11-09-2018 - 06:43

Bài thơ " TỪ HOA ĐẾN CỦ" ( Bùi Quang Thanh) với lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh

Hướng tới ngày Tết Trung thu, xin trân trọng giới thiệu bài thơ " Từ hoa đến củ" của nhà thơ Bùi Quang Thanh qua lời bình của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

TỪ HOA ĐẾN CỦ

 

Biết cây mẹ cần nhiều nắng

Nuôi cho cả nhà cùng xanh

Hoa lạc tìm nơi yên vắng

Cháy lên vàng rực hết mình

 

Những bông mặt trời bé xíu

Lung linh ngời trong ban mai

Gió đưa lời đàn lời sáo

Xôn xao cánh đồng giêng hai

 

Rì rà lời mời của đất

“Về đây dịu mát phù sa

Về đây hoa ơi thành củ

Trả ơn cho người nuôi ta”

 

Tạm biệt trăng thanh gió mát

Giã từ nắng đẹp trời xanh

Hoa vàng tím vào lòng đất

Ăn no để chóng trưởng thành

 

Chao ơi từ hoa đến củ

Xảy ra sau lớp đất nâu

Sau cả sương đêm nắng nỏ

Cứ như có phép nhiệm mầu

 

Bọc trong răn reo vỏ cứng

Nhân lạc bở bùi thơm ngon

Nào mời các em thưởng thức

Lạc sen,lạc cúc…rang giòn

 

Giá như không về với đất

Hoa sẽ tàn vào thời gian

Và cây lạc thành cỏ dại

Dẫu khoe muôn cánh hoa vàng

                   Bùi Quang Thanh

LỜI BÌNH

     Lâu rồi mới lại được đọc bài thơ viết cho thiếu nhi của nhà thơ, nhà báo Bùi Quang Thanh hay đến vậy! Bài thơ ngập tràn cảm xúc và hình ảnh sống động, gắn kết với nhau qua nhiều chiều liên tưởng, dẫn dắt người đọc cùng quan sát và chiêm nghiệm sự phát triển của bông hoa lạc từ thấp đến cao, từ ngoài vào trong và cụ thể là từ hoa đến củ. Những suy tưởng kết nối với hình ảnh minh họa sống động trong từng khổ thơ, chuyển tải những ý tứ sâu xa của nhà thơ đến với bạn đọc nhỏ tuổi làm cho bài thơ có sức sống và lan tỏa.

     Khổ thơ đầu tiên chuyển tải hoàn cảnh ra đời của hoa lạc như một đứa con biết nhường nhịn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho mẹ mình bởi mẹ của hoa là cây lạc. Bông hoa lạc đã làm tốt nghĩa vụ đó với mẹ mình:-“ Biết cây mẹ cần nhiều nắng/ Nuôi cho cả nhà cùng xanh…” hoa lạc đành chấp nhận vị trí của mình là ở gần gốc cây cận kề với đất nhường nắng cho mẹ để tạo nên quá trình quang hợp làm lá thêm xanh để nuôi sống cả nhà. Và hoa lạc chấp nhận: “Hoa lạc tìm nơi yên vắng.”Nhưng ở nơi yên vắng nhất đó hoa lạc không chịu nằm yên mà: “Cháy lên vàng rực hết mình.” Động từ “Cháy” ở đây giúp cho tính từ “ vàng rực” thật gợi, thật đắt làm cho người đọc cảm nhận rằng tất cả sẽ như bị thiêu rụi đi dưới cái cháy hết mình, với cái gam màu vàng rực đó của hoa lạc.

Khổ thơ đầu tiên nhà thơ Bùi Quang Thanh đã mở ra cho độc giả những thi ảnh chân thật mà đầy ám ảnh. Và trong bối cảnh đó:-“Những bông mặt trời bé xíu.” Những bông hoa lạc quyết không chịu khuất lấp bởi những cành những lá che phủ bốn bề mà vẫn thể hiện rõ bản chất mạnh mẽ của mình là luôn hướng về phía trước. Dù ở đâu theo tập tính quen thuộc của nòi giống, hoa lạc luôn hướng về nơi có nhiều ánh sáng để vẫn “Lung linh ngời trong ban mai.” Nó biểu hiện rõ nét những gì tốt đẹp nhất của một đời hoa. “ Tạm biệt trăng thanh gió mát/ Giã từ nắng đẹp trời trong/ Hoa vàng tím vào lòng đất.”Trong cái bối cảnh vào tháng hai mỗi năm, tháng thông thường của mùa lạc đơm hoa kết quả đó hoa lạc đã nhận ra vị trí của mình là trở về với đất làm nốt cái vòng tuần hoàn còn giang dở kia sẵn sàng chui vào lòng đất để kết quả béo, quả bùi cho đời. Một loài quả mà ta vẫn thường gọi là củ. Bên cạnh đó với lời chào mời nồng nàn của đất một lời mời hợp tình hợp lí hoa lạc không dễ chối từ: “Rì rà lời mời của đất/ - Về đây dịu mát phù sa/ Về đây hoa ơi thành củ/ Trả ơn cho người nuôi ta.” Đến đây chắc các em sẽ hình dung ra giai đoạn cốt lõi của hoa lạc; Giai đoạn nhờ vào đất để chuyển hóa từ hoa thành cũ. Nhà thơ Bùi Quang Thanh giúp các em nhìn nhận rõ hơn về “lẽ sống, lẽ yêu thương và quy luật sinh tồn với cái nhìn chấp nhận và tích cực”(1)

     Cái cốt lõi cuối cùng của những bông hoa lạc kia bỗng trở thành biểu tượng của cuộc sống, của sự sinh sôi nẩy nở nhiệm mầu trong vũ trụ: “Chao ơi từ hoa đến củ/ Xảy ra sau lớp đất nâu/ Sau cả sương đêm nắng nỏ/ Cứ như một phép nhiệm màu.”Nếu như những bông hoa lạc kia không gần đất, không được chui vào lòng đất thì cái phép nhiệm màu ấy sẽ không bao giờ xãy ra và cái kết cục cay đắng cuối cùng sẽ đến: “ Hoa sẽ tàn vào thời gian/ Và cây sẽ thành cỏ dại/ Dù khoe muôn lớp hoa vàng.” Khổ thơ cuối thấm đẫm tính nhân sinh, thấm đấm tình đời, nhẹ nhàng và sâu lắng. Những bông hoa lạc kia bỗng dưng trở thành biểu tượng của cuộc sống, cuả hạnh phúc và sinh sôi khi được sống trong môi trường quen thuộc của mình. Thiếu một trong những yếu tố đó thì tất cả sẽ trở thành con số không tròn trĩnh.

      Bài thơ “Từ cây đến củ” của nhà thơ Bùi Quang Thanh là một bài thơ hay, mỗi khổ thơ luôn đầy ắp hình ảnh, giàu nhạc điệu. Nhà thơ sử dụng những từ ngữ quen thuộc, gần gũi với bạn đọc, với các em giúp mọi người dễ giàng cảm nhận được nó. Không những thế bài thơ còn giúp các em làm quen dần với những loài cây trồng gần gũi quanh ta, của đồng quê thôn Việt. Mặt khác nó cũng ngầm nhắc nhở với các em với tất cả mọi người để khỏi phải trở thành “cỏ dại” hãy luôn trân trọng và bảo vệ cái “nôi” đã nuôi dưỡng mình nên người và đừng bao giờ quên đi điều đó.

 

                                                                                     9-9-2018

                                                                             Nguyễn Văn Thanh

 (1) –Trịnh Thanh Sơn

 

. . . . .
Loading the player...