13-07-2012 - 13:42

TS Đặng Duy Báu với tập sách " Đón anh về"

Cuối quý III năm 2012, Nhà xuất bản Hội nhà văn VN xuất bản tập sách " Đón anh về" của TS Đặng Duy Báu- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh với những hồi ức- kỷ niệm buồn vui của một thời sống, làm việc trên nhiều cương vị khác nhau và những tình cảm sâu sắc cùng đồng chí, bạn bè và tổ ấm gia đình mà anh đã chắt chiu tạo dựng. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.


Xin trân trọng giới thiệu một số mẩu chuyện và chùm  thơ rút ra từ tập sách
 

 
                     
 
KỶ NIỆM Ở HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG

 
Được bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy
 
        Vào những năm 1977-1978 do tình hình phức tạp diễn ra ở các huyện miền núi biên giới, Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh chủ trương cử một số cán bộ có kinh nghiệm từ nguồn sĩ quan quân đội và các ban ngành đoàn thể ở tỉnh và ở các huyện miền xuôi tăng cường về cơ sở cho các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong. Tôi vừa đi học Trường Nguyễn Ái Quốc I về. Ba anh em ở Ban tổ chức cùng học với nhau, có anh Võ Quý Trưởng phòng Tổng hợp, anh Nguyễn Văn Thành Trưởng phòng Cơ sở và tôi Trưởng phòng Chuyên đề bộ máy. Khi đi học về, anh Quý được đề bạt làm Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, anh Thành được điều vào làm Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắc Lắc, còn tôi được cử lên Tương Dương làm Phó Ban tổ chức Huyện ủy. Lãnh đạo Ban gặp tôi thông cảm, tuy là Phó Ban Tổ chức Huyện ủy nhưng lên Tương Dương lần này cũng phải cùng với các đồng chí cán bộ tăng cường xuống xã để cắm chốt giữ cho tình hình ổn định từ cơ sở. Tôi thấy nhiệm vụ này thật là mới mẻ, vì mình là người kinh xuống cơ sở của một huyện mà cư dân hầu như toàn người dân tộc thiểu số, từ tiếng nói đến phong tục tập quán chẳng hiểu gì. Tương Dương lúc đó có 5,5 vạn dân, người Thái 4,5 vạn, người Khơ mú 6000, người H’Mông 2000 và một số người kinh sống xen kẽ, chủ yếu ở thị trấn Hòa Bình và vùng Cửa Rào. Là huyện miền núi rẻo cao, có địa bàn rộng (gần bằng tỉnh Thái Bình) gồm 17 xã, 108 bản. Có bản từ huyện đi bộ đến đó phải mất hàng chục ngày đường. Khi đoàn chúng tôi về huyện, được các đồng chí lãnh đạo, nhất là Bí thư huyện ủy Lô Văn Xo(1), đón tiếp thân mật, báo cáo kỹ tình hình của huyện và hướng dẫn cụ thể về phong tục tập quán nên đỡ bỡ ngỡ ban đầu. Xuống cơ sở với bà con các dân tộc, tôi tập trung học tiếng Thái và chỉ đạo một số mặt công tác, nhất là việc củng cố chi bộ Đảng, đưa chi bộ vào sinh hoạt có nề nếp, củng cố các tổ chức quần chúng thanh niên, phụ nữ. Hàng quý có hội ý rút kinh nghiệm, tôi thường trao đổi với anh em trong Ban tổ chức và báo cáo với Thường trực huyện ủy về tình hình ở cơ sở. Đồng chí Bí thư Lô Văn Xo rất lắng nghe và giao cho các ban của huyện ủy cùng xuống cơ sở chỉ đạo và rút kinh nghiệm với tôi.
            Điều bất ngờ, đầu năm 1979, trong Đại hội Đảng bộ huyện, có nhiều đại biểu giới thiệu tôi vào Ban chấp hành. Mặc dầu không nằm vào diện được cơ cấu, nhưng tôi vẫn trúng vào Huyện ủy. Đến khi Ban chấp hành họp để bầu Thường vụ, Bí thư và Phó Bí thư Huyện ủy thì diễn ra khá căng thẳng. Đồng chí Lô Văn Xo được bầu làm Bí thư huyện ủy với tín nhiệm cao. Đến lượt bầu Phó Bí thư huyện ủy thì Ban chấp hành có ý kiến khác nhau. Trước tình hình đó, buộc đồng chí Nguyễn Hữu Phúc(2) Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy về chỉ đạo Đại hội phải nói thẳng với Huyện ủy là Thường vụ Tỉnh ủy đã duyệt nhân sự Thường trực Huyện ủy, đồng chí Lô Văn Xo Bí thư, đồng chí Lô Hữu Chiến(3) Phó Bí thư trực và đồng chí Vi Văn Tào(4) Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện. Lúc đó thấy Ban chấp hành ồ lên. Một đồng chí đứng dậy nói thẳng rằng, Đảng bộ Tương Dương tín nhiệm ai thì bầu người đó, chúng tôi giới thiệu đồng chí Đặng Duy Báu làm Phó Bí thư trực Đảng. Đồng chí ấy vừa nói dứt lời, cả Ban chấp hành vỗ tay. Thấy tình hình không bình thường, đồng chí Phúc xin tạm dừng cuộc họp để báo cáo về tỉnh xin ý kiến của Thường vụ Tỉnh ủy. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy điện xuống, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc đồng ý cho Ban chấp hành Đảng bộ huyện dân chủ bàn bạc, thảo luận thật kỹ, bầu trúng ai thì Thường vụ Tỉnh ủy chấp nhận người đó. Tôi thật sự bất ngờ được Ban chấp hành tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Huyện ủy, một điều không hề nghĩ đến khi lên công tác ở huyện Tương Dương, một địa bàn mới mẻ và thật sự khó khăn đối với tôi.
           
