16-07-2018 - 00:45

Tiểu thuyết " Vọng đất trời Đồng Lộc" của nhà văn Đào Thắng

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đồng Lộc, nhà văn Đào thắng vừa mới cho ra mắt tiểu thuyết “ Vọng đất trời Đồng Lộc”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 7 năm 2018. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu một chương rút ra từ tập sách!

Nhà  văn Đào Thắng sinh năm 1946, trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông là một sĩ quan quân đội mang quân hàm Đại tá, từng trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Khu 4, Mặt trận đường 9, Quảng Trị, Trung Lào. Ông đã cho xuất bản 9 tập văn xuôi, trong đó có 7 cuốn tiểu thuyết. Với 7 cuốn tiểu thuyết ấy, ông đã hai lần giành giải thưởng của Hội Nhà văn và hai lần giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng dành cho tác phẩm viết về lực lượng vũ trang; đó là tiểu thuyết Nước mắt và tiểu thuyết Dòng sông mía, những cuốn sách và giải thưởng đã đưa ông vào danh sách những nhà tiểu thuyết đáng chú ý của văn học đương đại.

Nhà văn Đào Thắng ( giữa) tại Lễ khai mạc trại sáng tác văn học về giao thông vận tải

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

( Trích tiểu thuyết" Vọng đất trời Đồng Lộc"

 

Theo lệnh mới của Trung đoàn, trừ khẩu đội trực ban chiến đấu cấp I, các đơn vị cho bộ đội ăn sáng xong trước năm giờ sáng. Quân nhu phát theo đầu người một bát sắt tráng men to - bát B52 (biệt danh bát B52). Đại đội trường Trần Hát ra ngồi trên miệng hầm chỉ huy từ lâu. Anh ít ngủ về đêm, mắc chứng buồn ngủ ban ngày. Sang tháng bẩy gió Lào ở vào thời kỳ mạnh nhất trong năm. Dẫy Giăng Màn cao trên một ngàn mét, gió vẫn leo ngược thổi ù ù. Những đám cháy xuất hiện chạy ngoằn ngoèo trên sườn bên này dẫy Trường Sơn. Có thể chiếc A7 nào đó đi ăn sương về, tên lái buồn ngủ giật mình ấn cò khẩu pháo 20 ly sáu nòng được tôn là “hỏa diệm sơn”. Đạn 20 ly nổ hai lần nên có thể gọi là pháo 20 ly, máy bay A7 mới xuất hiện, trang bị hệ thống điện tử hoạt động, tác chiến trong mọi thời tiết cả ban ngày và ban đêm. Nó quần nhau với pháo phòng không mấy tiếng đồng hồ (từ hai đến ba tiếng) khiến quân ta hết sức mệt mỏi. Ban ngày cần tỉnh táo, thèm ngủ đến mức đặt mình xuống là ngủ mê tưởng không thể tỉnh dậy được. Sau trận đại công kích điên cuồng và man rợ ba ngày liền cuối tháng sáu máy bay hải quân từng tốp nhỏ từ ba đến năm chiếc A4; A6; A7 dắt theo hai F4 bay kèm để đối phó không quân tiêm kích của ta từ sân bay Sao Vàng bất ngờ cất cánh “thúc” cho mấy quả tên lửa bọn chúng cuống cuồng bay ngoặt  ra biển nơi các tầu chở máy bay chờ sẵn.

Trần Hát nhắc Hoàng Long:

- Chú mày chiếu ống nhòm về phía trời Rạng Đông. Đám mây vân đen tách ra từng cụm nhỏ giống đàn chim nước, bọn A4 đi sớm hay có thủ đoạn ẩn mình vào đấy rồi bất ngờ lao thẳng về phía Đồng Lộc ta - chú vào đánh thức đại đội phó Danh Tầu ra trực thay để anh sang đơn vị thanh niên xung phong đã ra mặt đường bàn với các o sẵn sàng giúp đỡ ứng cứu nhau. Tối qua cô Hồ Hoa Huệ, tiểu đội phó đã sang đặt vấn đề hai đơn vị bên “nhà gái”, bên “nhà trai”, bên “nhà gái” thì nhà trai phải chủ động sang chơi trước, cô kể gia đình nhiều nỗi khuất khíu, lắm tai ương.

Hồ Hoàng Long thì thầm:

- Chị ấy yêu anh rồi đấy. Anh ơi, anh ừ đi. Con gái Hà Tĩnh tình cảm sâu nặng lắm. Em nghe cô Xuân người Đức Thọ nói trạng chồng nàng “tư lệnh phó” trung tâm ngã ba Đồng Lộc chân khèo hở rốn, bị tai nạn chết rồi.

