19-01-2019 - 14:18

Buông- Ghi chép của Nhụy Nguyên

Tôi từng liên tưởng giữa một cội hoàng mai trong chậu với cây nhân sâm bên sườn núi. Sâm không thể trồng nơi đất đai màu mỡ luôn được chăm bón tưới tắm lại cho ra biệt dược; hoàng mai cũng không thể với một cuộc sống vương giả lại dâng những đóa phù sinh chái vàng đúng dịp xuân sang. Cả hai đều từ kham khổ vươn rễ chắt chiu từng giọt nước từ trong nắng hạn mưa sa, từ nỗi đau quèo quặt của thân và rễ mới chiết ra tinh túy đất trời.

TÁC GIẢ NHỤY NGUYÊN

BUÔNG…

Những gốc mai phía sau nhà, không phải ở vườn trước. Tôi một hôm lạc vào khu vườn của sư. Ngày cuối đông mai chưa hé nụ, tôi ngỡ ngàng run rẩy trước vẻ kiêu hãnh của những cây mai mới nhú lộc xanh tươi mởn. Với cuộc đời, sư chỉ là người bình thường. Tôi vẫn từng nhắc nhở, hễ có một người lạ đến ngụ cư trong xóm, chớ vội đánh giá bởi sẽ không biết hành trang của họ đựng gì; cũng như một đứa trẻ ra đời sẽ không thể biết phước đức của nó tích từ nhiều kiếp giữa chiều thời không bất tận. Tôi đã từng đến với một người, cũng xem là nhân duyên song đó là một thứ duyên nợ. Có lẽ tôi nợ họ thuở nào lúc trái đất chưa hình thành, nhưng tôi đã không trả hết. Tôi phải bỏ chạy như một con nợ đúng nghĩa để níu lại chút xuân thì trước lúc bị vùi dập tàn nhẫn.

                                                                    Mai vàng Yên Tử

Một vị sư từng dạy, lúc tâm tĩnh vắng sẽ sực nhớ ra điều xa xưa kể cả trong tiền kiếp. Tôi nay đang giữa vườn mai trĩu sương, muốn quên mọi sự lại sực nhớ gương mặt mình xóa khỏi tâm thức hồi nào. Là vị sư trẻ quen dịp đầu năm lễ Phật ở ngôi chùa vùng ven thành phố. Lúc ra về tôi đinh ninh một câu như đang nói thầm với sư: con không thể hư đâu. Là đệ tử của thầy con không hư đâu! Tôi năng đến chùa nhiều hơn, được nghe pháp, dạo quanh khuôn viên rộng với nhiều cây bồ đề lớn, lòng nhẹ bẫng tưởng như mình vừa trở về sau bao năm biền biệt; và vị sư trẻ là người thân duy nhất còn lại.

Con sẽ không hư đâu thầy. Và để giữ vững lời nguyện đó tôi đã dằn lòng vĩnh biệt ngôi chùa thân yêu, mãi mãi quên vị sư trẻ. Người ta vẫn nói khuấy đục trăm sông xin chớ khuấy tâm người tu hành. Rồi mỗi lần ở nơi xa tưởng đến tia sét đánh vỡ tảng đá, tôi lại rùng mình lăn lộn giữa canh khuya rớm lạnh.

Phải đợi rất lâu, lúc vị sư già xả thiền tôi mới có dịp tiếp kiến. Gật đầu và im lặng, khiến tôi có ý nghĩ sư đang giai đoạn tịnh khẩu. Rồi sư pha trà, đưa tay ra hiệu mời tôi ngồi. Trời đang vào đợt lạnh cuối năm. Sư mở cửa sổ, gió lùa vào từ vườn mai. Chợt nhớ một thiền sư nói về quy luật bình thường lại bỗng khiến tôi giật mình: Hoa mai nở giữa tiết trời đông giá buốt chứ không phải vào dịp xuân ấm áp. Mùa xuân chỉ thừa hưởng vẻ đẹp từ nỗi đau đớn quặn lòng của mai vàng lúc tiết mật. Đức Phật qua thời tu khổ hạnh, theo trung đạo đã triệt ngộ, nhưng mấy ai khước từ khổ hạnh lại đặt chân ra khỏi tam giới bao giờ. Ngày xưa các vị chân tu vào rừng sâu ăn lá cây củ quả cầm hơi, tâm họ dần dà thuần hóa loài khỉ theo vũ điệu cuồng si. Chân tâm bình lặng là nhân duyên khiến chủng tử bồ đề vốn sẵn trong họ nẩy mầm vươn giữa trời lồng lộng. Một ngày ai đó xuyên vào rừng đã gặp người râu tóc phủ kín, chỉ đôi mắt rực sáng. Những cao tăng ở các tự viện lặn lội thỉnh họ về rộng độ quần sanh. Cái cảm giác như tôi lần vào một lùm cây hoang đúng lúc gặp tiết xuân, chợt lồ lộ cây mai vàng lặng lẽ tỏa nỗi buồn tinh khiến. Sững sờ. Một cội mai đài các lại mọc ở chốn hoang vu lau sậy này ư. Tôi cứ đứng đó ngẫm ngợi về sự hào nhoáng phố thị, sự ganh đua danh vị rốt cuộc vẫn mù tăm giữa bể dâu nhân thế.

