09-08-2024 - 07:17

Truyện ngắn “Bí mật của cha” của Phan Thế Dũng Toàn

Tạp chí Hồng Lĩnh số 215 trân trọng giới thiệu truyện ngắn “Bí mật của cha” của Phan Thế Dũng Toàn

Ông Hùng về hưu tính đến nay đã gần mười lăm năm, cũng chừng ấy năm trong ngôi nhà nhỏ chỉ có hai ông bà già ở với nhau. Đôi lúc thấy trống trải, ông muốn gia đình tụ họp để còn được nhìn thấy mặt lũ con cháu, được nghe chuyện vợ chồng các con làm ăn sinh sống thế nào mà năm lần bảy lượt chưa thực hiện được. Lần này có chuyện quan trọng nên ông muốn gọi các con về. Vào đầu tháng bảy rồi, đứa đi dạy học cũng đang nghỉ hè, đứa làm việc nhà nước hay kinh doanh cũng chưa phải đến thời điểm gấp rút nên có thể bớt chút thời gian về với hai ông bà được. Khi nghe ông nói cha có bí mật muốn nói với các con, thế là thấy các con đứa nào cũng im lặng, một lúc sau ba đứa lần lượt gọi cho cha cùng nói y nguyên một câu: “Chúng con nhất định sẽ về!”.

Sau khi nhận được tin của cha, ba cô đã liên lạc với nhau qua điện thoại. Họ đều giống nhau ở điểm ai cũng nghĩ đến những điều chẳng hay ho gì. Ở cái huyện nhỏ giáp ranh thành phố này, chức vụ trưởng phòng của cha các cô cũng có thể gọi là đáng kể. Rất nhiều phụ nữ mê ông. Có những người bộc lộ một cách lộ liễu khiến ông nhận không ít điều tiếng. Bà Hường không ít lần nuốt thầm nước mắt vì miệng lưỡi thiên hạ việc bà chỉ sinh con một bề và chuyện ông chồng đào hoa này. Trông bề ngoài tỏ ra kiên cường vậy thôi chứ bà cũng mềm lòng yếu đuối lắm. Bà đã nhịn, song có lúc không chịu được, bà khóc hỏi ông sao lại đối xử với bà như thế, ông chỉ nói bà tin tôi hay tin người ngoài, đường đường một người như tôi sao không lắm kẻ thù, có thể vì ghen ghét gì đó mà người ta tung tin làm hại tôi, không bảo vệ chồng thì cũng đừng làm rối tung chuyện lên thế chứ! Các con bà đều rất thấu hiểu cho mẹ, hiểu sự hy sinh của mẹ cho gia đình. Giờ đây, nghe điện thoại cha bảo muốn nói điều bí mật ba cô con gái đã thủ thỉ thù thì trao đổi trong điện thoại, họ đoán già đoán non nhiều chuyện, từ chuyện di chúc thừa kế tài sản đến chuyện sức khỏe của cha mẹ, rồi cuối cùng mọi người thống nhất ở chỗ chuẩn bị tâm lí để đón nhận một đứa em trai và một bà dì mà lâu nay cha đã dấu. Nghĩ thế nên cả ba bàn sang chuyện là sẽ trấn an tinh thần mẹ ra sao, bởi hơn lúc nào hết, bây giờ các cô phải bảo vệ cho mẹ. Cô Cả do đó quyết định cha đã nói vậy, dù ai bận bịu thế nào lần này cũng sẽ phải về. Mọi người đồng ý theo kế hoạch cô Cả đã vạch ra.