- Mình có biết, giờ ở các làng quê các “em” xinh đẹp đảm đang phải kết duyên với các cậu gà mờ. Cũng còn tay nào bảnh trai lại có dịp khua môi múa mép quờ tứ phương.

Hoàng Long nhìn theo đại đội trưởng, bàn tay lia ống nhòm, chân trời phía đông ửng sắc hồng. Hắn thấy trào lên tình thương cảm. Người nước mình cần có chồng, cần lam làm đã đành, khi còn con gái ai cũng tốt nết, chăm chỉ. Cậu ta lắng nghe Trần Hát đã sang tới nơi. Các cô gái đã túm lại đẩy anh về phía Hoa Huệ. Cô không rụt rè, nắm lấy hai bàn tay dầy dặn, sần nhiều nếp chai nước mắt tự dưng ứa ra, cặp môi hồng mấp máy:

- Các anh bộ đội phòng không phải đào công sự, cuốc chim, xẻng pháo bập vào đá sỏi nặng hơn chúng em.

Trần Hát trêu:

- Thế em đã nắm nhiều tay các anh chiến sĩ phòng không rồi à?

Cô phản công luôn:

- Em chưa nắm. Các anh ấy nắm tay em trước chứ!

- Anh trêu em đấy. Con gái vùng Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La, sông Lam cô nào cũng mắt đen, tóc dài. Cô nào cũng có bóng dáng nàng Vân, nàng Kiều của cụ Nguyễn Du. Anh phải đưa tất cả đại đội sang xin được yêu các em mới được.

Hoa Huệ xúc động ghé sát vai anh:

- Em đồng ý, sẽ thông báo với các bạn. Còn em với anh thì thế nào. Em yêu anh. Anh hôn em đi!

Các cô gái ý tứ lẩn ra xa dần. Hoa Huệ gọi to:

- Các cậu ơi, các bạn quay lại, về lại đây, anh ấy vừa nói sẽ đưa tất cả đơn vị sang thành đôi với chúng mình. Đồng ý không?

Tiếng hô to:

- Đồng ý. Đúng rồi, chúng mình không sợ ế. Gái sông La, sông Lam, Ngàn Sâu, Ngàn Phố xưa nay có bao giờ ế ẩm mô?

Từ ngã ba bật lên tiếng kẻng báo động. Các cô ùa vào cái hầm to ở chân núi có cửa quay về hướng đông. Hoa Huệ kéo anh vào chiếc hầm hàm ếch khoét vào núi. Trần Hát ngạc nhiên

- Đào nhiều hầm hàm ếch thế em?

- Đây sát ngã ba. Phải sơ tán anh ạ.

Trần Hát nói trong hơi thở:

- Anh phải về em ơi. Nhỡ máy bay vào đánh trận địa, đơn vị không bắn được anh bị kỷ luật.

Hoa Huệ giữ cánh tay anh:

- Còn sớm, bọn hắn chưa đánh mô.

Hoa Huệ nắm bàn tay to lớn của Trần Hát kéo mạnh anh vào hầm. Cô ôm lấy anh hôn thật dài.

Trần Hát giơ hai cánh tay dài hướng thẳng về phía Hoa Huệ đứng. Mười ngón tay nhẩy múa trên phím đàn, từ ngày vào tuyến lửa, nắm chắc cán xẻng trổ lưỡi thép dầy xuống đá sỏi sần lên lớp chai dầy. Vừa chạm vào thân hình Hoa Huệ bỗng mềm ấm, tê dại. Trần Hát không còn cảm giác đang đi, đôi bàn chân tăng nhịp. Trần Hát đang chạy lao về phía trận địa. Từ phía sau anh, Hoa Huệ thất thần, văng người vừa chạy vừa kêu to:

- Anh Ơi! Bãi bom từ trường …

Trần Hát đứng như trời trồng, Hoa Huệ hét to:

- Vứt dao nhíp, đồng hồ, bút máy ra thật xa.

Trần Hát bỏ hết những đồ dùng có sắt thép, Hoa Huệ đã lao vào anh chạy tiếp, hai chân vấp ngã:

- Chúng mình quay lại đường em vừa chạy tới đây.

- Không được đâu em, anh phải về! Anh phải về mà!

Cô sắp khóc:

- Anh không muốn sống nữa  hầy? - Im lặng - Anh phải sống! Anh sát vào em. Anh yêu em đi.

