05-08-2017 - 15:17

Thêm một góc nhìn về cuốn “ Ký ức chiến tranh”của tác giả Vương Khả Sơn

Trân trọng gới thiệu bài viết của Đại tá Nguyễn Trọng Thắng, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Hà Tĩnh về cuốn sách " Ký ức chiến tranh" của tác giả Vương Khả Sơn đạt giải A, Giải thưởng văn học Nguyễn Du lần thứ V( giai đoạn 2005- 2010).


 

Cảm nghĩ về cuốn “ Ký ức chiến tranh”của tác giả Vương Khả Sơn.

                         
                                                  Đại tá Nguyễn Trọng Thắng
                                         Phó Chủ Tịch Hội Khoa học Lịch sử Hà Tĩnh
                    Giám đốc Trung tâm Tư vấn BD PT KH&CN - Liên hiệp các Hội KH&KT Hà Tĩnh
 

           Chiến tranh đã đi qua đã hơn 40 năm, nhưng chiến thắng vĩ đại của dân tộc cùng những mất mát đau thương vì hậu quả của nó thì vẫn mãi hằn sâu trong ký ức của mỗi con người, mỗi gia đình Việt Nam. Đặc biệt với những người lính đã cầm súng đi qua chiến tranh thì điều đó càng sâu đậm hơn.
Đã có rất nhiều tác phẩm văn học, nhiều hồi ký, nhật ký viết về chiến tranh, tái hiện những hình ảnh chân thực về sự hy sinh không tiếc máu xương của bao thế hệ cha anh, về tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, tình đoàn kết quân dân thắm thiết trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc.
Những cuốn sách đó đã lay thức tâm can làm chúng ta xúc động, bồi hồi. Qua từng trang viết, ta càng thấy rõ hơn sức chịu đựng gian khổ, ác liệt và sự hy sinh đến vô cùng của các thế hệ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.
           Như bao đồng đội khác, cũng là một người lính từng cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, tôi cảm nhận rất sâu sắc về những ngày gian lao, binh lửa ấy. Gần bốn thập kỷ công tác trong quân đội, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của người lãnh đạo, chỉ huy ở các cấp và cũng rất say mê với nghề làm báo, viết sách. Tôi đã từng viết nhiều cuốn sách về đề tài chiến tranh, để lại cho hậu thế nhiều tư liệu lịch sử quý giá về truyền thống đấu tranh oanh liệt của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến, nhưng vẫn chưa viết được một cuốn hồi ký để ghi lại những kỷ niệm của riêng mình và đồng đội trong chiến tranh, mà mới chỉ viết được mấy mẩu ngắn, đăng rải rác ở một số báo và tạp chí. Đọc "Ký ức chiến tranh" tôi gặp lại chính mình ở cái thời máu lửa ấy, với biết bao kỷ niệm vui buồn. Đó là những khoảnh khắc của cuộc chiến với sự gian khổ và ác liệt vượt quá sức chịu đựng của con người, là những mảnh kí ức tuyệt đẹp về tình đồng chí, đồng đội trong chiến đấu, là những tấm gương anh dũng, quả cảm của bao đồng đội, là những giọt nước mắt của người lính trẻ khi nhớ nhà, nhớ người yêu và cả những nỗi đau khi phải chứng chiến sự ra đi của những đồng đội thân yêu…