Vợ chồng cô Cả sẽ ra ga tàu đón gia đình cô Hai rồi cùng về nhà luôn. Cô Út là giáo viên, lấy chồng trong huyện nên thu xếp về từ sáng sớm. Khi gia đình cô Cả và cô Hai về tới nhà, đã thấy gia đình nhà cô Út có mặt từ lúc nào. Cậu rể Út đang ngồi nói chuyện với cha trước cái bàn ngoài sân. Cô Út cùng hai đứa con đang ngồi với bà Hường ở phòng khách. Cô Cả và cô Hai chào cha, rồi đi nhanh vào nhà ôm mẹ bảo chúng con nhớ mẹ quá. Anh rể Cả và anh rể Hai lấy quà từ cốp xe biếu cha mẹ vợ. Thằng bé con cô Hai mập ú cao lớn hơn đứa trẻ lên mười không chịu làm quen khiến hai đứa trẻ con cô Út cứ đứng tơ ngơ, mãi lúc sau cô Cả nhắc cả ba đứa mới chung chơi với nhau cái ipad thằng bé mang theo. Trong lúc ba chàng rể ngồi tiếp chuyện cha vợ, ba cô con gái thủ thỉ thù thì nói chuyện với mẹ ở phòng trong. Ba cô có ướm hỏi cha có điều gì bí mật mà gọi các con về gấp vậy với hi vọng bà sẽ biết và tiết lộ sớm nhưng bà bảo chỉ là lâu không gặp các con, cha muốn tụ họp gia đình chứ có chuyện gì quan trọng đâu! Ba cô đưa mắt nhìn nhau cùng ngầm hiểu chuyện này sao cha có thể nói với mẹ được, nên không ai nói gì thêm về chuyện đó. Nhìn khuôn mặt bình yên dưới mái tóc bạc phơ của mẹ, các cô thấy phần nào yên tâm. Chợt nhớ ra điều cần làm, cô Cả bảo chị đã mua sắm một ít thực phẩm cho bữa tiệc, rồi quay sang hỏi mẹ thích ăn gì để chúng con đi mua thêm. Bà nói mọi thứ bà đã chuẩn bị sẵn, gà bà nuôi được, trứng đầy trong tủ, thịt lợn thịt bò bà đã chuẩn bị từ trước, rau củ quả cũng đã đủ cả. Cái chính là phải đảm bảo vệ sinh thực phẩm, chứ đồ bán ngoài chợ toàn loại tăng trọng với chất kích thích bố mẹ không dùng. Bỗng nhiên cô Hai hỏi mẹ bánh đúc, bánh gói, bánh kê chợ Đình mình có còn bán nữa không, tự nhiên thèm ăn quá thể. Thế là cô Út liền bảo em sẽ đi mua cho chị. Cô Hai nói lâu rồi chưa đi chợ truyền thống nên cũng muốn xuống thăm chợ quê. Cô Cả quyết định sẽ lấy xe chở mấy chị em cùng đi dạo chợ, tiện thể mua thêm một ít đồ cho bữa tiệc trưa. Thoáng một cái họ đã về. Mấy chị em dọn đồ ra mâm, gọi các ông chồng đang cùng bố vợ ngắm cây cảnh ngoài sân vào, bà Hường đi lên bảo: “Các con bê cả hàng bánh chợ Đình về à? Bánh trái gì mà mua nhiều thế không biết”. Cô Hai bày bánh ra bàn rồi giảng giải cho ông chồng xứ Bắc đặc điểm của các loại bánh. Thằng bé Bắp con cô Hai vẫn không chịu nếm quà quê của mẹ, trong khi đó anh rể Hai vừa ăn vừa khen ngon đáo để, anh ăn liền mấy cái không để ý đến ánh mắt của mọi người đang nhìn mình.