Với ông Phay Đang

            Chuyện là thế này. Thời gian đó ở nước bạn Lào có sự phân hóa trong nội bộ dân tộc Lào Xủng (cùng nhóm tộc với dân tộc H’Mông ở Việt Nam). Ông Vàng Pao xưng vua và đi theo Mỹ, ông Phay Đang không đi theo Vàng Pao mà có cảm tình với ông Xu Pha Na Vông. Đảng Nhân dân cách mạng Lào thu phục ông Phay Đang, mời ông làm Phó Chủ tịch Mặt trận đoàn kết các dân tộc Lào. Để đảm bảo an toàn cho ông Phay Đang, bạn Lào bàn với Việt Nam bố trí cho một căn cứ ở bên đất Việt để ông Phay Đang hàng năm sang nghỉ an dưỡng, hoặc có tình huống bất trắc thì sang ẩn trú. Xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương được chọn làm địa điểm đó. Huyện chỉ đạo xã Lưu Kiến bố trí cho ông xây dựng căn cứ ở khu vực vừa gần đường giao thông, vừa gần khe suối lại gần với bản làng để thuận lợi cho sinh hoạt. Thường xuyên ở căn cứ có hàng chục người nhà của ông ấy vừa bảo vệ và chăn nuôi trâu bò, lợn gà, vừa để tiếp khách. Hàng năm ông Phay Đang thường kéo theo bà con, họ hàng, bạn bè có khi đến hàng trăm người từ Lào sang, ăn ở, nghỉ ngơi, chơi bời ở căn cứ đó.           
            Một hôm, đồng chí Nguyễn Văn Hoan, Ủy viên thư ký Ủy ban huyện sang báo cho tôi biết có tình hình phức tạp ở xã Lưu Kiền. Người nhà của ông Phay Đang tự tiện bắt trâu, bò, gà vịt của dân ở xã Lưu Kiền về làm thịt. Dân đến kêu thì ông trả lời không thèm tiếp. Ông còn nói, xã chỉ ngang với mắt cá chân của ông, huyện ngang đầu gối ông, tỉnh ngang bụng ông, nên ông không thể ngồi để bàn với nhau được. Ông ấy bảo, chỉ ngồi ngang hàng với Cụ Tôn Đức Thắng mà thôi. Lúc đó anh Xo Bí thư đang ở dưới quê (xã Tam Quang), chỉ có tôi trực ở Huyện ủy. Tôi mời anh Vi Văn Tào sang bàn cách xử lý, anh Tào nói việc này tuy thế nhưng là đại sự quốc gia, lỡ có chuyện gì làm ông Phay Đang phật ý thì nguy to; mà để vậy thì không yên với dân. Anh Tào còn nói, không riêng chuyện bắt trâu, bò, gà vịt của dân, mà còn nhiều chuyện quấy nhiễu liên quan đến an ninh và quản lý nhà nước ở trên địa bàn. Tôi đề xuất ý kiến, ta phải dựa vào dân để đấu tranh. Bàn thống nhất với Đảng ủy và Ủy ban xã Lưu Kiền huy động toàn dân vào một đêm đốt đuốc bao vây căn cứ của ông Phay Đang, yêu cầu ông phải đền bù số trâu, bò đã thịt và không được để cho tay chân quấy nhiễu địa phương. Được anh Tào đồng tình, tôi cho người xuống gặp anh Xo xin ý kiến chỉ đạo, anh Xo cũng đồng ý với phương án đó và dặn điện báo cáo với tỉnh. Sau khi thống nhất trong Ban Thường vụ Huyện ủy về chủ trương, Thường trực Huyện ủy bàn với Mặt trận tổ quốc huyện triển khai kế hoạch. Tôi và anh Tào trực tiếp làm việc với lãnh đạo xã Lưu Kiền. Tôi dặn phải chuẩn bị thật tốt, có trật tự, chỉ đốt đuốc không được mang vũ khí. Đến lúc nào ông Phay Đang xin gặp lãnh đạo xã và xin lỗi dân mới thôi. Đêm nay chưa thành, thì đêm khác, cứ thế mà làm liên tục. Không ngờ chỉ trong một đêm, ông Phay Đang đã xin gặp lãnh đạo xã, yêu cầu dân rút về. Lãnh đạo xã nói với ông, vì ông làm quá đáng nên dân vùng dậy. Chỉ khi nào ông xin lỗi và hứa trước dân thì dân mới chấp nhận, chứ xã không ngăn được. Ông Phay Đang đành phải nghe theo, đứng ra xin lỗi dân, nhưng đại diện của dân không chịu. Họ yêu cầu ông phải lên xã, lên huyện ký cam kết. Thế là sáng mai ông Phay Đang lên huyện gặp đồng chí Hoan, đồng ý ký biên bản đền bù lại số trâu, bò của dân đã bắt làm thịt và thực hiện đầy đủ những quy định do địa phương yêu cầu, đảm bảo an ninh và trật tự ở địa bàn, không để cho quân của ông lộng hành quấy nhiễu nữa.
            Mấy hôm sau, giữa nắng trưa hè, tôi đang mặc quần cộc chơi với các cháu con của anh chị em trong cơ quan, thì thấy chiếc xe u oát đi thẳng vào sân huyện ủy. Một đồng chí to cao từ xe bước ra hỏi các cháu, huyện ủy có ai ở nhà không. Các cháu trả lời, có chú Báu Phó Bí thư. Lúc đó thấy ông trực tiếp đi đến hỏi tôi, anh Báu ở phòng nào, anh biết không. Tôi nhìn ông cười và trả lời hơi bẽn lẽn, dạ tôi là Báu đây ạ. Ông ấy ồ một tiếng rồi nói, ra là anh à. Thế anh Lô Văn Xo đi đâu. Tôi bảo, anh Xo đang về dưới quê, nếu ông gặp anh Xo thì tôi được phép thay mặt anh ấy tiếp ông và mời ông vào phòng khách. Vào mặc quần áo tử tế, tôi pha trà, rót nước mời khách và tự giới thiệu. Khách cũng tự giới thiệu, ông là Đinh Tuy, Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Ông xin lỗi về việc vì tôi ở miền xuôi mới lên nên ông chưa biết mặt. Ông hỏi anh Xo về quê, thế thì vừa qua ai chỉ đạo giải quyết vụ việc ông Phay Đang ở Lưu Kiền. Tôi nói với ông, tuy ở quê nhưng anh Xo vẫn cho ý kiến chỉ đạo để chúng tôi thực hiện. Lúc ấy tôi thấy lo, không hiểu có chuyện gì mà Tư lệnh Biên phòng về đột ngột giữa trưa thế này, hay là do xử lý vụ ông Phay Đang có gì sai sót. Nhưng nhìn nét mặt ông Đinh Tuy thấy vui. Ông ấy nói tiếp, tôi biết cả rồi, mọi việc ở đây anh Xo giao cho anh, do anh quyết định. Trưa nay ăn cơm và nói chuyện với anh Vi Văn Tào, anh Tào kể cho tôi về chuyện anh được bầu làm phó Bí thư như thế nào và khen anh khiêm tốn, biết đoàn kết, dựa vào tập thể và tôn trọng người ở địa phương, thích nghi nhanh với công việc. Ông Đinh Tuy nói tiếp, vừa qua huyện xử sự với ông Phay Đang và đạt kết quả như thế chính tôi cũng bất ngờ. Tôi nhận được báo cáo của Đồn biên phòng, bố trí chuyến công tác này để về xem thực hư thế nào. Ứng biến của các anh hay đấy. Trao đổi xong, ông chia tay tôi để đi lên huyện Kỳ Sơn gặp anh Vừ Chông Pao, Chủ tịch huyện để bàn một số việc liên quan đến hai bên cửa khẩu Nậm Cắn nằm trên đường 7 sang Lào.

