16-10-2021 - 11:27

Thơ chọn lời bình: Buổi sáng mùa thu

Trong bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, đối với nhiều người yêu vẻ đẹp cổ điển và lãng mạn thì Thu là mùa đẹp nhất trong năm cùng sắc vàng rực rỡ của lá cây, của ánh nắng, của hoa hòa cùng hương thơm đồng nội. Văn Nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Buổi sáng mùa thu của nhà thơ Nguyễn Thị Hạnh Loan qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

Sương lam như mờ khói
Nắng ngả vàng sắc tơ
Quả na tròn xoe mắt
Vườn thức tự bao giờ

Chùm quả bàng chín dậy
Vàng treo trên cành cây
Ồ! Có hương ổi chín
Thơm cả làn gió bay

Từng bước chân nhè nhẹ
Em đi ra thăm vườn
Hôm qua cúc là nụ
Giờ hoa xòe vàng ươm

Lắng tai nghe trong gió
Rạo rực bước thu về
Cả đất trời thổn thức
Ngỡ mình còn ngủ mê

Con chim gì thánh thót
Mà hồng chín xòe tai
Trên cành cao trái thị
Lừng hương thơm nắng mai

Ôi! Buổi sáng mùa thu
Quê hương em đẹp quá
Đất và trời êm ả
Trong vắt màu trẻ thơ.
                                                                           
                            Nguyễn Thị Hạnh Loan


   LỜI BÌNH


     Mùa Thu là đề tài muôn thuở của các nhà thơ từ xưa đến nay. Những bài thơ viết về mùa Thu như Thu điếu, Thu vịnh, Thu ẩm của Nguyễn Khuyến, Cây bàng cuối Thu của Nguyễn Bính hay bài thơ Tiếng Thu của nhà thơ Lưu Trọng Lư là những bài thơ hay nổi tiếng sống mãi với thời gian. Tiếp nối với mạch thơ Thu của các bậc tài danh tiền bối, tác giả Nguyễn Thị Hạnh Loan đã viết tặng bạn đọc nhỏ tuổi bài thơ “Buổi sáng mùa Thu” khi còn ở lứa tuổi học trò (1990).
     Bài thơ gồm sáu khổ thơ năm chữ gói trọn cảnh sắc vườn quê độ Thu về. Bài thơ như em viết:“Trong vắt màu trẻ thơ” hay nói theo cách khác đó là cách nhìn, cách cảm nhận mùa Thu dưới con mắt con trẻ.
     Cảm nhận đầu tiên của Hạnh Loan đối với cảnh sắc thiên nhiên khi mùa Thu đến đó là: 
                                                “Sương lam mờ như khói
                                                 Nắng ngả vàng sắc tơ.”

Khi cái nắng nồng của mùa hạ đã qua đi. Mỗi sáng mai thức dậy, nơi cuối vườn, ta thấy lãng đãng chút sương bay. Trên ngọn tre trước nhà, vạt nắng vàng tơ đã vắt ngang như dải lụa. “Sương” và “nắng vàng tơ” là những hiện tượng của thời tiết, của thiên nhiên báo hiệu một mùa Thu mới đã về. Nó cũng là hình ảnh đặc trưng của mùa Thu mà trong thực tế ta  từng bắt gặp, từng trải qua. Khi vừa bước chân ra vườn Hạnh Loan đã ngỡ ngàng kêu lên bồi hồi xúc động: “Vườn thức tự bao giờ” và cạnh đó “quả na” một loài quả đặc trưng của mùa Thu cũng đã mở “tròn xoe mắt” chờ đợi ở đó từ lâu như câu ngạn ngữ trong dân gian thường nói: “Mùa nào quả nấy”. Ở khổ thơ này Hạnh Loan đã vận dụng ngôn ngữ riêng có với trái tim ngập đầy cảm xúc của mình vẽ nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp để nó lắng sâu trong tâm thức người đọc. Nó hóa thành sợi dây vô hình neo buộc hồn người với mảnh vườn quê yêu dấu.
      Khi vườn thu đã thức dậy bao nhiêu điều mới lạ cũng ùa về. Bông cúc mới hôm qua còn đơm nụ thì sáng nay đã xòe hoa:
                                                    “Hôm qua cúc là nụ
                                                     Giờ hoa xòe vàng ươm.” 

Cả mùi hương riêng có của mùa thu cũng thơm lừng gửi theo làn gió: 
                                                    “Ồ! Có hương ổi chín
                                                     Thơm cả làn gió bay.”

 Trước cảnh trí nên thơ của buổi đầu Thu đó, Hạnh Loan bước đi thật nhẹ nhàng, thật im lặng cố níu giữ lấy giây phút thiêng liêng đó, để tận hưởng nó:
                                                     “Lắng tai nghe trong gió
                                                       Rạo rực bước thu về.” 

 Em cảm nhận được phút giây giao hòa của trời đất và thốt lên thành lời: 
                                                     “Cả đất trời thổn thức
                                                       Ngỡ mình còn ngủ mê…”

      Em thổn thức với hương ổi thơm với bông cúc vàng mới nở, với quả na vừa mở mắt trong vườn và cả ngoài ngã ba đường kia từng chùm quả bàng đang chín dậy... 
      Trong cái nắng vàng tơ của buổi sáng đầu Thu đó cũng báo hiệu một mùa thị chín. Những quả thị buổi đầu hạ còn xanh giờ đã chín vàng như sắc nắng, hương đưa ngào ngạt vườn quê:
                                                     “Trên cành cao trái thị
                                                       Lừng hương thơm nắng mai” 

Mùa thu (Tranh: BT Painting)

     Ở lứa tuổi đuổi bướm bắt chim cô học trò nhỏ Hạnh Loan đã có những quan sát tinh tế, những kiến thức quý báu của người nông dân chuyên trồng cây ăn quả để nhận biết quả hồng bao gồm cả hồng xiêm, hồng trứng, hồng xanh lúc sắp chín đều xòe tai (tức là phần nối giữa quả và cuống xòe ra) để thể hiện vào câu thơ của mình một cách tài tình, ấn tượng nhất. Chúng ta hãy suy nghĩ xem chim gọi mùa hồng chín hay quả hồng chín mời gọi bầy chim đến vườn. Hạnh Loan đã viết nên hai câu thơ hay, sống động, khơi gợi và lắng đọng trong tâm trí người đọc: 
                                                     “Con chim gì thảnh thót
                                                       Mà hồng chín xòe tai”

      Ngược lại với những bài thơ viết về mùa Thu thường buồn thảm và day dứt lòng người của các nhà thơ thế hệ trước, bài thơ Buổi sáng mùa Thu là một bài thơ tươi sáng viết thành công về cảnh trí vườn quê vào độ Thu sang. Nó ngập tràn cảm xúc, những chiêm nghiệm sống, thánh thiện và trong vắt như tâm hồn trẻ thơ. Bài thơ lung linh như một bức tranh phong cảnh quê hương của một họa sĩ tài năng vẽ ra nó để tự nó lắng sâu trong tâm thức người đọc. Như cô bé Hạnh Loan ngày nào đã viết: 
                                                     “ Ôi! Buổi sáng mùa Thu
                                                       Quê hương em đẹp quá
                                                        Đất và trời êm ả
                                                       Trong vắt màu trẻ thơ.”

 

 (1)- Trong mục giới thiệu thơ Hạnh Loan trang Văn Học Nghệ Thuật Hà Tĩnh điện tử
16-8-2017


 

. . . . .
Loading the player...