Bìa trước tuyển tập ca khúc "Nối nhịp thời gian"
Bìa sau tuyển tập ca khúc "Nối nhịp thời gian"
Một lần nhìn dáng dấp Mạnh Chiến, nước da trắng hồng, ánh mắt đen thẳm, gọn gàng trong bộ quần áo màu trắng trang nhã và phảng phất vẻ gì giăng hoa…tôi hỏi:
- Tại sao ông lại dùng cái tên đồng, sắt như thế?
Mạnh Chiến cười hiền:
- Từ lúc mới sinh tôi đã yếu ớt. Bố tôi mong tôi khỏe mạnh nên cụ cho tôi Mạnh với Chiến.Nghe loảng xoảng kim khí thật. Sau này, dù thế nào đi nữa tôi vẫn đinh ninh với cái tên đã góp phần giúp tôi vượt qua nhiều tình thế của cuộc đời, của riêng mình…
Là người đa mang, đa tình mà Mạnh Chiến to lời thế chứ cuộc đời anh suôn sẻ, công việc và những thành đạt, chán kẻ mơ ước. Mười bảy tuổi là diễn viên của đoàn Văn công Hà Tĩnh, 21 tuổi tốt nghiệp trung cấp Violon Trường Âm nhạc Hà Nội, nay là Học Viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam. Tám năm sau khi tốt nghiệp Khoa sáng tác – lý luận, Đại học Văn Hóa Hà Nội. Học hành vậy là chỉnh chu. Rời ghế nhà trường, Mạnh Chiến đi làm thầy, làm lãnh đạo: Giảng dạy ở Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin và Triển lãm tỉnh Hà Tĩnh. Thân phận công chức vậy là hanh thông.
Cái tình thế của cuộc đời, của bản thân mà Mạnh Chiến nói tẻ ra nằm trong những khát khao, ước nguyện và cả trong năng khiếu âm nhạc của anh. Trong cuộc sống triền miên “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia” trong cả cuộc đời, người ta đợi chờ mong ngóng, tìm kiếm “bao niềm khát vọng dấu trong hoang sơ những câu hát ngân trong vòng tay mẹ” Tình cảm và tinh thần ấy là thao thức của nhiều người. Tài năng, sức sáng tạo của Mạnh Chiến từ những thao thức trên, từ cội nguồn âm nhạc dân gian với các làn điệu ca trù, ví giặm, hát ru…với nụ hôn đầu, giọt nước mắt, nụ cười, áo nâu non, trầu cánh phượng, giải yếm đào đến nắng đỏ hồng, mưa thâm bùn non, đến câu ca trù làng Cổ Đạm hòa trong câu Kiều tím cả bầu trời, đến dòng sông Lam, dãy núi Ngàn Hống….
Với: Sông Lam vấn vít non Hồng/ Hèn chi cò trắng phải lòng ca dao/ Giếng làng long mạch Tả Ao/ Cây thông biết mọc thế nào là thơ. Rồi: Trăng Phường vải/ gió đò đưa/ Mưa mai lục bát/ nắng trưa ca trù.
Mạnh Chiến bảo những ca từ ấy đọng đâu đấy trong lòng anh, từ thuở nào đầy rồi gặp được nhiệu điệu ca trù với âm thanh của đàn đáy, trống chầu, với một tấm lòng thao thức cùng phong vị và các làn điệu cổ xưa mà nên ca khúc Đất học quê thơ. Lại nói, những lần về quê Nghi Xuân, chân trần lội qua cồn cát, xuống ruộng ngấu bùn non về ngồi uống chè xanh với dân làng dưới gốc tre cạnh bờ sông Lam nghe ví đò đưa, hát giặm mà thao thức mà viết nên Nơi ấy quê mình.
Đọc ca từ, nghe âm nhạc trong ca khúc của Mạnh Chiến thấy ra bao nhiêu nông nỗi đẹp và luôn buồn trong tình đời của tuổi trẻ. Khi tâm hồn và sự chân thực đi cùng âm nhạc, khi những li ti của người anh em, của quê hương thành máu xương nhờ sự lịch lãm, sự trải biết với da diết yêu thương con người, cuộc đời thì âm nhạc Mạnh Chiến vang vọng dư âm trong lòng công chúng.
Ngẫm nghĩ mà thấy ra tài năng của một con người không thể cả đời rực rỡ toàn những ca khúc hay. Huống hồ Mạnh Chiến còn gánh trên vai cái chức phận một công chức, cái vai trò trách nhiệm của một giám đốc một cơ quan với chức năng chính là tuyên truyền, động viên quần chúng nhân dân thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị. Ôi, cái hay là ở đó và cái dở nhiều lúc không buông tha Mạnh Chiến. Những ca khúc ra đời vội vàng cho kịp kỳ Hội thi, Hội diễn, những ca khúc mở, kết cho một đêm diễn phục vụ kỷ niệm này, tổng kết nọ nói rằng không hay ho thì chưa hẳn nhưng nghe thấy trống chỗ này, hụt hẫng chỗ kia. Mạnh Chiến chỉ thật riêng một vùng quê, nơi chôn rau cắt rốn của anh: Nghi Xuân – Xứ Nghệ đậm đà bản sắc và giàu âm nhạc dân gian. Đất quê với bản sắc riêng của nó đã thành khao khát, thành ước vọng tha thiết và day dứt gắn bó trong tâm hồn nhạc sỹ. Ra khỏi nó Mạnh Chiến gặp ngay những bước đi chông chênh và để giữ cho những bước đi vững anh phải vay mượn chất liệu âm nhạc và cả những ca từ khô xác. Trái tim yêu nước trên tàu LatutsTorevinl, Bác Hồ, Đến Huế…May thay còn dồi dào và nhất là vẫn thấy bộ áo quần trắng, mắt long lanh có cái gì đó giăng hoa.
Mạnh Chiến có tới 200 tác phẩm âm nhạc được xuất bản thành ấn hành với nhiều giải thưởng, trong đó có cả Giải A giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam (Ca khúc Tìm về thuở ấy; năm 1994), giải thưởng VHNT Nguyễn Du của tỉnh Hà Tĩnh, Giải A Liên hoan âm nhạc khu vực Bắc Miền Trung, Huy chương Vàng, Bạc… trong các kỳ hội diễn. Trong âm nhạc có vài ba tác phẩm đi cùng năm tháng, đọng lại trong tâm hồn công chúng đã là quý lắm, đáng tự hào lắm. Mạnh Chiến đã có, và tin sẽ còn có những tác phẩm như thế./.
Tháng 5 – 2014
ĐỨC BAN