29-03-2020 - 23:24

TÔI ĐỌC " PHỐ HOÀI" của Nhà văn Trung Trung Đỉnh

Vì mụ Trường sống trong "Phố Hoài", thân với người "Phố Hoài", yêu "Phố Hoài" và cả giận "Phố Hoài" nên "Phố Hoài" hiện lên như là một nhân chứng sống. Không phải tả. Không phải kể. Không phải giãi bày... ( Phố Hoài, NXB Hội Nhà văn, 2020) ( Trung Trung Đỉnh)

TÔI ĐỌC “PHỐ HOÀI”

                                                                                              Nhà văn Trung Trung Đỉnh 

Đã nhiều năm nay, tôi chưa đọc một cuốn sách nào lâu đến thế: Hơn hai tháng! 

Lâu vì tác giả là bạn bè thân, đã tặng mấy cuốn sách rồi, còn tặng tranh do mình vẽ, đi xe ôm, đem đến tận nhà, không nói nhiều, chỉ một câu “Tặng cậu!”. 

Tôi treo bức tranh bạn tặng trang trọng nơi phòng khách, có ai đến thì khoe, mặc dù bức tĩnh vật khá buồn. Màu buồn, hình buồn, không khí cũng buồn. Buồn về một quá khứ dài đằng đẵng níu kéo người vẽ, níu kéo người xem buồn thêm.

Cũng phải thú thật, tôi chơi với “mụ” Trường, cũng như “mụ” chơi với tôi chả vì lý do gì. Quý vì thích, thích thì thân. Tôi đọc truyện ngắn của Trần Thị Trường nhiều, cũng chỉ vì thích thì đọc. Đọc xong có bị ám ảnh đôi chi tiết, đôi cái tứ, nhất là cái tứ “thân gái dặm trường” giữa Hà Nội không bao giờ yên. 

Giận mà thương. Giận ai? Có đấy nhưng không nói tên ra được. Thương thì rõ rồi, thương mình, thương bạn bè, thương đời. 

Nhưng phải đến khi đọc "Phố Hoài" mới thực sự biết xưa nay mình chơi với mụ (tôi bỏ ngoặc kép từ đây nhé) bao nhiêu năm, bao nhiêu sự kiện, trong một “đống” bạn bè mà mình chẳng hiểu gì mụ này cả. 

Tôi không áy náy ân hận vì chuyện ấy. Tôi là thằng lính trận, gốc nhà quê, chơi với mụ và một số bạn bè dân Hà thành, luôn tự nó có một khoảng cách, khoảng cách vô hình, rất rõ ràng nhưng vẫn cứ sao sao, nghĩ mãi có khi vì nó vẫn kiên quyết vô hình. Y như các nhân vật trong con phố có tên là "Phố Hoài" của mụ. Các cụ ấy có thật một trăm phần trăm, mà khi thành nhân vật tiểu thuyết, lại chỉ thấy họ là nhân vật tiểu thuyết một trăm phần trăm luôn. 

Tôi cũng chơi, thậm chí khá thân với một số cụ, như cụ Phạm Toàn, Nguyễn Xuân Khánh, Dương Tường, Bùi Ngọc Tấn. Lớp sau này như Nguyễn Đình Toán, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Cứ tưởng hiểu nhau lắm rồi kia. 

Vậy mà đến khi đọc "Phố Hoài" thì hóa ra mới hiểu được một tẹo, chả nhằm nhò gì so với cái sự vận động của cái ác, cái thiện, nó vô cùng rõ ràng nhưng rất mù mờ, rất lẩn khuất đằng sau lối sống giả trá một cách thật thà, nhẹ nhàng lịch duyệt mà xảo quyệt, không phải của một cá nhân nào. 

Nó thành ra một lối sống rất đặc thù của người trí thức Hà Nội một thời. Sống trong cõi sống mà không dám sống thật. Tốt không dám tốt, đểu không dám đểu. Rất uyển chuyển cầu kỳ như người Hà Nội làm ra món bún thang. Bún thang vừa ngon vừa ngọt, vừa sạch vừa thơm, hội đủ các cái ngon cái đẹp cái hay của ẩm thực cầu kỳ Hà Thành. 

Nhưng nó không thể ngon như phở, như bún chả. Nó cứ xa xôi, kiểu cách, diệu nghệ. Xét cho cùng, bún thang là một thứ rất chi là nhạt, rất chi là Hà Nội. Nhạt mà sang. Sang vì nó diệu, nghệ, nó không thật như phở, như bún chả. Nhưng nó là bún thang giữa phố Hoài, như các nhân vật trí thức Hà thành của "Phố Hoài" vậy.

Trong khu nhà của bà bạn tôi, nguyên là một ngôi biệt thự sang trọng thời chế độ trước, chỉ có một gia đình, tức là một chủ. Từ khi Thủ đô được giải phóng, được “làm chủ tập thể”,  ngôi biệt thự sang trọng ấy được chia cho ông bộ trưởng và đôi ba ông thứ trưởng, vụ trưởng. Sau một thời gian, mỗi ông thành một gia đình. Họ đưa vợ con họ hàng từ các miền quê ra ở. Sau một thời gian, ông bộ trưởng được lên nữa, chuyển đi nơi khác. Hai ông thứ trưởng và vụ trưởng liêm khiết, thật thà, không chuyển đi đâu, chia ngôi biệt thự thành nhiều hộ cho mấy chú lái xe, thủ kho, bảo vệ của cơ quan bộ. 