Tôi sống giữa rừng người trong cuộc sinh tồn không kém phần hoang dã. Trở về quê đâu ngờ bao ký ức tưởng đã tàn phai bỗng dày vò bản thể như giữa sông mê không thấy nổi bến bờ. Tôi bắt đầu sực nhớ, hồi nhỏ cùng lũ bạn trẻ ranh từng lẻn vào ngôi nhà này hái trộm trái cây và nhặt hoa tương tư rụng đỏ úa. Ngôi nhà chỉ hai mẹ con nương tựa nhau. Người mẹ ngày đêm niệm Phật cầu vãng sanh Cực lạc. Người con hiếu thảo song không tin Phật. Lúc anh đi làm, chúng tôi chui vào khu vườn. Bà già nhìn thấy vẫn điềm nhiên ngồi mặc niệm A Di Đà. Tôi từng bị mẹ dằn nếu còn theo bạn vào vườn người ta sẽ mách bố. (Ấy là lúc mẹ lỡ miệng, bởi bố vào Nam làm ăn rồi ở cùng một cô, sinh con. Mẹ chan nước mắt vào cơm từng bữa…). Một lần bà già nhờ con trai lên phố mua tấm vải về may áo tràng. Sáng đi, trưa đứng bóng mới về, thấy mẹ ngồi niệm hồng danh, anh bắc cơm chín mẹ còn ngồi đó. Hơi lạ, anh tới gần xem, chao, mẹ đã về cõi Tịnh, khuôn mặt rạng ngời chưa phai nụ cười mãn nguyện. Hình ảnh khiến anh rưng rưng xúc động. Anh quỳ sụp xuống trước ánh đạo vàng. Từ đó đến nay… Người ta vẫn bảo, nếu ai thực tu sẽ được chư Phật gia hộ. Thiền sư “tam bộ nhất bái” bất kể gió mưa sông núi, lúc đói lả gục xuống bỗng có người ăn mày cứu sống và đó chính là Bồ tát hóa hiện. Mẹ bảo người người đến cúng dường, sư chỉ giữ lại gạo muối đủ sống, phần còn lại giúp người nghèo và phóng sanh.

Vẫn biết người tu hễ còn dính mắc, chính là sợi dây dẫn họ vào luân hồi sinh tử. Nhìn vườn mai của vị sư già cái ý nghĩ tham sân từng trỗi dậy: sao vườn mai không là của tôi; sao tôi không có một vườn mai như vậy. Lúc đó tôi tưởng đến cảnh sư cười, đặt tay lên đầu mình mà rằng, con còn trẻ dại lắm. Rồi sư tặng tôi những hạt giống từ chính cây mai ngoài kia, khuyên về trồng, cần mẫn chăm bón. Tôi bất chợt nhớ hình ảnh vị sư ngồi thiền bên cánh cửa sổ hé mở. Sư đã trồng vườn mai và song hành với công việc của một người làm vườn là ngồi xuống tĩnh tâm. Lúc quyết chí tu hành cũng là lúc gieo những hạt mai đen nhánh; mai bung nụ mùa đầu sẽ kiểm chứng cho bổn tâm có khai hoa hay chìm luôn trong sương lạnh.

Tôi từng liên tưởng giữa một cội hoàng mai trong chậu với cây nhân sâm bên sườn núi. Sâm không thể trồng nơi đất đai màu mỡ luôn được chăm bón tưới tắm lại cho ra biệt dược; hoàng mai cũng không thể với một cuộc sống vương giả lại dâng những đóa phù sinh chái vàng đúng dịp xuân sang. Cả hai đều từ kham khổ vươn rễ chắt chiu từng giọt nước từ trong nắng hạn mưa sa, từ nỗi đau quèo quặt của thân và rễ mới chiết ra tinh túy đất trời.

