04-02-2020 - 16:46

Tiếng cười trào lộng về mối quan hệ Mèo Chuột trong tranh dân gian của Họa sỹ Lê Anh Tuấn

Văn nghệ dân gian là nguồn cảm hứng vô tận trong đời sống văn hóa của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, ngoài những truyện cười, truyện tiếu lâm, truyện ngụ ngôn... nghệ thuật dân gian phát triển từ rất sớm, nó tồn tại ở nhiều vùng trong cả nước và đã trở thành nghề nuôi sống cư dân qua nhiều thế hệ...

 

TIẾNG CƯỜI TRÀO LỘNG

VỀ MỐI QUAN HỆ MÈO- CHUỘT TRONG TRANH DÂN GIAN

                                                                               Họa sỹ Lê Anh Tuấn

Văn nghệ dân gian là nguồn cảm hứng vô tận trong đời sống văn hóa của tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, ngoài những truyện cười, truyện tiếu lâm, truyện ngụ ngôn... nghệ thuật dân gian phát triển từ rất sớm, nó tồn tại ở nhiều vùng trong cả nước và đã trở thành nghề nuôi sống cư dân qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, nghệ thuật dân gian còn đi sâu vào các công trình kiến trúc đình đền và những đồ gia bảo, gia dụng, đồ thờ, đồ mỹ nghệ...

Việt Nam với tín ngưỡng nguyên thủy: thờ tổ tiên và nhân hóa các hiện tượng thiên nhiên thành các vị thần nên cùng với tranh tết, tranh thờ cũng có từ rất sớm. Hai dòng tranh trên đã trở thành nhu cầu của nếp sống văn hóa, đặc biệt trong những dịp tết đến xuân về. Dòng chảy của nghệ thuật dân gian đã hợp thành văn hóa dân gian đương đại.

Từ những thời Lý - Trần đời sống xã hội đã coi nghệ thuật dân gian như một nhu cầu tất yếu, tranh Tết, tranh thờ đã tràn ngập trên khắp chợ quê, chợ tỉnh, đã tưng bừng trên khắp cổng nhà, tường nhà, vách nhà trong mọi gia đình không kể giàu nghèo trong mỗi dịp Tết - các làng nghề làm tranh ra đời: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Độc Lôi, tranh làng Sình... Do sản xuất hàng loạt nên tranh dân gian phải sử dụng nhiều bản khắc, đó là công nghệ khó, đòi hỏi những tay thơ tài ba. Thời Trần đã có tiền giấy, khẳng định công nghệ khắc đạt đến đỉnh cao và trở thành một nghề thực thụ trong xã hội.

Thời Mạc (thế kỷ XVI), nhiều lĩnh vực văn nghệ dân gian phát triển (do điều kiện của chính quyền trung ương chưa kiểm duyệt được văn hóa dân gian ngoài xã hội), dòng chảy dân gian phát triển mạnh, tiếng cười trào lộng rúc rích từ làng xã đến thị thành, từ đình đền đến vương phủ... Nhà thơ thời bấy giờ Hoàng Sơ Khải đã xác nhận sự có mặt của tranh thờ, tranh Tết trong bốn câu thơ sau:

Chung Quỳ khéo vẽ nên hình

Bùa đào cấm quỷ, phòng linh ngăn tà

Tranh vẽ gà cửa treo thiếp yểm

Dưới thềm lầu hoa điểm Thọ Dương

Trong phả hệ các gia đình làm tranh tính ngược lên thì đến thế kỷ XVIII - XĨ tranh dân gian đã ổn định và phát triển cao. Những ván khắc được lưu giữ ở bảo tàng Hà Nội ghi năm Minh Mạng thứ 4 (1823) là những bằng chứng thuyết phục thay cho những giả định được nhiều học giả đặt ra.

Dòng tranh dân gian Đông Hồ với cách nhìn trào lộng không chỉ có “Đám cưới chuột” còn có: “Thầy đồ cóc”, “Trê cóc”... Tất cả được thể hiện bằng phương pháp: khắc nét, khắc màu trên ván rồi in thủ công trên nền màu quét sẵn (đặc biệt là nền điệp rất sang quý). Trong từng tranh đều có in chữ nôm để nói rõ nội dung và tạo sự ổn định của bố cục, nó cũng là ngụ ý sâu xa của những bậc thầy về chữ nghĩa.