         Tôi và Vương khả Sơn đều sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, chúng tôi đều có nghĩa vụ và trách nhiệm phải chiến đấu để giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Tôi là sinh viên năm thứ nhất vào bộ đội năm 1970, anh Sơn đang học dở cấp 3 (lớp 9/10), nhập ngũ tháng 5/1971. Tuy nhập ngũ trước anh và hơn tuổi anh chút ít nhưng chúng tôi coi nhau như những người bạn đồng lứa. Trước đây tôi làm việc ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, còn anh  công tác ở Sở Giáo dục- Đào tạo Hà Tĩnh, hai cơ quan sát cạnh nhau. Chúng tôi đều là những người lính đã đi qua cuộc chiến nên dù mỗi người mỗi cương vị công tác khác nhau, sinh ra ở hai miền quê khác nhau, nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng về cuộc sống tinh thần.
Giờ đây tôi và anh đều đã được nghỉ chế độ, nhưng thường ngày chúng tôi vẫn dành thời gian gặp nhau, ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng binh lửa đầy gian khổ ác liệt, hy sinh ở chiến trường.
         Nhắc đến Vương Khả Sơn không thể không nhắc tới “Ký ức Chiến tranh” của anh, một cuốn Hồi ký có giá trị lịch sử (tư liệu) và văn học đầy cảm xúc. Trước anh đã có bao nhiêu người viết hồi ký chiến tranh. Tuy nhiên phần lớn tác giả của các cuốn hồi ký ấy là của những cán bộ cao cấp, ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch, chiến lược, hoặc những người có học thức cao, có kinh nghiệm từng trải. Với anh, chỉ là một người lính bình thường, khi vào bộ đội văn hoá chưa hết cấp 3, nhưng với tâm thế và vị trí của một người “lính trơn” nhưng anh đã có một cách nhìn mới mẻ, cách thể hiện rất tinh tế, sâu sắc qua cuốn hồi ký viết về chiến tranh. Tất cả như đều được khắc vào tâm cốt. Tôi vô cùng cảm phục Vương Khả Sơn, cảm phục trí nhớ tuyệt vời, hiếm có của anh.
       Ai từng đọc “Ký ức Chiến tranh” cũng không thể ngờ anh viết hồi ký lại hay đến như vậy! Từng trang sách đã hấp dẫn và lôi cuốn tôi thực sự. Có những đoạn diễn tả về cuộc sống của người lính ở chiến trường, về những trận đánh gay go ác liệt giữa ta và địch đúng như những gì tôi đã trải qua và chứng kiến; đúng đến từng chi tiết cụ thể. Không hiểu sao anh lại nhớ chính xác đến vậy?!  Không những nhớ các sự kiện, diễn biến của các trận đánh mà còn nhớ cả tên tuổi, vóc dáng, đặc điểm tính cách, quê quán; nhớ cả ngày giờ hi sinh của đồng đội. Những đồng đội đã từng sống chiến đấu với anh, “sót sổ” qua chiến tranh bây giờ ở đâu, làm gì anh vẫn còn nhớ và nhắc đến. Hồi ký của Vương Khả Sơn đã khai thác tỉ mỉ, chính xác và thành công về những gì đã xẩy ra trong cuộc chiến như nó vốn có. Những trang viết của anh thuyết phục người đọc ở tính chân thật của sự kiện, ở sức lôi cuốn với cảm xúc mạnh của một người trong cuộc. “Đó là những trang viết máu thịt của cuộc đời anh. “Ký ức Chiến tranh” là bức tranh sinh động phản ánh một phần của cuộc kháng chiến đầy hy sinh, mất mát mà cả dân tộc ta đã gánh chịu và đi qua. Trong đó, chân dung của người lính được khắc hoạ đậm nét nhất. Cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời ấy đều có chung một lý tưởng cao đẹp, một tấm lòng nồng nàn yêu nước, cùng một quyết tâm ra trận“quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
         Trong từng trận đánh khốc liệt, bom rơi đạn nổ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc đã được mô tả chi tiết, tỷ mỷ, cụ thể, sinh động, nhưng không hề hư cấu, không triết lý, không bình luận... Tinh thần chịu đựng gian khổ và hành động dũng cảm của người lính được hiện lên trong ký ức anh với tư thế của người chiến thắng. Chiến tranh là hủy diệt, đau thương và mất mát... có chiến thắng nhưng cũng không thể tránh khỏi những tổn thất to lớn. Tất cả những điều đó đã được anh miêu tả một cách chân thực, khách quan, không hề giấu diếm. Trong khi ca ngợi những chiến công vang dội của đơn vị, những hành động dũng cảm của cán bộ chiến sỹ ta, anh cũng thẳng thắn đưa ra những sự thật về những cái chết không đáng chết; những thất bại không đáng có mà tổn thất thì không thể lường được do những sai lầm của người chỉ huy và những người lính trong chiến đấu. Một chiến sỹ mới qua sông không quan sát kỹ dòng nước, bị nước cuốn trôi hai ngày mới tìm thấy thi thể. Một sơ suất về sử dụng, bảo quản vũ khí đã cướp đi sinh mạng mấy chiến sĩ ngay trên đất hậu phương. Cả một đơn vị bị xóa sổ vì sơ suất trong công tác chuẩn bị chiến trường....Chính anh cũng sơ suất khi vớt gạo trên sông Xê Rê Pốc hay khi đi đào củ mỳ (sắn) đã rớt xuống giếng nước sâu, may mà thoát chết
