13-07-2012 - 13:38

Về tập thơ Xuyến chi của Lê Văn v

Xuyến chi như cây đàn bầu mà ngân rung nhiều cung bậc... Nhưng chủ âm của Xuyến chi là gì? Trực cảm mách bảo rằng: linh hồn thảo mộc. Loài cây thuộc họ cúc, dù phận kiếp lênh đênh phiêu dạt, vẫn bung tỏa hương sắc thanh quý. Cái Đẹp tồn tại như/giữa những nghịch lí ở đời. Và chân dung nhà thơ được dựng lên ở đó.

Về tập thơ Xuyến chi của Lê Văn Vỵ

Linh hồn thảo mộc
(Đọc Xuyến chi, thơ Lê Văn Vỵ, Nxb Văn học, 2012)
 
      Xuyến chi  như cây đàn bầu mà ngân rung nhiều cung bậc... Nhưng chủ âm của Xuyến chi là gì? Trực cảm mách bảo rằng: linh hồn thảo mộc. Loài cây thuộc họ cúc, dù phận kiếp lênh đênh phiêu dạt, vẫn bung tỏa hương sắc thanh quý. Cái Đẹp tồn tại như/giữa những nghịch lí ở đời. Và chân dung nhà thơ được dựng lên ở đó.
      1. Thảo mộc trong tập thơ không chỉ là xuyến chi, nhưng có thể xem xuyến chi như một biểu tượng nghệ thuật. Dù viết về Xuyến Chi hay Hoa cải, Hoa cỏ, Hoa chămpa, Hoa... thì tác giả đều hướng tới phát hiện, trân trọng những vẻ đẹp bình dị mà thanh cao, mong manh mà son sắt, khi nhan sắc thăng hoa hay khi bị quên lãng dập vùi, khi đau đớn ngậm ngùi hay tận cùng khao khát. Xuyến chi là hình ảnh thơ thể hiện tập trung những cung bậc tình cảm ấy:Khao khát kiếm tìm niềm giao cảm/ Ta bay bằng tốc độ ánh sáng/ Đến mình/...Chỉ thấy bạt ngàn xuyến chi/ Nở mãi...(Bay), Anh đi tìm em/ Lần theo mùi hương/ Bạc tóc, rách giầy/ Bơi ngược Lô giang/ Xuyến chi rực vàng bờ bãi...(Về đi em!), Tiếc cho một đóa nõn nà/ Tiếc cho một tấm tài hoa, dịu dàng/ Tiếc cho cánh trắng, nhụy vàng/ Xế chiều lại chạy ngược ngàn, ngược sông...(Xuyến Chi)
Thi sĩ cảm thương cho thảo mộc hay chính là đang bộc bạch một nỗi niềm nhân thế, qua biểu tượng xuyến chi?! Đó là thiên chức nghệ sĩ hay cũng chính là thiên tính của kẻ làm trai? Lạc vào miền cây cỏ, Lê Văn Vỵ đã có được những thi phẩm thật đẹp như Xuyến Chi, Này emDậy đi em…
      2. Sự mẫn cảm của một người làm báo cùng sự tinh tế của tâm hồn thi sĩ đầy trách nhiệm công dân đã giúp Lê Văn Vỵ phát hiện, nắm bắt và chưng cất nên những tứ thơ độc đáo. Có thể gặp lại rất nhiều "sự kiện" có tính xã hội trong suốt tập thơ này (Vàng, Hãy bắn pháo hoa đi, Lên rừng yêu nhau đi em, Những điểm không lịch sử...) Các sự kiện ấy đủ sức thức dậy trong người đọc "thạo tin" cả vùng liên tưởng. Bên cạnh những sự kiện bề nổi, trong thơ anh ta còn thấy những ẩn ức mang tính thời đại (Mưa khan, Đêm thứ 7,...). Nhưng các "sự kiện" đó đã