Được đổi thành họ Cụt

          Tết năm 1980, tôi ở lại ăn tết cùng với bà con đồng bào các dân tộc của huyện Tương Dương. Tôi bàn với anh em trong cơ quan sẽ đi ăn tết với đồng bào Khơ Mú và quyết định sáng mồng một lên đường đi vào bản Kim Hòa thuộc xã Lượng Minh. Sáng sớm chúng tôi lên đến Cửa Rào, rồi qua đò đi bộ khoảng 10km, tiếp tục qua đò ở bản Lã và đi vào sâu khoảng 5 km đường rừng nữa thì đến bản Kim Hòa. Đây là bản thuần dân tộc người Khơ Mú, nằm ở lưng chừng núi, có khoảng 30 hộ đều là hộ nghèo, có thể nói là nghèo xác xơ. Vì không báo trước, nên khi chúng tôi đến, cả bản rất bất ngờ. Được biết có người ở huyện về ăn tết với dân bản, bà con mừng lắm. Khi chúng tôi cùng Bí thư chi bộ kiêm Trưởng bản đến gia đình Già làng, thì cả nhà Già đang sum vầy ăn tết. Thấy khách đến tất cả đều bỏ đũa, bát đứng dậy. Tôi nhìn giữa mâm chỉ có một bát canh cá, một đĩa măng chấm muối, còn gà xáo thì đã múc lên bát chia cho từng người để trộn vào cơm ăn. Theo tập tục, vì tôi là khách quý, nên Già làng nhường bát cơm đang ăn dở mời tôi cầm lên ăn tiếp. Đi cùng tôi có anh Hoan Ủy viên Ủy ban huyện, cũng được gia đình nhường bát cho, nhưng anh ấy từ chối không thể ăn được. Nhìn bát ăn vừa cũ kỹ vừa hoen bẩn, lại đang ăn dở, nhưng biết rằng quý lắm Già làng mới nhường cho mình ăn tiếp, nên mặc dù tôi thấy lợm muốn nôn mửa, nhưng lúc đó phải dùng nghị lực và lý trí để ngồi cùng ăn đồ thừa trong bát với dân. Thấy tôi ăn ra vẻ ngon lành, khách và chủ đều vui. Ăn gần xong, Già làng đưa nồi đến từng người, yêu cầu mọi người đổ những gì đang ăn thừa trong bát vào đó. Nếu như ở dưới xuôi thì sẽ đổ cho lợn ăn, nhưng ở đây thấy cả Già làng, cả Trưởng bản đều cầm thìa múc đồ thừa trong nồi ăn. Lúc ấy như có một sự thúc dục tự nhiên, tôi cũng cầm thìa đi lại đó, cùng múc vào nồi ăn và cùng uống chung vào một bát rượu. Khi ăn hết sạch trong nồi, Già làng đứng lên, nét mặt vui vẻ nhưng nghiêm túc nói, hôm nay ngày mồng một tết, tôi xin tuyên bố, bác Đặng Duy Báu Phó Bí thư Huyện ủy là người của dân tộc Khơ Mú chúng ta. Chỉ có người Khơ Mú với nhau thì mới ăn uống như vậy, nên bác Báu là người Khơ Mú rồi. Vì chưa biết gì về phong tục của người Khơ Mú, nên khi nghe thế tôi thấy rất lạ.
            Không biết sao mà sự việc tôi ăn tết ở bản Kim Hòa lại lan truyền đến các bản của người Khơ Mú trong toàn huyện Tương Dương nhanh đến vậy. Chỉ mấy ngày sau khi nghỉ tết, anh Cụt Kim Liễu người Khơ Mú, nguyên là Ủy viên Ủy ban huyện đã nghỉ hưu, lên gặp Huyện ủy và Ủy ban huyện mang theo một quyết định miệng, báo cáo với lãnh đạo huyện rằng, dân Khơ Mú trong toàn huyện Tương Dương qua một thời gian theo dõi đã quyết định thu nạp ông Đặng Duy Báu vào dân tộc mình, ông Báu được mang họ Cụt. Người Khơ Mú huyện ta từ nay gọi ông Báu là Cụt Văn Báu thay cho Đặng Duy Báu. Sau tết năm đó, cả vùng thị trấn Hòa Bình râm ran về việc tôi được đồng bào Khơ Mú đổi họ, thay họ Đặng bằng họ Cụt. Riêng tôi tiếp nhận thông tin này thật bất ngờ và vui mừng như là được nhận một phần thưởng đặc biệt do đồng bào dân tộc Khơ Mú huyện Tương Dương dành cho.