        Trong văn học của ta rất ít có những tác phẩm viết về những sự thật đau lòng như thế! Những người lính trong “Ký ức chiến tranh” không có một cuộc đời, một số phận đầy đủ. Họ sống, chiến đấu, chiến thắng và hy sinh để làm trọn nghĩa vụ, bổn phận của người thanh niên thời chiến. Tôi đã đọc khá nhiều những bài báo, những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh nhưng hiếm khi gặp những trang viết thể hiện được sự khốc liệt, sự mất mát, hy sinh to lớn của những người lính như trong “Ký ức chiến tranh”. Ở vị trí người lính, Vương Khả Sơn không quan sát bằng cặp mắt bao quát tổng thể của nhà chỉ huy quân sự, nhà nghiên cứu khoa học quân sự, mà từ cái nhìn chân thực khách quan của người lính trận. Anh rất ít kể về mình nhưng qua từng trang ký ức ta thấy rất rõ hình ảnh của anh. Đáng trân trọng hơn, xuyên suốt hồi ký là một giọng văn đầy tính khách quan. Tác giả hầu như không đề cập đến cái tôi, cũng như không rao giảng về lý tưởng, về tình yêu quê hương đất nước, song qua những hình ảnh về đồng đội, người đọc có thể cảm nhận được tinh thần không sợ  hy sinh gian khổ, sẵn sàng đón nhận hy sinh về mình vì quê hương đất nước của anh.
      Khi bước vào quân ngũ anh vẫn chưa đến tuổi mười tám. Từ mái trường ra thẳng chiến trường, cũng như bao đồng chí, đồng đội khác, anh đã chọn con đường đi đúng đắn. Biết rằng có thể sẽ hy sinh mất mát thiệt thòi rất nhiều, nhưng anh vẫn tự tin ra đi, lòng nhẹ nhõm với lời dặn của người cha là một thương binh chống Pháp hạng nặng (sau này là Liệt sỹ), “Con đi dù gian khổ ác liệt đến đâu cũng không được bỏ ngũ, không được làm hoen ố truyền thống cách mạng của đại gia đình ta” cùng với mong ước của người mẹ kính yêu: “ Con ra đi gắng giữ gìn sức khỏe, cố gắng theo kịp anh em bạn bầu”... Anh thanh niên Vương Khả Sơn chưa đầy mười tám tuổi đã phải lãnh nhận một sứ mệnh hết sức lớn lao trong một điều kiện, hoàn cảnh vô cùng khó khăn phức tạp, phải đối mặt với bao thử thách hy sinh. Nơi đó là lằn ranh giữa sự sống và cái chết, giữa cao cả và thấp hèn, giữa dũng cảm và hèn nhát… hết sức mong manh. Anh phải vượt qua những thử thách nghiệt ngã, chết người bằng nghị lực, trí não và cả sự may mắn.
          Đọc “Ký ức chiến tranh” tôi tự hỏi: sức mạnh vật chất nào ở con người bé nhỏ, khiêm nhường kia đang lặng lẽ sống để anh đi qua suốt cuộc chiến tranh với những thử thách ghê gớm như thế? Sức mạnh nào giúp anh chiến thắng chính anh và hoàn cảnh. Tôi cũng đã từng là lính trinh sát, từng chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, có lẽ còn ác liệt hơn so với chiến trường Đông Nam bộ, nên tôi rất hiểu nỗi gian lao vất vả của người lính, sự hy sinh cao cả của người lính trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Cũng qua những trang viết được trải nghiệm bằng chính máu xương của tác giả, người đọc còn có thể cảm nhận được sự trân trọng, tri ân của tác giả với đồng đội; những day dứt, trăn trở khi hài cốt những đồng đội đã hy sinh, nằm lại nơi các chiến trường đến nay vẫn chưa tìm thấy…Chân dung người lính qua “Ký ức chiến tranh” còn được hiện ra với một vẻ đẹp cao thượng, đầy vị tha, thấm đẫm chất nhân văn của người Việt Nam. Đó là câu chuyện về viên sỹ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà bị thương nặng, trong phút lâm nguy và tuyệt vọng đã được một chiến sỹ Quân giải phóng băng bó rồi phóng thích tại trận. Viên sỹ quan bị thương đó là Chuẩn úy Nguyễn Văn Hoành, đại đội phó đại đội 3, tiểu đoàn 3 “Thủy quân lục chiến”, quê ở Kiến Hoà, (Bến Tre), người băng bó vết thương cho anh ta là Vương Khả Sơn, chiến sỹ  Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn  271, Quân giải phóng Miền Đông Nam Bộ - tác giả của cuốn hồi ký  “Ký ức chiến tranh”. Chuyện Chuẩn úy Nguyễn Văn Hoành được Vương Khả Sơn băng bó rồi tha mạng đã được lan truyền nhanh chóng trong hàng ngũ binh lính “Thủy quân lục chiến” Quân lực Việt Nam Cộng lúc đó, qua lời kể của các đồng đội cùng đơn vị với Nguyễn Văn Hoành: “Ông Hoành thật lớn phước, bị thương nặng nhưng đã được một ông “Việt Cộng” nào đó băng bó vết thương rồi tha mạng”. Đó là một trong nhiều những mẩu chuyện trong ”Ký ức chiến tranh”. Nó đã nói lên vẻ đẹp nhân văn, cao thượng của người chiến sỹ cách mạng.