Trần Hát cất lời, tiếng nói bị hút đi đâu:

- Chúng mình nằm im, bây giờ sản sinh năng lượng, sinh ra từ trường quả bom sát bên nổ gây sóng xung kích, cả bầy bom ác độc nổ bùng cả anh và em sẽ thành cát bụi.

Hoa Huệ bật khóc:

- Mẹ ơi! Anh ơi! Sao chúng tàn độc, ác hồn, ác tâm như thế anh ơi!

Trần Hát nới vòng tay Hoa Huệ như lả người đi:

- Em ơi, hai chúng mình phải sống, sống đến ngày chiến thắng, nên vợ, nên chồng, đưa con về Ngàn Sâu, Ngàn phố, sông La.

Cô rời môi anh:

- Chúng mình sẽ sống mãi phải không anh?

- Ừ!, Chúng ta sẽ sống. Sống mãi. Em yêu ơi!

- Anh đưa tay cho em. Em biết đường nào chị La Thị Tám đã đánh dấu, bom  đã bị tổ anh Đình Vương phá khi chiều.

Trần Hát đứng lên như Từ Hải giữa trận đồ. Anh bị Hoa Huệ nắm chắc cánh tay kéo chạy đi tắt về Rú Mòi nới đặt tổ quan sát của La Thị Tám.

Đại đội trưởng Trần Hát đi đường tắt về trận địa, anh phải dừng lại giục Hoa Huệ về, hẹn mai lại gặp lại nhau. Anh tránh mấy quả bom từ trường nằm cạnh con đường mòn trên sườn núi. Sờ trên túi áo ngực thấy cây bút kim tinh Trung Quốc mới chuyển từ Hà Nội vào, Ban chính trị nhận về phát cho cán bộ cấp úy giữ chức từ đại đội phó trở lên. Anh biết đứng lại đây rất nguy hiểm. Biết đâu một qua bom từ trường, sức nổ tương đương quả bom phá 500 bảng Anh (hai tạ rưỡi) thừa sức, thừa sự ác độc đối với đôi trẻ vừa bắt đầu nhận ra ý nhau.

Trần Hát chợt thấy ông Đình Vương lúi húi dưới thung lũng ngọn núi Mác, anh gọi to:

- Anh Đình Vương vua phá bom, nhờ anh “giải cứu” cho tôi với.

Đình Vương đứng thẳng lên giơ bàn tay xòe ra gọi:

- Trần Hát đấy à? Đi đâu mà bị bom từ trường bao vây chặt thế. Này, đi thẳng đến chỗ tôi, theo vết tôi cắm cờ giấy làm tín hiệu - Anh hô to - Chạy lên!

Trần Hát chạy như chưa bao giờ chạy nhanh như vậy. Chạy, thở, ù tai vẫn chạy đến khi đứng sát Đình Vương, Hát đánh vòng hai tay mấy nhịp lại thấy hơi thở bình thường. Hát nắm cổ tay Đình Vương:

- Thế cái cô mười bảy tuổi của anh đâu rồi?

- Trúng thai, có mang rồi - anh cười toác miệng - phải chớp thời cơ chứ. Mình lớn tuổi rồi, có đứa con mới giữ được chân gái trẻ.

- Mấy tháng rồi - Trần Hát cười lục khục hỏi

Trần Hát lẩm nhẩm:

- Mình lính pháo phòng không bị kỹ thuật chi phối, ông vua phá bom này  một mình một trận đánh tốc chiến, tốc thắng ròn rã.

Ông vua phá bom cùng với câu đùa gọi là chất lính, ra điều tay trên hào hoa vỗ mạnh bàn tay lên vai Trần Hát:

- Cậu chỉ huy đơn vị khều một thằng con ma F4H cắm đầu xuống  ngàn Trường Lưu đắt giá thế nào các mẹ, các chị cũng gả cho một cô gái.

Trần Hát trêu:

- Anh làm như phá bom ấy. Húc vừa thôi không thì làm hỏng hết báu vật của đời. Của hiếm, của quý, của báu lắm đấy. Cô ấy mới mười bảy tuổi mà!

Đình Vương nhìn tay đại đội trưởng trẻ tuổi đẹp trai, nét mặt xị xuống:

- Ông tỏ chuyện thế, ủng hộ vào, đừng tào lao nhé!

Trần Hát nói to:

- Cô ấy thổ lộ với ông Duy Đào cơ quan chính trị, tôi nghe lỏm thôi! Tai tôi thính, đôi mắt lính, nhận đủ không sót chữ nào.