Răng anh không chết đi cho rồi

               Anh Vi Văn Tào, Chủ tịch huyện Tương Dương, đã buột miệng nộp tôi như thế. Cho đến bây giờ thỉnh thoảng gặp nhau chúng tôi vẫn nhắc lại câu nói đó với một tình cảm khó tả. Xuất xứ là thế này. Tôi tham gia lãnh đạo huyện Tương Dương gặp nhiều bất lợi, một mặt mình còn trẻ, mặt khác là người kinh dưới xuôi lên, phong tục tập quán, ngôn ngữ đều bất đồng, lại thêm khí hậu khắc nghiệt. Vào những năm đó, dịch sốt rét ác tính cướp đi hàng trăm người, ngay ở cơ quan huyện cũng có người chết tại chỗ vì bệnh ấy. Làm sao để thích nghi được đây, đó là một vấn đề tự tôi đặt ra để phấn đấu. Tôi trình bày với Bí thư Huyện ủy Lô Văn Xo và xin anh ấy cứ hàng tháng, ở cơ quan nửa tháng, còn nửa tháng sẽ giành đi cơ sở, xuống tận các bản. Anh Xo thông cảm và tạo điều kiện để tôi thực hiện được kế hoạch đó. Tuy đường sá xa xôi vất vả, hồi đó trừ các bản ở dọc đường 7, còn tất cả đều phải đi bộ mới đến được. Chương trình của tôi đặt ra là đi theo lối cuốn chiếu, một đợt đi được từ 5 đến 6 bản. Đoàn đi thường gọn nhẹ, chỉ vài ba người, mỗi người một ba lô quần áo, chăn màn, đồ dùng cá nhân, riêng tôi có thêm khẩu súng ngắn. Cung độ giữa bản này đến bản khác khoảng nửa ngày hoặc một ngày đi bộ, nên nói chung cũng tiện lợi. Thường là đi hết buổi thì vừa đến bản, ăn cơm, sinh hoạt với bà con dân bản và nghỉ qua đêm. Nội dung làm việc cũng đơn giản. Chúng tôi nghe Trưởng bản và Già làng giới thiệu về bản mình, rồi cùng trao đổi, chuyện trò, bàn công việc với nhau tự nhiên, có khi là trong bữa ăn. Tôi mời bà con trong bản đến nhà Trưởng bản gặp để nói chuyện, thường là khoảng một tiếng đồng hồ. Chủ yếu nói tình hình của huyện rất vắn tắt rồi nhắc nhở bà con giữ gìn vệ sinh không chặt phá rẫy bừa bãi, cảnh giác với âm mưu của kẻ xấu…, hỏi xem bà con có đề xuất gì với trên không. Sau đó tôi cảm ơn và nói thật lòng, đường sá xa xôi bà con không lên huyện được, tôi thay mặt lãnh đạo huyện đi đến tận bản để chào bà con; mong rằng khi huyện hoặc xã có việc gì cần bà con giúp hoặc yêu cầu bà con làm, thì bà con vui vẻ thực hiện cho. Sau đó cùng với bà con lên nương rẫy, đi vào rừng hái măng, vào suối bắt cá... Cứ như vậy mà trong thời gian ở Tương Dương tôi đã đi hết tất cả các bản, kể cả những bản người H’Mông xa nhất như Pa Mựt, Piêng Cọoc đi bộ đường rừng hàng chục ngày đường. Không ngờ đây là một kỷ lục mà từ trước đến lúc đó chưa đồng chí lãnh đạo chủ trì nào của huyện thực hiện được. Đồng chí Xo nói với tôi, riêng điểm này thì chịu thua anh Báu. Cũng không ngờ chuyến đi về xã Luân Mai vào tháng 5/1981 là chuyến đi cơ sở cuối cùng của tôi ở huyện Tương Dương. Lần đi này chỉ có hai anh em là tôi và Lê Văn Thi(5). Chúng tôi đi hết các xã dọc sông Nậm Nơn để nắm tình hình, kiểm tra việc triển khai chủ trương “luân canh rẫy” theo Nghị quyết của Huyện ủy và kết luận ở Hội nghị chuyên đề do đồng chí Nguyễn Tiến Chương Phó Bí thư Tỉnh ủy về chỉ đạo(6). Khi ra về, xã Luân Mai đóng cho một bè nứa và cử người chèo bè đưa chúng tôi về theo sông Nậm Nơn. Nhưng xã không ngờ tôi chỉ xin nhận bè, xã không phải cử người, tôi tự chèo lấy bè. Anh Lô Văn Tiến Bí thư Đảng ủy và lãnh đạo xã rất ngạc nhiên và lo lắng. Từ Luân Mai về thị trấn Hòa Bình xuôi bè dọc sông Nậm Nơn mất 3 ngày đêm, phải qua rất nhiều thác ghềnh hiểm trở, làm sao xã yên tâm để tôi tự chèo được. Nhờ mấy lần đi bè, tôi đã chăm chú theo dõi luồng lạch và đã chèo thử, nhất là qua thác ghềnh, nên tôi nói với xã không sao đâu, tôi tự chèo được. Hôm đó bà con xã
