05-08-2021 - 01:48

Tiểu thuyết LÝ ĐÀO LANG VƯƠNG của Nhà văn Phùng Văn Khai

Tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương là tiểu thuyết thứ ba trong “bộ tứ” tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai đang là cuốn tiểu thuyết được giới chuyên môn đánh giá cao. Tiểu thuyết viết về Lý Thiên Bảo, một trong những người có công đầu phò tá Lý Bí trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương lập nên nước Vạn Xuân. Ồng cũng là người tạo nền tảng cho Lý Phật Tử, vị vua cuối cùng của vương triều Tiền Lý. Ban biên tập xin giới thiệu bài viết của Nhà văn Nguyễn Hùng Sơn về cuốn tiểu thuyết trên.

 LÝ ĐÀO LANG VƯƠNG

VỊ VUA TÂY TIẾN

Nguyễn Hùng Sơn

        Tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương là tiểu thuyết thứ ba trong “bộ tứ” tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Phùng Văn Khai. Tiểu thuyết viết về Lý Thiên Bảo, một trong những người có công đầu phò tá Lý Bí trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương lập nên nước Vạn Xuân. Ồng cũng là người tạo nền tảng cho Lý Phật Tử, vị vua cuối cùng của vương triều  Tiền Lý.

      Cũng như một số nhân vật lịch sử nổi tiếng cùng thời Lý Bí như Phạm Tu, Triệu Túc, Tinh Thiều, Phùng Thanh Hòa, Triệu Quang Phục..., Lý Thiên Bảo xuất hiện trong Đại Việt sử ký toàn thư rất khiêm tốn. Khi biên soạn Kỷ Triệu Việt Vương, các nhà soạn sử thấy trong các bộ sử cũ không có Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương đã nhặt trong dã sử và các sách khác bổ sung vào chính sử. Về Lý Đào Lang Vương bổ sung như sau: Anh của Nam Đế là [Lý]Thiên Bảo, ở đất Di Lạo, xưng là Đào Lang Vương, lập nước gọi là Dã Năng. Trước đó, khi Nam Đế tránh ở động Khuất Lạo, Thiên Bảo cùng với tướng người họ Lý là Lý Phật Tử đem 3 vạn người vào Cửu Chân bị Trần Bá Tiên đuổi theo đánh, Thiên Bảo bị thua, bèn thu nhặt quân còn sót lại được vạn người chạy sang đất Dị Lạo ở Ai Lao, thấy động đất phẳng rộng màu mỡ có thể ở được, mới đắp thành để ở, nhân tên đất mà đặt quốc hiệu.Đến bấy giờ quân chúng tôn làm chúa, xưng Đào Lang Vương. Ất Hợi năm thứ 8 [555], (Lương Kính Đế Phương Trí, Thiệu Thái năm thứ 1)Đào Lang Vương ở Dã Năng mất không con nối, quân chúng tôn Lý Phật Tử lên nối ngôi, thống lĩnh quân chúng (Đại Việt sử ký toàn thư - Ngoại kỷ - Quyển IV).

      Học giả Nguyễn Văn Tố (1889-1947), đã có một số bài viết trên tạp chí Tri Tân (1932- 1947), đươc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam in lại trong bộ sáchLịch sử Việt Nam và bộ sách Đại Nam dật sử.

       Qua nhận định của các nhà sử học, đã thấy cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (542-544), sau khi giành thắng lợi đã dựng nên một vương triều Tiền Lý kéo dài hơn nửa thế kỷ (544-602), gồm 4 vị hoàng đế quân vương: Lý Nam Đế (544-548): Lý Đào Lang Vương (549- 555); Triệu Việt Vương (549-570); Lý Phật Tử (571-602). Sự hạn chế của dữ liệu là khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội cho Phùng Văn Khai hư cấu để tác phẩm sinh động, cuốn hút. Quả thật, anh đã đáp ứng được niềm hy vọng của người đọc, của chúng ta. Tiểu thuyết Lý Đào Lang Vương nối tiếp chủ đề chống giặc ngoại xâm của hai tiểu thuyết trước:Nam Đế Vạn Xuân(NXB Văn học 2019);Triệu Vương phục quốc (NXB Văn học 2020). Hơn thế, ở Lý Đào Lang Vương đã xuất hiện một chủ đề mới, đó là mở rộng bờ cõi, mở rộng địa vực. Một phát hiện làm sáng rõ vai trò lịch sử của Lý Đào Lang Vương trong việc khai phá lãnh thổ đất Việt về phía Tây và phía Nam. 