nhanh chóng được nội cảm hóa, đã gợi tứ hoặc hóa thân, kết đọng thành thi tứ. Thế nên, một trong những đặc điểm nổi bật dễ nhận thấy của tập thơ này là nóng hổi hơi thở cuộc sống, cảm thức thời đại . Nóng hổi nhưng sắc sảo, dằn vặt, day dứt. Ở đó, cái Đẹp nhiều khi chỉ thắng thế trong khát vọng mà thôi. Từng nhận mình "là cây vách núi/ Xin hát lời gió mây", cởi bỏ những rườm rà, sáo ngữ, Lê Văn Vỵ hướng về những triết lí nhân sinh. Nếu như thơ đương đại nhìn chung rất "gầy" tư tưởng, thì từ hiện thực cuộc sống ngồn ngộn, những triết lí trong thơ Lê Văn Vỵ nẩy mầm. Người đọc bất ngờ với khả năng chiếm lĩnh đời sống của anh, nhanh nhạy nhưng sâu sắc, độc đáo: Mẹ ơi!/ Báo Tết thơm mùi quyền quý (Báo Tết), Từ ma-nơ-canh siêu thị, shop hàng đến ma-nơ-canh nhan nhản ngoài đời thụt lùi hay tiến hóa? (Ma-nơ-canh), Ru cho trơ đáy nhân gian/ Ru cho chất độc da cam/ Sợ người (Ru hời), Tội chi sống trong kiếp đá/ Một lần thôi, có khổ cũng kiếp người (Dậy đi em!),... Ấn tượng mạnh mẽ mà những bài thơ trong tập này mang lại là sức nặng của những triết lí, những góc nhìn đầy nhân văn trong những bài thơ mang tính thời sự.
      3. Một đặc điểm cần nhấn mạnh của tập Xuyến chi là những nỗ lực cách tân nghệ thuật. Ở trên ta đã nói về thi tứ, cách chiếm lĩnh đời sống. Nỗ lực ấy còn thể hiện qua cấu trúc tác phẩm, vận dụng thể loại và sáng tạo hình ảnh thơ. Ở Xuyến chi, có nhiều bài thơ dài, nhiều bài phải đọc dài hơi như Này emVề đi em!Dậy đi em! Đó là những bài có cấu trúc trùng điệp. Kiểu cấu trúc ấy dường như đã được manh nha từ tập Ngộ (Nxb HNV, 2009) với Hồi xuân, Tự khúc, Đêm... Những bài thơ này đem lại nhiều mỹ cảm. Về thể loại, bên cạnh các thể loại truyền thống, tác giả gây ấn tượng với nhiều thể nghiệm như bẻ vụn thể lục bát ở Mẹ đi tái định cưYêu..., sử dụng thơ văn xuôi như Lì xìBáo Tết,... Hình ảnh thơ tinh tế, gợi cảm, giàu liên tưởng: Mảnh như một tiếng tơ đồng/ Đến không ảnh, đi bềnh bồng khói sương (Dịu dàng), Mắt đói đường chân trời uốn lượn eo thon/ Môi đói nụ hồng khẽ khàng cánh mỏng/ Tay đói vòng ôm phù sa phơ phởn/ Chân đói con đường tí tởn núi non (Đói),... Ở cấp độ từ ngữ, tác giả đặc biệt linh hoạt trong sử dụng điệp từ trong việc nhấn mạnh cảm xúc và điều chuyển nhịp điệu thơ.
      Vẫn là Lê Văn Vỵ "Mỗi ngày không quên/ Nhặt câu thơ đẹp" của mấy chục năm qua, nhưng Lê Văn Vỵ trong Xuyến chi đem đến cho bạn đọc một ấn tượng khá mới lạ. Ý thức cách tân ấy, dường như ở thơ Hà Tĩnh đương đại không có nhiều người!
 
