Từ xưa đến nay, thầy cô giáo luôn là người tiếp lửa, ươm mầm những ước mơ, thành công của biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ Gặp cô giáo cũ của tác giả Đặng Hoàng Anh qua lời bình của Nhà thơ Nguyễn Văn Thanh.
GẶP CÔ GIÁO CŨ
Giải C chùm thơ cuộc thi Viết- Vẽ
Tuổi học trò lần thứ V
Tình cờ con gặp lại cô
Một chiều thu giữa chuyến đò người đông
Ngỡ ngàng cô ngước mắt trông
Là con ư ? Phải con không? đúng rồi!
Mười năm rồi nhỉ cô ơi
Con đây, con bé cái thời mầm non
Ngày ngày lớp học đầu thôn
“Y dài”,”I ngắn”, “O tròn” bập môi
Nhẹ nhàng cô uốn từng lời,
Tiếng ca ngọng nghịu, tiếng cười hồn nhiên…
Trong con giờ vẫn vẹn nguyên
Dáng hình cô, dáng mẹ hiền như xưa
Chòng chành đò đã cập bờ
Bàn tay con nắm tay cô chẳng rời…
Đặng Hoàng Oanh
LỜI BÌNH
Sáng nay ra đường tôi bắt gặp một đoàn cựu học sinh về thăm trường cũ, về nhà lật vài trang cuốn sách “Ngày nắng lên” bất ngờ tôi bắt gặp bài thơ “Gặp cô giáo cũ” được em Đặng Hoàng Oanh viết ra cách đây mười sáu năm ( năm 2002-2018). Ôi! Sao mà trùng hợp vậy. Hồi đó Đặng Hoàng Oanh mới là cô học sinh lớp 11 Văn trường Trung học phổ thông chuyên Hà Tĩnh. Bài thơ nằm trong chùm bài đạt giải C của cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ Năm của em. Với những câu thơ lục bát nhuần nhuyễn em đã chuyển tải thành công những kỷ niệm ngọt ngào thời còn đi học mầm non giữa em với cô giáo cũ sau một lần gặp lại.
Và buổi gặp gỡ đó được em kể cho bạn đọc nghe bắt đầu với hai câu thơ:
“Tình cờ em gặp lại cô
Một chiều thu giữa chuyến đò người đông.”
Nếu đọc lướt qua hai câu thơ trên ta cứ tưởng hai người gặp lại nhau bình thường như muôn vàn câu chuyện xảy ra trên trái đất này, nhưng nếu chậm rãi suy nghĩ kĩ ta chợt nhận ra tình cảm của em dành cho cô giáo cũ cực kì sâu đậm. Hình ảnh của cô giáo dạy dỗ em trong buổi học đầu đời đó mãi mãi không phai mờ. Minh chứng cho nhận xét đó là “giữa chuyến đò người đông” em vẫn nhận ra cô giáo cũ của mình từ thời còn học mầm non và tìm đến bên cô nghĩa là khi cô, trò sống xa cách nhau đã gần mười năm trời. Không gian và thời gian ở đây nằm trong trường liên tưởng quen thuộc đối với chủ đề thơ về mái trường. Tình cảm người thầy, người giáo viên được ví như người chở đò, chở học sinh của mình cập bến bờ hạnh phúc. Thời gian mùa thu cũng là thời gian khởi đầu năm học mới, mùa của rất nhiều kỷ niệm đến trường. Ngày của những cô bé cậu bé bỡ ngỡ với ngày tựu trường đầu tiên. Cái hay ở đây là tác giả đã thổi hồn vào câu chuyện với khoảng không gian thời gian ngắn ngủi ấy một cách ý nhị để người đọc tự nghĩ suy. Bài thơ Gặp lại cô giáo cũ từng câu từng chữ tràn ngập niềm xúc cảm dâng trào xao xuyến bởi trong em :
“…giờ vẫn vẹn nguyên
Dáng hình cô, dáng mẹ hiền như xưa.”
Em bồi hồi xúc động, câu thơ như nghẹn lại khi cô giáo cũng nhận ra cô học trò nhỏ ngày nào:
“Ngỡ ngàng cô ngước mắt trông
Là con ư? Phải con không? Đúng rồi!.
Em thảng thốt nói không nên lời, âm điệu câu thơ như cũng chùng xuống theo tâm trạng bồi hồi xúc động của em. Ta hình dung lúc này Đặng Hoàng Oanh như đang thầm nói từng lời, tiếng nói thốt ra chỉ đủ cho trái tim bé bỏng đang đập loạn nhịp của em cảm nhận được nó mà thôi: “Con đây cô bé từ thời mầm non”. Hình như em đang sợ cái sự thật bất ngờ được gặp lại cô giáo cũ phút giây hạnh phúc đó tan biến đi mất.
Cô giáo của em ( Tranh: Sưu tầm)
Với các em học sinh mầm non thì cô giáo cũng là người mẹ hiền thứ hai nên cách xưng hô của cô trò Đặng Hoàng Giang cũng thật hợp lí khi vận dụng ngôn ngữ để nói lên biểu cảm của mình, em sử dụng từ “con” thay cho từ “em” mà ta vẫn quen dùng không có gì khiên cưỡng.
Cô học sinh lớp 11 Đặng Hoàng Oanh bồi hồi thả hồn mình tìm về thời thơ ấu với:
“Ngày ngày lớp học đầu thôn
“Y dài” “I ngắn” “O tròn” bập môi”.
Những hình ảnh quen thuộc của cô giáo mầm non dạy dỗ em ngày nào đã khắc sâu vào tiềm thức. Cả cô trò đều “bập môi” để phát âm sao cho đúng những từ đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Việt:
“Nhẹ nhàng cô uốn từng lời
Tiếng ca ngọng ngịu, tiếng cười hồn nhiên.”
Có muôn vàn cách để diễn tả khi mình ở độ tuổi lên ba hay lên năm nhưng “bập môi” và "tiếng ca ngọng ngịu” thì quả không còn từ ngữ nào hay hơn và chính xác hơn cách dùng của Đặng Hoàng Oanh. Em đã khai thác đến tận cùng cái đẹp, cái hay trong từ ngữ tiếng Việt lựa chọn và vận dụng nó đưa nó vào thi ca để viết nên những câu thơ hay nhất.
Nói như Trịnh Thanh Sơn “Ngôn ngữ là nguyên liệu duy nhất của nghệ thuật văn chương, trong đó ngôn ngữ thơ là đỉnh cao của sự chắt lọc, tinh khiết và có vẻ đẹp quyến rũ lạ thường.” Em Đặng Hoàng Giang đã làm được điều ấy khi đang ở lứa tuổi học trò với bài thơ “Gặp cô giáo cũ”.
13-11-2019
Nguyễn Văn Thanh