Sau khi ăn sáng xong, những thứ thừa được dọn xuống gian bếp. Cô Hai ngồi lại ở phòng khách. Trong số các chị em, cô Hai học giỏi hơn cả, cô từng đi thi học sinh giỏi tỉnh, đậu Đại học, ra Hà Nội học rồi lấy chồng định cư ở đó. Từ nhỏ đến lớn cô được bố mẹ chiều chỉ lo học không bắt làm việc nhà nhiều nên cô có tính ỷ lại. Cô Cả cô Út hiểu tính cô Hai, tự nguyện bê đống bát đĩa đi rửa. Rửa xong chồng bát đĩa, hai cô mới để ý đến bà mẹ đang ngồi nhặt rau, không ai bảo ai liền ngồi xuống làm cùng mẹ. Nhìn bàn tay gầy guộc nhăn nheo của mẹ cẩn thận nhặt từng cọng rau, tự nhiên cô Cả chạnh lòng, nói chúng con thương mẹ nhưng ở xa quá không có cách gì giúp được mẹ. Bà Hường bảo các con sống yên ổn là mẹ vui rồi. Hai cô bảo mẹ vào nhà nghỉ ngơi, việc còn lại để chúng con làm song bà Hường không nghe, bà bảo chuyện nấu nướng bà đã quen, với lại mẹ cũng đã quen chuyện ăn uống của cha các con. Các cô đều biết cha rất kĩ tính trong ăn uống, chỉ có mẹ mới chiều được cha. Có lần vì chuyện này mà cô Hai giận mẹ. Thấy mẹ chăm miếng ăn cho cha quá, cô Hai bảo mẹ cứ kệ cha đi, cả nhà ăn được cha khắc ăn được, việc gì phải nấu riêng. Bà mới bảo cha chúng mày không ăn được như vậy, rồi từ chuyện món ăn cho chồng bà chuyển sang khuyên con chuyện chăm sóc chồng từ miếng ăn giấc ngủ để giữ chồng. Cô Hai mới bảo chồng mà không nghe thì chúng con li dị. Nghe đến hai tiếng li dị bà Hường hốt hoảng quay ra mắng con rằng người ta cố giữ chồng không được lại đi nghĩ chuyện lung tung. Xem ra suy nghĩ của hai mẹ con không giống nhau, khiến chuyện cãi cọ xẩy ra. Từ bữa ấy cô Hai bảo về nhà mẹ chuyện bếp núc con sẽ không nhúng tay vào nữa! Cô Hai vốn ngang tính từ nhỏ, nói là cô làm. Cô Cả và cô Út đều chứng kiến chuyện này nên cũng không ép cô Hai. Hai cô bê thịt cá ra bắt đầu chuẩn bị chuyện bếp núc. Bà Hường phụ giúp các con. Bà nói chỗ đứng vẻ vang nhất của đàn bà ở nhà là trong bếp, không vào bếp thì không còn là đàn bà nữa! Hai cô nhìn mẹ, không nói gì. Cô Út nhấc rổ thịt vừa làm sạch đặt lên cái xô cho nó ráo nước. Cô dòng gàu múc đổ đầy cái chậu cho chị Cả rửa sạch con gà. Nước giếng khơi bao nhiêu năm vẫn cứ trong văn vắt. Cô nhớ lại hồi nhỏ thường ra giếng xối ào ào, bị cha mắng là con gái mà không ý tứ. Rồi cô nhớ chuyện nghe mẹ giảng giải con gái phải kín đáo ý tứ này nọ chứ không phải như con trai, cô đã cự lại: “Từ nhỏ con vẫn thấy bố mẹ coi con như con trai, tóc thì cắt ngắn, may áo cộc quần đùi cho mặc”. Mẹ cô chỉ ngồi im không nói. Đem chuyện này thắc mắc với bà nội, bà mới bảo: “Người ta vẫn làm thế khi chưa sinh được đứa con trai, ý là muốn nhờ vậy để bà mụ thương tình cho sinh đứa con trai”. Từ nhà bà nội về, cô cứ thắc mắc nhà không có con trai thì đã sao? Cha mẹ cần có đứa con trai đến mức biến mình thành vật thay thế ư? Từ đó, cô quyết làm ngược lại với bố mẹ, nghĩa là để tóc dài, quyết không mặc áo cộc quần đùi, không mặc quần vải dày, nhiều khi lấy quần lụa của mẹ ra mặc để bọn bạn trong xóm bảo trông như một con ngố! Sau đó có thấy mẹ sinh cậu em trai nào đâu? Nhớ đến chuyện này tự nhiên cô thấy buồn nhưng cô không nói gì. Cô Cả và cô Út bê rổ thịt rổ cá vào bếp. Họ muốn tập trung làm những món thật ngon trong buổi hội ngộ này.

