nghe bà Hồng kể lại về ba mình: Sau giải phóng miền Nam, bà Hồng nghe trên đài có người ngoài Bắc nhắn tin: “Tìm người nhà có tên Hà Thị Thúy Hồng, con ông Hà Huy Tập bị kết án tử hình cùng đợt với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Nguyễn Thị Minh Khai, có mẹ là Nguyễn Thị Giáo hiện còn sống ở đâu thì cho người nhà biết tin theo địa chỉ...”. Được tin ấy, bà Hồng liên hệ với cô ruột đang công tác ở Hà Nội và một người cô ở quê nhà. Thế là gặp nhau. Trước ngày Sài Gòn giải phóng, bà Hồng chỉ biết tên ba mình trong tờ hôn thú với má và trong tờ giấy khai sinh của mình cất cẩn thận dưới đáy chiếc rương gỗ. Khi nghe tôi hỏi: Thế cuộc sống của bà Hồng hiện nay thế nào? Nhà báo Võ Minh Châu cho tôi biết một chi tiết rất cảm động: Bà sống giản dị, đạm bạc, không lương hưu, chỉ có tiền trợ cấp. Thế nhưng khi có khoản tiền 50 triệu đồng được trợ cấp theo chế độ thân nhân gia đình cách mạng thì bà Hồng đã dành dụm gửi tặng toàn bộ cho Trường THPT Hà Huy Tập ở Cẩm Xuyên.
Chúng tôi ra thăm khu mộ của Tổng Bí thư Hà Huy Tập cách đó 3km ở trên đồi Đồng Lem. Phía trước là mộ hai cụ thân sinh Hà Huy Tương và Nguyễn Thị Lộc. Mộ nhìn ra hướng Đông, phía Đông Nam là trục đường Thiên Lý, phía Tây là dãy Hoành Sơn, phía Nam là núi Rá và dãy đồi, phía Đông là cửa Nhượng. Vùng đất đúng là địa linh, phong thủy khá hoàn hảo. Có một điều kỳ diệu là đúng ngày khai quật mộ Tổng Bí thư ở bến Tắm Ngựa (Hoóc Môn - TP.HCM) thì ở quê hương Cẩm Xuyên cũng động thổ xây mộ chờ hài cốt về an táng. Trong khi con cháu họ Hà còn băn khoăn không biết phải xây đế hay trải cát thì khi đào qua một lớp đất đã thấy một tảng đá lớn không thể đào sâu hơn nữa. Còn vị trí đặt mộ bây giờ là do nhà ngoại cảm Trần Ngọc Ánh chỉ đường. Cô Ánh dặn: Lúc nào bó hương trong tay cô hóa thì đó là nơi đặt mộ tốt nhất. Hôm đó một số người trong họ Hà và cán bộ huyện Cẩm Xuyên theo cô Ánh lên đồi Đồng Lem đến vị trí đặt mộ có tảng đá lớn ở phía dưới bây giờ thì bó nhang 100 cây hương trong tay cô Ánh hóa. PGS.TS. Hà Vĩnh Tân đã chụp được bức ảnh ngọn lửa hóa có hình khuôn mặt người phụ nữ rất đẹp hiện ra.
Tôi nhớ có lần nhà văn Trần Đắc Túc, người đã viết kịch bản và đạo diễn phim tài liệu “Tổng Bí thư Hà Huy Tập” kể lại với tôi hành trình đi tìm tư liệu và ghi lại những thước phim qua lời kể rất sống động của một số vị lãnh đạo hoạt động cùng thời với Tổng Bí thư Hà Huy Tập như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Trần Văn Giàu... Hình ảnh Hà Huy Tập: dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, khuôn mặt khôi ngô, có tài hùng biện hiện lên như là một nhà lý luận kiệt xuất, một người hoạt động thực tiễn năng nổ, đặc biệt ông là người chấp bút viết cuốn lịch sử Đảng đầu tiên. Năm 1936 ông Hà Huy Tập chọn làng Tân Thới Nhứt, xã Bà Điểm, huyện Hoóc Môn làm nơi đặt Cơ quan Trung ương Đảng. Cũng chính tại Bà Điểm, ông được bầu làm Tổng Bí thư trong Hội nghị cán bộ tổ chức Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Suốt hai năm, hàng trăm cuộc họp, ba lần hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã được ông tổ chức và trụ trì giữa những ụ rơm Bà Điểm. Hàng loạt bài báo, tác phẩm chính luận phân tích khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng cộng sản đã được ông viết bằng bút mực, bút chì dưới ánh sáng leo lét của ngọn đèn dầu thắp bởi tay những bà má dưới những vườn trầu cao vút. Chúng tôi đã chụp được một số bản viết tay màu mực tím sửa bằng màu mực đỏ ở khu lưu niệm Tổng Bí thư. Khi bị địch đưa ra tòa và bị kết tội “Chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ”, ông Hà Huy Tập vẫn ung dung: “Tôi không có gì phải hối tiếc”. Ông bị kết án tử hình và bị đưa ra trường bắn ở ngã tư Giếng nước - Hoóc Môn - Gia Định ngày 28/8/1941. Những người dân Hoóc Môn còn nhớ mãi câu nói khảng khái của ông trước tòa án quân sự đặc biệt Sài Gòn: “Nếu còn sống tôi vẫn tiếp tục hoạt động”. Chị Nguyễn Thị Nhuần - Hướng dẫn viên khu di tích cho tôi biết một chi tiết trùng hợp lạ lùng là đêm 22 rạng 23/11/2009 khi tìm được mộ Tổng Bí thư Hà Huy Tập trùng với thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940. Trước lúc ra pháp trường, ông Hà Huy Tập đã viết bức thư cho người thân gửi qua bạn tù Võ Liệt được tha đưa về cho em rể Nguyễn Đình Cương. Bức thư viết tay, tuy nét mực đã mờ nhưng vẫn còn đọc được có đoạn viết: “Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự. Gia đình, bạn hữu chớ xem tôi là người đã chết mà phải buồn. Trái lại xem tôi như người còn sống nhưng đi vắng một thời gian vô hạn... mà thôi!”. Vâng, cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập vẫn còn sống mãi. Ông chỉ đi xa và sau 80 năm ông đã trở về quê mẹ nằm trên quả đồi lộng gió. Hình ảnh vườn đào Cẩm Hưng nơi ông sinh ra và vườn trầu Bà Điểm nơi ông ngã xuống vẫn tươi thắm sắc xuân...
N.N.P