Lại ước giờ được đứng bên cội mai của vị sư trẻ tôi quen thuở nào. Sư mang nó trồng trên đỉnh núi, lần ấy tôi được dẫn lên thăm. Cây mai không cao, và hình như nó từng bị gió quật gãy, nay mọc ba nhánh như biểu tượng của Tam bảo; bộ rễ rắn chắc tựa bàn tay quặp chặt vào tảng đá lớn. Tôi ngắm mai còn sư trẻ nhìn về xa xôi với đôi mắt thật đẹp. Nhiều lúc tôi vẫn liên tưởng khuôn mặt ấy với một thánh nữ… Khoảnh khắc hiếm hoi tưởng sư phải nói khác những lời ở chánh điện trước nhiều Phật tử; hay sư vẫn dùng chánh pháp để đẩy lùi vọng tưởng. “Con người phải hướng nội, biết khước từ hư danh, nhẫn nhục siêu phàm làm hiền thánh. Cây mai từ lúc gieo hạt đến nay không hề ai tưới một gáo nước vậy mà nó vẫn kiên gan giữa bốn thời xuân hạ”. Rồi tắt lịm. Sư trẻ vội xuống núi còn tôi cảm nhận sự cô đơn trên đỉnh dốc tuyệt mù mây xám.

Một sớm đầu đông, tôi lật tung tấm chăn vùng dậy mở cửa. Gió tràn vào cắt cứa. Tôi đến nơi thấy ngọn đèn hắt ra ánh sáng mờ. Vị sư già bắt đầu thời thiền lúc ba giờ sáng (chừng tôi còn trong giấc ngủ sâu), và sau khi xả thiền sư bắc nồi nước lên bếp lửa củi. Tôi ngồi bên sư đến lúc sương tan dần trên những chồi mai. Tôi cũng không ngạc nhiên trước thái độ của sư: không hỏi tôi con ai trong làng, không cần biết tên tôi và tại sao tôi có thú thưởng trà? Vị thiền phải chăng như ấm trà đặc, vài ngụm đầu đắng, uống thêm ngọt dần và hạnh phúc lan tỏa. Dẫu cõi tu không đơn giản như việc gieo hạt mai, ít năm đã có mùa vàng nghinh xuân. Thoáng nghĩ nếu tôi được hoán đổi vị trí của mình với sư, không chừng bao lâu vườn mai đã sâu đục thân rụi xuống còn tôi thì sầu đục tâm mục ruỗng! Con người một khi đối diện với cô đơn mới nhận diện vô vàn sợi nhân duyên ràng buộc, thấm cảnh mình tự neo chân vào quả địa cầu khổng lồ không tài nào với tay chạm vào cõi thánh. Tôi lao mình vào đám đông như con thiêu thân, chen chân vào những nẻo chật cứng người còn đạo lộ thênh thang thì run rẩy lần lữa khước từ. Sợ nắng gió, sợ sương lạnh thấu xương tài rụi trước lúc đơm hoa trả nghĩa. Lại muốn cúi rạp mình bên dáng mai lừng lững trên đỉnh núi mờ xa.

Tuần trà còn đậm, vị sư già nhìn vườn mai bảo tôi chọn lấy hai gốc. Tôi thật sự ngạc nhiên song không biểu lộ, nghĩ bậc chân tu đến thân chẳng tiếc huống hồ mấy gốc cảnh. Đã nhiều lần lội trong vườn mai, tôi thuộc từng bộ rễ nhánh lá. Khuôn mặt của gã chuyên bứng cây trong làng, râu xồm và nụ cười tài tử thoáng qua. Tính vào dịp cuối xuân, mai gượng dậy sau thời khắc cạn lực đơm hoa tôi sẽ nhờ bứng về… Đằng khác tôi lại không muốn động đến một gốc mai nào. Tôi không nở tách lìa chúng khỏi nơi đã quá thân thuộc. Tôi từng buồn khổ biết bao lúc rời ngôi chùa hẻo lánh có vị sư trẻ trú trì. Hôm nay về quê, mới đến với vị sư già chưa lâu đã không muốn rời. Một khu vườn thênh thang yên tĩnh. Thoáng ước mình sẽ ở lại nơi này, có vườn mai tháng ngày chăm bón. Tôi sẽ sáng sáng đun nước sôi và chế trà, tôi sẽ nấu ăn giúp sư, sửa soạn cho sư từng giấc ngủ sâu.