Gần trưa nắng bắt đầu gay gắt, trời ít gió và cái nóng mùa hè cũng bắt đầu hầm hập. Mấy đứa trẻ đã vào phòng ông ngoại bật điều hòa ngồi hóng mát. Ông Hùng sai cậu rể Út lấy thêm quạt để chống nóng. Mâm cỗ cũng đã làm xong và được dọn lên. Anh rể Hai mở ba lô lấy chai rượu ngoại anh mang từ phố về ra rót. Mấy cô và bọn trẻ thì uống nước ngọt. Đang ăn uống vui vẻ, cô Út ghé tai chị Cả hỏi nhỏ đã nên yêu cầu cha nói ra chuyện bí mật chưa thì được bà chị nhắc Trời đánh tránh bữa ăn, cứ để thư thư hẵng hay.

Sau bữa ăn, mấy đứa cháu lại mò vô phòng điều hòa của ông ngoại rồi đóng bịt cửa. Ba cô con gái vừa dọn mâm bát, cùng nhau ra giếng rửa bát, vừa làm vừa thì thầm về chuyện của bố. Điều cần thiết bây giờ cả ba cô đều thấy là không thể để chuyện này kéo dài thêm nữa, ai cũng nghĩ trái tim mình sẽ nhói đau một lần nên quyết định cử chị Cả chứ không phải ai khác, sẽ trực tiếp hỏi thẳng cha về điều bí mật. Cô Cả nhận sứ mệnh rồi nghiêm trang lên tiếng: “Thưa cha, thưa mẹ! Dù chúng con rất bận việc song nghe cha nói cha muốn gặp chúng con để nói một điều bí mật. Cha làm chúng con tò mò và băn khoăn quá. Giờ đã đông đủ mọi người trong nhà, ăn uống cũng đã xong, xin cha hãy cho chúng con biết bí mật của cha là gì?”. Ông Hùng có lúng túng một chút, song nhanh chóng lấy lại bình tĩnh, ông nhấp ngụm nước chè xanh đặc quánh, rồi nhìn bà vợ, khẽ nói: “Đáng lẽ cha nói điều này khi có mặt cậu Bằng, tiếc rằng cậu ấy lại bận đi công tác”. Ông dừng lại như để trấn tỉnh. Lúc ấy, mọi thứ xung quanh như ngưng đọng. Ba cô con gái nhìn nhau. Cái tên cậu Bằng cứ âm vang trong đầu họ. Họ lục trong kí ức và rồi cũng nhớ ra mình đã gặp cậu trong dịp kỉ niệm 40 năm ngày cưới của bố mẹ. Cậu Bằng là một chàng trai tuấn tú và tốt tính, dáng người thư sinh, da trắng và khuôn mặt rất khôi ngô, sáng sủa. Cậu học giỏi, đã lấy bằng thạc sĩ hạng ưu! Buổi đó cha bảo hôm nay cha có mời một vị khách đặc biệt, một người bạn vong niên của cha. Cậu đến với một túi quà là hoa quả, chai rượu ngoại và bánh kẹo. Cậu bảo cậu vừa đi làm ở thành phố liền về ngay đây, cậu hơi bận việc nhưng thấy bác mời tha thiết nên thu xếp về chung vui với hai bác và gia đình. Mọi người đang lắng trong suy tư thì tự nhiên nghe một tiến khóc nấc lên. Nhìn ra là cô Út, cô choàng tay ôm vai mẹ, như để che chở cho mẹ, và điều cô nói mới làm mọi người bất ngờ: “Bây giờ mẹ có còn nói là cha không cần con trai nữa không? Đàn ông ai mà chã giống nhau, với họ chỉ có con trai là nhất”. Có vẻ như bà không đủ bình tỉnh để nghe lời con gái hỏi. Cô Út lại hỏi mẹ, rồi cô tự trả lời: “Nếu nhà mình có thêm cậu con trai, mẹ có sẵn lòng chấp nhận? Mẹ đừng lo, chúng con sẽ luôn bên mẹ!”. Mấy ông con rể lại trố mắt ngạc nhiên. Ba cô xích lại gần mẹ, như che chở cho mẹ. Thấy các con đang lo lắng cho mình, tự nhiên bà thấy mình có điểm tựa, buồn lòng nhưng vẫn nói: “Mẹ đã có các con. Các con yêu thương và hiểu cho mẹ là mẹ thỏa lòng rồi!”. Mấy cô con gái trông có vẻ hả hê vì câu nói đầy ngụ ý của mẹ, ai cũng nghĩ từ bây giờ mình phải có trách nhiệm thương yêu và chăm sóc mẹ nhiều hơn. Thậm chí các cô, ngay cả người vô tư như cô Hai, cũng đã thoáng nghĩ trong đầu kế hoạch chăm sóc mẹ sau giây phút này như thế nào. Họ hướng về cha, sẵng sàng nghe cha nói điều bí mật về cậu Bằng, họ đã sẵn sàng tâm thế lắng nghe bất cứ điều gì từ cha.