Đám cưới Chuột ( tranh Dân gian Đông Hồ)

 “Đám cưới chuột” là bức tranh tuy nhỏ nhưng cách thể hiện của nghệ nhân tạo được vẻ hoành tráng, tưng bừng, sinh động bởi sự tạo dáng phong phú của mỗi nhân vật. Từng cử chỉ của hai lớp tranh trong một mặt phẳng nhỏ bé mà trật tự, xáo động gây nên sự hứng cảm cho người xem. Tranh chia làm hai lớp trên và dưới với một đường ngăn cách ước lệ thiên về trang trí (một cách làm ta thường thấy trong tranh Đông Hồ). Lớp trên gồm một chú mèo ngồi bệ vệ tay dơ lên nhận lễ, phía sau nghệ nhân viết chữ phúc, tỏ rõ uy quyền và “đạo đức” của bề trên, bốn chú chuột cùng một dáng đi khúm núm, hai chú đi trước, tay cầm cá, chim sợ hãi tới gần mèo, hai chú chuột đi sau thổi kèn đám ma, miệng chúc xuống đất, tạo thành một lớp bố cục vừa trật tự, vừa hài hước bởi tính vô lý trào lộng trong một triết lý xã hội sâu xã của nghệ nhân Đông hồ. Lớp những nhân vật phía dưới thì hoàn toàn sống động, mọi trật tự được tháo gỡ, tám chú chuột và con ngựa, mỗi dáng, mỗi vẻ đều tưng bừng, nhộn nhịp, một đám cưới hoành tráng được nghệ nhân thể hiện bởi một bút pháp phóng túng đối nghịch hoàn toàn với lớp mèo chuột phía trên. Không khí tự do như một sinh hoạt tất yếu trong đời sống văn hóa dân gian Việt Nam.

Tranh in 4 màu (đen, xanh, đổ, vàng), tất cả bảng màu đều có sự qua lại để tạo hòa sắc cho tác phẩm. Bốn màu được in trên nền quét sẵn (màu tím nhẹ hơi ấm). Đây là một hình thức riêng của tranh Đông Hồ, nghệ nhân bao giờ cũng quét nền sẵn, phơi khô rồi in, hệ số màu của họ tùy thuộc từng loại tranh, trong đó nền điệp là sang nhất. Đây là đám cưới mà chú rể chuột thuộc tầng lớp thượng lưu, có chức sắc, vai vế trong xã hội, bởi vậy được mặc áo gấm, đội mũ ô sa, cưỡi ngựa hồng, yên cương lộng lẫy, đi phía sau là biển, lọng... Cô dâu thì ngồi kiệu hoa đủ bốn người khênh, vui vẻ, hồ hởi mà không kém phần sang trọng. Cô dâu với mái tóc cài trâm, áo gấm, tay thụng lộ vẻ quyền quý, mặt nhìn thẳng về phía hôn phu của mình tỏ ra con nhà gia thế trong một xã hội có đầu, có cuối. Con ngựa hồng chú rể cưỡi được nghệ nhân “dắt từ” cổng đền thờ ở nhiều nơi trong cả nước vào, bởi vậy nó đẹp và hoàn thiện chẳng thua gì ngựa của Hàn Cán họa gia Trung Quốc. Với dáng đi nước kiệu, con ngựa như thể giữ cho đoàn phía sau đi chậm lại, chú rể ngoảnh mặt nhìn cô dâu như một sự tự đắc đương nhiên của kẻ quyền thế. Hai nhóm nhân vật, hai trạng cảm khác nhau, nhưng cái chung nhất mà tác giả dân gian tranh Đông Hồ đã hóm hỉnh chỉ ra rằng: chúng có chung một bản chất sinh tồn mà con đường mỏng manh, cong keo, uốn lượn, và sự gắn kết kia là mối tổng hòa tất yếu của tự nhiên...

Đám cưới chuột vẫn đi, đi qua không biết bao nhiêu phiên chợ Tết trong khắp làng quê Việt và tiếng cười trào lộng mãi còn làm khoái trá trên môi Tết xuân lộng lẫy, đem lại niềm vui vô hạn trong dân gian. Ở phương trời Tây xa xôi, năm 1858 nghệ nhân Nga cho ra đời “Đám ma mèo” như thể góp chung tiềng cười trào lộng của người Việt. Một cách nhìn nhân thế cho ta cảm nhận sâu sắc mối quan hệ chua xót giữa cái mạnh và cái yếu, giữa cái có thể và không thể trong thuộc tính vũ trụ mà loại người đang gánh chịu.

Tranh dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện tiếu lâm... dù ở phương trời nào nó cũng là triết lý nhân văn nhất của những người lao động. Bầy chuột, lợn trong “Đám ma mèo” với cách vẽ tinh vi và bố cục ba lớp rất khoa học, nhưng điểm gặp nhau, bộc lộ rõ tầng văn hóa chung nhất thì ở đâu, ở nơi nào cũng chỉ một mà thôi...

Ít ngày nữa là sang năm Canh Tý, năm của những con chuột độc lập đứng đầu địa chi trong mười hai con giáp. Đây là loài gặm nhấm “hữu sinh bất diệt”, nó tồn tại như sự thách thức với loài người, với tự nhiên, với sự sống, ... Ngày xuân xem tranh “đám cưới chuột” và “ Đám ma mèo” giúp ta mở lòng trong tiếng cười “Thế thái nhân tình”, tiếng cười trào lộng mà cổ xưa ông cha ta đã để lại cho hậu thế như một triết lý sống./.

Hà Tĩnh, tháng 12/2019

L.A.T

. . . . .
Loading the player...