26-02-2020 - 08:30

TRỔ MÙA HƯƠNG XƯA của Nguyễn Thị Hằng

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng sinh năm 1975, quê gốc tại phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh, hiện là giáo viên trường THCS Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh. Văn nghệ Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu tập thơ đầu tay “Trổ mùa hương xưa” do NXB Hội Nhà văn ấn hành 2019 với bài viết của thầy giáo Nguyễn Văn Hòa.

Nguyễn Thị Hằng sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ – một vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cộng với tố chất của một người phụ nữ thông minh lại có tấm lòng nhân ái, nhạy cảm nên những gì diễn ra xung quanh đều để lại trong chị những nỗi niềm trắc ẩn. Tất cả những điều đó được chị ký gửi trong trang thơ. Vì vậy, đọc bài thơ nào của chị cũng đầy ắp tâm trạng. Giọng điệu chủ đạo trong toàn tập thơ là giọng trầm buồn, da diết nỗi đời, nỗi người và nhân tình thế thái.

Những người phụ nữ trong thơ của Nguyễn Thị Hằng là những người khát sống, khát yêu nhưng con đường tình ái hầu như không được hạnh phúc. Có chăng cũng chỉ là những phút giây ngắn ngủi, thoáng qua. Và tất cả bây giờ chỉ còn là kỷ niệm:

“Ta về… nhặt nắng muộn cuối ngày

Góc phố thân quen loa kèn trắng nở

Đường xưa ấy mình có duyên không nợ

Nên buổi về ta với phố chơi vơi.

 

Tình vẫn nồng mà đường cũ thay tên

Ước mộng năm xưa, giờ rêu phong kín lối

Dấu thời gian nhạt nhoà, vời vợi

Niềm nhớ nào gom nhặt đâu đây?”

(Tìm trong kỷ niệm)

Khao khát có một tình yêu lý tưởng khiến người phụ nữ trở nên mạnh mẽ. Họ sẵn sàng bất chấp hi sinh nhiều thứ để có một tình yêu tròn đầy. Ấy vậy mà dường như may mắn không bao giờ mỉm cười với họ. Ở đó, là những giọt nước mắt, là nỗi đau khó gọi thành tên cứ giày vò và chất chồng theo năm tháng.

“Cơn gió nào thổi bặt ngừng nhịp đập trái tim

Về phía bóng đêm tịch mịch…

Còn lại đôi mắt ấy

Là thương yêu ta đếm đong không nổi

Cả nụ cười tỏa nắng

ấm nồng tha thiết.

 

Ta yêu người… mối tình mơ

Như giấc mộng về cánh đồng hoa thuở nào.

Ta đi về phía không người… lạc trôi

Chốn xa xôi

không khẽ khàng tiếng yêu

Dấu chấm ngọt ngào

Giọt cà phê… đắng môi…

cuối cùng cũng ngấm.

Vị đời đắng cay đừng đem đầu độc

Vào ngắn ngủi kiếp phong trần

ta đã lỡ thương nhau…! “

(Sẽ chẳng bao giờ nữa)

Trở về ký ức với những khao khát rất mực đời thường, đó là được yêu như thuở ban đầu trong sáng, vô tư, hồn nhiên. Nhưng sự trở về ấy làm cho nhân vật trữ tình lại càng xót xa hơn. Bởi cảnh vẫn đấy nhưng tình thì đã phôi phai, nhạt nhoà, thậm chí “người ta” chắc gì còn chút nào lưu luyến nhớ ? Nên đành trả lại cho anh, trả lại cho tất cả :

“Trả lại anh con đường vương hoa sữa

Lộc vừng nhuộm tím rưng rưng chiều

Hạ vội vã vùi chăn mây giấc muộn

Quá vãng rồi kỷ niệm hóa rong rêu.

 

Trả lại anh lời thương còn dối gian

Dã quỳ vương sắc áo trắng nguyên khôi

Trái tim đa mang trĩu bước lưu đày

Đánh rơi tuổi cho những điều không đáng.”

Nguyễn Thị Hằng có cách liên tưởng và ví von rất độc đáo. Chị quả quyết và nhận ra rằng:

“Chẳng có gì là mãi mãi phải không?

Cả khổ đau và niềm hạnh phúc!

Em đứng lặng nhìn khói nhòa mắt ướt

Màu trầm tư anh giấu nẻo đường Ngâu.