Trước thái độ của các cô con gái, ông Hùng càng tỏ ra lúng túng. Ông cố lấy dũng khí đi đến bên cái tủ sách của mình rút ra một cái hộp giấy hình chữ nhật màu đỏ thẫm. Ông run run cầm một tờ giấy ố vàng trên tay, đeo cái kính lão vào rồi nói: “Đây là một bài thơ cha đã viết từ lâu. Cha muốn đọc cho các con cùng nghe”. Giọng rưng rưng xúc động, ông đọc trước sự ngạc nhiên của mọi người: “Anh đến biển một chiều giông gió/ nơi ta hẹn nhau chỉ có anh đứng tìm/ biển vắng dõi con thuyền neo trên cát/ anh trở về sóng dạt vào tim”.

Có phải cha muốn cho chúng con biết đây là bài thơ tình cha đã tặng người ấy, có nghĩa là mẹ chúng con không phải là người đàn bà duy nhất của cha, có phải là tình cảm của cha với người ấy sâu nặng hơn với mẹ chúng con?” - Cô Út hỏi với giọng đầy trách móc, vừa cất tiếng vừa nuốt nghẹn vào lòng. Mọi ánh mắt tao tác lại hướng về phía ông Hùng. Ông Hùng tái mặt nhìn cô Út, hỏi: “Con nói gì cha không hiểu. Người đàn bà ấy là người nào?”. “Thôi, cha đừng đóng kịch nữa. Là mẹ cậu Bằng chứ còn người nào nữa!” - Cô Út nói rồi nhìn cha với đôi mắt ráo hoảnh, lúc này không phải là lúc để nước mắt rơi, cô nghĩ thế. Mọi người đang xúc động thì thấy bà Hường đứng đậy. Các cô biết mẹ là người giỏi chịu đựng, mẹ đã chiều chuộng và hy sinh vì cha rất nhiều, nhưng đến lúc mẹ phải nói ra sự thật. Họ hồi hộp chờ mẹ lên tiếng. Bà Hường nhìn ông Hùng, đôi mắt đẫm nước, rồi nhìn một lượt khắp cả con rể và con gái, bà nói trong xúc động: “Đây đúng là bài thơ cha các con đã viết tặng mẹ năm mươi mấy năm về trước. Lần ấy mẹ đã hẹn cha các con nhưng rồi mẹ không tới. Cha các con đã viết bài thơ này, vừa như một lời trách móc, cũng là một lời tỏ tình. Nhờ bài thơ mà mẹ mới biết cha các con thật lòng để ý đến mình”. Mọi người kinh ngạc rồi thoáng chốc lại tỏ ra thích thú với câu chuyện tình lãng mạn của hai ông bà. Bài thơ được chuyền tay nhau. Khi đến tay cô Cả, cô cầm bài thơ, vẫn chưa hết băn khoăn, cô hỏi: “Sao cha lại đưa cậu Bằng vào chuyện này?”