21-02-2018 - 15:31

Thơ thiếu nhi chọn lời bình: Mùa xuân và em

Vậy là một mùa xuân nữa lại về, cái se lạnh cuối năm đã hòa vào niềm vui sum họp của mọi gia đình. Đây là mùa của đất trời giao hòa, mùa của hy vọng và ước mơ, mùa của mùa màng no ấm và đoàn viên. Chúng ta hãy cùng cảm nhận bài thơ " Mùa xuân và em" của Nguyễn Thị Hạnh Loan qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

                          MÙA XUÂN VÀ EM

                 Giải Nhì cuộc thi thơ Viết – Vẽ tuổi học trò

                           Lần thứ I -1992


 

Tiếng thở nào rất khẽ                   
Bồi hồi những mầm cây                
Nụ đào đang hé nụ                       
Mùa xuân vừa qua đây                  

Có tiếng chim rất mảnh                 
Như sợi tơ ngang trời                    
Làn gió xuân thổi nhẹ                   
Căng tưởng chừng đứt đôi             

Nghe hơi mưa dìu dịu                            
Êm êm trên lá mềm                               
Như hạt châu bé xíu
Đậu khẽ lòng tay em

Và xôn xao trong gió
Xuân về trên môi em
Em thầm thì gọi nhỏ
Ôi tuổi đời thần tiên

Sao ngẩn ngơ hoài vậy
Hỡi cô bé thân yêu
Tại mùa xuân đến sớm
Trong mắt nhìn trong veo…

                                                               Nguyễn Thị Hạnh Loan
                                                               Lớp 11 – PTNK Hà Tĩnh

 

LỜI BÌNH

 

     Mùa xuân là mùa đẹp nhất với muôn loài trong một năm và cũng là mùa của thi, ca, nhạc, họa. Với cô bé Nguyễn Thị Hạnh Loan học sinh lớp 11 trường phổ thông năng khiếu Hà Tĩnh ngày nào cũng không là ngoại lệ. Em đã viết thành công bài thơ “Mùa xuân và em” trong chùm thơ được giải Nhì của cuộc thi Viết- Vẽ tuổi học trò lần thứ Nhất. Và giờ đây tôi lại được đọc bài thơ đó một lần nữa trong tập thơ “Khoảng trời sau cửa sổ “ của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Hạnh Loan viết cho thiếu nhi vừa mới xuất bản đầu năm 2017. Hiện nay chị công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Tĩnh. Theo tôi đây là bài thơ hay của lứa tuổi học trò viết về mùa xuân trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Bài thơ với năm khổ thơ năm chữ như một dấu ấn đậm nét trong tôi không phai mờ để hôm nay tôi lại cùng bạn đọc và các cháu thiếu nhi có dịp tuần tự đọc lại từng câu, từng chữ trong từng khổ thơ một.

 

Mùa xuân là mùa đẹp nhất  trong năm ( Ảnh: Hoàng Thuyên)

 

      “Tiếng thở nào rất khẽ / Bồi hồi những mầm cây.” Cô bé tuổi mới lớn lòng rung cảm khi đứng trước khu vườn vào một buổi sáng mùa xuân khi em vừa thức dậy, mở ra không gian của những suy tưởng, với những linh cảm đặc biệt. Cả khu vườn tĩnh lặng như một bức tranh phong cảnh. Hòa vào không gian tĩnh lặng đến vô cùng đó, em như cảm nhận được tiếng nẩy mầm tí tách, cảm nhận được từng hơi thở mơ hồ của cây vườn đang bồi hồi xúc động trong vòng tay ấm áp của mùa xuân. Và khi tận mắt nhìn thấy: “Nụ đào đang hé nụ” , em khẳng định chắc chắn rằng “mùa xuân vừa qua đây.”  Bởi chỉ có mùa xuân mới làm cho nụ đào “hé nụ”, làm cho vườn cây “bồi hồi” xúc động.

