11-12-2023 - 15:41

Tiểu thuyết Cậu bé Bên sông Biền của tác giả Phan Thế Cải

Tác giả Phan Thế Cải sinh năm 1957, quê ở Hà Tĩnh. Ông từng là cộng tác viên đắc lực của các báo Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, Lao Động. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu tiểu thuyết Cậu bé Bên sông Biền của ông qua lời giới thiệu của Nhà xuất bản Văn học cùng chương I “Sông Biền qua hai mùa mưa nắng” của tác phẩm.

                                 Lời giới thiệu

 

 

Tiểu thuyết Cậu bé bên sông Biền tái hiện lại quãng đời tuổi thơ của cậu bé Võ Kim Cự bằng một lối kể chuyện hồn nhiên, dí dỏm nhưng đầy tính chân thật, sinh động. Thông qua chất liệu ngồn ngộn của cuộc sống, ngôn ngữ dung dị đậm chất xứ Nghệ, tác giả đã gây hứng thú cho người đọc qua từng trang viết.

Toàn bộ cốt truyện Cậu bé bên sông Biền được ngòi bút tác giả Phan Thế Cải phân khúc mạch lạc qua từng bước trải nghiệm trong cuộc mưu sinh đầy vất vả của cậu bé Võ Kim Cự.

Chủ đề cuốn sách là sự phản ánh trực diện tư chất thông minh trong học tập,ham thích lao động và giàu nghị lực vượt khó, đề cao lòng yêu thương người nghèo của cậu bé Võ Kim Cự.

Cậu bé Cự sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nhưng  từ nhỏ đã sớm ảnh hưởng môi trường văn hóa truyền thống của gia đình và quê hương. Bố Cự là một đảng viên trưởng thành từ phong trào kháng chiến kiến quốc, một cán bộ xã vừa tận tụy việc công vừa có ý thức rèn luyện con cái mình về kỹ năng sống, vừa xây dựng được mối quan hệ với cộng đồng.

Ngay từ nhỏ Cự còn được bà ngoại tập cho mình biết bơi lội, biết mót lúa, mót khoai, mò cua, bắt cá, cày bừa… để tự làm chủ bản thân và cứu vãn sự thiếu ăn hàng ngày cho gia đình.

Xuyên suốt những trang sách, câu chuyện về nhân vật cậu bé Cự đã cho thấy mối quan hệ biện chứng trong tình cảm. Cậu bé càng thương yêu mọi người bao nhiêu thì mọi người càng thương cậu bấy nhiêu. Từ ông già thả diều bên sông Biền, chú bộ đội về làng, thầy cô bạn bè ở trường, ở lớp đến sự tốt bụng của ông chủ trại nuôi bò. Qua mỗi chặng đường tuổi thơ của Võ Kim Cự, người đọc lại phải suy ngẫm, nếu không được sưởi ấm bởi tình yêu thương này, liệu có làm nên “chất thép” trong người cậu bé ấy không? Bởi có lúc cậu bé đã có ý định bỏ học vì không biết xoay xở thế nào khi mẹ bị ốm nặng. Chính nhờ ngọn lửa yêu thương của thầy cô và bè bạn mà Võ Kim Cự đã trở lại trường học, lấy lại vị thế của mình trong học tập và trở thành một học sinh giỏi toàn diện, một cán bộ hoạt động đội xuất sắc, tiêu biểu cho phong trào thiếu nhi “làm ngàn việc tốt” thời ấy.

Thông qua câu chuyện này, bạn đọc không chỉ hiểu được tính cách, nội tâm, hành động của nhân vật, ngòi bút của tác giả còn đề cập khá sâu đến những nhân vật xâu chuỗi, đồng hành với cậu bé trong từng hoàn cảnh: chú bộ đội Hân, anh Lợi, thầy Ca, cô Tính, cô Bân, ông Chung, Tiến Lang… Tác giả lấy nhân vật là “hạt nhân” của các mối quan hệ, để độc giả hiểu thêm từng đường đi, nước bước của Võ Kim Cự đều có những “hoa tiêu” đưa đường chỉ lối, giúp Cự nuôi dưỡng khát vọng tương lai…

 Nhà xuất bản Văn học xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuốn tiểu thuyết Cậu bé bên sông Biền  đầy bổ ích và lý thú này.

Tác giả Phan Thế Cải

 

 

 Chương I :  

                  Sông Biền qua hai mùa mưa nắng

 

    Thượng nguồn sông Biền, hợp lưu từ dòng sông Rác xứ Voi huyện Kỳ Anh, chảy qua đất Cẩm Lạc rồi rẽ xuôi Cẩm Lĩnh, tiếp tục cuộc hành trình ra biển lớn. Đứng từ trên đỉnh non cao nhìn xuống, dòng sông ấy như một dải lụa xanh dài ngút tầm mắt, ôm ấp lấy làng mạc, ruộng đồng, đồi bãi.. Sông Biền có khúc thẳng, khúc cong, có chổ sâu chổ cạn, mực nước lúc đầy lúc vơi, như mỗi cuộc đời, mỗi số phận người dân xứ sở này.

