Tạp chí Hồng Lĩnh số 225 trân trọng giới thiệu bài viết “Truyện Kiều trong đời sống mỹ thuật” của Thái Sơn
Hơn 200 năm qua truyện Kiều đã được khai thác dưới nhiều góc độ như: nghệ thuật, khoa học tự nhiên, thống kê toán học, ngôn ngữ … Với mỹ thuật Truyền Kiều cũng là một đề tài không bao giờ cũ. Có đặc điểm của phong cách tạo hình độc đáo “thi trung hữu họa”, người họa sĩ thấy nổi lên ở Truyện Kiều hình, sắc, ánh sáng, bố cục và thấy cả không gian, thời gian. Sự di chuyển bút pháp của mỗi câu thơ, mỗi đoạn thơ rất uyển chuyển, thoải mái. Tâm linh và sự vật thống nhất hài hòa. Qua sáng tạo của Nguyễn Du, cảnh vật vô tri như có một tâm hồn ẩn náu ở bên trong, bộc lộ hộ tâm tình. Điều đó còn có nghĩa là tác giả đã dùng vẻ đẹp để đi vào tâm hồn nhân vật. Đây chính là nguồn cảm hứng để các họa sĩ đồng cảm, khai thác và sáng tạo.
Tranh minh họa Kim Trọng gặp Thúy Kiều. Tư liệu
Ngôn ngữ chính là chất liệu để Nguyễn Du “thi trung hữu họa”. Mỗi câu thơ đoạn thơ đều chứa đựng hình ảnh đắt giá làm nên bức tranh chân thực, vì thế khi các họa sĩ tham gia để minh họa Truyện Kiều là điều không phải dễ. Đòi hỏi sự đồng điệu, sâu sắc trong triết lý để chuyển tiếp tranh từ ngôn ngữ sang chất liệu hội họa. Theo khảo sát đánh giá, đến nay có rất nhiều công trình sách, hội họa để giúp độc giả tiếp cận Truyện Kiều tốt hơn, có góc nhìn đa diện trong cảm nhận, đây cũng là cơ sở để lan tỏa Truyện Kiều, lan tỏa các giá trị theo phương thức “giá trị nâng giá trị” tạo nên hiệu ứng trong tìm hiểu cũng như nghiên cứu. Mặt khác có thể thấy Truyện Kiều như mạch ngầm không ngừng phản ánh giá trị vốn có mà còn vượt thời gian để đạt được những giá trị cộng hưởng.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế, bản họa Truyện Kiều bản đầu tiên qua bản dịch của Abel des michels (2 tập), Paris 1884 - 1885 (Ernest Leroux). Đây là những nét vẽ mộc mạc của các nghệ nhân dân gian ta cuối thế kỷ XIX.[1] Sách có tranh minh họa chữ viết rất cẩn thận công phu. Mỗi trang đều có ba phần: tóm tắt bằng chữ Nôm, một đoạn Kiều và tranh minh họa. Có lẽ đó là bản Kiều có nhiều tranh minh họa cổ nhất. Năm 2000, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc cho ra mắt quyển Truyện Kiều bằng tranh gồm hai tập. Mỗi trang có bốn phần: một đoạn Kiều, tranh minh họa, lời diễn ra văn xuôi và chú thích. Trước đó năm 1942, Đào Duy Anh và đã cùng các bạn hữu cho ra tập Văn hóa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản. Truyện Kiều là nơi hội tụ của các họa sĩ tài danh thế kỷ XX thử bút như: Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân … với 11 bản họa [2]. Cũng trong năm này bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh trong ấn bản thành sách đầu tiên của nhà Alexande de Rhodes cũng giới thiệu 13 họa bản của họa sĩ Mạnh Quỳnh.
Năm 1952, bản Truyện Kiều chú giải của Lê Văn Hòe do nhà xuất bản Ziên Hồng, Sài Gòn tái bản được trình bày với 10 họa phẩm của họa sĩ Tú Duyên mà Lê Thu Yến. Đến năm 1999, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin lại cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt với 22 bức tranh minh họa của hoạc sĩ Mai Hoa. Năm 2000, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tĩnh có xuất bản tuyển tập Tranh minh họa Truyện Kiều của họa sĩ Lê Anh Tuấn với hàng trăm bức tranh minh họa về Truyện Kiều của các hoạ sỹ đông, tây, kim cổ. Ngày 6/4/2010, Ban quản lý di tích Đại thi hào Nguyễn Du đã tiếp nhận bộ tranh Truyện Kiều của họa sĩ Anh Phương gồm 40 bức tranh được họa sĩ thực hiện trong hai năm rưỡi, trên chất liệu màu nước, giấy Putse khổ A3 - A4, thể hiện toàn bộ diễn biến truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du[4]. Năm 2010, Nhà Xuất bản Văn học chính thức giới thiệu Truyện Kiều - Thơ và tranh nhân dịp chào mừng Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là ấn phẩm lớn cùng với 5 bộ sách đặc biệt khác với Truyện Kiều nguyên tác và tranh minh họa gồm 42 trang của họa sĩ Anh Phương. Đến năm 2014, Ban Quản lý di tích Nguyễn Du đã tiếp nhận cuốn sách Kim Kiều thảo họa - Truyện Kiều bằng tranh của họa sĩ Nguyễn Hoàng Phương [4] gồm 159 bức họa, mỗi bức đều có chú giải cụ thể, diễn tả toàn bộ nội dung Truyện Kiều. Minh họa đầu tiên tả lại câu chuyện gia đình viên ngoại họ Vương ở đời nhà Minh, năm Gia Tĩnh, ở Trung Quốc, sinh được hai người con gái, một người con trai và hai người con gái đó là chị em Thúy Kiều, Thúy Vân sắc nước hương trời, giỏi cầm, kỳ, thi, họa và đến minh họa cuối cùng là Kim Trọng đề nghị nối lại tình xưa nhưng Thúy Kiều tự thấy mình không còn xứng đáng với chàng Kim nữa nên sẽ trở thành bạn “chẳng trong chăn gối, cũng ngoài cầm thơ”.