                                                                            Nguyễn Thanh Truyền
 
Giới thiệu chùm thơ trong tập” Xuyến chi” của Lê Văn Vỵ:
 
DẬY ĐI EM
 
Dậy đi em!
Chuông Nhà thờ đã đổ
Em  ngủ vùi giấc  ngàn năm tượng đá
Hoang phế
Lặng câm
Tàn tạ
Rêu phong
Lên ngực
Lên mông
*
Em
Quên lãng
Xóm tượng
Ngày ngày quay phim, chụp ảnh
Linga, Yoni
Quyến rũ
Em, Nàng Tiên Cá.
Vây đá?
Hay nữ thần Yanesa, mình mỹ nữ đầu voi
Bí ẩn?
 *
Dây đi em!
Chuông nhà thờ đã đổ
Cửa Thiên Đàng đã mở
Dậy đi em!
Nguyện cầu cho Tô bi a và Sa ra
Cho Em –  biết được chiếc xương sườn trái của anh đây nặn lên hình hài em ngày xưa, ngày xửa
Cảm ơn mẹ
Nưôi em bằng giọt sữa
Quấn giẻ, che thân chạy trốn xứ người
Bằng bước chân mây gió
Ru em bằng Thánh ca của Đá
Đàn Đá Blao, đàn đá Di Linh
Âm âm, u u
Hoang dại gió gào
Ru đá ngủ ngàn năm quên lãng
*
Dậy đi em !
Bồ câu sà xuống chân tượng gù
Sương long lanh giọt cỏ
Đà Lạt bước hoa. Hoa giả cũng thật.
Đà Lạt muôn hoa phủ  lên em lộng lẫy
Mở mắt nào. Vàng nắng Dã Quỳ, phơn phớt Mi Mô Za…
Hồng bạch, hồng đào, hồng tím…
Đỏ má
Hồng môi
*
Gió gom hương về người
Em, có nghe ngào ngạt?
*
Kìa em! Thông ngàn năm hòa nhạc
Em nghe chăng  tiếng chim hót trong bụi mận gai?
Róc rách nước từ Trời hay từ Friane đổ xuống!?
Gần mà xa…
Những bước chân hoa
Trong gió nhẹ
Dậy đến nhà thờ rước lễ đi em
Em có nghe Đà Lạt, thông cầu kinh đêm đêm!?
*
Dậy đi em!
Sánh vai
Tung tăng về Thung lũng tình yêu
Đục đạc  ngựa hồng đang đợi
Đồi Mộng mơ mây trắng đang chờ
Hồ Xuân Hương êm đềm lả lướt khách thơ
Khắc khoải lắm, chờ thơ em nối nhịp
Hoàng hôn mùi khoai nướng
Sấy khô giòn se lạnh gió  Đông!
Em có biết không!?
Ngực anh. Hôi hổi hạt trần ngô nóng
Dậy, phù phù thổi, nhai  tan băng  giá
*
Tội chi sống trong kiếp đá
Một lần thôi, có khổ cũng kiếp người
Đá ! Đá ơi!
Anh chẳng có phép màu nhiệm gì đâu
Mang khát vọng hồi sinh
Đi cùng trời cuối đất
*
Đá ơi! Đá ơi!
Những đường cong mỹ miều không che khuất Trần Gian
Taylướt nhẹ đã hồng hào da thịt
Lệ đá rơi thấm vào tim  đá
Ri rỉ sữa người
Mưa. Mưa âm thầm lòng đá
Nguồn mạch nào rin rỉn, sinh sôi?
Trời đất ơi! Chúa ơi!
Có tin được hay không?
Lột xác đá thành nhân thành kỷ
Từ Phụ nữ em trở thành Thiếu nữ
Tình yêu đã hồi sinh  kiếp đá trụi trần!?
*
Thương lắm,  gân xanh dọc ngang dưới vú
Thương lắm, những vết sẹo dưới chân mỹ nữ
Ba ngấn đây, cao trắng,  mấy nốt ruồi
Tóc đã mọc.
Lông tơ
Da sữa
Đá hồi sinh
Sánh  bước
Lứa đôi!
                                               Đà Lạt 09-10-2011
          (Rút trong tập: “ Xuyến Chi”, NXB văn học; Hà Nội 2012)
 
                                                 
 