       Tây tiến là sự lựa chọn của Lý Thiên Bảo trong tình thế bất lợi khi quân nhà Lương dưới sự chỉ huy của Thứ sử Trần Bá Tiên tấn công như chẻ tre, phá thành Long Biên, thắng hồ Điền Triệt, ép Lý Nam Đế phải lui về động Khuất Lão và qua đời ở đây, mọi việc để lại cho Triệu Quang Phục. Ở Ái Châu, phía Nam, lực lượng của Lý Phật Tử được Lý Thiên Bảo giao phó giữ thành phải chịu gọng kìm kép; một bên là thế lực của Lữ Phạm, Mông Kỳ từ phía Bắc đánh vào; một bên là đại tướng Bố Đa Ngai từ phía Nam nhăm nhe vượt dãy Hoành Sơn thực hiện dã tâm của vua Rudravaman nước Lâm Ấp đánh ra. Thời khắc làm nên vĩ nhân. Trong thời điểm ngặt nghèo ngàn cân treo sợi tóc, Lý Thiên Bảo đã có sự lựa chọn vô cùng sáng suốt, gom nhặt lực lượng rút về đất Dã Năng, thượng nguồn sông Đào Giang tiếp giáp Di Lạo (nay là Ai Lao) xây dựng căn cứ.

      Ngay từ khi xây thành  lũy, căn cứ củng cốquân binh, Lý Thiên Bảo đồng thời cho xây dựng ngôi chùa lớn để để thúc đẩy xiển hoằng pháp, thu phục nhân tâm, bình ổn lòng dân. Đây là việc làm thức thời khi mà Phật giáo sớm được truyền bá vào nước ta, có ảnh hưởng lớn trong dân chúng. Đồng thời là một minh chứng của sự tôn trọng dân chúng của Lý Thiên Bảo. Nhờ vậy, ông nhận được sự ủng hộ của bát tộc: Su, Sùng, Bạch, Cù, Khái, Ma, Đinh, Đèo vùng thượng du Dã Năng.

       Là một tiểu thuyết gia, Phùng Văn Khai quý trọng từng sự kiện, từng chi tiết nhỏ của lịch sử, đặt nó vào đúng thời điểm phù hợp với bức tranh văn hóa thời đại để lịch sử bừng sáng, sống động, rõ nét và không mâu thuẩn với thực tế. Khi Lý Thiên Bảo chọn Dã Năng làm căn cứ, cho xây chùa và rất chú trọng công tác dân vận đúng vào thời điểm Phật giáo đang có ảnh hưởng lớn đã hứa hẹn những thành công sau này. Cũng từ cơ sở sử liệu, nhà văn đã hư cấu tạo nên nhiều tình huống, chi tiết hấp dẫn cuốn hút người đọc. Để tranh thủ được sự ủng hộ, sự tin tưởng tuyệt đối của bát tộc, Lý Thiên Bảo đã có nhiều chủ trương, biện pháp thu phục lòng tin dân chúng. Một trong những chủ trương, biện pháp hàng đầu là lắng nghe ý kiến người dân mà tám vị tộc trưởng là người đại diện. Sau khi các tộc trưởng nhiệt thành tham gia ý kiến để xây dựng lực lượng quân sĩ Vạn Xuân thì kế sách đánh đuổi giặc phương Bắc của vị chủ công Lý Thiên Bảo chính là: “Ta muốn làm theo kế sách của các bậc minh quân thuở trước, đuổi giặc về chứ không giết tận để gây thù chuốc oán, binh lửa liên miên.Muốn đuổi được giặc dữ quân ta trước phải tự cường. Nay ta binh ít lương mỏng, tất chưa thể đối chiến với bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ. Nhưng ta không thể dây dưa ngày tháng, bởi nếu Trung Nguyên yên ổn, Tiêu thị bình định được nội loạn Hầu Cảnh tất sẽ không buông tha Vạn Xuân. Bởi vậy, binh ta phải biết lấy ít địch nhiều, tìm chỗ hiểm của giặc mà đánh đuổi chúng. Xin các tộc trưởng cùng chúng tướng chỉ ra kế sách để cùng bàn luận” (Lý Đào Lang Vương - trang 37).