Luân Mai có đến hàng trăm người ra tiễn chúng tôi về. Chuyến đi đó, tôi đã chèo lái bè vượt qua được thác ghềnh. Có nhiều lúc vượt thác mà tôi và anh Thi đều hú vía. Tôi kể cho anh Thi nghe câu chuyện hai vợ chồng trẻ mới cưới ở xã Tam Quang về thăm quê ngoại ở xã Hữu Dương, khi đi bè về xuôi qua thác Cánh Tàng, chồng chèo phía trước, vợ ngồi ở phía sau nước cuốn trôi vợ lúc nào chồng không biết, để anh Thi nghe mà đề phòng. Khi bè về đến bến Huyện ủy, lúc đó khoảng 10 giờ đêm, thấy anh Vi Văn Tào và anh em trong cơ quan Huyện ủy đã chờ ở đó. Anh Tào nhảy xuống bè và nói: “Răng anh không chết đi cho rồi, còn về làm gì nữa”. Tôi đang không hiểu vì sao anh Tào lại nộp tôi ác độc như thế, thì anh ấy nói, sông nước thác ghềnh thế mà cả gan tự tự chèo bè về, rồi đưa cho tôi tờ giấy, đây này, anh có Quyết định của Trung ương điều đi học ở Liên Xô. Thế là anh xa chúng tôi rồi! Nói xong anh ôm chặt tôi và khóc. Anh khóc, nước mắt chảy dàn dụa. Tôi cảm động trước tình cảm rất thật, xuất phát từ đáy lòng của Chủ tịch Vi Văn Tào, tình cảm nảy sinh rất tự nhiên trong quá trình sống và công tác với nhau. Đó là một trong những kỷ niệm không bao giờ quên về tình bạn, tình đồng chí mà tôi có được ở đất Tương Dương.
 
 
 

(1) Anh Lô Văn Xo dân tộc Thái, quê ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương là cán bộ hoạt động lâu năm, làm Bí thư huyên ủy Tương Dương nhiều khóa, hiện đang nghỉ hưu ở quê nhà. Còn nhớ khi tỉnh Nghệ Tĩnh chủ trương các huyện miền núi phát động dân “hạ dao, trao cuốc”, ông Xo đã nói với tôi: “Anh Báu ơi, ta phải tự thở bằng lỗ mũi của mình, chứ không ai thở thay cho ta được đâu”. Anh nghỉ hưu ở quê nhà.
(2) Anh Nguyễn Hữu Phúc, quê ở huyện Quỳnh Lưu, Trung tá nguyên chính ủy Tỉnh đội trưởng Nghệ An, ủy viên Thường vụ Trưởng Ban Tổ chức T.U, Bí thư Thành ủy Vinh. (Anh đã mất).
(3) Anh Lô Hữu Chiến dân tộc Thái, ở xã Tam Quang, Tương Dương, tại thời điểm đó là ủy viên Thường vụ, Trực Đảng. Sau Đại hội anh vẫn trúng Thường vụ nhưng được phân công đi cơ sở.
(4) Anh Vi Văn Tào dân tộc Thái, quê ở xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, nguyên Phó Chủ tịch, Phó Bí thư, Chủ tịch huyện Tương Dương. Nghỉ hưu ở bản Chắn quê nhà.
(5) Anh Lê Văn Thi, quê ở xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên, nguyên ủy viên Thường vụ Huyện ủy Cẩm Xuyên, cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh cùng lên tăng cường ở huyện Tương Dương với tôi một đợt. Lúc đó anh là Giám đốc Trung tâm chính trị của huyện. (Anh đã mất).
(6) Nhờ đi cơ sở mà tôi phát hiện ra sự không phù hợp của chủ trương “hạ dao trao cuốc”, báo cáo lên Tỉnh ủy, đồng thời đề xuất với Huyện ủy ra Nghị quyết về “luân canh rẫy”. Tỉnh ủy thấy đây là vấn đề mới, giao cho Ban Kinh tế lên nghiên cứu. Năm 1980 Thường vụ Tỉnh ủy mở hội nghị mời lãnh đạo các huyện miền núi về Tương Dương họp, do đồng chí Nguyễn Tiến Chương, Phó Bí thư trực chủ trì để nghe huyện Tương Dương báo cáo, hội nghị thảo luận và quyết định triển khai ra diện rộng chủ trương luân canh rẫy.
 