Qua thống kê trên có thể thấy càng về sau Truyện Kiều càng được chú ý khai thác ở góc độ hội họa, tranh minh họa Truyện Kiều như một phần không thể thiếu cùng lan tỏa giá trị Truyện Kiều về nghệ thuật, ngôn ngữ, các giá trị về đạo đức, nhân văn, về thi pháp và đặc biệt là sự cộng hưởng tốt đẹp trong đời sống xã hội. Nhiều họa sĩ tài hoa đã đồng cảm, gắn bó với Truyện Kiều như họa sĩ tài danh Lê Trí Dũng (Lớp họa sĩ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), đến họa sĩ Phạm Cung, Phương Anh, Trí Lực, Nguyễn Hoàng Phương, Ngọc Mai, Lê Anh Tuấn… Mặc dù với một tuyệt tác mà mỗi câu thơ đã là một bức tranh tài hoa bằng con chữ theo cảm thụ của mỗi người đọc thì việc vẽ thành một bức họa cụ thể sẽ không thể nào đáp ứng được trí tưởng tượng của đông đảo công chúng nhưng việc minh họa Truyện Kiều là một nguồn cảm hứng trên nhiều chất liệu như từ giấy gió, đồ họa hiện đại đến tranh lụa [5]…
Bên cạnh đó, ngoài các bức tranh minh họa, thì Truyện Kiều cũng đã được tiếp cận, nghiên cứu khai thác từ góc độ thư pháp, đến nay có hàng trăm cuốn thư pháp về Truyền Kiều, có cuốn lên đến hàng trăm trang, nặng hàng chục kg như cuốn thư pháp của Nguyệt Đình xuất bản năm 2001 được trưng bày nhân dịp Festival Huế 2002 [6]. Viết thư pháp Truyện Kiều cũng đã mở ra một giá trị nhân văn đối với người làm nghệ thuật cũng như người thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là lớp trẻ. Trong nhiều bản thư pháp chữ Quốc ngữ hiện nay, chữ TÂM hoặc câu “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”... được tiếp cận ở nhiều góc độ, hình thức, truyền cảm hứng tới độc giả.
Truyện Kiều cũng đã được khai thác để “xã hội hóa” các giá trị thông qua hội họa như lịch, tem Truyện Kiều. Năm 2017, Công ty An Hảo và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã cho ra mắt cuốn lịch block đặc biệt, khổ lớn với chủ đề Truyện Kiều. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, Truyện Kiều được giới thiệu trên lịch block với 3.254 câu thơ lục bát cùng lời chú giải và 365 bức tranh màu minh họa cho từng đoạn thơ trong tác phẩm này [7]. Tiếp đến có thể kể đến bộ lịch của Tổng công ty Hàng Không Việt Nam được xuất bản năm Nhâm Ngọ 2002 khổ lớn với 12 bức tranh về ngựa của họa sĩ Lê Trí Dũng dành cho 12 tháng trong năm, trong đó có 4 bức tranh ngựa trong Truyện Kiều. Gần đây nhất năm 2024, nhà nghiên cứu Dương Trung Dũng cũng đã cho ra đời bộ lịch Kiều công phu với hàng ngàn câu kiều, đoạn trích của toàn bộ tác phầm đi kèm tranh minh họa. Việc in lịch Kiều đã góp phần đưa Truyện Kiều lan tỏa một cách gần gủi với đời sống, nhân thêm nguồn cảm hứng cũng như khả năng tiếp cận của cộng đồng. Đồng thời góp phần quảng bá phổ biến Truyện Kiều bằng hình thức thể hiện mới. Ngoài lịch Kiều nhiều bộ tem liên quan đến truyện Kiều - Nguyễn Du cũng đã được phát hành lan tỏa giá trị văn hóa, mỹ thuật và giá trị Truyền Kiều được hòa quyện, lồng ghép.
Song hành với hội họa nhiều năm qua đã diễn ra hàng trăm triễn lãm về thư pháp, tranh minh họa Truyện Kiều cùng với các hoạt động văn hóa khác. Cũng gắn với hội họa, nhiều nhà nghiên cứu, người yêu mến Truyện Kiều đã sưu tập các bức tranh về Truyện Kiều và Nguyễn Du trong đó có nhiều bộ sưu tập đồ sộ được công nhận kỷ lục Ginet Việt Nam [8].