MA NƠ CANH
 
Đứng , ngồi, nằm, ngiêng ngủa  lốc xoáy thương trường
Cuộc chiến lườm nguýt
Cụt tay, cụt đầu hy sinh cho chủ
Phơi ngực, phơi mông, phơi vú
Chường mặt, chường đời giữa ngã ba, ngã bảy
Bất chấp nắng, mưa, giông bão mù trời!
*
Ma nơ canh bà
Váy đầm
Ưỡn ẹo
*
Ma nơ canh em
Xi lip, xu chiêng
Mời mọc
*
Ma nơ canh chị
Túi da xịn xách tay
Thắt lưng
Khiêu khích
*
Ma nơ canh anh
Quần lót, áo phông
Tiện thể khoe hàng
*
Ma nơ canh hoa hậu
Mốt
Thời thượng
Như ca sỹ lên sân khấu
Sexy
Nhiều mảnh
Diêm dúa
 
Từ thời Ma nơ canh đầm Tây
Đến Ma nơ canh thời nay, thụt lùi hay tiến hóa!?
*
Giảm giá mùa hè năm mươi phần trăm
Một giá một trăm năm mươi  ngàn đồng
Người đẹp Ma nơ canh lặng im quảng cáo
*
Ông già nghếch chân giương mắt  kính lão
Thiếu nữ chen chân, thích cánh nhoẻn cười
*
Ai bảo Ma nơ canh vô hồn, vô cảm, vô sinh
Ai bảo Ma nơ canh bụng bầu không  đẻ
Ra đô la, ra Nhân dân tệ, ra Việt Nam đồng…
Ra  con cháu ma nơ canh đàn đàn lũ lũ
*
Càng chai sạn, giá băng càng nhiều bạc,  lắm tiền
*
Đẳng cấp Ma nơ canh.
Xã hội Ma nơ canh
Ma nơ canh thư ký
Biết nũng nịu quyền uy
Mềm lòng bao xếp
*
Xếp Ma nơ canh
Lên xe, xuống ngựa
Vô cảm với rừng biển sục sôi
 
 
Lương tháng đã đưa trọn gói
Em hóa thân Ma nơ canh đứng cửa bao giờ. Chết khiếp
Thấy rồi! Khổ lắm! Uốn éo làm gì! Phô diễn làm gì! Trời ạ. Ma nơ canh bảo thọ.
Đừng đùa dai
 
*
Tưởng Ma nơ canh ai?
Hóa ra Ma nơ canh mình
Đơn độc, mỏi mòn
Chiếu đơn công chức
*
 
Ma nơ canh ngoại lai
Triệt tiêu đấu tranh
Gật gù. Hảo! Hảo!
*
Từ Ma nơ canh siêu thị, shop hàng đến Ma nơ canh nhan nhản ngòai đời thụt lùi hay tiến hóa?
      
 
NẮNG
 
Ngày hoang hoải, ý nghĩ mốc meo
Mèo lười cuộn tròn chăn chiếu
Trái tim dầm dề rỉ sét
Áo quần xa lạ khoi khoi
*
Nắng lên rồi. Đạp toang cửa ra phơi
Đội biển mà lên, xé mây mà tới
Nắng xôn xao như cô dâu mới.
Nắng nồng nàn như lửa reo vui
 
*
Tóc nắng long lanh.
Giọt nắng ngời ngời
Mắt nắng trẻ thơ tinh nghịch
Taynắng mềm tơ lụa
Chân nắng vàng hương nhụy.
Bóng nắng gầy 
Tim nắng thắp mê say.
*
Nắng vàng mật ong.
Quánh như keo dán
-Anh ơi!
 Nắng thành tảng
Xắt thơm vàng mà ăn
*
Nắng ướp hương hoa vào gối vào chăn
Ngào ngạt căn phòng chật căng hương nắng
Em thì thào thảo thơm hơi nắng
Sấy anh giòn trong bữa tiệc ngất ngây

Nắng lên thịt, lên da lên ngực anh đây
Ý nghĩ đơm hoa. Trái tim chan chứa
Bao mong ước đã mặt trời thắp lửa
Ngày rộn ràng khấp khởi những bướm ong
 
 
RU HỜI…
Ru con hay tự ru mình
Mà sao đau ruột, nhói tim thế này ?
Trăng mờ, sương lạnh, cỏ cây
Cao xanh nhung lụa...
Nơi đây 
Bắt đầu.... !
*
Bắt đầu cuộc chiến dài lâu
Là lúc mang nặng đẻ đau mấy lần
Vuông, tròn thì chẳng có phần
Cớ sao méo mó
 Cõi Trần thêm đau
*
Chiến tranh đã tắt từ lâu
Anh về cưới chị nát nhàu lòng riêng
*
Ru hời
Ru hỡi
Đêm đêm
Lời ru
Không lớn
Chẳng nên
Tấm Người
*
Âm thầm hủy diệt  nơi  nơi
Bốn phương, tám hướng
Cõi đời mang mang
*
Ru cho trơ đáy nhân gian
Ru cho chất độc da cam
Sợ Người! 
 