      Lời nói của chủ công Lý Thiên Bảo đã làm các tộc trưởng và chúng tướng cảm phục, đồng thời quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhiều kế sách được bàn bạc, thống nhất, thực thi. Các tộc trưởng một mặt củng cố, xây dựng cơ sở, tăng thực lực các đội kỵ binh, thủy binh, voi chiến, trâu chiến; mặt khác khéo léo bám nắm tình hình bọn Lữ Phạm, Mông Kỳ, cống nạp voi non mới thuần phục, trâu mộng, gỗ và sản phẩm núi rừng cho chúng. Đặc biệt là lão sư tăng đã vào hang ổ của Lữ Phạm để tận mắt quan sát nội tình giặc. Bị Lữ Phạm bắt nhốt vào ngục nhưng lão sư tăng vẫn bình tĩnh không nao núng khiến bọn chúng hoang mang. Các tộc trưởng cũng vờ tỏ ra không ưa Lý Thiên Bảo, cho rằng bị mất đất đai do Lý Thiên Bảo đắp đập ngăn sông, mất nhiều khu vực dễ làm ăn, thu nhập giảm sút. Họ mong Lữ Phạm, Mông Kỳ kéo quân diệt “giặc cỏ” Lý Thiên Bảo để chúng dân bát tộc được tự do như trước.

       Lữ Phạm, Mông Kỳ lâu nay rất muốn truy lùng Lý Thiên Bảo, ngặt nỗi núi cao, rừng rậm xa xôi, phần vì chưa biết phong tục ra sao nên chưa xuất binh. Nay nghe các tộc trưởng than phiền giặc cỏ chiếm đất, tranh mất nơi dễ làm ăn, còn bắt trai tráng vào lính khiến nhiều người phải trốn tránh. Lữ Phạm “buồn ngủ bỗng gặp chiếu manh”, tự mình rời hang ổ chui vào những điểm quân Lý Thiên Bảo mai phục thất bại nặng nề.

       Trước đó, khi thực hiện mưu kế dụ địch ra khỏi hang ổ, tại những chiếc sa bàn lớn vừa đắp ở Dã Năng,chủ công Lý thiên Bảo cùng chúng tướng và tám vị tộc trưởng đã bàn bạc kỹ các phương án đánh địch trên thực địa. Chưa bao giờ việc đánh giặc lại được chuẩn bị thấu đáo đến vậy. Cũng chưa bao giờ quân dân Dã Năng lại có sự đồng thuận, phối hợp nhịp nhàng như thế. Do địa hình rừng núi hiểm trở, lại do đặc thù cả các đạo quân kỵ, bộ, thủy khác nhau nên Lữ Phạm phải tổ chức nhiều đợt tiến quân. Ta biết trước nên bố trí lực lượng “nghênh đón”. Nhờ kế sách hợp lý lại được chuẩn bị thế trận từ trước như nghi binh, bố trí bẫy đá, đào nhiều hố sâu, làm nhiều dàn cung tên lớn, đăc biệt là đập nước lớn vốn để phục vụ đóng thuyền cho thủy quân cũng phát huy tác dụng. Vì thế hai đạo quân do tướng Chu Táo và Sử Lộc đại bại ở Cửu Dương. Điều thú vị là khi tên chủ tướng Chu Táo và đạo quân đi trươc trúng kế nghi binh chủ quan thúc quân vượt đèo tiến thẳng và khu quân doanh của Lý Thiên Bảo quân ta mới ra tay: “Thấy bốn phía đỉnh đèo vắng lặng không một chút hồ nghi, Chu Táo quất ngựa băng băng vượt đỉnh đèo. Đoàn chiến mã hung hăng lao thốc qua đỉnh đèo Cổ Mả bỗng ầm… ầm… ầm… đất đá dưới chân đèo sụt toang từng hố lớn rộng vài trượng, sâu hoăm hoắm khiến đám người ngựa lao thẳng xuống hố sâu. Phía sau, tiến ngựa hí vang trời. Tiếng người la hét loạn xạ. Hơn hai mươi chiến mã, dẫn đầu là Tả tướng tiền quân Chu Táo bất thình lình sa xuống hố sâu.” (Trang 123-124, Lý Đao Lang Vương).

       Những diễn biến của các trận đánh tuy đã xa xưa nhưng ta vẫn thấy được không khí chiến trận nóng hổi nhờ sự miêu tả khá hay và hợp lý của Phùng Văn Khai. Không những thế, vai trò của bát tộc được đề cao coi đây là một then chốt là sức mạnh vô cùng to lớn. Không có sự ủng hộ nhiệt thành, sự tham gia toàn lực của dân chúng thì không thể có thắng lợi ngoạn mục như thế. Lý thiên Bảo đã thực hiện phát động được “cuộc chiến tranh nhân dân” thành công ở Dã Năng.