“Ký ức chiến tranh” là một tác phẩm tự sự viết về chiến tranh. Những hồi ức chiến tranh được tái hiện bằng lối viết giản dị, sinh động, chân thực khách quan. Đặc biệt người viết  phải có một kiến thức phong phú về quân sự, chính trị, địa lý, lịch sử và cả văn chương, mặc dù anh chỉ là người lính “trơn” đúng nghĩa.... Cuốn hồi ký bề bộn tư liệu, nhưng trong từng trang viết, những người lính, những trận đánh được mô tả cụ thể, chi tiết. Qua cuốn hồi ký ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của những chàng lính trẻ, khi hồn nhiên, lãng mạn, khi day dứt suy tư và cả những cảm xúc riêng tư rất con người.
        Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng “Ký ức anh chiến tranh” chỉ có những người lính có trái tim bằng thép; chỉ có hy sinh, chết chóc và đổ nát; hay bằng ý chí, nghị lực phi thường, họ vượt qua tất cả để làm nên chiến thắng vẻ vang, mà ở họ còn có một tâm hồn lãng mạn, một tình yêu lứa đôi khát khao, cháy bỏng. Tình yêu của người lính trong chiến tranh được tác giả tái hiện qua những mẩu chuyện cảm động. Tiêu biểu là tình yêu của tác giả với người con gái miền sông nước Long An. Đó là tình yêu giữa anh Giải phóng quân với cô nữ sinh lớp 12 có tên Lệ Thuỷ. Tình yêu trong sáng như pha lê ấy được nảy nở từ tình quân dân cá nước, từ sự quan tâm giúp đỡ bộ đội Giải phóng trong chiến đấu. Họ đã để lại cho nhau những kỷ niệm lãng mạn, đẹp đến thánh thiện và theo suốt cả cuộc đời. Không phải ngẫu nhiên mà sau này khi sinh hạ người con gái đầu lòng anh bàn với vợ đặt tên con bằng “cái tên mà anh yêu, anh quý năm nào” là Lệ Thuỷ! Bởi anh muốn giữ lại bao kỷ niệm của một thời chinh chiến với một tình yêu đẹp. Nói đến chiến tranh là nói đến sự khốc liệt, mất mát, đau khổ, hy sinh, còn khi nói đến tình yêu ta nghĩ tới sự êm dịu, ngọt ngào hạnh, hạnh phúc. Tưởng như chiến tranh và tình yêu luôn đối lập nhau, trái ngược nhau, không khi nào đứng cạnh nhau, cùng tồn tại. Nhưng chiến tranh bên cạnh những đổ nát, hoang tàn mất mát còn là nơi để con người dựa vào nhau, khám phá ra nhau, phát hiện ra vẻ đẹp tâm hồn, để dành tình cảm cho nhau. Trong chiến tranh tình yêu luôn xuất hiện như một liều thuốc làm dịu những cơn đau, hóa giải những bạo lục, làm giảm bớt nỗi đau của sự hy sinh và mất mát mà con người phải gánh chịu. Tất cả những điều đó đã được tác giả đã khéo léo đưa vào những trang viết của mình một cách rất tự nhiên, sinh động và chân thực, gần gũi với mọi người.


Tác giả Vương Khả Sơn tặng sách cho Đại tá Nguyễn Trọng Thắng

        Cám ơn Vương Khả Sơn đã nói hộ những người lính chúng tôi tất cả những điều mà chúng tôi chưa nói được, hoặc chưa có điều kiện nói hết được. Đó là những tâm tư tình cảm, những kỷ niệm đẹp của người lính trong cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng đất nước. bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.
Đối với cuộc đời mỗi người lính chúng tôi, những kỷ niệm ấy vẫn luôn được khắc ghi trong tâm trí. Những gì còn lại không hề mất đi mà đã trở thành những câu chuyện, những món ăn tinh thần quý giá giúp cho mỗi chúng tôi vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên làm tròn nghĩa vụ của mình đối với gia đình và xã hội trong suốt những năm sau ngày đất nước giải phóng đến hôm nay. Nó không chỉ là kỷ niệm gắn bó máu thịt một thời cầm súng của chúng tôi trong quá khứ và cuộc sống hôm nay mà còn rất cần cho công việc tuyên truyền giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu mai sau.

                                                                                                 N.T.T

. . . . .
Loading the player...