 

Câu thơ vỡ

nhặt làm sao cho được

Ký ức buồn theo gió cuốn…

thu sang! “

Nữ tác giả Nguyễn Thị Hằng

Trái tim có tiếng nói của riêng nó, tiếng nói của sự tri âm, của tình yêu nồng nàn đó là sự hạnh phúc. Nhưng khi trái tim tỏ ra” bất kham” thì lúc đó là đã có trở ngại. Tình yêu đã, đang và sẽ không có kết quả tốt đẹp. Người đọc dễ nhận ra trong cả tập thơ là sự hoang hoải, đắm đuối và giọng khổ đau với cái tôi cô đơn nhiều đối cực, mâu thuẫn.

“Người buồn than trách vu vơ

Biết đâu cuộc sống chực chờ thị phi

Lời ru bến nước xuân thì

Trong nhờ đục chịu… có chi má hồng!”

(Tiếng đêm)

“Nẻo cổ tích xa vọng tiếng còi tàu

Xin trả hết những tháng ngày mộng mị

Giọt sương tan

bên nhánh cỏ xuân thì

Lỡ thương rồi

nên nhớ cũng gầy hao.

 

Câu hứa lưng chừng rơi chơi vơi

Ta đem tình vò trong hơi thở

Vết nứt đàn bà

nhói buốt…

đa đoan! “

(Vu vơ)

Những hệ từ chỉ sự buồn đau, mất mát, thua thiệt được sử dụng dày đặc trong các bài thơ của chị :xao xác, thị phi, trong, đục, nhớ, thương, thơ dại, tìm, dỗi hờn, lỡ mộng, trái đắng, chua xót, lang thang, ngơ ngác, cô lẽ, trông ngóng, tình lỡ, nát nhàu, đợi, chơi vơi, đa đoan, nuối tiếc, lừa dối, đau trái tim gầy, vấp ngã, kiệt cùng, mặn đắng u uẩn, đa mang, hư vô, nông nổi, dại khờ, tương tư, định mệnh, lỡ nhịp, rêu phong, phù du, vắt kiệt, chới với, sám hối, vô thường, buốt nhói, bạc phếch, trăng côi, vụng dại, ngu ngơ…

Trong sự vận động của thời gian và sự chuyển đổi của không gian, giờ đây nhân vật trữ tình đang trong tâm thế bất an và cùng với đó là sự tủi hờn duyên phận:

“Tình yêu đâu phải trò đùa

Người đem ném bỏ dư thừa tiếng thương

Chiều buông rũ tím vấn vương

Xuân thì chờ đợi vô thường đớn đau “

(Tơ vương)

Dù cho cuộc đời có nhiều bạc bẽo, lọc lừa, đổi trắng thay đen, vui ít buồn nhiều: với người đa cảm, tinh tế như Nguyễn Thị Hằng thì chị vẫn một niềm lạc quan tin tưởng và có cách “hóa giải” :

“Em ngồi chải tóc gọi xanh

Giữa mênh mang những ngọt lành hôm nay.

 

Thương nhau gom cả những ngày

Đắng cay giông bão đong đầy xa xưa…

 

Em ngồi nhặt những chiều mưa

Người ghen ghét với lọc lừa lẫn nhau.

 

Tự mình vun vén niềm đau

Xóa nhòa mái tóc úa màu thời gian…

 

Hư hao đem trả dòng Lam

Dệt xanh mái trắng mộng đan đượm nồng.

 

Bàn tay níu buổi… thanh tân

Bình yên em chải nhành xuân trở về!

(Thanh tân)

Dường như trong thơ Nguyễn Thị Hằng lúc nào cũng quan tâm và nghĩ đến tình yêu. Bởi chị hiểu rằng chỉ có tình yêu mới là liều thuốc bổ ích nhất đối với mỗi con người. Thế nhưng nhân vật trữ tình em, tôi, ta lại luôn là những đối tượng nhận lấy những tổn thương và lúc nào cũng ở trong tâm trạng buồn – nhớ chạnh lòng. Có nỗi buồn nào hơn thế không? Có nỗi đau nào âm ỉ, giày vò, day dứt và làm nhói buốt tâm can như thế không? Tất cả cũng vì do em yêu anh quá đỗi, đổi lại là sự hờ hững, lạnh nhạt, sự trống vắng đến vô cùng mà anh dành cho em. Rồi đằng sau đó, em mất mát tất cả. Đáng sợ nhất là tuổi thanh xuân lỡ làng và cả những lời dị nghị, đơm đặt như những mũi kim châm, những vết dao cắt cứa vào trái tim bé bỏng của em.

“Em buồn bởi nỗi yêu anh

Bởi em thương tuổi xuân xanh nhỡ nhàng.

Mặc chi miệng thế gian ngoan

Dập vùi thiếu đủ đa đoan lụy phiền.”