                                                            30-11-2011
 
 
NÀY  EM
 
Này em
Lên Nà Nưa
Thăm Thủ phủ tre nứa giữa thâm sơn, cùng cốc
Gặp người đẹp xứ Tuyên làm hướng dẫn viên
Áo thâm, mắt nhãn, tóc huyền
Má lúm đồng tiền
Vòng bạc đeo duyên
*
Này em
Có phải em uống nước suối Khuôn Pén hay nước sông Po Đáy mà giọng em trong trẻo thế?
Có phải em tắm suối Mỹ Lâm, uống trà bát tiên, ăn cây rau trên đỉnh núi, ăn gạo nếp nương cạnh suối. Để anh đến Nà Nưa nghe thoang thoảng mùi hương?
Hay  hoa linh vang, hoa chạc chìu, hoa dẻ dịu thơm
Rừng phách đổ vàng, ngát hoa tim tím
Gió theo em đến Nà Nưa mang theo hương lúa , hương ngô, hương nhãn, hương na từ ruộng, từ vườn
Hay ong rù rì mang nhụy phấn về?
*
Anh đã biết em  từ thuở 13
Hoa Xuyến Chi nở vàng rải thảm
Dọc triền sông
Em đã lăn trên hoa. Người tẩm nhụy hoa
Nên da thịt em bây giờ thơm thế?
*
Anh không biết nữa
Chỉ biết mình đắm chìm trong thung lũng hương thơm?
 *
Này em!
Có phải em được sinh ra từ những giọt nước tinh khiết nhất
Những giọt nước từ trời, thấm qua lòng đất
Thấm qua vỉa đá.
Thấm vào lòng người
Em là Cô Tiên trên động Hàm Yên xuống núi?
Hay em là thiếu nữ Tày về đây lễ hội
Nâng cây đàn tính
Hát điệu Then đằm thắm trữ tình
Người xinh thì tiếng cũng xinh
Như gió, như mây, như rót vào tai, như truyền vào tim
Huyền thoại ông Ké trên núi Nà Nưa
“Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn…”
Thời cơ đã đến
Em- Người đẹp đồng hành cùng lịch sử?
Hay Lịch sử tựa vào vai người đẹp?
Người đẹp bảo tồn Lịch sử
Khoảnh khắc em ơi hóa vĩnh viễn rồi
*
Lãng đãng khói sương , lãng đãng núi
Mây phát ghen chẳng mềm mại hơn em
Suối uốn lượn có dẻo hơn em uốn lượn?
Những đường cong tre nứa
Những đường cong mỹ cảm nương chè
Có hoàn hảo hơn em?
*
Này em
Anh đến Nà Nưa vào mùa măng
Có búp măng nào thon hơn, múp míp hơn 10 búp tay em?
Tayem đã cầm vào búp măng nào?
Để anh được ăn rau sạch
Tayem đã hái nụ nấm nào?
 Hãy chỉ cho anh lá rừng nào chữa đau, chữa mỏi
Dù phải qua 9 núi mười đèo
Thì anh đi lấy về  dâng mẹ. Mẹ lo anh lên xứ Đẹp mấy  ngày lạc lối.  Đang vò võ  chờ anh
*
Này em
Có phải bước chân em  đến núi non nào
Là mọc lên loài cây không tên nở hoa tím biếc
Có phải  loài cây này làm nên men lá
Làm nên thứ rượu Na Hang
Chưa chạm vào môi
Thì đã đứ đừ!?
*
Có  lá rừng  chữa say không?Có bùa ngải thuốc mê nào linh nghiệm hơn người Đẹp không?
*
Này em !

. . . . .
Loading the player...