08-03-2019 - 15:09

Thơ chọn lời bình “Những phút xao lòng”

Quốc tế Phụ Nữ 8/3 là ngày những người phụ nữ trên thế giới được cả nhân loại tôn vinh. Nhân ngày lễ đặc biệt này, Văn nghệ Hà tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ “ Những phút xao lòng” của nhà thơ Thuận Hữu qua lời bình của tác giả Nguyễn Ngọc Phú.

NHỮNG PHÚT XAO LÒNG

                                          Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
                                         (Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
                                          Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
                                          Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng
                                          Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
                                          Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
                                          Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được
                                          Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn
                                          Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
                                          Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
                                          Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như tiếc nuối
                                          Mình cũng chắng nói ra vì sợ vợ buồn
                                          Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
                                          Và cảm thấy mình như người có lỗi
                                          ( Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
                                          Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)
                                           Mà có trách chi những phút xao lòng
                                           Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
                                           Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
                                           Đừng có trách chi những phút xao lòng!


                                                                                                             Thuận Hữu

 

 Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ

 

Lời bình:
            
            Có lẽ sức truyền cảm của bài thơ chính là cái "giọng". Một giọng điệu tâm tình, rủ rỉ; một lối nói nhiều đồng cảm và chia sẻ với đại từ nhân xưng "mình" thật hợp lí. Ở đó nhà thơ có cơ hội bộc bạch một chút tự vấn, một chút tự thú  thật chân thành và tin cậy. Với "Những phút xao lòng" nếu không có lối nói ấy thì dễ sa vào lối tự biện, giáo huấn, sự cảm thông sẽ hạn chế đi nhiều. Viết về những tình huống tình cảm này thật khó, cứ như người làm xiếc đi chênh vênh trên dây. Cái sự thăng bằng nhất làm điểm tựa chính là nhờ ở cái lối nói hơi "vòng vo" cũng là một đặc trưng đáng yêu của người Việt ngỡ như tưng tửng này lại là một vòng tròn đồng tâm để chạm vào cái lõi hạt nhân cơ bản: "Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ - ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ - Đừng có trách chi những phút xao lòng". Để có được những " đáp án"  bất ngờ tâm trạng ấy nhà thơ đã đưa ra nhiều dự đoán: "Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu". "Cách lập trình" như thế là hợp lí bởi tứ của bài thơ chính là sự vận động cảm xúc của tác giả. Ở đây nhà thơ phát hiện thật tinh tế, một sự thú nhận rất hồn nhiên đầy tính thuyết phục: "Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được" cũng như "Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được". Đây là một sự thật phổ biến ta đã từng trải qua, đã từng chứng kiến. Vì thế khi đọc "Những phút xao lòng" của nhà thơ Thuận Hữu người đọc dễ được chia sẻ, được cảm thông, được đồng điệu. Đó chính là sự bí mật, bí ẩn diệu kì của thơ khó mà "giải mã". Và chính sức lay đọng của thi ca cũng bắt đầu từ tâm hồn của một người đến với mọi người. Những năng lượng tinh thần khi được "giải tỏa" sẽ có sự cộng hưởng bắt đầu từ những vòng sóng  giao thoa của "Những phút xao lòng". Tính nhân văn cao cả của tứ thơ được tập trung cô đọng ở ứng xử bất ngờ mà có sức lan tỏa lay thức: "Sau những lần nghỉ đâu đâu mình thương vợ mình hơn - Và cảm thông mình như người có lỗi - ( Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói - Cô ấy cũng thương mình và chăm chút mình hơn) ". Tôi rất thích cái định tính thời gian: "Những phút" và định lượng của tâm trạng: " Xao lòng". Tất cả đều ở mức độ ở cái "ngưỡng" giới hạn cân bằng vừa phải hợp với cái "tạng" của người viết - một nhà báo tài hoa rất cẩn trọng nhưng cũng có những phút giây thăng hoa thật thi sĩ hết mình. Cái chất thi sĩ nằm ở phía sau sự xao động của những con chữ thật bình dị mà ấm nóng tình người. Thơ hay cũng bắt đầu từ đó. Ở đây tác giả quên mình đang làm thơ mà chính là đang "nhập" vào thơ và nhờ thơ chuyển tải một thông điệp: Trong cuộc sống không có gì là hoàn hảo, và tình yêu chính là tìm đến cái "nửa" của người kia bù đắp lại cho mình để hoàn thiện mình. Đó cũng chính là qui luật của tạo hóa. Nhà thơ Hữu Thỉnh thật có lí khi quan niệm: " Thơ chính là kinh nghiệm sống" Với "Những phút xao lòng" nhà thơ Thuận Hữu đã đưa đến cho người đọc một sự nhẩn nha "sống chậm thời @" để thanh lọc, để đối diện với mình khao khát sẻ chia. "Những phút xao lòng" chính là cân bằng tĩnh tại tâm thế con người trước một tốc độ đời sống chóng mặt xô bồ như hiện nay...

Nguyễn Ngọc Phú
                                 


                
 

. . . . .
Loading the player...