 

Thường trực Tỉnh uỷ Hà Tĩnh chúc mừng ông Đặng Duy Báu
nhân dịp kỷ niệm 82 năm ngày thành lập ĐCSVN 03/2/2012
 
ĐÓN ANH VỀ
 
 
            Khoảng 10 giờ sáng hôm đó, tôi đang ngồi ở bàn làm việc, thì anh Phạm Thế Duyệt - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư điện thoại vào. Sau khi hỏi thăm sức khỏe và tình hình, anh Duyệt nói thẳng vào nội dung: sáng nay, Bộ Chính trị họp bàn việc di dời hài cốt Cố Tổng Bí thư Trần Phú mà còn lắm ý kiến quá; chưa quyết định được, đang muốn hỏi ý kiến “quân sư” đây. Số là, gia đình đồng chí Trần Phú do anh Trần Văn Thược cháu ruột Trần Phú nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên(1) ở Hải Dương đã tìm được mộ đồng chí Trần Phú rồi (2). Nhưng ý kiến của các cơ quan tham mưu còn khác nhau, một số cho rằng chưa thể nghe nhà ngoại cảm được, đây là việc hệ trọng quốc gia chứ không phải việc gia đình, phải cẩn trọng. Còn có ý kiến khác lại nói, tuy Tổng Bí thư, nhưng là con em của gia đình, ta nên tôn trọng ý kiến gia đình và họ tộc, vả lại việc tâm linh cũng cần tế nhị. Anh Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư cũng đang phân vân và bảo điện vào gặp anh trao đổi nên sao đây. Sau giây lát suy nghĩ, tôi nói với anh Duyệt, hay là để cho thuận, theo ý tôi, xin anh báo cáo với anh Phiêu và Bộ Chính trị cho đưa hài cốt đồng chí Trần Phú về quê. Anh Duyệt chần chừ và nói, việc này chưa có tiền lệ, vì đây là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, nhưng ý kiến của anh tôi thấy cũng hay đấy. Thế này nhé, tôi sẽ báo cáo lại với anh Phiêu và Bộ Chính trị, Bộ Chính trị quyết thế nào tôi tin lại để anh biết.
            Khoảng 9 giờ tối hôm đó, anh Duyệt điện thoại vào máy bàn gia đình cho tôi. Anh nói, Bộ Chính trị đồng ý với ý kiến của Hà Tĩnh, đã thành lập Ban tổ chức Lễ truy điệu và di dời hài cốt Cố Tổng Bí thư Trần Phú về quê, do đồng chí Phạm Thế Duyệt Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm trưởng ban và có Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh trong ban. Cử đồng chí Nguyễn Đức Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và đồng chí Nguyễn Thị Kim Hồng, ủy viên TW Đảng, Phó Trưởng ban tổ chức TW vào Hà Tĩnh cùng với tỉnh chuẩn bị đón. Còn anh, chiều mai có mặt ở sân bay Nội Bài để cùng với đoàn công tác của TW vào Thành phố Hồ Chí Minh làm Lễ truy điệu và thủ tục di dời hài cốt. Thực hiện ý kiến của Bộ Chính trị sáng hôm sau, họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy đột xuất, tôi báo cáo chủ trương và nội dung triển khai lễ đón hài cốt Trần Phú về quê. Thường vụ Tỉnh ủy rất đồng tình và phân công các đồng chí Nguyễn Huy Thông(3) Phó Bí thư Thường trực, Nguyễn Văn Mạo(4) Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND, UBMTTQ tỉnh và lãnh đạo huyện Đức Thọ, xã Tùng Ảnh phối hợp với gia tộc họ Trần triển khai lễ đón thật chu đáo. Tôi và anh Nguyễn Huy Liệu(5) Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch MTTQ tỉnh, theo kế hoạch của Trung ương bay vào Thành phố Hồ Chí Minh
            Vào Thành phố Hồ Chí Minh, việc đầu tiên là gặp anh Trần Văn Thược để nghe việc tổ chức tìm và đào bốc hài cốt đồng chí Trần Phú. Tôi nghe trực tiếp anh Thược kể về quá trình tìm mộ; tìm đi, tìm lại nhiều lần, đã định bỏ cuộc không tìm nữa, nhưng được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên động viên và hướng dẫn kỹ lượng, tỉ mỉ nên kiên trì đào tìm. Khi đã đào đúng vị trí rồi, sâu gần 2m vẫn không thấy, nhà ngoại cảm bảo cứ đào cho đến khi gặp tổ kiến đen, rồi lại đào thêm khi thấy viên đá xanh thì đó đúng là hài cốt của đồng chí Trần Phú. Mọi việc diễn ra như hướng dẫn của nhà ngoại cảm . Khi bốc cất hài cốt lên, báo tin với nhà ngoại cảm là đã lấy hết rồi, nhưng ông ấy kiểm tra lại bảo là vẫn lấy chưa hết, đang sót phần xương bàn tay ở vách mộ. Xuống tìm lại thì quả đúng như vậy. Tất cả mọi người lúc đó đều ồ lên thán phục và tin tưởng. Trong quá trình này có anh Đức(6) cùng tham gia, nhiệm vụ anh ấy được giao là giám sát theo dõi, có gì nghi ngờ thì báo lại với tổ chức. Nhưng sau 2 ngày cùng làm việc dưới sự hướng dẫn của nhà ngoại cảm (mặc dầu nhà ngoại cảm vẫn ở Hải Dương chứ không vào hiện trường), thì anh Đức cũng tin tưởng tuyệt đối. Gặp anh Đức anh ấy cũng nói với tôi đúng 100% là hài cốt của đồng chí Trần Phú rồi.
