14-11-2019 - 00:39

Thơ chọn và lời bình: Quê hương

“Quê hương mỗi người chỉ một” như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết trong bài thơ thiếu nhi “Quê hương” của ông. Quê hương hai tiếng thiêng liêng, mỗi người chúng ta ai cũng có trong lòng nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn theo cảm nhận của riêng mình. Bạn Nguyễn Thanh Hải lớp Văn K9 trường Phổ thông Trung học Năng Khiếu Hà Tĩnh những năm thơ ấu phải sống xa nhà cũng vậy. Những đêm không ngủ em trăn trở trong lòng với nỗi nhớ quê hương khôn nguôi. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài thơ "Quê hương" qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

QUÊ HƯƠNG

 

Cho em cánh diều mùa hạ

Chở đầy tiếng sáo ước mơ

Cho em từng con đường nhỏ

Bóng chiều hun hút bờ tre

 

Cho em mái rạ đồng quê

Tháng năm khói chiều yên ả

Cho em chân trần gốc rạ

Tuổi thơ nắng cháy mái đầu

 

Cho em một mình đêm sâu

Nghĩ về quê hương lam lũ

Cho em cả thời xưa cũ

Suốt đời đâu dễ gì quên…

Nguyễn Thanh Hải (Văn K9 PTTH NK Tỉnh - Giải Nhì cuộc thi Viết – Vẽ tuổi học trò lần IV)

Cánh diều tuổi thơ - Ảnh: Nguyễn Ánh Dương

LỜI BÌNH:

        “Quê hương mỗi người chỉ một” như nhà thơ Đỗ Trung Quân đã từng viết trong bài thơ thiếu nhi “Quê hương” của ông. Quê hương hai tiếng thiêng liêng, mỗi người chúng ta ai cũng có trong lòng nỗi nhớ nơi chôn rau cắt rốn theo cảm nhận của riêng mình. Bạn Nguyễn Thanh Hải lớp Văn K9 trường Phổ thông Trung học Năng Khiếu Hà Tĩnh những năm thơ ấu phải sống xa nhà cũng vậy. Những đêm không ngủ em trăn trở trong lòng với nỗi nhớ quê hương khôn nguôi.

         “Cho em cánh diều mùa hạ/ Chở đầy tiếng sáo ước mơ.” Em thầm nhủ với lòng mình như vậy và lật mở từng trang kí ức tìm về với những kĩ niệm ngày xưa. Ôi! cánh đồng mùa hạ những ngày nghĩ hè nắng cháy mãi không bao giờ phai mờ trong em. “ Cho em chân trần gốc rạ/ Tuổi thơ nắng cháy mái đầu” Ở đó trên cánh đồng quê lúa vừa mới gặt xong, gốc rạ phơi lởm chởm đàn trẻ không mũ nón cùng nhau cầm chặt dây diều ào ào chạy ngược chiều gió thổi. Và khi cánh diều bay bỗng tận trời cao chúng lại chụm đầu cùng nhau đội nắng lắng nghe tiếng sáo diều dìu dặt vang ngân. Tiếng sáo diều luôn trỗi dậy trong tiềm thức Nguyễn Thanh Hải nỗi khát vọng bay cao bay xa. Nó cũng là biểu tượng của một miền quê yên ả thanh bình ở đó em đã có những ngày hè tuyệt đẹp trước khi Nguyễn Thanh Hải về thành phố để theo học lớp Chuyên Văn. Từng con đường nhỏ, từng rặng tre làng luôn canh cánh trong lòng để những đêm không ngủ em lại thổn thức thốt lên: “ Cho em từng con đường nhỏ/ Bóng chiều hun hút bờ tre.” Tính từ “hun hút” trong câu thơ được dùng để chỉ mức độ của bờ tre và con đường nhỏ dưới bóng chiều chênh chếch khi mặt trời gần gác núi  như sâu thẳm và kéo dài vô tận. Độ dài của bờ tre của con đường hay đó cũng chính là độ sâu lắng của nỗi nhớ trong em.

        Ai cũng ấp ủ trong lòng mình  một miền quê để nhớ. Nơi ấy những chiều về khói bạc vờn trên “mái rạ đồng quê” Hình ảnh đậm nét của làng quê Việt Nam ở thế kĩ trước thời mà nhà nhà chưa có mái ngói,chưa có bếp ga, bếp điện luôn ám ảnh và khắc khoải trong trái tim của cậu bé lần đầu phải sống xa quê. Đó là hình ảnh “một thời xưa cũ” của quê hương trải bao sóng gió thăng trầm vẫn vẹn nguyên trong trái tim non nớt của lứa tuổi học trò. Em luôn “nhớ về quê hương lam lũ” nơi mẹ cha em đang phải gồng mình trong cuộc mưu sinh để nuôi em ăn học với khát vọng đổi đời.

        Bài thơ “Quê hương” vẻn vẹn có ba khổ thơ sáu chữ nhưng nó cũng đủ để cậu học trò nhỏ Nguyễn Thanh Hải vận dụng ngôn ngữ thơ khắc họa và chuyển tải đến bạn đọc đầy đủ tâm trạng của một người đi xa khi nghĩ về quê hương của mình. Đó là những năm tháng tuổi thơ với bao nhiêu kỉ niệm đẹp vẫn luôn ấp ủ và mãi vẹn nguyên trong trái tim mỗi người. Bài thơ của một cây bút nhí với chùm thơ đạt giải Nhì trong cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ IV khiến chúng ta nuôi hy vọng sau này nếu đam mê em sẽ trở thành người cầm bút có tên tuổi trong làng văn học Thiếu nhi tỉnh nhà.

N.V.T

 

. . . . .
Loading the player...