       Không chỉ rất thành công trong công tác dân vận ở vùng thượng du Dã Năng, Lý Đào Lang Vương thực sự là nhà ngoại giao rất thành công. Xác định cương vực mà mình vừa mở rộng cho nước Vạn Xuân là láng giềng hữu hảo, phên dậu của nước Di Lạo nên bằng sự chân thành ông đã hóa giải hiểu lầm của giữa Su Man và tộc Kadai chạy loạn sang Dã Năng. Trong lễ bát tộc tôn vinh chủ công Lý Thiên Bảo lên ngôi vương Dã Năng, Kadai cũng có mặt vừa nói lời chúc mừng thăm thiết, vừa bày tỏ niềm biết ơn và hứa hẹn sẽ vun đắp, giữ gìn mối quan hệ láng giềng bền chặt. Sau bình Tây lại đến chinh Nam, với sự phò tá đăc lực của các danh thần Lý Phật Tử,Triệu Quốc Chính, Trần Bá Thường, Lý Thiệu Long, Trịnh Tông Hàn, Dương Đình Lập đã đánh bại liên quân nhà Lương và Lâm Ấp, vây ngặt Bố Đa Ngai. Nhưng với tôn chỉ nhân nghĩa, bao dung: Bởi vậy sau trận đại chiến này, ta chỉ có thể chế phục thị tộc Rudravaman bằng đạo lý khoan dung, minh chính, bác ái, hòa mục mới bền vững được,Lý Đào lang Vương đã gửi chiếu thư tha cho hàng binh, hàng tướng trở về Lâm Ấp với điều kiện vua Rudravanman phải cầu hòa.

      Không những đánh đuổi giặc phương Nam xâm lăng phải rút lui mà còn khiến chúng phải cắt toàn bộ châu Lâm Khang, lấy về vùng đất đai rộng lớn cho nước Vạn Xuân. Mở rộng cương vực là chiến công lớn của triều đại Lý Đào Lang Vương. Lần đầu tiên những thành tựu và công lao của Lý Thiên Bảo trong việc bình Nam chinh Tây được Phùng Văn Khai đưa vào tác phẩm văn học. Hy vọng tác phẩm văn học này là tiếng nói góp phần tạo dư luận, giới thiệu để vị vua Tây tiến này được nhắc đến, được vinh danh xứng đáng?

      Nhân cách và tài năng của Lý Đào Lang Vương còn thể hiện ở việc từ chối ngôi vị Nam Đế Vạn Xuân khi Triệu Quang Phục muốn thuyết phục. Cuối cùng tôi muốn nhắc đến cuộc tình của cặp đôi trai tài, gái sắc Lý Phật Tử và Su Man Trinh. Đây là một chuyện tình đẹp, có hậu, tuy chỉ vắn tắt vài trang nhưng làm cho cuốn sách bớt phần khô cứng, toàn chuyện đánh nhau, những pha kiếm hiệp và muôn trùng khó khăn, thách thức phải vượt qua. Mối tình được nhen lên từ buổi Su Man Trinh theo cha đưa gỗ, ván đến cho nghĩa quân đóng thuyền, nàng gặp chàng và ngay từ cái nhìn đầu tiên tiếng sét ái tình đã làm trái tim hai người xao động. Sau đó họ nhanh chóng nhận lời hứa hẹn yêu  nhau. Kỷ niệm thiêng liêng nhất là Lý Phật Tử đã cứu người yêu khỏi nanh vuốt cọp  trắng. Con cọp đã thành tinh từng bị mũi tên của Su Man Trinh làm hỏng một mắt và nó luôn tìm cách báo thù. Sau nhiều hiệp đấu Su Man Trinh bị văng khỏi lưng ngựa. Nàng lăn mấy vòng rồi lấy cung tên để bắn thì cung tên đã văng mất, cọp trăng bay cao rồi chụp xuống Su Man Trinh thì vừa lúc Lý Phật Tử dùng gậy bổ vào đầu khiến cọp trắng  ngã lăn quay. Cọp trắng vẫn chồm dậy xông vào Su Man Trinh nhưng Lý Phật Tử đã dùng gậy quét mấy vòng khiến cọp trắng gãy cả bốn chân chịu chết.

       Sau đó họ làm lễ cưới. Đó là đám cưới tập thể của Lý Phật Tử và ba cặp trai tài gái sắc. Ba cặp khác thì ba chú rể là quân tướng của Lý Đào Lang Vương với con gái các vị tộc trưởng. Tôi thấy tiếc sao nhà văn không thêm mấy cuộc tình nữa cho tiểu thuyết “mềm” thêm, lóng lánh thêm.

 

. . . . .
Loading the player...