Tập sách giới thiệu nhiều bài viết về các nội dung khác nhau nhưng độc giả dễ nhận ra một dáng dấp chung, đó là cách viết lý luận giàu sắc thái trữ tình và tranh luận.
Nhà lý luận phê bình Hà Quảng vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách mới VĂN CHƯƠNG KÝ ỨC VÀ SÁNG TAO. Tập sách có hai phần, phần thứ nhất trình bày những vấn đề chung về văn học đương đại như cái mới trong thơ, tiểu thuyết và việc phê phán cái xấu, lý luận phê bình và công chúng, tiểu thuyết về đề tài lịch sử, các khuynh hướng phát triển trường ca Việt …, phần hai giới thiệu, phẩm bình một số tác phẩm, tác giả cụ thể cổ điển cũng như hiện đại. Những bài viết đa phần đã giới thiệu trên các báo và tạp chí như Văn nghệ, Thơ, Nhà văn và Tác phẩm... Các bài viết về các nội dung khác nhau nhưng độc giả dễ nhận ra một dáng dấp chung, đó là cách viết lý luận giàu sắc thái trữ tình và tranh luận. Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin trân trọng bài viết về bài thơ" Thướng sơn" của Bác Hồ rút ra từ trong tập.
Như nhiều nhà thơ Á Đông, Bác hay viết về thiên nhiên: sông núi, cây cỏ, chim hoa, mặt trăng, mặt trời, đặc biệt về hoa. Có một bài thơ của Bác mà người viết bài này tiếp cận từ tuổi học sinh, qua chặng đường trưởng thành với bao nhiêu năm suy ngẫm, cho đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chỉ có bốn câu hai mươi từ, viết giản dị dễ nhớ, dễ thuộc, ấy vậy mà khi đối diện với bài thơ vẫn thấy có một cái gì đó mà mình chưa nắm bắt được, nó trong suốt như ánh sáng , huyền diệu như chữ “vô” trong minh triết Á- Đông, đằng sau ẩn chứa bao nhiêu sắc màu, tích hợp bao nhiêu diệu lý. Đó là bài cổ phong Bác viết năm 1942, lúc còn hoạt động ở Lũng Dẻ ,Việt Bắc :
Thướng sơn
Lục nguyệt nhị thập tứ,
Thướng đáo thử sơn lai.
Cử đầu hồng nhật cận,
Đối ngạn nhất chi mai.
Bài thơ được Tố Hữu dịch :
Lên núi
Hai mươi tư tháng sáu,
Lên ngọn núi này chơi.
Ngẩng đầu: mặt trời đỏ,
Bên suối một nhành mai.
( Thơ Chữ Hán Hồ Chí Minh , Nxb Văn học, Hà Nội,1990,tr14)
Bài “Thướng sơn” viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt cổ với nhiều tầng ý nghĩa. Hai hình tượng mặt trời và nhành mai trong bài thơ là những biểu tượng gợi nhiều suy tưởng đưa đến nhiều cách giải thích khác nhau. Ít nhất chúng tôi cũng đã tiếp cận một số cách hiểu :
- Cách giải thích có tính hướng ngoại, hướng theo lối miêu tả đăng đối thường gặp trong thơ xưa, cho đây là những hình ảnh thực của một bài thơ tả cảnh , một bức tranh đẹp: có sơn, có thủy , có hoa, có mặt trời,một bức tranh sơn thủy hữu tình mà ta thường gặp trong thơ cổ Á Đông. Thật chí lý khi xem đây là sự tiếp nối bút pháp tả thực quen thuộc , ưa sự đăng đối , song hành ,ta không chỉ thường gặp trong văn thơ bác học cổ điển mà cả trong nghệ thuật dân gian từng thể hiện qua các họa tiết ở đền chùa, các làn điệu đối đáp dân ca ...
- Đưa trí tưởng tượng đi xa hơn có nhà nghiên cứu giải thích đây là một bài thơ ngụ ý. Hay nói một cách khác bài thơ có một tầng nghĩa thứ hai : Mặt trời – lý tưởng cách mạng, Nhành mai - hạnh phúc nhân dân. Bài thơ đưa đến một thông điệp : Con đường tranh đấu có lý tưởng cách mạng cao cả dẫn lối sẽ đưa lại hạnh phúc cho nhân dân ! Nhiều năm người đọc bằng lòng với cách giải thích này, đặc biệt trong nhà trường, một thời gian dài các thầy giáo bình giảng cho các em cái ẩn ý trên của bài thơ và phần nào cũng thoả mãn được trí tưởng tượng của các em!