Một thời gian sau, cho đến bây giờ, ngôi biệt thự ấy thành ra một khu ổ chuột, không hơn không kém. Các ông bộ, thứ, vụ trưởng đều đã thành người thiên cổ, để lại một bầy con cháu ỉ vào cha mẹ có tiêu chuẩn cao cao thành ra… người Hà Nội mới. 

Các ông bà chủ cũ, những người bỏ tiền của ra xây ngôi biệt thự ấy, về không về được, chỉ đứng từ xa nhìn vào. Họ đau xót vì thấy nó tàn tạ, điêu tàn thì đúng hơn, mà không dám nói gì, bình luận gì...

Ông chủ ngôi biệt thự, bây giờ là khu tập thể của bộ, không có ai đứng tên. Không ai cả, nhưng vẫn có một cậu cầm điếu cày dài, xăm trổ đầy mình, xưng là tổ trưởng dân phố. Hóa ra đây cũng là "Phố Hoài" của mụ Trường đấy ạ!

Sấu đến mùa vẫn rụng quả. Có khác chăng người trẻ nói tục thành thần, đi đứng ngênh ngang, không còn nhẹ nhàng như lớp các cụ xưa nữa.

Đọc "Phố Hoài", thương "Phố Hoài", giận "Phố Hoài". Giận "Phố Hoài" vì sao mà nó nỡ sinh ra mụ Trần Thị Trường, đã bóc hết, lột hết cho đến tận lõi của bảy mươi năm đã qua. Nó là con phố xưa của bọn ăn trên ngồi trốc, phải diệt tận gốc trốc tận rễ! Phải để cho công nông binh thay thế về đây làm chủ đã, rồi muốn ra sao thì ra, sẽ rõ sau… 

Người "Phố Hoài" mới đã đưa người "Phố Hoài" cũ thành ra kẻ tha hương, thành người tứ tán muôn phương. Có người bị hải tặc giết thảm chỉ vì tìm lối thoát ra khỏi "Phố Hoài" tươi đẹp. Có kẻ bị tù tội cả chục năm chỉ vì cam chịu ôm cây ghi ta cà tàng hát những bài hát yêu đương sướt mướt vàng vọt phản động. 

Những người "Phố Hoài" cũ chỉ biết yêu cái đẹp mà không biết đó là một tội ác phải bỏ vô tù, phải cải tạo! Hoàng và Toán Xồm không sao hiểu được mình say mê hát nhạc tình, vẽ tranh, chụp ảnh con gái “nuy” là tội ác. Họ cứ một mực sống theo đam mê của mình. Đi tù về rồi vẫn không chịu cải tạo, vẫn mê cái đẹp. Mê đến khi bị bỏ chết ngoài đường. Sao mà "Phố Hoài" lại sinh ra kẻ cắn răng chịu bao nhiêu trái khoáy như Thanh, như Hằng, như bà Tuyên. Lại sinh ra cả cái anh Quyết, đi chiến trận, leo lên đến cán bộ cao cấp to đùng mà vẫn kẽo kẹt đeo đẳng cái bản tính hiền từ, thương người của "Phố Hoài"? 

"Phố Hoài", phố nhà mình toàn sinh ra những người con đẹp đẽ, tốt bụng, hiền lành, cam chịu. Bị cướp, bị bóc lột, bị đàn áp, bị lừa đảo mà sao vẫn cứ hiền từ, tốt bụng? Họ cứ chỉ biết “Lạy Chúa tôi” như Hằng, chỉ yêu mối tình đầu, năm chục năm tìm kiếm vẫn tìm không ra. "Phố Hoài" ơi sao mà thương hoài rứa vậy ta, nhà văn Trần Thị Trường? "Phố Hoài" của mụ, chỉ vì cái đức tính lịch lãm văn hóa cam chịu của người Hà thành mà dân "Phố Hoài", người "Phố Hoài" khốn đốn!

Một lần nữa tôi, phải kêu lên: Thật khổ thân mụ bà đỡ, đồng thời là mẹ của "Phố Hoài", nhà văn Trần Thị Trường.

Tiểu thuyết phi hư cấu hay hư cấu? Tiểu thuyết phi sự thật hay sự thật? Tiểu thuyết hậu hiện đại hay tiểu thuyết hiện đại? Tiểu thuyết phê phán hay chỉ là phản ánh phản ảnh? Tiểu thuyết khen chê hay ca ngợi. Tiểu thuyết tô hồng hay bôi nhọ? Khen ai? Chê ai? Bôi nhọ hay tô hồng ai, tóm lại vì mụ Trường sống trong "Phố Hoài", thân với người "Phố Hoài", yêu "Phố Hoài" và cả giận "Phố Hoài" nên "Phố Hoài" hiện lên như là một nhân chứng sống. Không phải tả. Không phải kể. Không phải giãi bày. Không phải chụp ảnh hay bay bướm văn chương.

"Phố Hoài" có tất cả và chẳng có gì cả!

"Phố Hoài" không đặt vấn đề, không trình bày, không giải quyết vấn đề!

Tóm lại, "Phố Hoài" không phải là tiểu thuyết về cái này cái nọ.

Nó là tất cả!

Hà Nội bảy mươi năm qua, có ai viết sinh động, dễ thương và hấp dẫn được thế nữa không?

Một tác phẩm hay của một nhà văn tài năng!

PHỐ HOÀI!

                                                                         Viết đêm tháng Ba năm 2020

                                                                                              T.T.Đ

 

. . . . .
Loading the player...