            Khi họp Ban Tổ chức Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn ý kiến băn khoăn, nhưng anh Duyệt nói TW đã quyết định ta thực hiện cho tốt. Mọi sự chuẩn bị đều rất chu đáo, nhưng tôi có đề xuất nên bố trí chuyến máy bay chuyên cơ, chứ không nên đưa hài cốt Trần Phú đi chung cùng máy bay hành khách. Lúc đó tôi nói: “Đây là chuyến đi đặc biệt của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cho nên xin anh Duyệt báo cáo với Trung ương cho riêng chuyến bay chuyên cơ”. Anh Duyệt nhất trí, báo ra Hà Nội và được trả lời đồng ý sẽ bố trí chuyên cơ. Các anh ở Hà Tĩnh báo tin vào, đã tìm được địa điểm đẹp trên ngọn đồi Quần Hội hướng ra Bến Tam Soa để đồng chí Trần Phú nằm trên đó. Tôi dặn anh em cần nhờ người xem phong thủy, xem hướng cho cẩn thận. Sau đó thấy các anh fax toàn bộ khu đồi vào và bảo tôi chọn vị trí đặt mộ chổ nào thì đánh dấu vào đó, rồi fax trở ra. Tôi và anh Nguyễn Huy Liệu cùng ngồi bàn với nhau chấm chọn địa điểm trên ảnh để fax ra; đồng thời dặn, nếu điểm chúng tôi chọn trùng với địa điểm ở nhà đã chọn thì tốt, nếu không trùng hợp thì cứ lấy theo vị trí ở nhà đã chọn, đừng theo chúng tôi. Rất may, các anh báo vào cho biết, tuy xa nhau nhưng ở hai nơi đều chọn đúng vào một vị trí!
            Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú được tiến hành vào 20h ngày 11/01/1999 tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Có điều rất lạ, dân Sài Gòn nói, ba tháng nay trời khô hanh không có giọt mưa, thế mà từ 7h đến 9h tối hôm đó trời đổ mưa. Tôi còn nhớ trên đường rước hài cốt đồng chí Trần Phú từ nghĩa trang Thành phố về Hội trường Thống nhất trời mưa xối xả. Thế mà lễ truy điệu xong thì tạnh mưa, trời trở lại trong xanh. Vào những ngày đó ở Hà Tĩnh trời cũng mưa to, anh Nguyễn Văn Mạo điện vào hỏi tôi ta nên làm lễ đón hài cốt đồng chí Trần Phú ở trong nhà hay ngoài trời, hay là ta cứ chuẩn bị cả hai phương án. Tôi trả lời, chắc trời sẽ tạnh, ta làm ngoài trời cho dân Tùng Ảnh và bà con Hà Tĩnh cùng đến đón cố Tổng Bí thư, người con của quê nhà. Sáng hôm sau, ngày 12/1/1999, đúng 10h đưa hài cốt đồng chí Trần Phú lên máy bay. Trời Sài Gòn rất đẹp, nhưng Hà Tĩnh báo vào vẫn mưa to. Ngồi trên máy bay chúng tôi lo quá, nếu trời mưa to thì tính sao đây. Máy bay ra đến Vinh trời vẫn mưa, không hạ cánh được ngay, phải bay vòng đi vòng lại nhiều vòng. Nhưng rồi thật vô cùng may mắn, trời bỗng tạnh, máy bay hạ cánh an toàn, chạy trên đường băng sũng nước. Đồng chí Nguyễn Đức Bình và các đồng chí lãnh đạo Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh ra tận cầu thang máy bay đón hài cốt đồng chí Trần Phú. Trên đường về quê, từ Thành phố Vinh đến huyện Đức Thọ, nhân dân đứng hai bên đường chào đón cố Tổng Bí thư Trần Phú về quê. Trong quá trình làm lễ và an táng hài cốt Anh trời vẫn tạnh. Đến lúc vừa xong thì trời tiếp tục đổ mưa. Không gặp được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, sau khi làm lễ xong, tôi điện thoại ra cảm ơn ông. Thế là cả hai lần làm Lễ, Lễ truy điệu và Lễ an táng hài cốt Trần Phú đều có liên quan đến trời đất. Lúc làm Lễ truy điệu ở Thành phố Hồ Chí Minh trời đổ cơn dông, còn Lễ an táng hài cốt Anh ở quê nhà, trời đang mưa bỗng tạnh. Thế là Anh đã về với quê hương. Anh không chỉ sống trong lòng nhân dân, sống với lịch sử dân tộc Việt Nam, mà còn sống mãi với đất trời, non nước…
 