Ở một góc độ khác Truyện Kiều còn đi vào đời sống với những giá trị tích cực, gần gũi nhưng chứa đựng giá trị nghệ thuật to lớn đó là điêu khắc. Có thể thấy ít có tác phẩm văn học nào được sự song hành, lan tỏa, nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá nghệ thuật ở nhiều góc độ mà trong đó có điêu khắc như Truyện Kiều. Mặc dù đây là nghệ thuật tạo hình kén chọn đối tượng, chủ thể nhưng với Truyện Kiều lại có nguồn cảm hứng vô tận, đến nay đã có nhiều tác phẩm điêu khắc về Truyện Kiều và Nguyễn Du như tượng Kiều và các nhân vật trong truyện, tượng Nguyễn Du… Thậm chí còn có cả những triển lãm về “vườn Kiều”[9] mà ở đó mỗi nhân vật được khắc họa mỗi nét tính cách sâu, biểu cảm lột tả được như gần hết nghệ thuật tạo hình qua thơ của cụ Nguyễn.
Có thể thấy rằng nếu so sánh với một số tác phẩm truyện thơ như Lục Vân Tiên, các tác phẩm văn học trong nhiều giai đoạn lại nay có thể thấy ít có công trình nào được nghiên cứu nhiều góc độ mà trong đó hội họa được khai thác, tìm hiểu sâu như Truyện Kiều. Từ đây có thể thấy giá trị, tầm ảnh hưởng, sức hút của Truyện Kiều không chỉ ở ngôn ngữ, nội dung mà chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật khác, đặc biệt các giá trị này đi vào đời sống một cách tự nhiên, gần gủi, vừa nghệ thuật, hàn lâm nhưng cũng chân chất với đời sống mà ai cũng có thể cảm thụ, cảm nhận từ góc độc của chính mình.
T.S
_________________
[1]Trên nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay số 152, năm 1984, ông Nguyễn Ngọc Trí, làm việc tại thư viện Anh quốc, có giới thiệu một quyển Kiều cổ chép tay được cho là bản minh họa truyện Kiều chú thích bằng chữ Hán.
[2] Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí; Theo bóng trăng tà về tây của họa sĩ Lương Xuân Nhị; Vầng trăng ai xẻ làm đôi của họa sĩ Nguyễn Tường Lân; Lạ vẻ cân đai của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; Tú Bà ghé lại thong dong... của họa sĩ Tô Ngọc Vân; Khắc vợi canh tàn của họa sĩ Trần Văn Cẩn; Lá gió cành chim của họa sĩ Phạm Hầu; trong ngọc trắng ngà của họa sĩ Lê Văn Đệ; Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ của họa sĩ Tôn Thất Đào; chán chường yến anh của họa sĩ Nguyễn văn Tỵ; Thành xây khói biếc... của họa sĩ Lưu văn Sìn. (Theo Phạm Đan Quế).
[3] Tác phẩm “Bộ tranh truyện Kiều” được tác giả tặng BQL Khu di tích Nguyễn Du sau khi đạt giải thưởng đặc biệt tại triển lãm Mỹ thuật khu vực 10 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
[4] Sách khổ 13x19 cm, gồm 89 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vào tháng 8/2014; Họa sĩ Nguyễn Hoàng Phương sống tại phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
[5] Họa sĩ Ngọc Mai dành thời gian 12 năm để vẽ tranh lụa về truyện Kiều qua 28 bức tranh miều tả các nhân vật trong Truyện kiều như Từ Hải, Kim Trọng, Thúy Kiều …
[6] Cuốn thi pháp có khổ giấy 1m x 1,6m dày 300 trang. 3.254 câu Kiều được viết trên hai mặt giấy Cossin 120, mỗi trang thơ đều được các họa sĩ vẽ tranh nền riêng, bìa sách làm bằng gỗ bọc gấm, gáy sách bằng đồng, bốn góc bọc kim loại, mực xạ loại tốt thơm và không bị phai
[7] Bộ lịch được họa sĩ Hữu Hiếu cùng cộng sự thực hiện trong hơn 20 tháng gồm 365 trang tương ứng với 365 ngày trong năm.
[8] Sách kỷ lục Việt Nam xác lập “Ấn phẩm, vật phẩm liên quan đến "Truyện Kiều" nhiều nhất Việt Nam” năm 2022, với 1.630 ấn phẩm Truyện Kiều được đăng tải trên báo chí, tạp chí, tranh ảnh.
[9] Khu vườn Kiều nổi tiếng của cụ ông Nguyễn Bá Khoát (hơn 80 tuổi, khu phố 4, phường Bình Đa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) được xem là độc nhất vô nhị rộng 3.000 m2 và phải mất gần chục năm để xây dựng.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Đan Quế, Văn hóa Kiều, NXB 2000
2. Nguyễn Du, Truyện Kiều với quê hương Hà Tĩnh, Sở VHTT 2007.