      Trong buổi sáng thần tiên đó, giữa không gian tĩnh lặng như tờ em chợt nhận ra: “Có tiếng chim rất mảnh/ Như sợi tơ ngang trời.” Nhiều loài chim không chịu được cái lạnh, sau ba tháng di trú tránh mùa đông giá rét đã trở lại trên mảnh vườn xưa. Tiếng chim của ngày đầu xuân hiếm hoi, âm thanh của nó phát ra nhẹ như hơi thở, chỉ với một Làn gió xuân thổi nhẹ cũng “… tưởng chừng đứt đôi.” Tiếng chim nhỏ đến nỗi chỉ cần một làn gió xuân thổi nhẹ cũng đứt. Ta hình dung ra làn âm thanh đó trong vắt mỏng tanh  chẵng khác gì một sợi tơ nhện vắt ngang trời.  Đọc đến đây tôi lại liên tưởng đến hai câu thơ xuất thần của nhà thơ Trần Đăng Khoa thời còn bé trong bài “Đêm Côn sơn”được viết ra váo năm 1968: “Ngoài vườn rơi cái lá đa / Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” Âm thanh  phát ra từ tiếng chim buổi sáng đầu xuân của em học sinh lớp 11 Nguyễn Thị Hạnh Loan trong bài thơ“Mùa xuân và em”ra đời sau đó hai mươi bốn năm (1992 ) và tiếng rơi của“chiếc lá đa” của cậu bé Trần Đăng Khoa ngày nào như hai tâm hồn đồng điệu cùng chung một kĩ năng diễn đạt tinh tế, nói như nhà lì luận phê bình Lê Thành Nghị “…tất cả được biểu hiện bằng thứ ngôn ngữ giàu cảm giác, gieo vào lòng người đọc những vết khắc của âm thanh mà khi đọc lên, những rung ngân như được cộng hưởng…” Nguyễn Thị Hạnh Loan đã làm được điều kì diệu ấy trong câu thơ của mình.

 

Mùa xuân và em (Ảnh : Hoàng Thuyên)

 

     Ở lứa tuổi mộng mơ, với trái tim đa cảm trước mùa xuân, em như “ngẩn ngơ” với bao nhiêu câu hỏi luôn xuất hiện khi bắt gặp hiện tượng thay đổi của thời tiết từ mùa đông sang mùa xuân: “Nghe hơi mưa dìu dịu/ Êm êm trên lá mềm? Như hạt châu bé xíu/ Đậu khẽ lòng tay em.”Cảm nhận đầu tiên của em về hạt mưa bụi mùa xuân thật ấm áp. Nó chỉ là “hơi” mưa, đó chỉ là một làn sương mù cực mỏng chứa đầy hơi nước thoảng qua chưa kịp hình thành hạt mưa dưới tiết trời ấm áp nên thật dễ chịu. Và khi em ngữa lòng bàn tay của mình lên, làn hơi nước ấy nhẹ nhàng đậu lại ánh lên như những hạt kim cương bé xíu. Có phải em đã lớn? em thầm tự hỏi và mỉm cười với chính mình. Khi cả cõi lòng đang vui, đang phấn khích đến tột cùng trước mùa xuân, ngọn bút của em như hòa chung với niềm xúc cảm của thi sĩ Nguyễn Bính ngày nào. Ông từng viết về hạt mưa xuân khi người con gái đang đến nơi hò hẹn lòng ngập tràn hi vọng thì hạt mưa xuân chẵng có gì đáng ngại: “mưa bụi nên em không ướt áo”huống chi là “hơi” mưa ở “tuổi đời thần tiên”

     “Và xôn xao trong gió/ Xuân về trên môi em...” Trước mùa xuân, cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Hạnh Loan lòng ngập tràn niềm xúc cảm dâng trào, với trái tim đa cảm đã làm nên một “Mùa xuân và em”sáng long lanh như một hạt kim cương. Đứng trước khu vườn, trong cảnh sắc ngày xuân em bồi hồi xúc động, ngẫn ngơ trong suy tưởng. Em như đang cười lí giải với mọi người và bạn đọc mến yêu rằng chỉ: “Tại mùa xuân đến sớm.”

  

2-2-2018

Nguyễn Văn Thanh

 

    

. . . . .
Loading the player...