Đình Vương giơ bàn tay sứt sẹo chỉ thẳng:

- Đi qua cái eo kia, mút đường rẽ phải 200 mét về trận địa hỏi trực ban đủ không sót một lời nào.

Vừa về tới trận địa, Trần Hát nhẩy xuống hầm chỉ huy thông tin Trước mặt anh, tổ hợp máy hữu tuyến đặt ngửa trên mặt cái ghế gỗ, tiếng rào rào máy 2 wath sôi sục. Trần Hát thoáng nghĩ: Cậu trực thông tin này tinh khôn, mở máy canh liên tục, có lệnh nhận được ngay:

- Cậu Hoàng Long đâu?

- Báo cáo, cậu ấy chạy đi gọi thủ trưởng.

Trần Hát ngượng đỏ mặt, hai ngón tay cái miết vào nhau bẻ mạnh phát ra tiếng cốc.

- Mình bị vướng, phải nhẩy qua bãi bom từ trường về được. Ở nhà có tin điện gì mới không?

- Báo cáo, có điện khẩn anh nhận trực tiếp, em ghi vào sổ. Bên trái điện đóng hai chữ tối mật.

Trần Hát lật vội mấy trang đọc vội bức điện ngắn gọn:

“Bên chỗ đồng chí Quang Minh tiếp nhận ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tiến Lộc (xã) quyết tâm cao, ba mươi gia đình chờ lệnh dỡ nhà theo hàng dọc ra bến phà dã chiến. Việc hạ nhà xuống, tôn nền làm trụ, các cây cột dài bắc nối vào nhau gia đình néo giữ chặt. Phương án thống nhất tất cả cột nhà xếp đặt nối nhau kê trên nền nhà theo hang đôi  giống như  đối lưu tầu hàng bí mật đi từ giữa làng xuống mố bến phà qua sông Già”.

Chuông điện thoại réo bên hầm thông tin.

Trần Hát cầm chặt ống nói.

Đầu bên kia tiếng tham mưu trưởng Trần Nghiên:

- Đồng chí Trần Hát nghe máy. Bộ tư lệnh Mỹ vừa tuyên bố đánh cho tan nát Đồng Lộc. Anh đọc điện ghi vào óc nhớ đến lúc già. Phương án tối ưu của lòng dân. Trung đoàn trưởng Kỳ Nam, tôi và trưởng Tiểu ban tác chiến nhất trí cao. Chia bom lửa về đường số một. Ký hiệu phương án 30K. “Đưa thằng” Bình - Hà về đất “nhà nó”, ở đấy “nó” biết từng người, biết. Đánh phục kích, Bình - Hà giỏi đánh phục kích, bất ngờ nổ súng. Bình - Hà trở về đường quốc lộ số Một, sông Già, trở về đúng với thế mạnh của đơn vị con cưng của đất anh hùng xứ Nghệ. Lôi các cánh bay của Mỹ về với quốc lộ 1A. Hạ vài thằng Mỹ mới hạ dịu mức độ quá căng thẳng khu vực ngã ba Đồng Lộc.

Chập tối cả ba đại đội pháo cao xạ 37 ly nối nhau theo đường từ ngã ba Khiêm Ích về thị trấn Nghièn, huyện lỵ của huyện Can Lộc. Cán bộ từ tiểu đoàn trở xuống đại đội đều được nhắc sẵn sàng đưa đơn vị trở lại ngã ba Đồng Lộc: Mục tiêu phục kích phải vít cổ được một vài thằng tắm bùn đoạn từ cầu Hạ Vàng đến Cổ Ngựa. Các pháo thủ trẻ, con dân xứ Nghệ dạ ran, xem chừng các cậu chàng có nơi chốn cả, dặn sẵn sau ngày im tiếng bom, tiếng pháo, cầm tay em về thưa với các cụ. Làm lính lại là lính chiến  xịn có phải ai cũng nghĩ mình có thể thành liệt sĩ đâu. Nghĩ kiểu ấy thì đạp cò pháo thế quái nào được. Khẩu đội trưởng ngồi chung thùng xe gat nhắc:

- Thôi tán hươu tán vượn đủ rồi. Dành sức vào  nhập quân Tiến Lộc.