- Sau ngày giải phóng, đặc biệt thời kỳ đổi mới ngay trong nhà trường cũng như ngoài xã hội có một số cách khai thác mới về ngôn ngữ dịch, về thi ảnh giàu tính tượng trưng trong bài thơ, tuy nhiên đều thống nhất trên một lối cảm thụ nhuần thấm cái dư vị nhân ái tràn đầy lạc quan cách mạng của chủ thể về sự dự báo tương lai . Đó là cách giải thích của GS Trần Đình Sử (1995) (1) và GS Nguyễn Khắc Phi (2011) (2). GS TĐS cho rằng: “ Một vẻ đẹp cách mạng hiện đại : mặt trời đỏ rất gần kết hợp vẻ đẹp thanh thoát cổ xưa: một nhành mai. Mặt trời đỏ gần là trời rất sớm, một cảm nhận của người đi đầu, tất cả đều báo hiệu một ngày mới, một thời đại mới” GS NKP ủng hộ luận điểm trên, ông cho là rất chính xác : “Bài thơ của Hồ Chí Minh nói về một cái thú khác hẳn, cảm nhận về thời gian” khác người xưa “nói cái thú lên cao, một cảm nhận không gian”. ( Khấu Chuẩn tác giả“ Đăng Hoa sơn” có hai câu: Cử mục hồng nhật cận/ Hốt thủ bạch vân đê – Nhìn lên mặt trời đỏ gần/ Nhìn lại mây trắng bay dưới chân- HQ ghi theo NKP). GS kết luận: Mặt trời hồng và nhành mai đều mang ý nghĩa tượng trưng, là những sứ giả báo tin xuân, cả hai tôn vẻ đẹp cho nhau, bổ sung ý nghiã cho nhau “thể hiện một cách sinh động nhân sinh quan Cách mạng, quan điểm biện chứng, quan điểm về mùa xuân của người chiến sĩ tiên phong cuả cách mạng Việt Nam”.
- Những cách giải thích trên chúng tôi đều cho là rất có lý, rất sâu sắc thể hiện một vốn kiến văn rộng rãi về văn chương Á Đông và một khiếu cảm thụ tinh tế thơ ca và không vượt ra ngoài cái giới hạn về tính đa nghĩa của hình tượng, khích lệ độc giả rộng đường cảm nhận. Dẫu vậy với góc nhìn tiếp nhận sáng tạo mới của người đọc đương đại , hình tượng thơ hình như vẫn còn chứa đựng một “năng lượng” tiềm ẩn khác chưa bộc lộ hết , còn có thể có cách hiểu khác không kém phần thú vị về bài thơ! Một thầy giáo già Xứ Nghệ trò chuyện với chúng tôi nói hình tượng “mặt trời” gợi một cái gì to lớn, kiên định, mạnh mẽ,rực rỡ, còn “hoa mai” thì dịu dàng, trong sáng, uyển chuyển, một kết hợp tuy tương phản nhưng lại hài hoà trong cái vô biên của đại vũ trụ (thế giới ) cũng như tiểu vũ trụ ( con người ). Một lần khác thưởng lãm phòng tranh một một họa sĩ nước ngoài , chúng tôi thấy tác giả đã vẽ Bác Hồ với một dung mạo hiền triết, chòm râu rất Á Đông, đang giơ tay nâng niu một bông hồng và chú thích đó là “đoa hoa hồng tươi thắm của lương tâm” chứ không là cái đẹp của thiên nhiên (!?). Hoạ phẩm của hoạ sĩ cũng gợi chúng tôi một cách cảm thụ mới về bài thơ của Bác . Thi trung hữu hoạ, bài thơ là một bức hoạ giàu màu sắc đường nét bằng ngôn từ về ngoại cảnh , nhưng trước hết và chủ yếu nó là một bài thơ trữ tình, hình tượng thơ phải chăng là một lời tự thổ lộ của chủ thể, các biểu tượng hoa, mặt trời là những ẩn dụ về bản ngã và tâm hồn của tác giả. Bối cảnh bài thơ “Hai mươi tư tháng sáu”, một ngày bình thường như bao ngày khác, bài thơ như một trang nhật ký, Bác ghi lại cảm nghĩ của mình: đi trong cuộc đời cũng như “lên núi” vậy, con người cần một hoàn thiện bản thân, hoàn thiện về bản ngã và nhân cách trên hai phương diện lý trí và tình cảm . Mặt trời rực rỡ, sục sôi tượng trưng cho ý chí và nghị lực cần được rèn giũa, còn nhành mai hiền dịu , sáng trong biểu hiện tình cảm, lương tâm cần luôn bồi dưỡng. Cho mãi đến lúc này chúng tôi mới “ngộ” ra điều nầy, và thấy tâm hồn bừng sáng vì ý nghĩa bài thơ mơ hồ bấy nay đã hiện rõ trước mặt! Bất giác thấm thía với nhận xét của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long “Thần dụng tương thông, tình biến sở dụng”, “ văn chi tứ dã, kỳ thần viễn hỉ” (Tinh thần và hình tượng vật giới thông với nhau, tình cảm có sự biến hoá), ( trong ý tứ của văn, cái thần của nó rất cao xa).Cái “thần” của hình tượng thơ nó nằm nơi tâm hồn của chủ thể!
Với mấy câu thơ cô đọng, bằng những liên tưởng về ngoại cảnh , về không gian và thời gian chúng ta có một cảm nhận vừa về con đường cách mạng , vừa về cảnh đẹp non sông đất nước và bằng những trải nghiệm về bản thể thi nhân, cũng như đặc trưng thi ca, người đọc có thể cảm nhận thêm về vẻ đẹp một nhân cách. Dẫu cách nào thì qua bài thơ nhỏ này độc giả càng hiểu và yêu thêm sự giản dị mà sâu sắc, thâm trầm mà cao quí cuả tâm hồn Bác. Hoa – một ẩn dụ về vẻ đẹp của cuộc đời, của tâm hồn con người ! Cảm xúc về cái đẹp là vô tận./.
Ghi chú:
(1) Những thế giới nghệ thuaajt thơ,NXB Giáo dục,1995,Tr166.
(2) Bàn thêm về cách hiểu bài Thướng Sơn của Hồ Chí Minh,Tạp chí Thơ, số 05-2011.