Sáng nay tôi đến dự tuần trà với sư. Ngôi nhà vắng. Lội vườn sau ra vườn trước, tôi xuống bếp, lòn ra hiên ngó quanh hàng xóm. Chiếc áo hoại sắc sư mặc hàng ngày treo trên móc gỗ, giường vẫn chiếu chăn như ai vừa mới ngủ dậy. Bóng người về đâu? Tự dưng tuyến lệ trào và tôi khóc như một đứa trẻ. Bâng khuâng hụt hẫng. Có lẽ tôi vẫn mãi là một đứa trẻ, không hiểu chút gì về phong vị thiền nên miền hoang dậy sóng. Sao tôi không nhận ra trong đôi mắt của vị sư luống tuổi ấy một nỗi lo mơ hồ? Mẹ từng nhắc khéo, tôi cứ ậm ừ nói dối những lúc đến ngôi nhà này. Chợt hiểu tại sao ngày xưa thời gian đầu Đức Phật không nhận đệ tử hàng nữ nhi. Thân thể này, chỉ thân thể này đứng yêu như cội mai lặng kia cũng dễ thức dậy những vọng động bản năng trong một kiếp nhọc nhằn tiến hóa. Tôi bỗng nhớ vị sư trẻ.

Tôi muốn chạy một mạch đến với vị sư trẻ thốt lời sám hối. Tôi thực sự bị choáng ở lần đầu gặp sư. Chàng thanh niên sáng láng với trái tim nhân hậu khiến tôi rũ được quá nửa bụi bặm. Tôi không nghĩ mẫu người lý tưởng như vậy lại chối từ mọi thứ tôi cho là hạnh phúc. Điều gì lẫy lừng trong Phật pháp khiến con người ấy quay lưng với tôi? Càng được gần gũi vị sư trẻ tôi càng cảm thấy mình nhơ nhớp. Cho đến lúc cái ý nghĩ được quét rác cho chùa cũng khiến mình hổ thẹn, tôi tự biết phải xa thật xa vùng đất có ngôi chùa có vị sư trẻ. Nếu không vẫn còn đang ngụp lặn trong bùn lầy, dẫu biết trong tôi vẫn còn mang một món nợ hữu hình khác. “Là đệ tử của thầy con không hư đâu”. Vị sư trẻ chắp tay cúi đầu trước tôi. Bao nhiêu năm gặp lại sư vẫn không muốn nhìn thẳng vào khuôn mặt tôi… “Con biết chăng, lúc ta phóng ra một ý nghĩ, đối tượng dẫu không biết song thần thức họ đã tiếp nhận và nó trở thành hạt giống chờ nhân duyên tác vỏ nẩy mầm”. Tôi quặn lòng muốn gieo mình xuống như một cánh mai vàng.

Bỗng nhớ một chập tối, mẹ bưng cơm đến cúng dường vị sư già, gặp lúc có bà dì đến thăm nên giao cho tôi. (Thực tế mẹ không cho phép tôi đến cúng dường sư bao giờ). Tịnh thất tối om. Nhớ lời vị sư trẻ, tôi vừa niệm Phật vừa đưa tay mò mẫm trong nhà, bất giác chạm phải sư đang tĩnh tọa… Ngọn đèn dầu thắp lên, ánh sáng phả vào khuôn mặt vị sư già hồng hào, chao ôi ấm áp. Có những ước mong tưởng nhỏ bé lại không tài nào với đến; ví như ước trước mặt là vị sư trẻ, tôi xới cơm sư ăn và thề sẽ không một cử chỉ khiến sư xao động. Tôi chỉ xin được ngồi bên thôi, như một cái bóng giữa khoảng tối mênh mang.

Tôi nhặt bông mai vàng trong vô thức, nhìn trời và cánh hoa rơi khỏi tay lúc nào. Tự an ủi mình bằng hình ảnh, có phải sư Tổ nhọc công kiếm tìm một chiếc dép để có cớ ở lại trần gian hóa độ. Còn sư, tôi vẫn hy vọng sư không bỏ rơi một sinh linh lầm lạc là tôi?

Ngọn gió xuân nhè nhẹ lùa vào khu vườn cũng đủ khiến mai vàng rụng dày tiếc nuối. Tôi nhìn cội mai tưởng đến dáng hình một người thiếu phụ đang thủ tiết chờ ai. Cảm giác lạ lùng khơi dậy; cái cảm giác quen đến nao lòng chẳng thể nhớ lặp lại từ khung cảnh nào. Dẫu gió buốt sương sa thì mai cũng đã ứa nụ đơm bông dẫu cái đẹp lặng lẽ tỏa hương rồi chìm vào hư vô chăng nữa.

Nhụy Nguyên

 

. . . . .
Loading the player...