Xe pháo vừa dạt vào bờ cây, các anh em pháo thủ đã đu người nhảy xuống. Họ đều sững người. Quang cảnh thật kỳ lạ, nhà đã được dỡ xuống. Mái tranh, mái bồi lác khô chất thành đống. Hai hàng cọc tiêu tre quét vôi trắng chạy thẳng ra phía bờ sông Già, cọc tiêu nào cũng được kẹp miếng giấy vở học sinh bay lất phất trong gió Lào đã bị các bờ tre cản bớt lực đi nhiều. Mỗi cọc tre đều có hai o dân quân trẻ người xã Tiến Lộc đứng hai bên, kéo dài từ dốc nền nhà, dốc vườn xuống bến phà chiến lược tự tạo. Tiếng những người lính trẻ chào bố, chào mẹ, chào các anh chị, chào các o râm ran. Mấy thùng nước lá vằng bốc hơi nóng nghi ngút. Các cụ ông đứng gần nhau rít thuốc lào. Hỏi các chị đứng tuổi trong làng đi mô cả. Một ông cao lớn nói nhỏ:

- Mang nồi niêu bát đũa, dắt chó, ôm mèo, đầu đội thóc gạo về cuối làng, tránh xa đường cấp phối xuống phà. Ông quay người chỉ bờ hè cao, bấy giờ nhìn theo bàn tay ông chỉ mới nhìn thấy một bà già ngồi trên nền gạch nâng bàn thờ trên hai đầu gối, ông nói:

- Mẹ tui. Bà đòi ôm cho khỏi gãy hỏng, khi mô có lệnh nối “cầu” ra phà thì bà ôm bàn thờ đem gửi.

Chính trị viên tiểu đoàn 8 (Bình - Hà) bước nhẹ đến sau lưng bà, cất giọng:

- Con chào mẹ. Xin mẹ cho anh em chúng con tạo trụ, nối cột đỡ cầu xuống bến tránh cầu Già bí mật.

Bà ngẩng mặt lên giọng nói cố nén tiếng khóc:

- Nhà của ông bà để lại cho vợ chồng tui, sau này chuyển cho vợ chồng thằng Cả giữ gìn thờ cúng tổ tiên - Bà cố đứng dậy do ngồi lâu cứng khớp, bước đi, tiếng khóc bật ra - Tui không chống lại việc dỡ nhà, làm đường cho xe đi qua tránh đường cầu Già bị hỏng. Đường quốc lộ qua cầu Già hai đầu bị bom nhào thành bùn cả. Nhờ chú nói lại với cấp trên: cả làng cả xã ni không ai chống lại, nhưng mà đau. Đau lắm. Nhà mấy đời con cháu giữ gìn, sửa sang, lập bàn thờ ông bà mấy đời rồi. - Giọng bà nghẹn, hai tay nâng bàn thờ chúi xuống.

Hai chiến sĩ hai bên sát vào nâng cho cân bằng. Chính trị viên tiểu đoàn đỡ một phía, giọng nói run run:

- Mẹ ôi, Mỹ hắn ngừng ném bom bắn phá, cả đơn vị con đến dựng lại nhà mẹ và bà con!

Bà khóc to lên. Ông lão gắt:

- Bà bước rảo chân lên cho chúng tôi nối cầu. Ông ngoái lại phía sau:

- Nào các cháu, ta nâng cột, đặt con lăn hai đầu đẩy cột nối hai đầu. Sắp tới giờ G nối hai đầu bến phà.

Các khẩu đội kiểm tra người đứng đúng cọc tiêu. Một cậu lính trẻ tếu hỏi một câu nghiêm trang:

- Báo cáo chính trị viên có được hò không ạ?

- Hò thầm thì được

Vâng! Xin hò thầm. Các cụ đã dậy việc dựng nhà, dỡ nhà là công việc thổ mộc. Việc nặng nhọc ấy đã làm là tốn sức người. Giá được hò hát, nói chuyện trạng thì việc chay băng băng.

Một ông trạng luôn: Giá có nam có nữ, thở mệt, thở vào vào mặt nhau, chạm vào tay nhau, chạm mắt, chạm môi thì sức người nhân lên theo cấp số nhân. Đến máy đào, máy xúc của Mỹ mang được về đây dùng cũng thua bại.

Đoạn đường trèo qua nền nhà, ôm lấy đầu những cây cột cái giống một con trăn đất khổng lồ trườn trên đất xuống phà. Con phà nhỏ núp bóng cây nghĩ rằng đã chết giờ đây sống lại. Tiếng may ca nô rồ lên, cầu phà chồm lên bờ gạch. Tiếng reo thầm  vẫn vang to lẫn vào tiếng khóc cố nén nhỏ của các bà, các mẹ ôm bàn thờ phía cuối làng

. . . . .
Loading the player...