. Câu hỏi của cô Cả đưa mấy chị em về thực tại với những nghi ngờ chưa sáng tỏ, mọi người dõi theo cha hồi hộp. Ông Hùng tiếp tục mở cái hộp, lấy ra trong đó một cuốn sổ, rất nhiều tờ báo và tạp chí. Ông nói: “Điều cha muốn nói với các con hôm nay, cũng là lí do cha gọi các con về. Thứ nhất cha muốn các con có một buổi tụ họp gia đình vì lâu lắn rồi các con mới có thời gian về đông đủ như thế này, cũng lâu lắm rồi bố mẹ chưa được nhìn thấy con cháu mình. Thứ nữa… (giọng ông hơi ngập ngừng), được sự động viên và giúp đỡ của cậu Bằng, cha muốn tập hợp những bài thơ cha viết trong cuộc đời mình, cha muốn xuất bản một tập thơ. Cậu Bằng đã giúp cha biên tập lại, lấy tên bài thơ cha vừa đọc cho các con nghe, bài “Biển đợi” làm tên của tập thơ. Cậu ấy là thạc sĩ văn chương, cũng có viết văn, là bạn vong niên của cha nên cha tin tưởng cậu ấy!”. Ngừng một lúc, ông tiếp “Cha muốn xuất bản tập thơ để lưu giữ những kỉ niệm đẹp trong cuộc đời mình, cha muốn dành tặng điều gì đó cho các con, cha cũng muốn khi mình mất đi còn có một chút gì đó được lưu lại”. Dừng lại cho lắng cơn xúc động, ông mới tiếp: “Để xuất bản được tập thơ, cha cũng đã dành dụm ít tiền, nhưng do tuổi cao đi lại không tiện nên muốn nhờ các con giúp đỡ”

“Hóa ra bí mật của cha là vậy, thế mà làm chúng con và mẹ được một phen hú vía!”. Dù các ông con rể không hiểu lắm về lời của cô Út song vẫn cùng hòa với mọi người cười vui vẻ, khiến bọn trẻ trong nhà cũng chạy ra nhìn không hiểu vì sao.

“Thế này vậy, cái tên “Biển đợi” khiến con nghĩ đến một chuyện. Mọi việc thế là đã quyết rồi- cậu Út hồ hởi- Chúng ta nên ăn mừng chuyện vui này bằng cách sẽ xuống biển. Biển đang vẫy gọi, đang chờ đợi chúng ta!”. Rồi cậu quay sang nhìn mọi người: “Quê con vùng biển. Sẵn đây con mời mọi người về vùng biển quê con. Mùa hè mà xuống biển thì không gì tuyệt bằng!”. Mọi người hồ hởi đồng ý.

Thế là mọi người lại chuẩn bị cho chuyến đi biển chiều nay theo lời đề nghị của cậu rể Út. Ai cũng hy vọng sẽ có một chuyến đi thú vị, và nhất là chắc biển quê mình sẽ rất đẹp chứ không phải “đầy giông gió” như trong buổi hẹn hò của cha và mẹ. Câu chuyện đi biển cũng khiến cho bọn trẻ dẹp chuyện chơi điện tử để mơ tới đại dương nước và những con sóng.

P.T.D.T

. . . . .
Loading the player...