 Cự sinh ra ở xóm Lạc Thọ, nhà Cự cách con sông Biền khoảng năm trăm sải tay, chỉ cần thủng thẳng đi bộ mươi phút là tới bến sông. Những dấu chân hằn trên cát bạc, lớp này chồng lên lớp khác, in sâu vào tâm khảm Cự từ thuở nhỏ. Cự rất đỗi tự hào với con sông Biền đã nuôi lớn tâm hồn anh, nuôi lớn chí anh. Đối với Cự, dòng sông Biền là cả một kho huyền thoại, không biết  bao lần tái hiện trong giấc mơ anh. Giấc mơ đưa Cự về dan díu với tuổi thơ “Tôi giơ tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ” cùng bạn bè tung tăng trên sóng nước. Hình ảnh con sông quê xanh biếc, lồng bóng mây trắng nõn từ trên nền trời xanh cao vợi, đôi bờ sông Biền bóng cây trùm mát rượi. Bóng người lái đò dọc thư thả lướt mái chèo về xuôi, hiện lên những luống sóng trắng xóa vỗ vào thuyền ì oạp. Cứ mỗi chiều khi hoàng hôn buông xuống, trong bảng lảng khói sương, đàn cò lại bay về đậu trắng cả bờ sông. Tháng chín nắng thu vàng dịu, dòng sông Biền ánh lên màu đỏ hoa lộc vừng, trong mùi hoa thơm ngan ngát dập dìu cánh ong, cánh bướm. Mỗi sáng hoa lộc vừng đỏ rựng rụng xuống đôi bờ, từng cánh hoa nhỏ li ti như mưa bột rơi lả tả theo từng cơn gió nhẹ. Từ dưới đáy sông, đàn cá hối hả bơi lên mặt nước thi nhau đớp mồi. Nhưng đâu chỉ có hoa lộc vừng quyến rũ loài cá, sông Biền còn hút cả khách lãng du bằng vẻ đẹp ngàn đời của những lũy tre xanh. Nước sông Biền trôi về đâu, tre xanh viền nét mi xanh tới đấy. Sông xanh, lồng bóng tre xanh gọi gió về dạo nhạc, gọi chim về làm tổ, gọi nắng về thức dậy những mầm măng. Sông Biền chảy tự ngàn xưa, sông Biền chảy mãi tới muôn đời sau. Còn đất Cẩm Lạc là còn con sông Biền, còn đất Cẩm Lạc là còn chợ Biền, phiên chợ quê lao xao tiếng chào mời mớ tôm, mớ cá được đánh bắt từ sông Biền, bắp ngô, mớ rau, củ su hào được trồng từ cồn bãi sông Biền.

Hình bóng con sông quê là linh hồn xứ sở, “ sông Biền là núm ruột của quê hương Cẩm Lạc” mà anh ấp iu mãi trong lòng. Trong hạnh phúc vui sướng, Cự tìm về với dòng sông. Trong khổ đau và cay đắng, Cự tìm về với dòng sông, bởi Cự muốn giọt nước mắt từ  niềm vui và nỗi buồn, hòa vào sông nước, khúc sông quê bao dung và dịu dàng như lòng mẹ. Suốt cả tuổi thơ, Cự đâu chỉ quen thuộc với vẽ đẹp hồn hậu và lãng mạn của dòng sông, Cự còn hiểu tường tận hơi thở sông Biền, qua hai mùa mưa nắng.

Tiểu thuyết Cậu bé Bên sông Biền của tác giả Phan Thế Cải

 

 Chao ôi! vào mùa hạ, mặt trời chói chang  dội xuống những “quả bom lửa” như muốn thiêu rụi cả làng này. Đấy là cả chuỗi ngày dài nắng dai dẳng, kèm theo gió Lào thổi hầm hập vắt kiệt sức người, sức cây. Người dân cay mắt  nhìn ruộng đồng nẻ toác, khô không khốc. Cái nắng hạ Cẩm Lạc năm nào chả thế, vào lúc cao điểm nắng đánh sập cả giàn trầu, nắng chui sâu vét cạn từng giọt nước ngọt từ đáy giếng mỗi gia đình. Từ trên những ngọn núi cao trong làng, quả sim chín cũng bị nắng nung đến héo queo, héo quắt. Bấy giờ cả xóm Lạc Thọ, nơi Cự sinh sống, dân làng từ già tới trẻ đổ xô ra sông Biền tắm giặt. Các chị, các mẹ lại oằn oằn quảy đôi thùng tôn ra sông Biền gánh nước đổ nước vào chum, vào vại. Dẫu sông Biền khi bước sang mùa hạ, nắng làm cạn mất nửa mực nước dòng sông, nhưng không ít người vẫn hì hụi đào “trộ khau” rồi dùng gầu dai, gầu sồng tát nước từ sông Biền lên ruộng hạn, cứu vãn những thửa ruộng lúa đang còn thoi thóp thở. Nắng càng to càng đượm, dân làng trên, xóm dưới nhà ở cận bến sông lại tranh thủ đưa từng rổ sắn tươi đã cắt thành từng miếng tròn, đổ ra phơi. Họ dàn đều trên bãi cát, thành từng ô vuông khổng lồ trắng lóa.. Chờ tới khi mặt trời tắt nắng, các gia đình lại thu gom sắn vào thúng đưa về. Mọi người thường nói với nhau rằng “sắn khô là nguồn lương thực quý nhất cho cả nhà, khi mưa to, gió lớn”.