(Buồn)

Nhân vật trữ tình em ý thức rất rõ điều này và tự nhủ với lòng mình sẽ quên để sống thật ngoan hiền, đúng với bản chất vốn có của mình mặc cho ngoài kia bao thói đời điên đảo.

“Nằm trên chân thật ngoan hiền

Nhủ lòng quên hết đảo điên thói đời.”

(Buồn)

Và em có cách của riêng mình. Đọc những vần thơ mà nghe nhói buốt con tim!

“Em về gom nhặt nụ cười

Thôi mang nước mắt rối bời tương tư.

 

Người ta chờ đợi mưa Ngâu

Em chờ mùa hạ trải sầu ra phơi.

 

Xin cho em nét môi cười

Đớn đau gói lại mặc đời phù du!”

(Buồn)

Hình ảnh người phụ nữ trong thơ Nguyễn Thị Hằng, đó là họ sống thật với những cảm xúc của chính họ. Họ chủ động kiếm tìm với những khát vọng yêu đương chân thành và giàu nữ tính. Sau những gập ghềnh, bất trắc, thua thiệt, khổ đau trái tim người đàn bà trở nên “cứng rắn” hơn và nhân vật trữ tình cũng tự “sám hối”.

Lầm lỗi của đàn bà

Từ lòng tin thật thà

Chữ chân và chữ thiện

Úa nhàu tim ngọc ngà.

 

Lầm lỗi của đàn bà

Là thiên thần hạnh phúc

Sở hữu người khổ đau

Khúc hoan ca diệu kỳ.

 

Chảy vào tim buốt nhói

Mỏng manh như sương khói

Mảnh trăng vàng mòn mỏi

Khóc thầm giữa hoang vu.

 

Qua rồi những hoài nghi

Tình yêu ngoan với tuổi

Lời tâm niệm thâm sâu

Có sức mạnh nhiệm mầu.

 

Sống kiêu hãnh thuần hậu

Gieo hạt mầm hi vọng

Nghe lòng nhẹ lâng lâng

Rồi đời sẽ bình yên…

(Sám hối)

Bởi suy cho cùng, cuộc đời này chóng vánh lắm,ngắn ngủi lắm nên cũng chẳng phải đau đớn vật vã làm gì mà phải sống với niềm tin yêu, quên đi quá khứ để hướng đến niềm vui phía trước.

“Nhân gian vẫn cuộc rong chơi

Em về mắt biếc nụ cười trinh nguyên!”

(Tiếng đêm)

Tình yêu nồng cháy và cuồng nhiệt của người phụ nữ bộc lộ một cách đầy đủ và tinh tế qua những vần thơ trữ tình da diết của Nguyễn Thị Hằng. Cách nhìn đời thông qua lăng kính và trái tim người đàn bà. Thiên tính nữ, khát vọng về tình yêu, hạnh phúc, số phận đa đoan… được thể hiện khá rõ nét trong tập “Trổ mùa hương xưa”.

Thơ là đời, là người. Thơ Nguyễn Thị Hằng là tiếng thơ của người phụ nữ hồn hậu và nhân ái. Tình yêu trong thơ chị đó là thứ tình yêu sẵn sàng dâng hiến, sẵn sàng hy sinh vì người khác. Nó góp phần thể hiện cá tính và nét đặc trưng của thơ chị. Những lời thơ được viết bằng sự trải nghiệm và tấm lòng chân thành, hồn hậu của một cô giáo. Vì vậy, người đọc nhận ra sự dịu dàng, chuẩn mực và đầy bao dung. Tôi tin tiếng thơ ấy sẽ gây được sự đồng cảm của rất nhiều tâm hồn phụ nữ, những con người sống hết mình và tận hiến hết mình vì tình yêu. Dẫu cho bến bờ hạnh phúc còn lắm gập ghềnh hay còn ở phía xa ngái!

“Trổ mùa hương xưa” là tập thơ đầu tay của Nguyễn Thị Hằng nên chắc chắn sẽ còn có những hạn chế nhất định của một người làm thơ trẻ (như dùng câu chữ, hình ảnh, tứ thơ… đôi chổ chưa thật sự hợp lý và hay). Tuy vậy, với tình yêu văn chương, tấm lòng hồn hậu, nhân ái và cả những điều mà cô giáo xứ Nghệ đã gửi gắm vào tập sách. Thiết nghĩ, đây chắc chắn sẽ là món quà quý cho các bạn yêu văn chương nói chung và những người phụ nữ có tâm hồn đồng điệu với thơ chị nói riêng.

Phú Yên, tháng 7.2019

NGUYỄN VĂN HÒA

 

 

. . . . .
Loading the player...