 

            (1) Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên quê ở làng Mỹ Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương.
(2) Mộ đồng chí Trần Phú nằm ở nghĩa địa Nhà Thương Chợ Quán. Có sự trùng hợp là, anh Trần Văn Thược cháu ruột đồng chí Trần Phú được Thành phố giao cho trực tiếp xây dựng công viên Lê Thị Riêng ngay trên khu nghĩa địa Nhà thương Chợ Quán, anh Thược đã khoanh lại một số mộ trong đó có mộ Trần Phú để sau này có dịp sẽ tìm.
            (3) Anh Nguyễn Huy Thông, quê ở Sơn Bình, Hương Sơn, nguyên Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn, ủy viên Thường vụ Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh Ủy. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hà Tĩnh. Nghỉ hưu ở phường Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh.
            (4) Anh Nguyễn Văn Mạo, quê ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, nguyên Chủ tịch huyện Cẩm Xuyên, ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Nghỉ hưu ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh.
            (5) Anh Nguyễn Huy Liệu, quê ở xã Thạch Linh, Thành phố Hà Tĩnh, nguyên Bí thư Thị ủy Thị xã Hà Tĩnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMT TQ tỉnh. Nghỉ hưu ở phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh.
            (6) Đồng chí Đức, chuyên viên của Ban Tài chính quản trị Trung ương người được cử cùng tham gia và giám sát việc tìm mộ đồng chí Trần Phú.
 
 

Ông Đặng Duy Báu- Phó Bí thư Tỉnh uỷ  cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh
đến thăm Hội văn nghệ những năm đầu tách tỉnh



MỜI VỀ
 
 
         Quê anh cồn trải Gió Lào
Vắt ngang ráng biển rì rào hàng dương
        Tiên Điền nặng mối tơ vương
Từ trong dâu bể (*), yêu thương mời về.
                                                    
                                          12/1996
 

(*) Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
                                           (Truyện Kiều)

 
 
 
 
MÀU XANH ÁO EM (*)
 

 
Áo em chiếc áo màu xanh
Lẫn trong cây lá chẳng thành màu chung
Bồn chồn thấp thỏm chờ mong
Con tim mách bảo xa xăm gọi về
Màu xanh, xanh của màu quê
Đất trời dịu lại gọi về xa xưa
Áo xanh có tự bao giờ
Để nay em mặc nên thơ thế này
Áo xanh màu áo thường ngày
Mà sao em mặc hương bay ngọt ngào
Áo em có tự lúc nào
Mà nay em mặc ấm vào lòng anh.
 
                                                1968.
 

(*) Tặng các đại biểu nữ thanh niên xung phong cùng dự Đại hội Thanh niên Ba sẵn sàng tỉnh Hà Tĩnh với tôi năm 1968 ở xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh.




ĐỌC THƯ CON
 
 
Cái chữ năm nào
Lá thư con viết
Ngoằn ngoèo nét bút
Hay hay làm sao!
 
Thư có hương cau (*)
Thơm thơm, dịu ngọt
Có dòng nước mát
Tắm dội chiều hè.
 
Thư đang ngồi học
Chăm chú làm sao
9 hay 10 nào
Thư đều khoe cả
 
Thư trong nắng hạ
Kiếm củi hái rau
Chị em cùng nhau
Tát đìa bắt cá
 
Trái mít thơm lạ
Gọi thư vỗ về
Mổ cùng chén nhé
Cả nhà hả hê
 
Quả hồng quân gọi
Mau mau thư ơi
Em đã chín rồi
Biếu thư màu mận
 
Quả ớt đỏ mọng
Quả chanh thơm chua
Bát nước rau muống
Húp cùng cơm trưa
 
Ba cứ mong chờ
Mỗi lần thư đến
Ôi sao thương mến
Ôi sao bồi hồi
 
Thư trong dáng đứng
Thư trong nụ cười
Với cùng năm tháng
Đọc thư ba vui
 
Đọc những lá thư
Viết từ dạo ấy
Lá thư hôm nay
Lớn lên trông thấy
 
Lá thư hôm nay
Cái câu mạch lạc
Con chữ rõ ràng
Thư vờn, thư bay
 
Có bàn tay ai
Dìu thư từng bước
Thư quên sao được
Thầy cô dạy bày…
 
                        Moscơva 1982 – 1984.
 
 
 
 
TỰ CẢM
 
Đâu chỉ có mặt trời chói chang
Còn có cả đêm trăng dịu mát
Thiên nhiên cân bằng trong sắp đặt
Chi mà khuấy đảo giữa bình yên?
 
                                                        2011

( Sách có được quảng bá tại Trung tâm giới thiệu tác phẩm - 34 B- Nguyễn Công Trứ- Thành phố Hà Tĩnh)
. . . . .
Loading the player...