 Hạ qua, thu tới.

 Bước sang tháng bảy, tháng tám đất Cẩm Lạc lại hứng chịu những trận mưa dồn, gió dập. Ấy là khi mặt nước sông Biền đang xanh bỗng dưng đục ngầu, mây trên trời đang trắng muốt như bông, tự nhiên xám ngoét như da trâu, đàn cò trắng khản giọng dáo dát gọi bạn đi sơ tán. Con trâu, con bò nằm dưới bóng tre xanh mệt sùi bọt mép, thở phì phò, con chó cảm sốt đau đớn kêu ăng ẳng mấy ngày liền, rồi nôn thốc nôn tháo vung vãi lên khóm cỏ may mọc ở  vườn nhà. Đấy là lúc đất Cẩm Lạc ùn ùn nổi gió, đón mùa lũ về,  với những cơn mưa giăng kín đồi núi, dòng sông và  làng mạc.

Từ bao đời nay, người dân Cẩm Lạc đã quen sống chung với thiên tai dữ dằn và khắc nghiệt qua hai mùa mưa nắng. Mùa nào cũng vậy, người dân Cẩm Lạc  biết tìm thêm kế mưu sinh, bằng nghề  đánh cá sông Biền.

 Mùa hạ, khi mực nước sông cạn, họ rủ nhau ra sông mò mẫm tìm cá. Người đơm đó, người thả lừ, người dăng lưới đánh bắt. Mỗi người, mỗi kiểu “ săn cá” theo thói quen nhà nghề. Nhưng có một niềm vui chung, chẳng mấy khi họ xách giỏ về không, bởi sông Biền nguồn cá tự nhiên nhiều không kể xiết. Nhất là sau mỗi trận mưa rào vừa tạnh, không hiểu cá từ thượng nguồn xuống hay hạ nguồn lên, làm huyên náo cả dòng sông. Nào cá quả, cá rô, cá chép, cá diếc, cá trê rồi tôm sú, tôm he.. loại nào, con nào cũng hung hăng, hiếu chiến. Thế nên, mới dễ “ sa bẫy” với kinh nghiệm đánh bắt của người dân Cẩm Lạc.

 Đã thành thói quen, cứ  sau trận mưa tầm tã ban chiều kèm theo lốc bão, đêm đó cả làng quê đang chìm trong biển nước. Trời tối như hũ nút, nhưng dân làng đã đỏ đèn, đỏ đuốc í ới gọi nhau đi cất vó. Không ít người, mê cất vó thức trắng đêm, thỉnh thoảng người nào cất được con cá to, lại reo hò dậy trời, dậy đất. Hồi mới lên năm tuổi, Cự đã quá quen thuộc với tiếng hò reo náo nức từ Đồng Mòi, Đồng Hồ, Cụp Chấu.. vọng vào nhà mình. Cậu bé đang cuộn lấy tấm chăn chiên như kén bọc tằm, bỗng nhiên bật tung chăn dậy, nhấp nha nhấp nhỏm không thể nào ngủ được nữa. Thú thật, tâm trạng Cự lúc ấy muốn được ra tận cánh đồng đang vời vợi con nước, xem tận mắt ông Hoàng đứng choãi chân ghì ngọn sào kéo gọng vó ra sao, mắt con cá chép có tròn như hòn bi không, đầu con cá trê bẹp như thế nào, sao cá trê lại có râu, nhưng loài cá khác lại không có râu. Cự hé nhỏ cánh cửa sổ bên cạnh giường, nghển cổ lên quan sát, màn đêm vẫn  đen kịt, vẫn nghe tiếng mưa dội ào ào trên tàu lá cọ, nhưng tiếng mưa không át nổi tiếng reo hò mỗi lúc một nhiều thêm. Tảng sáng mưa tạnh, những nhóm người cất vó đêm lại cuộn vó về nhà. Bấy giờ, vợ con họ lại tìm rơm, tìm củi mục đốt lửa lên cho họ sưởi. Sau một đêm thức trắng, chân ngâm mình trong nước bạc đã tê cứng, môi đã thâm xì vì đương đầu với gió lạnh, mắt đã trũng sâu vì thiếu ngủ. May nhờ có chiếc áo tơi, nên áo quần họ không sũng nước. Từ lâu, chiếc áo tơi họ khoác lên mình đi làm đồng lúc mưa rét, lúc săn cá mùa lũ chiếc áo này lại hóa thành “áo giáp”, giúp họ đủ sức đeo bám suốt đêm ngoài đồng.

Rồi cơn lũ đi qua, tháng chín mùa thu trời Cẩm Lạc lại xanh hơn, trong hơn. Đất đồng, đất bãi, đất đồi được ngấm vị phù sa từ cơn lũ muôn loài cây cỏ hồi sinh.

 

………………

 

. . . . .
Loading the player...