11-03-2019 - 06:19

Bình thơ " Anh làm phó nháy cho em" (thơ Lê Văn Vỵ) của tác giả Nguyễn Văn Thanh

ANH LÀM “PHÓ NHÁY” CHO EM

 

Ca nông du lịch chấm tám cũ mèm

mấy nốt bấm quen

chưa qua trường lớp

anh tình nguyện làm

                              phó nháy cho em

 

Em theo lên rừng,theo em xuống biển

khoảnh khắc trần gian-thánh thần dâng hiến

áo em mây bay, chân em sóng quyện

da thịt trắng trong

ngan ngát hương thiền

 

Anh giơ máy lên cứ thế mà “nháy”

ống kính lạ kì cứ xoáy vào em

ngược tối ngược sáng cứ vậy hồn nhiên

 

Tóm được “thần” em,tóm được tình em

chụp cả đêm đen ảnh nuy mờ ảo

chụp cả khát khao tháng ngày giông bão

chụp cả nhịp tim đập sau ngực áo

 

Anh làm phó nháy

anh vứt kinh lão

mắt anh sáng ra

nghề anh đắc đạo

 

Tiền công em trả

Một nụ hôn nồng

Một cái liếc tình sắc hơn dao cạo.

 

                 Nhà thơ nhà báo Lê Văn Vỵ

LỜI BÌNH

 Cầm tập thơ nhà thơ Lê Văn Vỵ tặng với cái tên ngộ nghĩnh:”Xách dày cao gót cho em”( có lẽ ngoài Lê Văn Vỵ thì  không một ai dám đặt làm tựa đề cho tập thơ của mình). cảm giác lạ lùng ít có trong tôi khi đọc hết bài thơ đầu tiên tôi đã yêu ngay nó.

Bài thơ Anh làm phó nháy cho em là ngọn lửa tình đang bùng cháy với tiết tấu dồn dập như nhịp tim của một người khát yêu và yêu đến cuồng say. Ngọn lửa ấy được ẩn chứa trong tình yêu nghề nghiệp, nghề chụp ảnh của một người yêu biết đặt sáng tạo nghệ thuật lên hàng đầu và luôn trăn trở tìm lối đi cho riêng mình để sáng tạo nó. Ta thử đọc khổ đầu tiên và cùng chiêm nghiệm nó:

                              Ca nông du lịch chấm tám cũ mèm

                              Mấy nốt bấm quen chưa qua trường lớp…

     Khổ đầu bài thơ dẫn dắt người đọc nhập vào cuộc tình qua hình tượng chiếc máy ảnh Ca nông. Chiếc máy ảnh canon là phương tiện chuyển tải tình cảm, là hiện thân cuộc đời thực của người đang yêu và được yêu. Hiền lành dân giã như hạt lúa củ khoai, lơ ngơ với tình trường dù đã luống tuổi, nhưng một khi tình yêu ấy được đáp trả thì cháy bùng lên dữ dội không gì có thể ngăn cản nỗi  Khổ đầu bài thơ chậm rải dẫn dắt và giới thiệu với người đọc hoàn cảnh xuất xứ của người mang sứ mệnh khám phá trước một thực thể mà anh (tác giả) cần đưa ra ánh sáng vẻ đẹp của người mình yêu, từ bên ngoài dáng vẻ, đến bên trong tâm hồn..

   Từ khổ hai của bài thơ ta như nghe được hơi thở gấp gáp của người đang yêu. Hình như nghe đâu đây câu thơ của thì sỹ “ông hoàng” thơ tình ngày trước“Mau với chứ vôi vàng lên với chứ…”, để triển khai mạch thơ của mình. Một mạch ngầm ào ạt phun trào không gì cưỡng nổi:

                                    -..”Em theo lên rừng, theo em xuống biển

                                       Khoảnh khắc trần gian thánh thần dâng hiến…”và khi cận kề bên người mình yêu, tưởng chừng có thể sờ nắm được,vươn tay có thể chạm được người mình yêu với tình yêu trần tục. Nhưng không, trong vòng tay của người yêu, tác giả Lê Văn Vỵ, tình yêu được đẩy lên cao hơn, trong sáng và thánh thiện hơn những gì chúng ta vẫn bắt gặp trong đời thường. Nàng Thơ của anh cũng nhờ đó mà cất cánh bay cao bay xa;

                                          -…”Áo em mây bay, chân em sóng quyện

                                              da thịt trắng trong

                                              ngan ngát hương thiền…”

  Đến đây chúng ta có thể nghĩ, bạn tình của nhà thơ hình như đã vượt qua những cảm xúc xác thịt, để đến một miền thiêng liêng hơn..Lê Văn Vỵ dường như đã cháy hết mình trong cuộc tình ấy, bằng một thứ lửa của trái tim nồng nàn, như cánh rừng mùa gió Lào gặp lửa. Nhưng anh nhìn rõ hết thảy những góc tối, sáng của người yêu. Hình tượng chiếc ống kính máy ảnh thay anh đã nói lên tất cả;

                                                …Anh giơ máy lên cứ thế mà nháy

                                                     ống kính lạ kì cứ xoáy vào em

                                                      ngược tối ngược sáng cứ thế hồn nhiên.”

  Kì lạ hơn, khi con người thực sự yêu, yêu nồng cháy họ có thể làm được tất cả, như thể người thợ ảnh yêu nghề, có thể tóm được cái “thần”, “tóm” được cái tình để có thể chớp được những khoảnh khắc của cái đẹp, như một nghệ sỹ chụp ảnh, chuyên gia của nghệ thuật ánh sáng. Và những điều tưởng như phi lí tưởng như con người trần tục không thể nào với tới được lại hiện ra trước mắt ta một cách mĩ mãn:

                                                        …-“chụp cả đêm đen ảnh nuy mờ ảo

                                                        Chụp cả khát khao tháng ngày giông bão

                                                         Chụp cả nhịp tim đập sau ngực áo”…

 Tất cả những góc khuất của nghệ thuật, cái khó tính, cái đỏng đảnh của nàng Thơ đã bị anh chinh phục và tác giả như lịm đi trong cảm xúc thăng hoa. Hình ảnh chiếc máy ảnh ca nông cũ mèm ấy làm nền để giúp anh triển khai tứ thơ của mình một cách trọn vẹn, giúp anh đạt đến cái đẹp một cách hiện hữu và sống động trong nhịp điệu một bài thơ, trong đó ngôn ngữ thơ ( văn chương ) và ngôn ngữ của ánh sáng ( nhiếp ảnh ) hòa trộn trong một ngôn từ nghệ thuật.

 

21-5-2017

Nguyễn Văn Thanh

                                                                                

. . . . .
Loading the player...